Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 26 tháng 11 năm 2020 | 13:59

Nắm bắt tốt nhu cầu: Nhiều nông sản tăng tốc sang EU

Noel và Tết Dương lịch là thời điểm các nước EU tiêu thụ mạnh nhất các mặt hàng như tôm, cá tra, trái cây… Chính vì thế các doanh nghiệp Việt Nam đang tập trung đón đầu cơ hội, nắm bắt thị hiếu và thời điểm gia tăng xuất khẩu trong những tháng cuối năm.

tr23.jpg
Chế biến tôm phục vụ xuất khẩu và thị trường EU.

 

Nắm bắt thị hiếu và thời điểm

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho rằng, dù mới đi vào thực thi EVFTA hơn 3 tháng nhưng kim ngạch XK nhiều loại nông sản sang EU đã tăng đột biến với mức giá khá cao. Hiện, EU là thị trường XK thứ 4 của rau, quả Việt Nam.

“Sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, nhu cầu tiêu thụ trái cây của người dân châu Âu tăng cao trở lại, XK mặt hàng này sang EU sẽ có những bước tiến đột biến”, ông Trần Thanh Hải nhận định.

Trên thực tế, ngày 17/11 mới đây, Thương vụ Hà Lan (Bộ Công Thương) vừa công bố thông tin khảo sát thị trường châu Âu để DN có thể nắm được và điều chỉnh kế hoạch sản xuất – XK cho phù hợp.

Theo đó, Thương vụ cho biết, người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm đến các loại trái cây hương vị mới mẻ nên giá trị của trái cây đặc trưng vùng nhiệt đới khi đưa vào thị trường được nâng cao hơn so với khu vực khác. Vì ích lợi đối với sức khỏe từ trái cây nhiệt đới đã khiến nhu cầu sử dụng tăng cao. Đứng đầu là lựu, chanh dây, cây lý và vải; các loại trái cây đặc trưng khác như pitahaya, chôm chôm và khế, chắc chắn có tiềm năng tăng trưởng.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cũng cho rằng, EU là thị trường năng động, những cơ hội lớn nhất trong lĩnh vực thương mại rau, củ, quả tập trung quan trọng trong các mối quan hệ hợp tác với các thương nhân Hà Lan – nơi có dung lượng nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng trưởng khá mạnh trong những năm qua. Bởi từ lâu nay, Hà Lan đã được coi là cửa ngõ để vào thị trường EU, nơi trung chuyển hàng hóa hàng đầu Châu Âu và thế giới, đối với các mặt hàng rau, củ, quả.

Ông Mathijs van den Broek, Thành viên Ban điều hành, Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV) cũng cho biết, quy mô thị trường rộng lớn và nhu cầu theo mùa của EU chính là thị trường hấp dẫn các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển. Những loại trái cây nhiệt đới và mới lạ sẽ thu hút người tiêu dùng EU. Điều này sẽ là một thế mạnh cho các nhà XK từ các quốc gia có khí hậu nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, qua khảo sát thị trường châu Âu, Thương vụ Hà Lan cho biết, hiện nhiều quốc gia đã tận dụng lợi thế về các loại trái cây nhiệt đới và tăng quy mô sản xuất để XK sang châu Âu. Do vậy, Thương vụ Hà Lan khuyến cáo DN Việt nên tìm hiểu kỹ lưỡng và nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như việc đáp ứng thị hiếu trong cung cấp hàng hóa cho thị trường này.

Trong đó, Thương vụ lưu ý DN về một vài thời điểm đặc biệt khiến nhu cầu trái cây nhiệt đới ở châu Âu tăng đáng kể. Chẳng hạn, cao điểm nhập khẩu của các nước này vào tháng 4 và tháng 12 (kéo dài từ Giáng sinh đến năm mới). Trong mùa hè (khoảng tháng 7, 8), nhu cầu của người châu Âu giảm do đây là mùa có của trái cây địa phương. Trên cơ sở này, khi XK trái cây, DN cần tính đến nhu cầu theo mùa để điều chỉnh sản lượng và kế hoạch cung cấp.

Hơn nữa, EU mở cửa về thuế quan nhưng việc thâm nhập vào thị trường này có không ít khó khăn bởi yêu cầu rất chặt chẽ về chất lượng, an toàn thực phẩm. Do vậy, đối với các DN xuất khẩu, Thương vụ Hà Lan lưu ý các DN xuất khẩu cần phải đáp ứng kỳ vọng của người tiêu dùng về một sản phẩm lành mạnh, đặc biệt là sản phẩm sạch, bền vững và không có thuốc trừ sâu. Ngoài ra, chứng nhận hữu cơ có thể là một điểm cộng. Đặc biệt, vấn đề về cải tiến bao bì, công nghệ xử lý... giúp thời hạn sử dụng kéo dài hơn cũng là những điểm mà DN XK cần lưu tâm.

Tôm và cá tra tăng tốc

Thị trường tiêu thụ cá tra dần được phục hồi kể từ tháng 9 đến nay, bởi 8 tháng của năm 2020, tổng kim ngạch xuất khẩu cá tra chỉ đạt hơn 849 triệu USD, giảm gần 30% so với cùng kỳ 2019 thì đến giữa tháng 9/2020 đến nay, các thị trường nhập khẩu đã tăng mạnh lượng nhập để phục vụ dịp Giáng sinh và tết Dương lịch sắp đến. Thị trường tiêu thụ cá tra những tháng gần đây phục hồi đã mở ra triển vọng rất lớn cho ngành hàng này.

Theo phân tích của Công ty chứng khoán BSC, giá nguyên liệu đầu vào có dấu hiệu phục hồi đầu tiên, diễn biến giá nguyên liệu đầu vào thể hiện sức mua của doanh nghiệp cá tra để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Sau khi giảm mạnh từ vùng đỉnh và đi quanh vùng giá đáy hơn 1 năm, giá cá tra nguyên liệu đầu vào đã có những dấu hiệu hồi phục đầu tiên, phản ánh hoạt động thu mua tích cực của các doanh nghiệp chế biến cá tra.

Bên cạnh đó, theo nhận định của VASEP (Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam): EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ tư của Việt Nam sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc, chiếm 13,8% tổng giá trị xuất khẩu tôm của Việt Nam. Hiện nay, xuất khẩu tôm sang thị trường này đã bắt đầu khởi sắc từ tháng 8/2020. Cụ thể tháng 9/2020, xuất khẩu tôm Việt Nam sang EU đạt 57,6 triệu USD, tăng 35,4% so với cùng kỳ và góp phần cho 9 tháng năm nay xuất khẩu tôm sang thị trường EU đạt trên 371 triệu USD, tăng 2,3%.

Thêm vào đó, ở các nước EU hiện nay, dịch COVID-19 nhiều nơi đã được khống chế nên các siêu thị, nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại và kéo theo sự khởi động của ngành Du lịch. Cùng với đó, doanh số bán lẻ hoặc bán hàng online tiếp tục tăng cao, đặc biệt là thời gian vào cuối năm phục vụ cho lễ Giáng sinh và tết Dương lịch nên nhu cầu tiêu thụ tôm chắc chắn sẽ tăng.

Theo Sophia Balod, chuyên gia tư vấn thương mại thủy sản tại Seafood Trade Inteligence Portal, hầu hết hãng chế biến tôm tại Châu Âu đã bắt đầu đặt hàng để chuẩn bị cho Lễ Giáng sinh và năm mới sớm hơn mọi năm do lo ngại covid -19 có thể quay lại và bùng phát bất cứ lúc nào. Thị trường tôm sắp tới chắc chắn sẽ có nhiều biến động. Tuy nhiên, đây chỉ là hiệu ứng tạm thời do các đơn đặt hàng từ châu Âu tăng đột biến nhưng cũng mang lại cơ hội cho các nước xuất khẩu tôm.

Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu tập trung đẩy mạnh chế biến và tăng tốc vào những tháng cuối năm và đầu năm 2021. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu hàng sang thị trường EU, buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định khắt khe về truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn thực phẩm…

Theo các hãng nhập khẩu thủy sản châu Âu, nhu cầu tiêu thụ từ kênh bán lẻ suốt kỳ nghỉ lễ vào cuối năm nay sẽ thấp hơn so với những năm trước, nhưng họ vẫn cố gắng mua nguyên liệu và hy vọng có thể bán ra với giá tốt hơn vào dịp lễ.

 

 

Đăng Quang
Ý kiến bạn đọc
Top