Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 20 tháng 5 năm 2022 | 9:47

Năm 2022, Hoà Bình phấn đấu giảm từ 2,5-3% số hộ nghèo

Theo Kế hoạch về Chương trình Giảm nghèo bền vững năm 2022, tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân của tỉnh là 2,5 – 3%/năm. Cụ thể, sẽ giảm từ 15,49% cuối năm 2021 xuống còn 12,99 - 12,49% cuối năm 2022.

Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2022 của tỉnh Hoà Bình gồm 6 dự án thành phần gồm: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng; phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; truyền thông và giảm nghèo về thông tin; dự án nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình.

Trong quá trình triển khai tỉnh yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc đúng quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2022 phản ánh đúng thực trạng đời sống kinh tế xã hội của địa phương. Đẩy mạnh tuyên truyền mục tiêu giảm nghèo sâu rộng đến các cấp, các ngành, các tầng lớp dân cư và người nghèo nhằm thay đổi và chuyển biến nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, vận động nhân dân cùng góp sức thực hiện công tác giảm nghèo, tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách và nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, của cộng đồng để thoát nghèo, vươn lên khá giả.

 

Tỉnh Hoà Bình phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15,49% vào năm 2021 xuống còn 12,99 - 12,49% cuối năm 2022.

 

Tiếp tục hưởng ứng phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Tiếp tục vận động các nguồn lực từ xã hội để thực hiện công tác giảm nghèo như các hình thức hỗ trợ từ Quỹ "Ngày vì người nghèo" và công tác an sinh xã hội. Tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện tại địa phương, cơ sở; phát hiện và xử lý nghiêm các biểu hiện, vụ việc vi phạm, lợi dụng chính sách, nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo; biểu dương kịp thời các gương điển hình, các tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo chung, bao gồm: Tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hỗ trợ về giáo dục, hỗ trợ về y tế, hỗ trợ nhà ở, hỗ trợ về nước sạch và vệ sinh, hỗ trợ tiếp cận thông tin. Đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu, đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi. Đảm bảo 100% người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế.

Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chính sách giảm nghèo năm 2022 từ ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương theo phân cấp. Ngoài ra, huy động các nguồn kinh phí hỗ trợ, giúp đỡ từ các tổ chức, cá nhân và từ các nguồn lực hợp pháp khác theo quy định; huy động tham gia từ vốn góp, ngày công lao động, vật tư... của người dân, của cộng đồng và chủ  động khai thác sử dụng có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh từ các nguồn lực tự nhiên và nguồn lực kinh tế - xã hội của địa phương.

 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
Top