Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, nhiều người có triệu chứng của sốt xuất huyết nhưng đã không dám tới bệnh viện để thăm khám và điều trị hoặc chỉ đi khám sàng lọc Covid-19.
Đây là một trong những sai lầm thường gặp của người dân hiện nay, có nguy cơ “dịch chồng dịch” giữa COVID-19 và sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng.
Số ca nhập viện rải rác từ đầu hè nhưng tăng mạnh vào cuối tháng 9 đến nay với các triệu chứng đặc trưng là sốt cao đột ngột, đau mỏi người, phát ban, hạ tiểu cầu,… Nét khác biệt của dịch sốt xuất huyết năm nay là có nhiều bệnh nhân nặng, tràn dịch ổ bụng, tiểu cầu hạ thấp kèm xuất huyết phải vào viện truyền khối tiểu cầu. Dịch sốt xuất huyết năm nay xảy ra khi Hà Nội đang trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống COVID-19, người dân lo ngại khi đi bệnh viện.
Bệnh nhân Ng.L.A (42 tuổi, ở Hà Tĩnh) ra Hà Nội chăm chồng mắc nhiễm trùng huyết đang điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai từ ngày 21/9, đến ngày 29/9 chị bắt đầu xuất hiện sốt cao, đau mỏi người, mệt nhiều kèm tiêu chảy. Bệnh nhân được chuyển ra khám sàng lọc COVID-19 để làm xét nghiệm RT-PCR COVID-19 và đồng thời test nhanh Dengue; kết quả test COVID-19 âm tính, nhưng test Dengue dương tính. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết và nhập viện điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới cùng với chồng. Hiện bệnh nhân vẫn sốt cao, tiểu cầu hạ thấp, ngày 4/10 xuống còn 20 G/L, men gan tăng, chảy máu chân răng; đang được điều trị và theo dõi sát sao tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới.
Trường hợp thứ 2 là một bệnh nhân chạy thận chu kỳ tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai; quê ở Thanh Hóa nhưng ra Hà Nội ở cùng nhà cô chú tại Xã Đàn, quận Đống Đa. Ngày 1/10, khi đang thực hiện lọc máu chu kỳ tại Bệnh viện, bệnh nhân xuất hiện rét run kèm sốt cao nên được đưa vào Trung tâm Cấp cứu A9 và chuyển vào Trung tâm Bệnh nhiệt đới sau khi xét nghiệm Dengue dương tính, test COVID-19 âm tính; kết quả xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu, tiểu cầu đều hạ, thiếu máu, có dịch trong ổ bụng.
Theo phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Duy Cường: Sốt xuất huyết và COVID-19 đều là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch do virus gây ra với các biểu hiện ban đầu giống nhau, có thể gây nhầm lẫn như: biểu hiện sốt, đau đầu, đau mỏi người. Tuy nhiên, đây là hai bệnh có yếu tố dịch tễ và đường lây truyền cũng như bệnh cảnh hoàn toàn khác nhau.
COVID-19 lây qua đường hô hấp do tiếp xúc giọt bắn, còn sốt xuất huyết lây qua đường máu do muỗi truyền. Ngoài ra, sốt xuất huyết điển hình có biểu hiện da xung huyết, mặt và củng mạc mắt đỏ, nặng hơn có xuất huyết hoặc dẫn đến sốc do máu bị cô đặc. Đối với bệnh nhân mắc COVID-19 thì ngoài yếu tố dịch tễ có tiếp xúc với người mắc COVID-19, còn có biểu hiện viêm đường hô hấp như ho, khó thở, mất ngửi,… nặng sẽ có biểu hiện viêm phổi và suy hô hấp.
Đa số bệnh nhân sốt xuất huyết thường tự khỏi trong vòng 7 ngày, tuy nhiên khoảng 5% bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc do giảm thể tích, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng, các triệu chứng của sốt xuất huyết cần hết sức lưu ý vì có một số triệu chứng rất dễ nhầm lẫn với COVID-19 như: sốt, đau mỏi cơ. Do đó nhân viên y tế cần khai thác yếu tố dịch tễ rất cẩn thận và kỹ càng, đồng thời yêu cầu làm xét nghiệm khẳng định, tránh bỏ sót hoặc nhầm lẫn, gây ra các hậu quả đáng tiếc.
Các chuyên gia khuyến cáo: Triệu chứng của sốt xuất huyết là sốt cao liên tục, kéo dài 5-7 ngày, kèm theo đau đầu, đau người, có thể nổi hạch, phát ban, trên người nổi da xung huyết đỏ, mắt đỏ xung huyết. Các trường hợp nặng có dấu hiệu cảnh báo xuất hiện ngày thứ 4, 5 như cảnh đau bụng vùng gan, buồn nôn, tiểu ít, chân tay lạnh, có thể xuất huyết chảy máu dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng. Ở nữ giới có thể có hiện tượng rong kinh, rong huyết, nặng hơn có biểu hiện xuất huyết nội tạng như xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não, tổn thương gan, rối loạn đông máu... Khi có một trong những biểu hiện trên, người dân nên đến các cơ sở y tế để được xét nghiệm chẩn đoán và điều trị, tuyệt đối không được tự ý theo dõi và truyền dịch tại nhà.