Bão số 2 (Talas) đổ bộ vào Nghệ An vào rạng sáng 17/7, gió lớn giật mạnh trong nhiều giờ liền tại hầu hết các huyện, thành phố, thị xã khiến cho nhiều người chết, tài sản, hoa màu bị thiệt hại nặng. Các lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An đang nỗ lực tìm kiếm những người mất tích ở Đảo Ngư và khắc phục hậu quả sau bão.
Thu dọn cây cối bị gãy sau bão.
Cơn bão có sức công phá khủng khiếp
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đắc Vinh có mặt tại cảng Cửa Lò vào sáng 17/7 để cùng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu hộ cứu nạn tỉnh Nghệ An chỉ đạo, huy động mọi nhân lực để ứng cứu kịp thời 13 thuyền viên trên tàu VTB-26 bị chìm vào rạng sáng 17/7. Đến tối 17/7, 7 thuyền viên trên tàu đã được lực lượng chức năng cứu sống, 2 người thuyền viên đã tử vong, hiện còn 4 người vẫn còn mất tích trên biển.
Tàu chở than VTB-26 bị sóng biển đánh chìm trên vùng biển Nghệ An giữa tâm bão số 2. Ông Nguyễn Đắc Vinh đã chỉ đạo thành lập nhanh Ban tiền phương tìm kiếm cứu nạn cứu hộ ngay tại cảng Cửa Lò để kịp thời chỉ đạo ứng cứu các thuyền viên đang mất tích trên biển. Chiều tối 17/7, 7 thuyền viên được cứu sống và đưa vào bờ an toàn.
Sau khi được cứu sống trên biển thuyền trưởng Phạm Văn Hải (SN 1985) quê Ninh Bình vẫn chưa hết bàng hoàng cho hay: “Bản thân tôi rất may mắn, tôi và thợ máy Lý Văn Gianh (SN 1993) người Hải Phòng đã cố gắng cùng nhau bơi vào bờ kè ở Đảo Ngư. Lúc đó sóng to gió lớn, trời lại tối đen như mực nên khi chúng tôi vào bờ đã cố gắng gọi những người khác để họ tìm hướng vào bờ kè, nhưng bất thành. Sau đó chúng tôi đã liên lạc với lực lượng bộ đội đóng trên Đảo Ngư để cố gắng tìm kiếm những người khác đang mất tích trên biển.Trước khi thuyền bị sóng biển đánh chìm, tôi đã phát tín hiệu cứu nạn tới các tàu thuyền ở gần đó. Tuy nhiên, do gió to, nên các thuyền cũng không thể cứu viện nhanh được. Một thời gian ngắn sau thì tàu bị lắc mạnh, nghiêng về một phía và lật úp sau khi tôi kịp ấn nút báo động để anh em rời tàu...”.
Anh Vũ Đình Thường, thuyền trưởng tàu Lam Hồng 99, cho biết, dẫu đang mưa to, gió lớn nhưng nghe tin tàu VTB 26 bị bão đánh chìm, tất cả thành viên trên tàu anh đều dồn sức cứu nạn. “Vào khoảng 21 giờ 30, tôi nhận được thông tin cấp cứu cửa tàu VTB 26 nên tôi yêu cầu các thuyền viên chuyển hướng, chạy thẳng về phía có người đang nổi trên mặt nước. Lúc này mưa gió lớn và sóng biển đánh dữ dội. Khi tàu đến nơi thì tàu VTB 26 chở than vừa bị bão đánh chìm... Lúc đó, anh em phát hiện được 2 thuyền viên đang lênh đênh trên biển, liền nhảy xuống đưa lên tàu. Cả hai thuyền viên đó được chúng tôi đưa vào phòng kín, được ủ ấm... Danh tính 2 nạn nhân được cứu sống lúc đó là anh Phạm Văn Hải (33 tuổi, quê thị xã Tam Điệp, tỉnh Ninh Binh) và anh Lý Văn Vang (24 tuổi, quê quận Kiến An, thành phố Hải Phòng)”, anh Thường kể.
Nỗ lực tìm kiếm những người mất tích
Trước đó, đêm 16/7, trực ban Cảng vụ hàng hải Nghệ An nhận được điện từ tàu Thanh Thành Đạt và tàu Lam Hồng thông báo ở khu neo đậu chờ vào cảng gần Đảo Ngư có tàu VTP-26 báo nạn. Tuy nhiên, do trời tối, mưa to, sóng cao nên các lực lượng chức năng không thể đưa tàu ra cứu nạn. Đến sáng 17/7, các cơ quan chức năng đã mất liên lạc với tàu VTB-26, đồng thời qua thông tin từ các tàu khác xác định tàu VTB-26 đã bị lật và chìm trên biển.
Danh sách 13 người trên con tàu gặp nạn: 1. Phạm Văn Hải – Thuyền trưởng. Quê quán: Ninh Bình 2. Nguyễn Văn Xuân – Đại phó. Quê quán: Thanh Hoá 3. Nguyễn Văn Chiêu – Sỹ quan boong. Quê quán: Hải Phòng 4. Nguyễn Văn Sáng – Máy trưởng. Quê quán: Thanh Hoá 5. Nguyễn Văn Lâm – Máy hai. Quê quán: Hải Phòng 6. Nguyễn Văn Dương – Sỹ quan máy. Quê quán: Hải Phòng 7. Vũ Văn Đạt – Thuỷ thủ AB. Quê quán: Nam Định 8. Ngô Cao Cường – Thuỷ thủ AB. Quê quán: Nghệ An 9. Nguyễn Hải Quyết – Thuỷ thủ OS. Quê quán: Hải Phòng 10. Lý Văn Giang – Thợ máy AB. Quê quán: Hải Phòng 11. Lê Đắc Tài – Thợ máy AB. Quê quán: Thanh Hoá 12. Đặng Duy Khiêm – Thợ máy OS. Quê quán: Thái Bình 13. Nguyễn Anh Tuấn – Hành khách. Quê quán: Hải Phòng |
Khoảng 12 giờ trưa 17/7, lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn phối hợp với chiếc tàu Thanh Thành Đạt – 35 chở thuyền viên Nguyễn Văn Sáng (SN 1980, trú tại Thanh Hóa) về đất liền an toàn. Khi anh Sáng xuất hiện tại cảng, lực lượng tìm cứu cứu nạn, cứu hộ cùng người dân địa phương rất vui mừng phấn khởi. Họ không ngớt lời cảm ơn anh em thuyền viên trên tàu Thanh Thành Đạt đã không quản ngại sóng to gió lớn đưa thuyền viên gặp nạn trên chiếc tàu chở than VTB26 vào bờ an toàn.
Trao đổi với báo giới, ông Nguyễn Xuân Đường, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: “Đến thời điểm này, tỉnh Nghệ An đã huy động thành lập 21 đoàn đi kiểm tra và khắc phục các sự cố do cơn bão số 2 gây ra. Riêng thông tin về chiếc tàu chở than bị sóng biển đánh chìm, khiến 13 người mất tích thì hiện tại đã tìm được 7 thuyền viên còn sống sót, 2 thuyền viên đã tử vong, còn 4 thuyền viên khác đang được các lực lượng tìm kiếm cứu hộ cứu nạn, phối hợp với Bộ đội biên phòng và Cảnh sát biển nỗ lực tìm kiếm...” .
Khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 2
Bão số 2 đã khiến một người dân ở thị xã Hoàng Mai thiệt mạng do nhà sập. Nhiều cây xanh trên địa bàn TP. Vinh và các huyện, thị xã khác bị bão làm gãy đổ. Bão cũng làm đổ nhiều cột điện và gây mất điện diện rộng trên địa bàn tỉnh.
Khắc phục hậu quả bão, Ban Chỉ huy Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh đã thành lập 21 đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo khắc phục hậu quả của bão. Tỉnh ủy, UBND và Sở NN&PTNT tỉnh cũng thành lập đoàn công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả bão số 2.
Công an Nghệ An điều động hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đến các vùng xung yếu để giúp dân khắc phục hậu quả bão lụt, duy trì chế độ trực 100% để kịp thời phản ứng khi có yêu cầu. Đồng thời, tập trung các phương án bảo đảm an toàn các hồ đập trên địa bàn, bởi hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa trên diện rộng.
Để giúp nhân dân khắc phục hậu quả bão số 2, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã chỉ đạo các đơn vị tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết sau bão, triển khai phương án chống lũ sau bão, phối hợp chính quyền địa phương, các lực lượng triển khai các phương án tìm kiếm cứu nạn trên khu vực biên giới.
Duy trì quân số trực 100%, các đơn vị tuyến biển triển khai cán bộ xuống 34 xã, phường tích cực phối hợp chính quyền địa phương, các lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả của bão.
Ngành điện đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, vật tư, thiết bị tập trung xử lý các điểm xung yếu. Đến bảy giờ sáng nay, đã cơ bản khắc phục đóng điện cho hơn 2/3 khách hàng sử dụng điện trên địa bàn thành phố Vinh và vùng phụ cận. Phấn đấu đến hết ngày hôm nay, ngành điện sẽ khôi phục bảo đảm 100% các điểm có sự cố được cấp điện trở lại, phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân.
Đoàn công tác của tỉnh và lãnh đạo các địa phương đã tổ chức thăm hỏi gia đình có người tử vong; chỉ đạo công tác hỗ trợ, khắc phục nhà bị sập, hư hỏng để ổn định đời sống nhân dân và sớm khôi phục sản xuất.
Sỹ Thăng
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.