Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 2 tháng 3 năm 2018 | 13:39

Trồng chè, người dân thu nhập tiền tỷ

“Chè Thái” vốn là thương hiệu nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên, giờ đây sản phẩm này đã vươn xa ra nhiều nước trên thế giới.

1.jpg
Ông Lê Quang Nghìn ở xóm Hồng Thái 2, xã Tân Cương bên cây chè cổ trăm tuổi.

Thu tiền tỷ từ chè

Về Tân Cương - nơi được xem là đệ nhất chè Thái Nguyên để chứng kiến cuộc sống ấm no của bà con, để tin hơn nhận định “làm giàu từ chè” là có thật. Người trồng chè ở đây giờ lái ô tô, xây nhà lầu, giao dịch thương mại không chỉ với bạn trong nước mà vươn ra cả thế giới.

Điển hình là bà bà Đỗ Thị Hiệp, Chủ nhiệm HTX chè Tân Hương (xã Phúc Xuân, TP.Thái Nguyên) là một trong những nông dân tiêu biểu, bắt tay vào làm chè sạch với hơn 40 hội viên trên diện tích hơn 22ha chè được trồng theo tiêu chuẩn UTZ. Giờ đây, chè sạch Tân Hương đã mang thương hiệu quốc tế, xuất khẩu đi nhiều nước khó tính như Nhật Bản, Hà Lan, Canada... Trung bình thu nhập các hội viên đạt gần 368 triệu đồng/năm. Nhiều gia đình có diện tích trên 5ha cho thu nhập cả tỷ đồng/năm.

Gia đình chị Đào Thị Hảo, xóm Nam Tân (Tân Cương, TP. Thái Nguyên) là doanh nghiệp lớn có tiếng trong xã. Ngoài trồng 3ha chè của gia đình, chị còn thu mua chè sạch trong vùng về gia công, chế biến và mạnh dạn đầu tư 2 khu sản xuất, đóng gói chè rộng khoảng hơn 2000m2, với máy móc chế biến, đóng gói và bảo quản chè hiện đại. Chè của HTX chè Hảo Đạt có mặt trên thị trường trong cả nước. Thu nhập hàng năm của HTX phải tính đến con số chục tỷ đồng.

Cùng ở xã Tân Cương, gia đình ông Lê Quang Nghìn, xóm Hồng Thái 2 có 8.000m2 chè được trồng và chăm bón theo quy trình VietGAP. Ông Nghìn tâm sự: “Ngoài trồng và chế biến chè, gia đình tôi còn tham gia làm du lịch cộng đồng, đón khách đến trải nghiệm, tham quan vườn chè. Tính tổng thu nhập năm 2017 gia đình thu về ngót 2 tỷ đồng. Nhiều năm làm ăn thắng lợi gia đình đã xây nhà cửa khang trang, sắm đầy đủ tiện nghi trong nhà, mua được cả ô tô”.

Đến xóm Hồng Thái, không thể bỏ qua đồi chè của gia đình anh Trần Văn Thắng. Ở đây, bà con hay gọi anh là “đại gia chân đất”. Anh Thắng tâm sự, gia đình có 9.000m2 đất chè, chủ yếu trồng và chế biến chè cao cấp như: Chè móc câu, chè nõn, chè đinh. Riêng năm 2017, gia đình anh đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đồng. Có được kết quả nói trên phần lớn nhờ sự hỗ trợ của các chương trình nông thôn mới, dự án thúc đẩy phát triển, làm giàu từ cây chè.

Tết về với hương sắc trà xuân

Nhắc đến Thái Nguyên người ta nghĩ ngay đến chè, người Việt chúng ta trong mỗi dịp Tết đến xuân về đều có ấm chè mời nhau giữa tiết trời mưa lạnh. Vào ngày đầu xuân, khi đi lễ chùa, khởi tâm sắm lễ, người Việt đều không quên ấm chè dâng niệm kính chư Phật. Ấm chè với những hương thơm phảng phất, ấm nồng, đắng mà ngọt mãi nơi cổ họng luôn níu chân kẻ sĩ.

 

3.jpg
Lễ hội “Hương sắc Trà Xuân” vùng chè đặc sản Tân Cương được tổ chức vào ngày 11/1 âm lịch hằng năm.

 

Ở nước ta có nhiều vùng chè nổi tiếng như: Yên Bái, Phú Thọ, Lâm Đồng,… nhưng ngon hơn hết là chè Thái Nguyên, chẳng thế mà dân gian vẫn lưu truyền câu cửa miệng “chè Thái, gái Tuyên”. Chè Thái Nguyên có hương vị đậm đà của rừng núi, có vị chát của nắng và vị ngọt hậu của tình xứ Thái.

Vùng đất Tân Cương được mệnh danh là “Đệ nhất danh trà”. Nhằm tôn vinh cây chè và nghề trồng chè truyền thống, các sản phẩm trà Thái Nguyên, Lễ hội “Hương sắc Trà Xuân” vùng chè đặc sản Tân Cương đã được tổ chức vào ngày 11/1 âm lịch hàng năm. Lễ hội đã diễn ra tại không gian văn hóa trà thuộc địa bàn xã Tân Cương với nhiều hoạt động phong phú, thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

Trong chiến lược phát triển và hoàn thiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cây chè được xem là thế mạnh của thành phố Thái Nguyên nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung. Tiêu chí thu nhập trong chương trình được các cấp lãnh đạo đánh giá là tiêu chí quan trọng quyết định đến thành công của nông thôn mới.

Hiện nay, diện tích trồng chè của toàn vùng đạt 1.500ha, sản lượng chè búp đạt gần 20.000 tấn, tăng 1,5 lần so với năm 2010. “Thu nhập bình quân trên địa bàn thành phố người trồng chè đạt 250 triệu đồng/ha, đặc biệt, vùng chè Tân Cương đã đạt thu nhập từ 600-800 triệu đồng/ha. Thành phố đã chỉ đạo triển khai thực hiện đề án về phát triển vùng chè Tân Cương, áp dụng quy trình VietGAP, UTZ cho sản xuất, chế biến cây chè để nâng cao chất lượng, đảm bảo chè sạch, chè an toàn, góp phần bảo vệ môi trường, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh tế cho vùng chè Tân Cương”. 

Dự lễ hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Xuân Cường đã tham quan các gian hàng trưng bày, chứng kiến các công đoạn sản xuất thủ công của nghệ nhân từ hái chè, sao chè. Bộ trưởng nhận định, Tân Cương là một vùng trời phú với tiểu khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt. Thái Nguyên rất biết cách duy trì nhãn hàng truyền thống là sản phẩm trà, giúp chè Thái nổi tiếng cả nước và trên thế giới. 

Hiện nay, toàn quốc có khoảng 130.000ha chè, thì riêng Thái Nguyên là trên 21.000ha. “Cùng với chăm lo xây dựng vùng nguyên liệu, tỉnh Thái Nguyên đã chú ý tới liên kết chuỗi sản xuất từ vùng sản xuất, công nghệ chế biến, chăm lo phát triển thị trường do đó thương hiệu chè của Thái Nguyên không chỉ nổi tiếng ở đất nước Việt Nam mà còn tham gia góp phần xuất khẩu đi thế giới. Việt Nam đứng thứ 6 thế giới về sản xuất chè và chúng ta xuất khẩu đi 64 nước trên thế giới với kim ngạch gần 250 triệu USD”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Đến nay, chè Thái Nguyên vang dội không chỉ trong nước mà còn được đánh giá có những thương hiệu rất cao trên thế giới. Trà Thái Nguyên là 1 trong 8 quà tặng Việt Nam đạt kỷ lục châu Á. Mẫu trà Đinh Phương Phẩm của Công ty CP chè Tân Cương Hoàng Bình đạt giải đặc biệt tại cuộc thi trà Bắc Mỹ do Hiệp hội trà Mỹ - Canada tổ chức vào tháng 9/2017. Sản phẩm của HTX chè Thiên Phú An đạt giải sản phẩm dịch vụ thương hiệu Việt tiêu biểu.

Tuy đánh giá cao về những kết quả đạt được, nhưng Bộ trưởng cũng nêu ví dụ về giá trị của chè Tân Cương: Một cân chè “đinh” ở Tân Cương, TP. Thái Nguyên bán giá cao nhất được 5 triệu đồng trong khi 1 cân chè loại đặc biệt ở Trung Quốc bán giá 120 triệu đồng. “Bao bì thậm chí nhiều tiền, bắt mắt hơn sản lõi bên trong”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Qua thông tin này, Bộ trưởng mong muốn chè Tân Cương cần được chế biến sâu để đa dạng sản phẩm và có giá bán cao hơn. “Chúng tôi đã kiến nghị tỉnh Thái Nguyên nói chung, đặc biệt là thành phố Thái Nguyên và các công ty kinh doanh khai thác chè cùng với bà con ở vùng Tân Cương tập trung khai thác lợi thế là có một vùng nguyên liệu tự nhiên rất tốt. Chúng ta phải nghiên cứu làm sao cho khâu tổ chức, chế biến áp dụng khoa học công nghệ để cho ra rất nhiều sản phẩm với chuỗi giá trị dài. Trên cơ sở đó, chúng ta có thể tổ chức tốt các hình thức thương mại, phân phối, bán không chỉ thị trường trong nước mà còn tại thị trường quốc tế, làm thế nào để có thể cho ra được hiệu quả sản xuất chuỗi cây chè cao nhất, trên cơ sở đó đảm bảo lợi ích của người nông dân tham gia trồng chè và các thành phần kinh tế tham gia vào chuỗi sản xuất chế biến và phân phối chè”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

 


 

 

Hoàng Văn
Ý kiến bạn đọc
  • “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    “Quả ngọt” từ dòng vốn chính sách

    Thời gian qua, từ các chương trình tín dụng ưu đãi, hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được tiếp cận vốn để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

  • Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Vốn chính sách “kích cầu” hình thành bản du lịch

    Thời gian qua, NHCSXH huyện Quỳ Châu (Nghệ An) đã đồng hành thực hiện các mục tiêu mà nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội địa phương đề ra.

  • Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    Khát vọng Xuân nơi vùng cao A Lưới

    A Lưới - một trong 74 huyện nghèo của cả nước, một trong những nút thắt lớn nhất của Thừa Thiên - Huế trên chặng đường đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025, đang chuyển mình mạnh mẽ.

  • Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sản phẩm OCOP Đắk Lắk từ ao làng vươn ra biển lớn

    Sau gần 6 năm thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), những sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền của tỉnh Đắk Lắk đã dần xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Hành trình đưa nông sản địa phương từ “ao làng” vươn ra “biển lớn” vẫn đang được tỉnh Đắk Lắk tích cực thực hiện.

  • Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Xây dựng nông thôn mới, sức mạnh tiềm thức của người dân xứ Thanh

    Nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân tỉnh Thanh Hóa, sự đồng lòng hiến đất, đóng góp từ sức người, tài sản đã lan tỏa khắp từ thành thị đến các xã, huyện miền núi và những con em xa quê hương.

  • Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Sắp diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024

    Từ ngày 26/4 đến ngày 1/5, tại Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm tỉnh Quảng Ninh sẽ diễn ra Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2024.

Top