Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 26 tháng 7 năm 2021 | 15:59

Ngành chè Nghệ An chủ động “gỡ khó”

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu chè bị ngưng trệ, giá cước tăng cao, giá chè xuống thấp nhưng tiêu thụ chậm.

Hiện, người dân và doanh nghiệp ở Nghệ An đang cùng nhau chia sẻ khó khăn, nỗ lực chủ động “gỡ khó” tìm cách tiêu thụ chè, duy trì sản xuất...

 

t12.jpg

Mặc dù giá xuống thấp và không có lãi song gia đình ông Kỷ vẫn bám đồi, bám vườn tích cực thu hái nhập  chè cho các xưởng chế biến.

 

Giá thấp, khó tiêu thụ

Thời điểm này, người dân trồng chè ở Nghệ An đang vào mùa thu hoạch lứa thứ 2. Khác hẳn với hình ảnh tấp nập của những năm trước, năm nay do ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid- 19, các xưởng chế biến chè khá ảm đạm. Một số hộ trồng chè để chè “quá lứa”, do giá chè xuống thấp, ùn ứ không tiêu thụ kịp.

Chị Nguyễn Thị Ba ở xóm Đá Bia, xã Thanh Mai (Thanh Chương) cho biết: Gia đình thu hoạch gần xong 2ha chè thương phẩm, thế nhưng, chưa năm nào giá chè lại giảm liên tục như năm nay… Vụ đầu xuân, bán với giá 3.600 đồng/kg, nhưng lứa chè thứ 2 này chỉ còn 2.600 đồng/kg. Mỗi sào chè (1 sào Trung Bộ = 500m2), chi phí trên dưới 3 triệu đồng, giờ thu hoạch nếu bán cho doanh nghiệp chỉ thu về chưa đầy 1 triệu đồng. Chưa kể, nếu không có doanh nghiệp thu mua, chè quá lứa, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng…

Ông Nguyễn Văn Kỷ ở xóm 1, Xí nghiệp chè xã Thanh Mai, người gắn bó với cây chè gần 20 năm qua cũng rơi vào cảnh tương tự. 1ha chè của gia đình ông gần như không cho thu nhập. Ông cho biết, trong vụ mùa này, đầu tư hết 3 triệu đồng/sào chè nhưng chỉ thu được 4 triệu đồng, chưa trừ tiền thuê nhân công thu hái. 

Không chỉ riêng người trồng chè, doanh nghiệp, cơ sở thu mua chế biến chè cũng đang gặp nhiều khó khăn. 

Anh Lê Văn Dũng, chủ xưởng chè tại xã Thanh Mai, cho biết: Gần hai năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu chè gặp nhiều khó khăn. Trước đây một container chè vận chuyển bằng tàu thủy với thời gian đi 56 ngày có giá 51 triệu đồng thì nay tăng lên 140 triệu đồng. Giá vật tư không giảm, thậm chí còn tăng như giá chất đốt... Tính ra doanh nghiệp đã lỗ tiền tỷ.

Đồng hành “gỡ khó”

Nhằm “gỡ khó” cho việc tiêu thụ chè trong giai đoạn này, chính quyền các địa phương, doanh nghiệp, người dân ở Nghệ An đã cùng cùng nhau tìm hướng vượt qua bão dịch.

Đơn cử, như ở vùng chè Thanh Chương, dù việc xuất khẩu bị ngưng trệ, song các chủ xưởng chế biến đã chủ động kết nối với các nhà máy, doanh nghiệp trong nước để tiêu thụ chè; ngoài thị trường truyền thống, chủ động chuyển hướng sang thị trường mới, nhiều tiềm năng.

Để gỡ khó, trước mắt, nhiều xưởng chè chấp nhận bán “hòa vốn” hoặc lãi ít cho các doanh nghiệp lớn trong nước nhằm thu hồi vốn. Đây là những đơn vị có tiềm lực tài chính nên mua tích trữ, chờ thị trường ổn định sẽ xuất khẩu. Một số xưởng thì cùng liên kết chia sẻ thị trường, cùng chung xuất khẩu các container chè chất lượng tốt, đồng thời, tìm kiếm đối tác mới, mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản.

Bà Nguyễn Thị Hương, chủ xưởng chè Hương Đường ở Hạnh Lâm (Thanh Chương) cho biết: “Do xuất khẩu gặp khó, lượng chè năm ngoái còn tồn hơn 100 tấn. Tuy nhiên, chúng tôi đã chủ động liên hệ với các bạn hàng ở Phú Thọ, Lâm Đồng… tìm đầu ra cho chè thành phẩm. Liên hệ với ngân hàng để vay vốn thu mua chè nguyê liệu cho bà con. Chia sẻ khó khăn với người dân, chúng tôi đã ứng phân bón, ứng tiền để bà con đầu tư chăm sóc cho lứa chè sau...”.

 

t12a.jpg

Cùng chia sẻ khó khăn, người dân trồng chè luôn đồng hành, đoàn kết với doanh nghiệp, nhiều hộ bán nợ chè cho các xưởng không tính lãi suất. Lúc cao điểm chế biến, sẵn sàng hỗ trợ các xưởng trong vận chuyển, đóng gói sản phẩm...

Về phía chính quyền địa phương, thường xuyên động viên người dân  tập trung chăm sóc chè và chuẩn bị tốt nhất cho việc thu hoạch chè mùa sau. Phối hợp các ban, ngành tạo điều kiện cho  doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận nguồn vốn vay; kiến nghị giãn nợ, giảm lãi suất... để họ ổn định sản xuất, chế biến và bao tiêu chè búp tươi cho người dân. 

Chủ động nâng cao chất lượng

Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp và PTNT Nghệ An, hầu hết nguyên liệu chè cung cấp cho các nhà máy chế biến  từ các giống chè có chất lượng thấp. Có tới 70% giống chè của Nghệ An chỉ phù hợp cho chế biến chè đen; còn giống cho chế biến chè xanh và các chè khác chỉ chiếm 30%. Thế nên chè đen vẫn là sản phẩm chủ lực xuất khẩu của địa phương, hơn nữa, chỉ xuất khẩu chè đen dưới dạng nguyên liệu thô, giá bán chưa cao.

Được biết, Thanh chương là huyện chiếm 60% diện tích chè toàn tỉnh Nghệ An. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đình Thanh, Phó chủ tịch UBND huyện Thanh Chương, cho rằng: Muốn nâng cao chất lượng sản phẩm phải hình thành được vùng sản xuất tập trung, hình thành vùng trồng chè theo chuẩn VietGAP, vùng nguyên liệu an toàn, đưa người dân vào sản xuất trong mối liên kết có tổ chức như hợp tác xã, tổ hợp tác...

Để phát triển bền vững cây chè, nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân thì phải thay đổi tư duy sản xuất, tạo ra các vùng nguyên liệu chè sạch, đa dạng sản phẩm chế biến để tiêu thụ ở thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu bằng cách chế biến sang sản phẩm chè khô chất lượng, sạch, đáp ứng được các tiêu chí khắt khe từ các thị trường khó tính như Nhật Bản,  Hàn Quốc, Đài Loan,...

Ông Lê Đình Thanh cho biết thêm: Thanh Chương đã triển khai trồng vùng chè nguyên liệu VietGAP ở Thanh Đức với quy mô gần 10ha. Vụ vừa qua, chè trồng theo chuẩn VietGAP cho năng suất cao hơn và bán được giá hơn. Thời gian tới, chính quyền sẽ phối hợp cùng doanh nghiệp, HTX mở rộng diện tích chè sạch, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn VietGAP để cạnh tranh bình đẳng với chè trong nước và thế giới. Đây là yếu tố quan trọng để sản phẩm chè mở rộng thị trường xuất khẩu và sản xuất bền vững.

 

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/05/2020 của Chính phủ)

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    The S-Vista “tạo sóng” cho phân khúc căn hộ tại thị trường phía Đông Thủ đô

    Những sản phẩm số lượng giới hạn luôn có sức hút nhờ tiềm năng tăng giá vượt trội so với mặt bằng chung. Cũng vì lý do đó mà ngay sau khi mở bán, tòa căn hộ cuối cùng The S-Vista thuộc phân khu Sapphire - Vinhomes Ocean Park 1 đã khuynh đảo thị trường phía Đông Hà Nội.

  • Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Agribank tích cực hỗ trợ vốn phát triển nhà ở xã hội

    Phát triển nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người dân thu nhập thấp là một chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và phát triển bền vững. Trong bối cảnh việc triển khai các chương trình nhà ở xã hội trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) với trách nhiệm của NHTM Nhà nước, Ngân hàng vì cộng đồng đã tích cực đồng hành cùng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước triển khai các giải pháp tín dụng ưu đãi để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, góp phần hiện thực hóa mục tiêu 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội vào năm 2030.

  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

Top