Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 26 tháng 7 năm 2019 | 14:25

Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào: Địa chỉ đỏ của tình hữu nghị

Đã hơn 40 năm trôi qua, kể từ khi xây dựng đến nay, Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào (huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An) mãi là công trình biểu tượng tình đoàn kết, hữu nghị, thủy chung, son sắt của hai dân tộc anh em.

tr9b.jpg

Thắp hương tại nghĩa trang. Ảnh: Nguyễn Hoan.

 

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm sâu lắng từ những vang vọng về một thời đạn bom với bao đau thương mất mát... vẫn còn hiện hữu quanh chúng ta, rưng rưng cảm xúc không nguôi.

Tháng tri ân!

Một ngày tháng 7, khi mà cái nắng bỏng rát của xứ Nghệ như đổ lửa chan khắp lòng đường, từ TP. Vinh, vượt hơn 150km, chúng tôi có mặt tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào.

Nằm sát Quốc lộ  7 đường lên cửa khẩu Nậm Cắn (biên giới Việt – Lào), Nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào nằm yên bình giữa trung tâm thị trấn huyện Anh Sơn. Trước mắt chúng tôi là khuôn viên nghĩa trang sạch sẽ, thoáng đãng. Những hàng cau hai bên lối đi tạo điểm nhấn góp phần tạo không khí trang trọng, thành kính. Nghĩa trang có 2 khu: Khu A và khu B. Ở khu vực trung tâm đài tưởng niệm, các vòng hoa được xếp gọn gàng, tươm tất. Không gian yên bình và linh thiêng.

Với diện tích gần 7ha, Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào là nghĩa trang lớn nhất quy tập mộ liệt sỹ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào. Đây cũng là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc.

 

tr9a.jpg
Nghĩa trang tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt liệt sỹ hi sinh trên chiến trường nước bạn Lào về đây an nghỉ.

 

Ông Hoàng Danh Trung, Trưởng ban quản lý Nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào, cho hay: “Nghĩa trang được xây dựng từ năm 1976. Đến năm 1982, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đưa toàn bộ hài cốt liệt sỹ hy sinh ở nước bạn Lào về nước, quy tập tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào. Tính từ khi xây dựng đến nay, nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt các liệt sỹ hi sinh trên chiến trường nước bạn Lào về đây an nghỉ. Mỗi ngày, chúng tôi đón tiếp hàng ngàn lượt khách thập phương tới dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ các anh hùng dân tộc”.

Tại đây, ngoài các liệt sĩ có quê hương Nghệ An, còn có nhiều liệt sĩ quê ở các vùng miền khác như Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang... Đặc điểm chung của các liệt sĩ là tuổi đời đều còn rất trẻ nhưng đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường, sẵn sàng hi sinh cả mạng sống của mình.

Đến đây, chúng tôi đã không cầm được nước mắt, bởi còn có rất nhiều phần mộ chưa biết được tên tuổi, quê hương. Trong số những ngôi mộ ấy, có ngôi mộ có từ thời đầu xây dựng nghĩa trang cho đến ngôi mộ mới nhất, dấu sơn vẫn còn tươi mới. Các anh nằm đây giữa lòng đất Mẹ. Dù trên tấm bia đá kia có ghi tên tuổi cụ thể hay chỉ là dòng chữ “Liệt sỹ chưa rõ họ tên” thì các anh cũng không bao giờ “vô danh”. Các anh mãi mãi là những người con anh hùng với những chiến công bất diệt.

Trong tim chợt vang lên lời thơ năm nào của nhà báo cách mạng Văn Hiền: “Xin đừng gọi Anh là liệt sĩ vô danh/Anh từng có tên như bao khuôn mặt khác/Tổ quốc không đánh mất tên anh/Chỉ lặng thầm nhận về mình nỗi đau xanh cùng năm tháng”.

Bài thơ ấy đã lay động triệu trái tim. Trong một lần chia sẻ, nhà báo Văn Hiền đã trải lòng mình, trong bom rơi đạn nổ, hàng ngày, hàng giờ phải tận mắt chứng kiến những hy sinh, mất mát lớn lao của đồng đội đã ám ảnh ông suốt cuộc đời cầm bút. Sau này, trong những chuyến đi tìm mộ cha mình, ông thấy rất nhiều ngôi mộ liệt sỹ khuyết danh đã khiến ông đau lòng và day dứt rất nhiều.

Và Nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào, chính là nơi tuôn trào cảm xúc chắp bút nên bài thơ. Được biết, năm 1993, trong một lần đi công tác ở huyện miền núi Anh Sơn  vào dịp cả nước đang hướng về tháng 7 “uống nước nhớ nguồn”, một buổi trưa thả bộ vào thắp hương viếng hương hồn các liệt sĩ, nhà báo Văn Hiền bằng cả lòng rung động cảm xúc của mình viết lên bài thơ “Xin đừng gọi Anh là liệt sỹ vô danh” ngay chính Nghĩa trang Việt – Lào khói hương nghi ngút.

“Địa chỉ đỏ” tấm lòng biết ơn

Dâng nén hương thơm tri ân các liệt sỹ, các tập thể, cá nhân đến đây đều nguyện hứa sẽ nỗ lực cống hiến để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh; mong anh linh các liệt sỹ phù hộ cho quốc thái dân an, đất nước ngày càng phát triển…

 

tr9.jpg
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An dâng hương, dâng hoa tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ.

 

Sau khi dâng hoa và thắp hương lên các phần mộ, Phó bí thư Đoàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đỗ Anh Tuấn chia sẻ: Hôm nay, chúng tôi thật xúc động được thắp nén hương thơm tại Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào. Đây là tình cảm thiêng liêng, sự tri ân của thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay đối với thế hệ cha anh đi trước, thể hiện lòng tự hào và hứa sẽ luôn nêu cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa” của dân tộc. Chúng tôi nguyện tiếp tục truyền thống vinh quang của thế hệ cha anh đi trước, tuyệt đối trung thành với lý tưởng của Đảng, mãi đi theo con đường Đảng, Bác Hồ lựa chọn, đoàn kết một lòng vượt qua khó khăn, xây dựng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngược dòng lịch sử, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Giúp bạn là giúp mình”, hàng vạn cán bộ, quân tình nguyện, chuyên gia quân sự Việt Nam đã sang Lào sát cánh cùng với nhân dân, lực lượng vũ trang nước bạn trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam đã xem đất nước Lào như quê hương thứ hai của mình. Họ không quản ngại gian khổ, luôn kề vai sát cánh, vừa chiến đấu chống địch càn quét, lấn chiếm; vừa tiến hành xây dựng và củng cố các đoàn thể, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, tăng cường lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích trên khắp các khu vực Thượng, Trung và Hạ Lào.

Trong số hàng vạn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự ấy có không biết bao anh hùng đã ngã xuống trên đất nước Triệu Voi. “Mồ hôi, xương máu của chiến sỹ và chuyên gia Việt Nam hòa quyện cùng xương máu, mồ hôi của chiến sỹ và nhân dân Lào góp phần vun đắp, bảo vệ, phát triển tình hữu nghị đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam - Lào, một quy luật, một nhân tố hết sức quan trọng bảo đảm thắng lợi cách mạng hai nước, một mẫu mực về mối quan hệ quốc tế trong sáng, một di sản vô cùng quý giá của hai dân tộc” (Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Nghĩa trang liệt sỹ Việt – Lào đã trở thành “địa chỉ đỏ” trong tháng 7 của Nghệ An. Nơi ghi nhớ và tri ân các anh hùng liệt sỹ chiến đấu bảo vệ 2 đất nước, nghĩa trang đặc biệt mang tên cả 2 Tổ quốc, nơi yên nghỉ cho những người lính tình nguyện. Hình tượng người lính anh dũng, quên mình hy sinh vì nhiệm vụ, mãi trường tồn trong lòng các thế hệ con cháu nối tiếp.

Hằng năm, cứ vào dịp tháng 7, UBND tỉnh Nghệ An và UBND huyện Anh Sơn đều có các hoạt động tri ân các anh hùng liệt sỹ và thương bệnh binh tại đây. Trong đó, lễ hội “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Thắp nến tri ân” là điểm nhấn quan trọng, thu hút  hàng vạn khách thập phương đến thắp hương, thăm viếng, tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì độc lập, tự do của hai dân tộc Việt - Lào.

 

 

Thu Hiền - Xuân Hà
Ý kiến bạn đọc
  • Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Nghệ An hoàn thành hơn 8.400 căn nhà cho người nghèo

    Ngày 19/4, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức sơ kết 1 năm triển khai chương trình vận động, hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, người có khó khăn về nhà ở giai đoạn 2023-2025 (Chương trình 1838).

  • “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    “Chỉ cần sức khỏe tốt, tôi còn hiến máu cứu người”

    Với 28 lần hiến máu nhân đạo, trình dược viên Từ Thị Tuyên (SN 1989), xã Thạch Thắng, Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã trở thành tấm gương sáng trong các hoạt động an sinh xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng…

  • PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    PVcomBank mang yêu thương đến những hoàn cảnh khó khăn tại Lào Cai

    Với tinh thần tương thân tương ái, vừa qua, Đoàn Thanh niên Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) đã tổ chức chương trình từ thiện “Xuân tình nguyện 2024” để thăm hỏi, động viên và trao quà đến các em học sinh nghèo, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại xã Nậm Chảy, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Đây là hoạt động hưởng ứng tinh thần Tháng Thanh niên và Năm Thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ PVcomBank.

  • Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Thanh Hóa - Hậu phương lớn trong chiến dịch Điện Biên Phủ

    Cách đây 70 năm, cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, trở thành mốc son chói lọi bằng vàng tạc vào lịch sử dân tộc.

  • Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Khai mạc Lễ hội Du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024

    Tối 21/4, tại quảng trường Hồ Tùng Mậu (Khu du lịch Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), UBND tỉnh Hà Tĩnh long trọng tổ chức khai mạc Lễ hội Du lịch biển năm 2024 với chủ đề “Hà Tĩnh – Thanh âm ngày nắng mới”.

  • Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Người dân Cổ Loa mong sớm xây dựng đền thờ vua Ngô Quyền

    Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán (năm 938) trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc sau gần 1000 năm Bắc thuộc. Mặc dù đóng đô ở Cổ Loa từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm, nhưng đến nay vẫn chưa có một công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô. Xây dựng đền thờ Ngô Quyền tại mảnh đất linh thiêng này là thỏa nỗi ước mong của các hậu thế.

Top