Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 18 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 4 tháng 5 năm 2021 | 21:21

Nghệ An: Ảm đạm thị trường thịt bò, lợn do dịch bệnh

Dịch bệnh VDNC trên trâu, bò, dịch tả lợn châu phi diễn biến phức tạp, tuy không lây sang người nhưng do tâm lý hoang mang, lo lắng dẫn đến việc người tiêu dùng hạn chế sử dụng thịt các loại gia súc này khiến thị trường thịt trâu, bò, thịt lợn ế ẩm.

Sức mua giảm, tiểu thương “treo quầy” nghỉ chợ

Trong thời gian gần đây, bệnh viêm da nổi u cục trên bò và dịch tả châu phi trên lợn xuất hiện tại hầu hết các địa phương của tỉnh nghệ An khiến người tiêu dùng e ngại khi sử dụng thịt trâu, bò, thịt lợn làm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày, thậm chí nhiều người còn loại bỏ thịt trâu, bò, thịt lợn ra khỏi thực đơn. Chính điều này khiến các tiểu thương kinh doanh thịt trâu, bò, thịt lợn đều lâm vào cảnh ế ẩm, thậm chí nhiều quầy treo biển nghỉ chợ.

Chỉ mới đầu giờ trưa, nhưng khu vực bán thịt lợn, thịt bò ở chợ Quán Lau - một trong những nơi tập trung nhiều quầy hàng thịt bò, thịt lợn nhất ở TP. Vinh đã thưa thớt khách, nhiều quầy đang trong tình trạng ế ẩm. Theo các tiểu thương, hiện thịt bò, thịt lợn đều giảm 20.000 đồng/kg, thịt bò loại 1 trước đây 240.000 - 250.000 đồng/kg thì nay bán từ 220.000 - 230.000 đồng/kg, thịt lợn dao động từ 140.000 - 150.000 đồng/kg.

Dù vậy, sức mua của 2 thực phẩm này đều rất thấp. Nếu trước đây số lượng thịt bò, thịt lợn của các quầy hàng bán ra hàng ngày tính theo đầu tạ thì nay cũng chỉ bán cầm chừng, có những người chỉ lấy 3-5 kg thịt cho mỗi buổi chợ, thậm chí có nhiều người còn nghỉ hẳn chờ qua đợt dịch mới buôn bán trở lại.

 

 Nhiều quầy hàng thịt bò, thịt lợn tại chợ ở Nghệ An đóng cửa, tiểu thương nghỉ chợ do quá ế ẩm
Nhiều quầy hàng thịt bò, thịt lợn tại chợ ở Nghệ An đóng cửa, tiểu thương nghỉ chợ do quá ế ẩm

 

Bà Ngân Giang, tiểu thương kinh doanh thịt bò tại chợ Quán Lau cho biết: "nay đi đâu cũng nghe người dân nói chuyện về dịch bệnh VDNC đang bùng phát trong toàn tỉnh, khiến nhiều trâu, bò bị chết, không chỉ người dân mà ngay cả những tiểu thương bán thịt như chúng tôi cũng cảm thấy lo lắng. Mặc dù hàng nhập từ lò mổ đều có nguồn gốc xuất xứ, có giấy kiểm dịch, nhưng do tâm lý, nhiều người vẫn e ngại nên việc buôn bán luôn trong tình trạng ế ẩm.

Trước khi có dịch bệnh VDNC, có thời điểm mỗi ngày tôi bán ra cả tạ thịt bò, chủ yếu là nhập cho các quán ăn. Tuy nhiên, cả tháng nay người mua giảm hẳn, do đó, chúng tôi cũng đành phải nhập hàng ít hơn vì sợ thua lỗ, ngày trước nhập về cả tạ thịt/ngày thì nay chỉ nhập 2 yến thôi, bán cầm chừng...".

 

Chợ Quán Lau có 12 quầy bán thịt bò nay ngoài quầy bà Giang chỉ còn lại một vài quầy lác đác
Chợ Quán Lau có 12 quầy bán thịt bò nay ngoài quầy bà Giang chỉ còn lại một vài quầy lác đác

 

Các quầy bán thịt lợn tuy có khả quan hơn một chút nhưng sức mua hơn tháng nay giảm rõ rệt. Dù là dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 thì lượng người mua cũng ko tăng bao nhiêu, các quầy thịt vẫn chịu cảnh đìu hui.

Chị Nguyễn Thị Hoa một tiểu thương bán thịt lợn ở chợ Quán Lau cho biết: “ngày thường chị mổ 2-3 con lợn để bán, có thời điểm lượng tiêu thụ nhiều, chị phải mổ 4 con mới đủ bán và nhập cho các nhà hàng, quán ăn. Thời gian gần đây, gia đình chỉ mổ 1 con nhưng bán từ sáng đến cuối buổi chiều mới hết".

Không chỉ các chợ ở Quán Lau mà nhiều chợ truyền thống trên địa bàn toàn tỉnh đều chung tình trạng “ế” thịt trâu, bò, thịt lợn do ảnh hưởng của dịch bệnh VDNC và dịch tả lợn châu phi. Theo nhiều tiểu thương, dù thịt được lấy từ các nguồn hàng bảo đảm, có dấu kiểm dịch, có tem thú y rõ ràng nhưng người tiêu dùng vẫn không mấy mặn mà. Nhiều quầy hàng bán thịt bò, thịt lợn tại một số chợ đã phải nghỉ bán do sức mua ít dẫn đến bị lỗ.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, một người nội trợ tại TP. Vinh cho biết: “ Các thành viên trong gia đình tôi rất thích các món ăn từ thịt lợn, thịt bò nên thịt lợn, thịt bò trở thành thực phẩm chính trong mỗi bữa ăn của gia đình. Tuy nhiên, mấy tháng gần đây khi nghe tin dịch viêm da u cục trên bò và dịch tả lợn châu phi xuất hiện và bùng phát mạnh trên nhiều địa phương trong tỉnh nên để bảo đảm sức khỏe cho gia đình, tôi phải tạm thời loại bỏ thịt bò, thịt lợn ra khỏi thực đơn trong mỗi bữa ăn của gia đình một thời gian”.

Tăng cường kiểm dịch, bảo đảm nguồn thịt an toàn

Theo số liệu của Chi cục chăn nuôi và thú y Nghệ An, đến thời điểm hiện tại, dịch bệnh VDNC trên trâu, bò đã xảy ra tại 19 huyện, thành thị trong toàn tỉnh làm hơn 2.000 con trâu, bò mắc bệnh. Dịch tả lợn châu phi bùng phát tại 17 huyện với tổng số lợn đã tiêu hủy là 3.370 con, tổng trọng lượng hơn 200 tấn.

 

Dù thịt đã được kiểm dịch nhưng quầy thịt chị Nguyễn Thị Hoa vẫn thưa thớt khách
Dù thịt đã được kiểm dịch nhưng quầy thịt chị Nguyễn Thị Hoa vẫn thưa thớt khách.

 

Ông Ngô Đức Quỳnh - Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Chăn nuôi và Thú y khẳng định: “dịch bệnh viêm da nổi u cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu phi đều là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi-rút gây ra. Tuy nhiên, loại vi-rút này không lây nhiễm và không gây bệnh trên người. Mặt khác, hiện nay các địa phương đang ráo riết thực hiện các biện pháp phòng, chống, khoanh vùng dịch bệnh trên địa bàn.

Bên cạnh đó, công tác kiểm dịch ở các lò mổ được thắt chặt nhằm đảm bảo nguồn thịt an toàn khi xuất ra thị trường. Do đó, người tiêu dùng không nên quay lưng với thịt trâu, bò. Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tiếp nhận và cung ứng 10.000 liều vắc-xin phòng bệnh viêm da nổi cục trâu, bò về các địa phương. Nhiều huyện đã tiến hành tiêm phòng đại trà cho trâu, bò, hy vọng dịch bệnh sẽ sớm được đẩy lùi".

Hiện, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An đang phối hợp với các Đoàn liên ngành, các cơ quan chức năng của các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc mua bán, vận chuyển, giết mổ gia súc trên địa bàn. Tất cả các lò mổ đều được ngành chức năng tổ chức kiểm tra, kiểm soát thường xuyên; các con vật giết mổ đều đang khỏe mạnh và không có dấu hiệu mắc bệnh; 100% trâu, bò bị bệnh đều được tiêu hủy theo quy định. Đồng thời, tuyên truyền, nhắc nhở chủ các cơ sở chấp hành đúng quy định về kinh doanh, buôn bán, vận chuyển sản phẩm động vật trên thị trường, không được kinh doanh buôn bán sản phẩm động vật bị bệnh, nhất là trong thời điểm dịch viêm da nổi u cục trên trâu, bò và dịch tả lợn châu phi bùng phát mạnh như hiện nay.

Chính vì vậy, người tiêu dùng nên “cởi bỏ” tâm lý e ngại, không nên “quay lưng” lại với sản phẩm thịt lợn, thịt bò. tuy nhiên phải lựa chọn thịt được giết mổ tại các điểm giết mổ tập trung, qua sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan thú y, có đóng dấu kiểm dịch. Kiểm tra kỹ các dấu hiệu trên thịt như màu sắc, độ bám dính tự nhiên, không thấy nhớt và ướt nước khi ấn vào thịt, không có mùi hôi. Đồng thời phải tuân thủ ăn chín, uống sôi. Tuyệt đối không tiêu thụ thịt lợn, thịt bò được bày bán tại các vỉa hè, lòng lề đường vì không đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm./.

 

Ngọc Lan
Ý kiến bạn đọc
  • Agribank Kon Tum đồng hành cùng tam nông

    Agribank Kon Tum đồng hành cùng tam nông

    Trong những năm qua, nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã có những chuyển biến tích cực. Trong thành quả này có sự đóng góp không nhỏ của Agribank chi nhánh tỉnh Kon Tum.

  • Vì sao phân khu Quý Tộc vừa ra mắt đã khiến các gia đình trẻ đứng ngồi không yên?

    Vì sao phân khu Quý Tộc vừa ra mắt đã khiến các gia đình trẻ đứng ngồi không yên?

    Sức nóng của Thành phố Đảo Hoàng Gia Vinhomes Royal Island đang gia tăng từng ngày cùng với tiến độ thi công thần tốc và các phân khu liên tiếp ra mắt. Nổi bật trong số đó, phân khu Quý Tộc khiến các gia đình trẻ mong sớm chuyển khẩu về đây để được trải nghiệm chất sống thượng lưu và môi trường phát triển toàn diện cho con trẻ.

  • BAC A BANK ưu đãi lãi suất vay - trao doanh nghiệp "đặc quyền vượt trội" để bứt phá kinh doanh

    BAC A BANK ưu đãi lãi suất vay - trao doanh nghiệp

    Với tâm thế đồng hành cùng các doanh nghiệp củng cố lợi thế cạnh tranh, tối ưu hiệu quả kinh doanh để hướng tới các mục tiêu tăng trưởng toàn diện, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) triển khai Chương trình ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn “Tài chính vững vàng - Sẵn sàng bứt phá” với tổng hạn mức lên tới 3.000 tỷ đồng.

Top