Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ ba, ngày 3 tháng 1 năm 2017 | 9:17

Nga – phương Tây và cuộc chiến trên mặt trận truyền thông

Ý tưởng cho rằng phương tiện truyền thông được sử dụng để định hướng dư luận chắc chắn không phải là mới và đây cũng chính là một trong những mặt trận mà Mỹ và Liên Xô từng có cạnh tranh ác liệt thời kỳ chiến tranh Lạnh.

Năm 2016, thế giới tiếp tục chứng kiến những trận chiến “không khoan nhượng” trên mặt trận thông tin với một loạt các sự kiện từ cuộc chiến ở Syria đến vụ rò rỉ email của ứng cử viên Tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton.

nga phuong tay va cuoc chien tren mat tran truyen thong hinh 1
Căng thẳng Nga-phương Tây được thể hiện rõ trên mặt trận truyền thông. Ảnh: Reuters

Syria – tuyến đầu của cuộc chiến truyền thông năm 2016

Cuộc chiến chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng với sự góp mặt của một bên là lực lượng Syria trung thành với Tổng thống Bashar Al-Assad được sự hậu thuẫn của Nga và một bên là liên minh do Mỹ dẫn đầu trong năm 2016 chính là tuyến đầu của cuộc chiến tranh thông tin.

Khi hai bên có cách tiếp cận riêng về cuộc xung đột ở Syria, họ sa đà vào những cáo buộc không kích vào các địa điểm dân sự, thông tin sai lệch về việc thiếu nỗ lực để chấm dứt cuộc chiến kéo dài gần 6 năm qua ở Syria.

Mặc dù có chung một mục tiêu là giải phóng Syria khỏi IS nhưng Nga và Mỹ lại có cách thức theo đuổi mục tiêu này thông qua các phương pháp và chiến thuật rất khác nhau.

Phía Mỹ tuyên bố rằng, Nga nhằm vào mục tiêu là lực lượng đối lập ôn hòa trong khi bản thân Washington vẫn đang tìm cách lật đổ Tổng thống hợp pháp của Syria Bashar Al-Assad.

Phía Nga kiên quyết cho rằng, mục tiêu cần phải nhằm đến là nhóm Jabhat Fatah al Sham (tiền thân là nhóm Mặt trận Al-Nusra) và cáo buộc Washington hậu thuẫn cho các nhóm khủng bố để đạt được mục tiêu cuối cùng của họ là loại bỏ ông Assad.

Mối quan tâm thực sự của Nga trong cuộc xung đột tại Syria đã luôn bị bóp méo bằng những cáo buộc cho rằng, Moscow đang muốn kéo dài cuộc xung đột ở Syria để đảm bảo sự thành công của Tổng thống Bashar Al-Assad.

Cuối tháng 10/2016, một phân tích của Reuters dẫn các số liệu của Bộ Quốc phòng Nga nói rằng, gần 80% các mục tiêu mà Nga nhằm đến ở Syria không phải là những khu vực nằm dưới sự kiểm soát của IS.

Theo phân tích này, Nga chủ yếu nhằm tới mục tiêu của các nhóm đối lập chiến đấu chống Tổng thống Syria, trong đó bao gồm Al-Qaeda và các nhóm chiến binh do liên quân chống khủng bố hậu thuẫn. Nga đã bác bỏ những cáo buộc này khi Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói với RT rằng, “mục tiêu của Moscow là những vị trí của các đối tượng và thiết bị thuộc về nhóm khủng bố vũ trang IS”.

Quan hệ Nga – Mỹ trở nên đặc biệt căng thẳng sau sự kiện ngày 17/9/2016 khi liên quân quốc tế do Mỹ dẫn đầu đã tiến hành một cuộc không kích vào các vị trí quân đội Syria gần sân bay ở Deir ez-Zor làm 62 binh sĩ Syria thiệt mạng.

Quân đội Syria lên án hành động này và cho rằng, đó là “bằng chứng thuyết phục” cho thấy Mỹ và đồng minh hỗ trợ IS. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov cho rằng, bên đáng bị lên án “nếu vụ tấn công này là do thông tin bị sai lệch” phải là Mỹ vì không chịu hợp tác với Nga.

Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Samantha Power thì nói rằng, vụ không kích của liên quân do Mỹ dẫn đầu nếu đánh trúng lực lượng chính phủ Syria thì đó là không có chủ ý đồng thời cáo buộc rằng, quân đội Syria thường xuyên nhằm vào các mục tiêu dân sự và gây thương vong lớn cho chính người dân nước mình.

Trong sự việc đoàn xe chở hàng viện trợ nhân đạo ở Aleppo bị tấn công hồi tháng 9/2016, dù Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng những lời cáo buộc lẫn nhau và mở một cuộc điều tra để làm rõ vụ việc thì Mỹ đã phản ứng bằng tuyên bố cho rằng, vụ tấn công, nếu là không cố ý thì ít nhất nó có thể được ngăn chặn bởi Chính quyền Syria và Nga đều đã nắm rõ đích đến của đoàn xe.

Bộ Quốc phòng Nga sau đó công bố đoạn video ghi lại hình ảnh một chiếc xe tải của phiến quân được trang bị súng cối hạng nặng đi sát đoàn xe cứu trợ. Bộ này cũng tiết lộ rằng, một máy bay không người lái của liên quân đã hoạt động gần khu vực Urum al-Kubra, phía bắc Aleppo ở thời điểm xảy ra vụ tấn công nhưng phía Mỹ phủ nhận thông tin này.

Những cáo buộc qua lại của cả hai bên tiếp tục đẩy quan hệ Nga – Mỹ vào bế tắc. Đây chỉ là một ví dụ trong số rất nhiều những cáo buộc lẫn nhau giữa Nga và Mỹ về những vụ tấn công các mục tiêu dân sự như trường học, bệnh viện...

Các tổ chức nhân quyền và tiếng nói trong cuộc chiến Syria

Các tổ chức bảo vệ nhân quyền như Tổ chức theo dõi nhân quyền (HRW), Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cũng có nhiều tiếng nói trong cuộc xung đột ở Syria và trở thành nhân tố quan trọng trong việc cung cấp thông tin liên quan đến những hành động ảnh hưởng đến dân thường ở Syria.

Tuy nhiên, vẫn có những phàn nàn về thông tin do những tổ chức này cung cấp. Đơn cử như việc HRW báo cáo về một vụ tấn công trường học ở tỉnh Idlib ngày 26/10 khiến 22 học sinh và 6 giáo viên thiệt mạng. Phía Nga sau đó đã công bố bằng chứng chứng minh rằng, ngôi trường không hề bị đánh bom nhưng đã bị những kẻ khủng bố thuộc nhóm Jabhat al-Fateh Sham (tiền thân của Mặt trân Al-Nusra) không chế.

Nga cũng cho rằng, truyền thông Mỹ đã quá phụ thuộc vào nguồn tin không đáng tin cậy từ Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) có trụ sở ở Anh – tổ chức ủng hộ lực lượng đối lập ở Syria.

Trước việc SOHR nhiều lần cáo buộc máy bay Nga tấn công các mục tiêu dân sự, Nga đều lên tiếng phản bác đồng thời cảnh báo rằng, tổ chức này không nên được liệt vào danh sách các “cơ quan  cung cấp thông tin đáng tin cậy” khi người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby thường trích dẫn nguồn tin từ tổ chức này.

Nicolas Dhuicq, một thành viên của ủy ban quốc phòng của Quốc hội Pháp nói với Sputnik: “Bất kỳ tiến bộ nào của lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar Al-Assad đều bị bôi xấu hay phản đối”.

Theo ông Dhuicq, truyền thông phương Tây không bỏ qua bất kỳ vụ việc chết chóc nào ở khu vực phía Đông Aleppo – nơi quân đội Chính phủ Syria chủ động tấn công để chiếm lại những khu phố do lực lượng nổi dậy kiểm soát. Ở phần phía Tây của thành phố Aleppo, các vụ việc tương tự lại bị bỏ qua. Thực tế là các phương tiện truyền thông cũng không thông tin về việc những phần tử Hồi giáo cực đoan sử dụng dân thường làm lá chắn sống và không cho họ chạy khỏi vùng chiến sự.

Can thiệp vào các cuộc bầu cử?

Nga và các phương tiện truyền thông của nước này đã phải đối mặt với rất nhiều những cáo buộc can thiệp vào quá trình bầu cử Tổng thống Mỹ, dẫn đến kết quả là chiến thắng của tỷ phú Donald Trump.

Tờ Washington Post gọi những gì xảy ra trong cuộc bầu cử Mỹ là kết quả của “bộ máy tuyên truyền ngày càng tinh vi của Nga”. Trong bài viết đăng tải trên báo này, một số nhóm nghiên cứu cho biết đã tìm ra bằng chứng về những tác động của Nga đối với cuộc bầu cử Mỹ bằng việc góp phần tạo ra hình ảnh bà Clinton “xấu xí” trong mắt cử tri Mỹ.

Một số phương tiện truyền thông Mỹ dẫn lời ông Clint Watts, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách nước ngoài cho rằng, Nga về cơ bản muốn làm xói mòn lòng tin vào Chính phủ Mỹ và các lợi ích của Chính phủ Mỹ.

Đáng chú ý nhất, Đảng Dân chủ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ bằng cách đột nhập trái phép và cung cấp cho trang WikiLeaks các thư điện tử được đánh cắp từ Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ (DNC). Giám đốc chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton, ông Robby Mook cho rằng, việc công bố những email này chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử nhằm mục đích giúp ông Trump giành chiến thắng trong cuộc đua trở thành ông chủ Nhà Trắng.

Không chỉ có tờ Washington Post, tờ New York Times cũng có những bài viết cho rằng, chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump đã nhận được sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ phía Nga.

Theo New York Times, ông Trump rất ngưỡng mộ Tổng thống Nga Vladimir Putin và lưu ý, Chủ tịch ban vận động tranh cử của ông Trump Paul Manafort có mối quan hệ rộng rãi cả ở Nga và Ukraine. Tuy nhiên, người phát ngôn Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho rằng, cáo buộc của phía Mỹ là vô lý và bản thân các trang web của cơ quan chính phủ Nga cũng bị tin tặc tấn công “hàng chục nghìn” lần mỗi ngày.

Điều đáng nói là những cáo buộc của truyền thông Mỹ dường như đã mở đường cho truyền thông Đức làm điều tương tự khi thổi bùng lên những nghi ngại về nguy cơ cuộc bầu cử Tổng thống ở Đức năm 2017 sẽ bị tin tặc nước ngoài can thiệp.

Báo Frankfurter Allgemeine Sonntagszeitung (FAZ) ngày 4/12 trích dẫn một nguồn tin Chính phủ cho rằng, “không còn nghi ngờ gì nữa, Nga đang cố gắng để gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử ở Đức”.

Trước đó, hồi tháng 11/2016, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng nêu mối quan ngại cho rằng, không loại trừ khả năng Nga có thể can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2017 của Đức thông qua các cuộc tấn công mạng và truyền bá thông tin sai lệch.

Phía Nga đã bác bỏ nghi ngờ này khi cho rằng, những tin đồn về việc tin tặc Nga có thể can thiệp vào bầu cử ở Đức là “vô căn cứ”, “hoang tưởng” và đây có thể là một nỗ lực để qua đó khai thác diễn biến tâm lý của các cử tri Đức phục vụ lợi ích cho riêng các ứng cử viên.

Chiến tranh thông tin ngày càng phức tạp

Bruno Ballardini, một chiến lược gia về truyền thông của Italy nhận định: “Lợi ích địa chính trị đã định hình các thông tin tuyên truyền trong các bản tin. Nếu bạn có thể thuyết phục được rằng một quốc gia là tốt hay xấu, điều này sẽ có tác động đến kinh tế, chính trị và thương mại của quốc gia đó.

Chiến tranh hiện đại giờ đây luôn bắt đầu từ các nguồn thông tin và đã xuất hiện những thông tin sai trái về mối đe dọa của Nga trên truyền thông quốc tế. Chiến tranh thông tin rõ ràng đã trở thành một mối đe dọa ngày càng lớn bởi sự phụ thuộc vào mạng xã hội và những tít bài giật gân để thu hút sự chú ý của độc giả.

Cuộc khủng hoảng Syria – mặt trận chính trong cuộc chiến thông tin cực kỳ khốc liệt giữa Nga và Mỹ đã được chứng minh là bước ngoặt cho ảnh hưởng của truyền thông trong việc thay đổi chính sách và thái độ toàn cầu.

Với những gì đã và đang diễn ra ở Syria, có thể thấy, các phương tiện truyền thông và chiến tranh thông tin nhiều khả năng vẫn sẽ là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế và tiếp tục quyết định các chính sách đối ngoại và thái độ của xã hội toàn cầu trong năm 2017./.

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top