Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 23 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 6 tháng 12 năm 2017 | 5:52

Nguy cơ tiêu chảy cấp tăng cao mùa đông xuân

Thời điểm tỷ lệ trẻ tiêu chảy do virus Rota tăng cao nhất rơi vào tháng 10 đến tháng 4 hàng năm.

Đông xuân là thời điểm lý tưởng cho các loại virus và vi khuẩn phát triển, gây bệnh cho trẻ nhỏ. Trong đó, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý căn bệnh tiêu chảy do virus Rota.

Trẻ nhỏ thường nhạy cảm với những thay đổi của khí hậu và thời tiết, trong khi virus Rota luôn rình rập xung quanh. Chúng tấn công mạnh nhất vào giai đoạn đông xuân, từ tháng 10 đến tháng 4. Theo thông tin của Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi năm, có khoảng 453.000 trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới tử vong do virus Rota.

Tiêu chảy do virus Rota dễ lây lan, có thể truyền từ người này sang người khác thông qua tiếp xúc ngoài tay hoặc đồ vật. Trẻ 6-24 tháng tuổi dễ nhiễm virus Rota nhất, bởi đang trong thời kỳ tập bò, cầm nắm đồ vật và đưa vào miệng.

Tại Việt Nam, tiêu chảy do virus Rota thuộc nhóm 10 bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở trẻ em. Bệnh phổ biến, song dễ nhầm lẫn với chứng tiêu chảy do các nguyên nhân khác. Nhiều cha mẹ không phát hiện sớm và có phương pháp điều trị phù hợp, khiến hậu quả thường nghiêm trọng.


Sốt là một trong những triệu chứng đầu tiên khi trẻ nhiễm virus Rota. Ảnh: Shutterstock

Cha mẹ nên có biện pháp xử lý kịp thời khi thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng dưới đây:

- Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ, có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn nhiều vào ngày đầu và giảm bớt khi bắt đầu đi tiêu chảy.

- Tiêu chảy phân lỏng toàn nước, có thể lẫn đờm, nhớt nhưng không có máu. Tiêu chảy tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần, kéo dài 3-9 ngày.

- Sốt vừa phải.

- Đau bụng.

Nôn và tiêu chảy khiến trẻ dễ mất nước nếu không được chăm sóc thích hợp. Biến chứng nguy hiểm thường gặp là khô kiệt do mất nước và muối, dẫn đến trụy mạch và tử vong. Cha mẹ cần nhận biết sớm các triệu chứng mất nước như da lạnh, hôn mê, mắt trũng sâu, khô miệng, cảm giác khát nước, hoa mắt khi đứng... để bù điện giải kịp thời.

Virus Rota hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vì vậy, phòng bệnh là giải pháp hữu hiệu giúp trẻ tránh mệt mỏi, đau đớn và phòng biến chứng nguy hiểm. Mẹ cần giữ gìn vệ sinh cơ thể cho bé bằng cách rửa tay đúng cách, tắm gội bằng xà phòng, vệ sinh đồ chơi…

Trẻ cũng nên bú sữa mẹ suốt 6 tháng đầu đời để tăng sức đề kháng, uống văcxin ngừa tiêu chảy do virus Rota theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Văcxin hiện có trong chương trình tiêm chủng dịch vụ tại các bệnh viện sản, nhi, trung tâm y tế dự phòng trên cả nước. Phác đồ uống gồm 2 hoặc 3 liều tùy theo loại văcxin.

Trẻ có thể bắt đầu uống văcxin ngừa virus Rota từ 6 tuần tuổi. Cha mẹ lưu ý, hoàn tất lịch uống càng sớm càng tốt, trước 6 tháng tuổi, để trẻ có thêm miễn dịch phòng bệnh.

Theo An San/VnExpress.net

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top