Giống như khó khăn chung của toàn ngành Y tế, những năm gần đây, ngành Y tế Điện Biên luôn trong tình trạng thiếu nguồn nhân lực trầm trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Để khắc phục tình trạng này, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND tỉnh tăng cường đào tạo phát triển nguồn nhân lực bằng nhiều hình thức.
Phóng viên Báo Kinh tế nông thôn đã có cuộc trao đổi với bác sỹ Triệu Đình Thành, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên xung quanh vấn đề này.
Khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Điện Biên.
Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về hiện trạng nguồn nhân lực y tế của tỉnh Điện Biên hiện nay?
Hiện, tổng số cán bộ y tế toàn ngành Y tế Điện Biên là 3.446 người, trong đó có 582 bác sỹ, 131 bác sỹ chuyên khoa I, 18 bác sỹ chuyên khoa II, 24 thạc sỹ, 29 bác sỹ chuyên khoa định hướng và 380 bác sỹ đa khoa. Tổng số dược sĩ đại học toàn tỉnh là 41 người. Tỷ lệ trạm y tế xã có bác sỹ hoạt động đạt 67,7%, có y sỹ y học cổ truyền đạt 81,5%, có y sỹ sản nhi và nữ hộ sinh trung cấp đạt 96,9%, có dược sỹ trung cấp là 22,3% và tỷ lệ xã có điều dưỡng đạt 60%.
Ngoài ra, Điện Biên còn có 1.432 nhân viên y tế thôn, bản và 129 cô đỡ thôn bản. Tuy vậy, ngành y tế vẫn còn thiếu nhiều bác sỹ có chuyên môn sâu và dược sỹ đại học, chủ yếu tập trung ở tuyến huyện và tuyến xã, nhất là đối với hệ dự phòng.
Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, thưa ông?
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do Điện Biên chưa có chính sách đủ mạnh trong đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực y tế, đặc biệt là đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao cho các chuyên ngành mũi nhọn, chuyên sâu, chính vì vậy, chất lượng cán bộ còn hạn chế so với nhu cầu khám - chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân trên địa bàn.
Mô hình tổ chức của ngành y tế luôn thay đổi, các đơn vị thuộc ngành được thành lập nhiều trong khi số bác sĩ vẫn còn đang thiếu. Bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ cho bác sỹ công tác tại tuyến huyện, xã ở các tỉnh miền núi tuy đã được cải thiện nhưng chưa tương xứng với công sức bỏ ra, trong khi điều kiện làm việc tại các tuyến này còn thiếu thốn, khó khăn và không có điều kiện để phát triển chuyên môn, kỹ thuật.
Ngành đã giải quyết thực trạng vừa nêu như thế nào, thưa ông?
Bác sỹ Triệu Đình Thành, Giám đốc Sở Y tế Điện Biên.
Để tạo nguồn nhân lực, đáp ứng nhu cầu khám - chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, ngành Y tế Điện Biên luôn chú trọng đào tạo ở tất cả các chuyên ngành, bậc học. Chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án đào tạo và phát triển nguồn nhân lực y tế phù hợp với phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, quy hoạch phát triển ngành y tế. Kết quả là, từ năm 2010 - 2015, ngành đã cử 14.822 cán bộ y tế tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng các chuyên khoa, chuyên ngành với các loại hình đào tạo như: dài hạn đại học và sau đại học các chuyên ngành y - dược cho 631 người; đào tạo bổ túc sau trung học cho 102 người; đào tạo ngắn hạn về chuyên môn cho 364 lượt người; đào tạo 206 nhân viên y tế thôn bản và 163 cô đỡ thôn bản; bồi dưỡng chuyên môn các chuyên khoa, chuyên ngành ở các tuyến cho 13.196 lượt người; đào tạo về quản lý nhà nước, lý luận chính trị cho 156 người; đào tạo khác là 228 người.
Trước thực trạng thiếu hụt trầm trọng nguồn lực bác sỹ ở các tuyến, đặc biệt là tuyến huyện, xã, ngành đã tham mưu và tổ chức thực hiện chế độ đào tạo bác sỹ theo hệ cử tuyển, đào tạo theo địa chỉ, quan tâm chú trọng đào tạo cán bộ y tế là người địa phương, người dân tộc thiểu số. Do vậy, tỷ lệ bác sỹ trên một vạn dân của Điện Biên tăng qua từng năm và cao hơn toàn quốc, nếu như năm 2010 mới là 5,7 bác sỹ/vạn dân thì năm 2016 đạt 11,2 bác sỹ/ vạn dân, trong khi tỷ lệ này trên toàn quốc là 9 bác sỹ/vạn dân.
Xin cảm ơn ông. Chúc ngành Y tế Điện Biên sớm có thêm nhiều bác sỹ vừng tay nghề, hết lòng vì người bệnh!
Vương Trang (thực hiện)