Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 15 tháng 10 năm 2017 | 9:30

Sự kiện 24/7: Bế mạc Hội nghị TW 6; tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng; Bộ KH-ĐT “cầu cứu” Thủ tướng

Sự kiện đáng chú ý nhất trong tuần là Hội nghị 6 của BCH TW Đảng khóa XII thành công rực rỡ, theo đó đã tiếp tục truyền lửa để phong trào đấu tranh phòng chống tham nhũng được thực hiện triệt để hơn.

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, tuần qua, các tỉnh miền núi phía Bắc, khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề vì mưa lũ. Bên cạnh đó là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ về tình trạng chặt phá rừng; đặc biệt là sự kiện Bộ Kế hoạch & Đầu tư phải “cầu cứu” Thủ tướng do bị một nhóm doanh nghiệp quấy nhiễu…

Bế mạc Hội nghị TW 6: Tiếp tục “giữ lửa” phòng chống tham nhũng

Sau 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, dân chủ và trách nhiệm, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, hội nghị Trung ương 6 (khóa 12) đã bế mạc với kết quả thành công tốt đẹp.

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đánh giá, các ủy viên Trung ương và các đại biểu dự hội nghị đã nghiên cứu, chuẩn bị kỹ và thẳng thắn thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng vào các báo cáo và đề án.

Trung ương đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này và yêu cầu trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế. 

Theo đó, cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức tổng thể của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong giai đoạn mới; trên cơ sở đó xác định những công việc cần thiết và có thể triển khai thực hiện ngay. Rà soát, quy định chặt chẽ hơn về biên chế, số lượng cán bộ, công chức, viên chức; chú ý quy định số lượng cấp phó tối đa của mỗi tổ chức phù hợp với đặc điểm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương; có chính sách phù hợp để giảm phạm vi, đối tượng bổ nhiệm cấp "hàm". 

Xây dựng cơ chế cạnh tranh, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ để thu hút người thực sự có đức, có tài vào làm việc trong các tổ chức của hệ thống chính trị. Rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn các đầu mối bên trong của các tổ chức thuộc hệ thống chính trị theo nguyên tắc một tổ chức có thể đảm nhiệm nhiều việc; một việc chỉ do một tổ chức chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; giảm tỉ lệ người phục vụ, nhất là khối văn phòng. Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý giữa cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương. 

Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình; xây dựng chế tài và xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, nhất là người đứng đầu có vi phạm. Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng rộng rãi khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin phục vụ lãnh đạo, điều hành; tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế. 

Trung ương đã bầu bổ sung 2 ủy viên Ban Bí thư khóa 12; xem xét thi hành kỷ luật đối với ủy viên Trung ương, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh. 

Trung ương yêu cầu các ủy viên mới được bổ sung vào Ban Bí thư cần phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước dân, không ngừng nỗ lực phấn đấu, rèn luyện, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đặc biệt là trên lĩnh vực công tác quan trọng được Đảng phân công. 

Về việc xem xét thi hành kỷ luật, Trung ương cho rằng: Đây là bài học đau xót cần nghiêm túc rút kinh nghiệm không chỉ đối với đồng chí Nguyễn Xuân Anh mà là bài học chung. Từng ủy viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa, tự răn mình, tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm. Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại, củng cố lòng tin và tình thương yêu quý trọng của nhân dân. Tổng bí thư khẳng định: “Làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả”. 

Bị doanh nghiệp quấy nhiễu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kêu cứu Thủ tướng

Một sự việc hi hữu khiến Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phải gửi văn bản báo cáo Thủ tướng chỉ đạo xử lý: Một nhóm doanh nghiệp cùng địa chỉ, liên tục gửi bộ này kiến nghị những nội dung "trùng lắp", phi lý, thậm chí có dấu hiệu vu khống cơ quan nhà nước.

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ KH&ĐT vừa gửi Thủ tướng Chính phủ, có một nhóm doanh nghiệp (DN) đã gửi hàng chục văn bản kiến nghị những nội dung y chang nhau.

"Thậm chí, nhiều văn bản nêu nội dung rất tiêu cực và phản cảm, quy kết tội tham nhũng, lại quả 10%, lợi ích nhóm cho lãnh đạo Bộ và yêu cầu các lãnh đạo từ chức...Có những nội dung có dấu hiệu vu khống", thông tin từ Bộ KH&ĐT cho biết.

Thực tế, không chỉ có Bộ KH&ĐT, vừa qua, cả Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính cũng đã liên tục nhận được văn bản của 3 công ty là Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Gia Bảo, Công ty CP Chống ùn tắc giao thông quốc tế, Công ty CP Phòng và tránh thiệt hại ngân sách kiến nghị sửa đổi Nghị định 15/2015/NĐ-CP với nội dung giống hệt nhau.

Bộ KH&ĐT bị "tấn công" với lượng văn bản nhiều nhất: 37 văn bản. Công ty Gia Bảo là DN gửi nhiều nhất trong số các DN này. Công ty Gia bảo được biết đến với những văn bản khá lạ lùng như phê cả những văn bản của Chính phủ là "buồn cười quá", hay kiến nghị xin thay Tổng Công ty Đường sắt để làm chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên, xin làm đơn vị thi công sân bay Long Thành,...

Đáng chú ý, trong nhóm công ty này còn có một DN có tên Công ty CP Phòng và tránh thiệt hại ngân sách. Công ty này đã từng có văn bản gửi Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước tăng lương cho các Bộ trưởng và Uỷ viên trung ương vì cho rằng mức lương hiện tại của họ không đủ để nuôi 2 con ăn học... Tuy nhiên, khi Thanh tra Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, hẹn làm việc thì không thấy người của Công ty này đến làm việc.

Không may cho nhóm DN trên, Bộ KH&ĐT lại là cơ quan đầu mối về đăng ký doanh nghiệp. Qua kiểm tra, Bộ này phát hiện ngay các DN và cả một số cá nhân gửi đơn thư về nội dung giống nhau như trên có cùng địa chỉ với công ty Gia Bảo là tòa nhà D2, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội.

Bộ KH&ĐT khẳng định: Công ty CP Chống ùn tắc giao thông quốc tế, Công ty CP Phòng và tránh thiệt hại ngân sách là một. Hầu hết các công văn của các DN này đều có thể thức trình bày và lời lẽ giống nhau.

Làm việc với Công ty Gia Bảo, Bộ KH&ĐT cho rằng, các kiến nghị của công ty này như sửa Nghị định 15 trong 30 ngày đồng thời đề nghị có quy định yêu cầu nhà đầu tư cam kết giữ tối đa 9% lợi nhuận đối với dự án BT là "không đảm bảo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật và không phù hợp để tiếp thu".

Nhận thấy sự phiền hà từ nhóm DN trên, Bộ KH&ĐT cho biết đã có công văn yêu cầu các DN này không tiếp tục gửi các kiến nghị trùng lặp kèm những nội dung đả kích tiêu cực, nói xấu cán bộ nhà nước đến Bộ và Văn phòng Chính phủ và các cơ quan khác. Nhưng các DN này tiếp tục gửi hàng chục văn bản đến Bộ KH&ĐT. Tuy nhiên, DN này vẫn tiếp tục gửi thêm hàng chục văn bản khác.

Do vẫn chưa ngăn chặn được các văn bản gửi tới từ nhóm DN trên, cuối tháng 9, Bộ KH&ĐT đã phải gửi tờ trình kiến nghị Thủ tướng cho phép không xử lý các văn bản có nội dung trùng lặp mà Bộ đã trả lời nếu các DN trên tiếp tục gửi tới Cổng thông tin điện tử và Bộ KH&ĐT.

Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chuyên trách xem xét có biện pháp cụ thể để xử lý, ngăn chặn hành vi của các DN trên theo quy định của pháp luật nhằm giải quyết triệt để tình trạng này.

Sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra phá rừng

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quản lý, bảo vệ rừng sáng 14/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận xét: chúng ta đã làm được nhiều việc, nhất là trong nhận thức và hành động. Việc xử lý nghiêm một số trường hợp và  tăng cường quản lý, bảo vệ rừng ở một số địa phương đạt kết quả đáng mừng. Độ che phủ rừng năm sau cao hơn năm trước và đặc biệt năm 2017, độ che phủ rừng dự báo đạt chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, thực trạng còn nhiều vấn đề, trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là một số giải pháp chưa có tính khả thi cao.

Thủ tướng sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra phá rừng.

Theo đó, Thủ tướng đã nhấn mạnh 3 chủ trương lớn cần thực hiện nghiêm trên toàn quốc. Đó là tiếp tục thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên. Các bộ, ngành, các địa phương phải quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, tạo hành động nhất quán các cấp, các ngành.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ. Tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện.

Thứ ba, không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học. Không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển. Không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Nhấn mạnh việc bảo vệ rừng chủ yếu là các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát.

Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời để tổ chức ngăn chặn hành vi phá rừng. Kiên quyết loại phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.

Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định, nhất là đối với một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua. Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở, chứ không để tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Các địa phương tiếp tục giải quyết tình trạng di dân tự do, không để người dân phá rừng lấy đất sản xuất. Triển khai có hiệu quả chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng và bán quyền phát thải các bon, tăng thu nhập cho người làm nghề rừng, giảm áp lực khai thác rừng tự nhiên. Từng bước khôi phục, phát triển diện tích, chất lượng rừng, nhất là phòng hộ đầu nguồn, ven biển. 

Khẩn trương rà soát để giao, cho thuê  đối với diện tích rừng và đất lâm nghiệp do UBND cấp xã đang quản lý, hoàn thành vào năm 2020 với tinh thần “rừng, đất rừng phải có chủ, có người chịu trách nhiệm”.

97 người chết, mất tích do mưa lũ

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, đến chiều 14/10, mưa lũ đã làm 60 người chết (Sơn La 6 người, Yên Bái 7 người, Hòa Bình 20 người, Thanh Hóa 15 người, Nghệ An 9 người, Hà Nội 2 người và Quảng Trị 1 người). Tới nay còn 37 người mất tích (Sơn La 2 người, Yên Bái 17 người, Hòa Bình 13 người, Thanh Hóa 5 người). Về sự cố sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người ở xóm Khánh, xã Phú Cường (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) hiện đã tìm thấy 11 thi thể nạn nhân. Các lực lượng chức năng tiếp tục tìm kiếm 7 người còn mất tích.

Mưa lũ đã gây rất nhiều thiệt hại về người và của ở các tỉnh phía Bắc.

Đến nay, 19 xã của Hòa Bình vẫn đang bị cô lập; tại Thanh Hóa còn 35 xã của 7 huyện vẫn đang bị ngập; Ninh Bình còn 8 xã tại Nho Quan và Gia Viễn bị ngập. Đến nay, các địa phương là Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, nhiều vị trí vẫn chưa thông tuyến, hiện các địa phương vẫn tiếp tục tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục giao thông.

Còn theo thống kê của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đến 17h ngày 14-10, trên hệ thống quốc lộ vẫn còn nhiều điểm ách tắc do sạt lở, ngập nước.

Trên quốc lộ 6 qua tỉnh Hòa Bình còn 1 vị trí ách tắc do sạt lở taluy và 1 vị trí ách tắc do ngập nước mặt đường sâu 2m từ ngày 12-7, tới nay đã rút bớt nhưng vẫn còn sâu 1m.

Tại Thanh Hóa, quốc lộ 217 và quốc lộ  47C vẫn còn điểm ngập sâu 0,5m; quốc lộ 16 và quốc lộ 47 còn các điểm sạt taluy.

Trên địa bàn tỉnh Nghệ An, quốc lộ 48E vẫn còn ngập sâu 0,5m; quốc lộ 16 còn 3 vị trí sụt lở taluy, dự kiến 12h ngày 15-10 sẽ thông xe toàn bộ; trên quốc lộ 48 các vị trí sạt lở đã khắc phục thông xe một làn.

Tại Yên Bái, sự cố sập cầu Ngòi Thia cũ làm tắc đường tỉnh 174, phải phân luồng giao thông theo tuyến tránh thị xã Nghĩa Lộ của quốc lộ 32.

Chuẩn bị ứng phó bão số 11 với tinh thần cao nhất

Những hậu quả nặng nề của trận lũ lụt còn chưa khắc phục xong, các tỉnh Bắc Trung Bộ có thể sẽ phải hứng chịu cơn bão số 11 được dự báo khá mạnh. Chiều 14/10, tại cuộc họp khẩn cấp ứng phó với bão số 11 khả năng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Trung bộ, Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu việc ứng phó phải tuyệt đối không được chủ quan, phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, khoảng 16 giờ ngày 14/10, bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 590km về phía đông đông bắc, với sức gió mạnh cấp 10-11, giật cấp 13.

Không được chủ quan trước diễn biến phức tạp của bão số 11.

Sau đó, bão sẽ di chuyển theo hướng tây bắc, tốc độ khoảng 15-20km/h và có khả năng mạnh thêm. Đến 16 giờ hôm nay (15/10), bão cách Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 280km về phía đông, với sức gió mạnh cấp 12, giật cấp 15. Theo dự báo, trong 24-48 giờ tiếp theo, sau khi di chuyển đến đảo Hải Nam, bão sẽ chuyển tây tây nam, ngoặt vào vịnh Bắc bộ, hướng thẳng vào đất liền là các tỉnh Bắc Trung bộ. Đến 16 giờ ngày 16/10, bão nằm trong vịnh Bắc bộ, lúc này bão giảm còn cấp 9, giật cấp 12.

Theo nhận định, cơn bão 11 sẽ ảnh hưởng trực tiếp các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị. Đồng thời, bão sẽ gây mưa trong các ngày 16-17/10 tới. Đáng lưu ý, sẽ có mưa ở khu vực Sơn La, Hòa Bình, Nam đồng bằng Bắc bộ với lượng mưa khoảng 100 mm. Các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị lượng mưa lớn hơn từ 100-200mm.

Trước tình hình trên, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN&PTNT, Trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai yêu cầu không được chủ quan với bão số 11. “Chúng ta đang trải qua trận mưa lũ lịch sử, cơn bão số 11 rơi vào đúng thời điểm này rất đáng lưu ý. Dù chưa xác định được chính xác tâm bão đổ bộ, tuy nhiên bão vào theo phương án nào chúng ta cũng phải chuẩn bị ứng phó với tinh thần cao nhất”- ông Cường nói.

Bộ trưởng Cường yêu cầu các lực lượng bộ đội biên phòng, kiểm ngư thông báo cho các tàu thuyền hoạt động trên biển chủ động di chuyển trú tránh, đảm bảo an toàn. “Căn cứ vào bản tin gần nhất để thông báo cho các địa phương nắm được tình hình rồi mới lệnh cấm biển để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền. Trọng tâm công tác ứng phó là ở các đới bờ các tỉnh miền Trung; mưa lớn, trung bình đều phải chuẩn bị cao độ. Ngoài ra, tập trung vào việc khắc phục hậu quả mưa lũ vừa qua, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn những người còn mất tích”- ông Cường nói.

Với tình trạng đất đá nhiều khu vực đã “no” nước, hàng nghìn hồ đang đầy nước và xả tràn, đặc biệt là tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… Bộ trưởng Cường lưu ý, chỉ cần một lượng mưa khoảng 100mm là rất nguy hiểm, dễ xảy ra sự cố. Do vậy, tất cả các hồ xung yếu lớn nhỏ, yêu cầu địa phương theo dõi chặt chẽ, lập tức có các phương án đối phó với mưa lũ.

Vụ trưởng thanh tra họp báo ở phòng khách sạn có sức chứa 100 người

Sáng 15/10, ông Nguyễn Minh Mẫn -  quyền vụ trưởng Vụ Thanh tra Văn hoá, Xã hội (Vụ III) Thanh tra Chính phủ, tổ chức cuộc họp báo về việc cá nhân ông bị "đánh hội đồng và bôi xấu" trong thời gian qua.

Rất đông phóng viên tham dự buổi họp báo cá nhân của ông Nguyễn Minh Mẫn.

Trước đó ông Mẫn đã gửi giấy mời và thông báo sự việc đến nhiều phóng viên. Cuộc họp báo diễn ra tại khán phòng có sức chứa 100 người, ở một khách sạn sang trọng giữa trung tâm Hà Nội. Chi phí thuê khách sạn và tổ chức họp báo do ông Mẫn chủ động với sự hỗ trợ của gia đình.

Chiều qua 14/10 là ngày nghỉ, nhưng ông Mẫn đã lên cơ quan để tập trung dự thảo nội dung phát biểu và trả lời tại cuộc họp báo. Vào chiều tối, ông cũng đến phòng họp báo để kiểm tra, chuẩn bị cho buổi bọp báo diễn ra chu đáo.

Ông cho hay khách mời của ông chỉ gồm 15 cơ quan báo chí chính thống, ngoài ra các cơ quan báo chí khác vẫn có thể đến nhưng sẽ không chính danh. 

Khẳng định đây là buổi họp báo riêng, liên quan đến vấn đề cá nhân nên ông Mẫn cho hay sẽ không đề cập bất kỳ nội dung nào liên quan đến hoạt động thanh tra và cơ quan chủ quản.

Theo kế hoạch và căn cứ giấy phép Sở Thông tin truyền thông Hà Nội cấp cho ông Mẫn, cuộc họp báo sẽ diễn ra từ 8h30 - 9h30 sáng 15/10; việc phát biểu, trả lời và dẫn chương trình do một mình ông Mẫn đảm nhận.

Để có được giấy phép họp báo, trước đó, ông Mẫn từng hai lần bị Sở Thông tin Truyền thông Hà Nội từ chối vì những nội dung đề nghị trong cuộc họp chưa đúng mục đích và quy định của pháp luật.

Trước đó, Tháng 9/2016, mạng xã hội xuất hiện đoạn ghi âm hơn 10 phút lời của ông Nguyễn Minh Mẫn tại cuộc làm việc với lãnh đạo Đại học quốc gia TP HCM và các trường trực thuộc. Trong đó, ông Mẫn nói: "quá trình thanh tra mà báo chí nó nhiễu thì rất là nhục. Nên các đồng chí phải khắc phục ngay từ đầu không tiếp đoàn nào cả".

Ngày 31/8, Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận kiểm tra việc phát ngôn của công chức. Cơ quan này xác định những phát ngôn "xúc phạm người làm báo" trong đoạn ghi âm trên mạng là của ông Nguyễn Minh Mẫn và quyết định ông này sẽ phải xin lỗi.

Tuy nhiên, ông Mẫn khẳng định, nội dung kết luận trên là trái pháp luật, không chính xác, thậm chí có tính chất "dồn ép và hạ nhục ông". Ông sẽ không xin lỗi vì "phát biểu thì có gì vi phạm, có phải tham nhũng gì đâu".

Sẽ có tàu điện nối Đà Nẵng và Hội An

UBND TP Đà Nẵng vừa tổ chức hội nghị chuyên đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng thành phố. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng năm 2017 sẽ được tổ chức vào hôm nay (15/10) với sự tham gia của 500 khách mời là lãnh đạo Chính phủ, Bộ ngành Trung ương và nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết: Trong thời gian qua, Đà Nẵng đã không ngừng nỗ lực huy động các nguồn lực từ ngân sách, nguồn vốn ODA, nguồn vốn tư nhân trong các dự án PPP để đầu tư, triển khai các dự án cơ sở hạ tầng của TP và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đà Nẵng đang tiếp tục lên kế hoạch vận động, thu hút các nguồn lực để đầu tư vào các dự án trọng điểm.

Trong lĩnh vực giao thông, tập trung nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu, dự án di dời ga đường sắt Đà Nẵng. Trong đó, cảng Liên Chiểu đảm bảo tiếp nhận tàu có trọng tải lớn sẽ trở thành cửa ngõ của khu vực miền Trung, khu bến trung chuyển trên hành lang kinh tế Đông Tây kết nối từ Việt Nam sang Lào, Thái Lan, Myanmar, một trong tuyến vận tải ngắn nhất từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương…

Ngoài ra, nhằm tạo tính kết nối với các tỉnh lân cận, ông Tuấn cũng cho biết: TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đã đồng ý chủ trương cùng xúc tiến dự án Tàu điện kết nối giữa Đà Nẵng và TP Hội An. Đây là dự án tiềm năng thu hút các nhà đầu tư tư nhân quan tâm, khai thác nhằm gia tăng giá trị du lịch, giá trị sử dụng đất và hiệu quả giao thông đi lại giữa 2 địa phương.

Liên quan đến lĩnh vực môi trường, ông Tuấn cho biết thêm: Đà Nẵng đang đẩy mạnh công tác chuẩn bị đầu tư cho dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn và dự án Cải thiện môi trường nước thành phố Đà Nẵng. Hai dự án trọng điểm này sẽ góp phần giải quyết căn cơ vấn đề ô nhiễm rác thải đô thị và ô nhiễm bờ biển Đà Nẵng.

Ngoài ra, phát triển cơ sở hạ tầng đi đôi với ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành là mục tiêu thành phố luôn hướng đến nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại và thành phố Đà Nẵng kêu gọi các nhà đầu tư tư nhân tham gia thực hiện các dự án trong lĩnh vực này.

Nguyễn Tố (tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
  • Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Quảng Nam định hướng đưa sâm Ngọc Linh thành Thương hiệu quốc gia

    Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết vừa ký ban hành Nghị quyết số 40-NQ/TU về tăng cường công tác quản lý, bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2035.

  • Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Việt Nam – Mông Cổ hướng tới tăng trưởng bền vững trong nông nghiệp

    Sáng 20/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp và làm việc với ông Jadamba Enkhbayar - Bộ trưởng Lương thực, Nông nghiệp và Công nghiệp nhẹ Mông Cổ, Chủ tịch Phân ban Mông Cổ trong Ủy ban liên Chính phủ song phương.

  • Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Ngành gỗ tăng tốc về đích sớm

    Một trong những điểm nhấn nổi bật trong "bức tranh" xuất khẩu nông lâm thủy sản từ đầu năm đến nay là kết quả xuất khẩu đồ gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Đây là 1 trong 6 mặt hàng có thặng dư thương mại đạt trên 1 tỷ USD và hứa hẹn sẽ lập kỷ lục mới xuất khẩu trong năm 2024.

Top