Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 11 năm 2017 | 10:7

Nhân vật Mnangagwa sẽ kế nhiệm Tổng thống Zimbabwe Mugabe là ai?

Ngày 6/11, Emmerson Mnangagwa bị cách chức Phó Tổng thống Zimbabwe. Ngày 15/11, quân đội nước này làm chính biến, tạm giữ Tổng thống Robert Mugabe và vợ của ông, đồng thời ép Tổng thống chuyển giao quyền lực. Ngày 21/11, ông Mugabe chấp nhận từ chức.

Chính trị gia Mnangagwa cũng mới được bầu làm lãnh đạo đảng Zanu-PF cầm quyền của Zimbabwe (thay ông Mugabe). Ông đang trên tiến trình trở thành Tổng thống kế nhiệm ông Mugabe vừa từ chức.

nhan vat mnangagwa se ke nhiem tong thong zimbabwe mugabe la ai hinh 1
Chính trị gia Zimbabwe Mnangagwa (hàng trước) vào ngày 7/1. Ảnh: Getty.

Thời gian qua, Mnangagwa không xuất hiện trước công chúng. Nhưng ngay sau khi việc Mugabe từ chức được công bố vào hôm 21/11, một quan chức của đảng Zanu-PF nói với hãng tin AP rằng ông Mnangagwa sẽ trở thành lãnh đạo của Zimbabwe trong vòng 48 tiếng đồng hồ và ông ấy “không còn ở xa nơi đây”.

Năm nay 75 tuổi, Mnangagwa được đánh giá là đầy thông minh và khôn khéo. Trong nhiều thập kỷ, Mnangagwa đóng vai trò người thực thi các chỉ đạo của ông Mugabe. Trong vai trò đó, Mnangagwa nổi tiếng là khôn ngoan, cứng rắn và hiệu quả trong việc sử dụng quyền lực. Một mặt, nhiều người trong dân chúng sợ ông; mặt khác, ông đã xây dựng được một nền tảng trung thành chiến lược trong quân đội và cơ quan an ninh. Ông có nhiều kỹ năng học được từ chính người thầy lâu năm của mình là ông Mugabe.

Mnangagwa nổi danh với biệt hiệu “Cá sấu” do sự kiên cường chính trị của mình. Những người ủng hộ ông vì vậy được gọi là nhóm Lacoste (tên một thương hiệu có logo hình cá sấu).

Cuộc đời cách mạng từ thời niên thiếu

Mnangagwa sinh năm 1942. Ông tham gia chiến đấu chống chế độ thống trị của người da trắng thiểu số ở Zimbabwe (trước đây gọi là Rhodesia) khi còn trẻ vào thập niên 1960. Năm 1963, ông được huấn luyện quân sự ở Ai Cập và Trung Quốc. Ông là một trong các chiến binh du kích đầu tiên chống lại chế độ cai trị ở Rhodesia. Ông đã bị bắt, tra tấn và kết tội cho nổ một đầu tàu xe lửa vào năm 1965.

Khi đó ông bị kết án tử hình bằng hình thức treo cổ. Nhưng do người ta thấy ông dưới 21 tuổi nên bản án của ông được ân giảm xuống còn 10 năm tù. Ông bị tống giam cùng với các nhân vật dân tộc chủ nghĩa khác, trong đó có Mugabe.

Trong lúc ngồi tù, Mnangagwa đã tranh thủ học từ xa. Mãn hạn tù, Mnangagwa chuyển sang đất nước Mozambique lúc đó mới độc lập và do đảng mác xít lãnh đạo. Tại đây ông trở thành trợ lý và vệ sĩ của Mugabe. Năm 1979, ông đã tháp tùng Mugabe sang thương thuyết tại London (Anh) dẫn tới sự chấm dứt chế độ Rhodesia và khai sinh nhà nước Zimbabwe mới.

Tháng 11/2017, Mnangagwa viết về mối quan hệ của ông với Mugabe như sau: “Quan hệ giữa chúng tôi trong nhiều năm đã phát triển vượt qua cả mối quan hệ thầy trò hay cha con”.

Khi Zimbabwe giành độc lập vào năm 1980, Mnangagwa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng An ninh. Ông chỉ đạo việc sáp nhập quân đội Rhodesia với lực lượng du kích của Mugabe và các lực lượng của thủ lĩnh phe quốc gia Joshua Nkomo. Kể từ đó, ông duy trì quan hệ gần gũi với các lực lượng quân đội và an ninh.

Mnangagwa từng là người ủng hộ nhiệt thành cho chính sách kinh tế gây tranh cãi của Mugabe: tịch thu và phân phối lại đất đai do các chủ da trắng nắm giữ từ thời thực dân.

Mnangagwa cũng đóng vai trò tích cực trong việc biến Harare thành một trung tâm lớn về buôn bán kim cương.

Năm 2008, Mnangagwa hỗ trợ Mugabe trong cuộc bầu cử của ông này. Ông cũng giúp trung gian cho quá trình hình thành một chính phủ liên hiệp, trong đó thủ lĩnh đối lập Morgan Tsvangirai làm Thủ tướng.

Đối đầu với “thầy” và lật ngược thế cờ

Quan hệ giữa Mnangagwa và Mugabe bắt đầu bị rạn nứt vào năm 2008 khi vợ của Mugabe là bà Grace tạo ra phái Thế hệ 40 trong đảng cầm quyền Zanu-PF. Dẫu vậy, Mnangagwa vẫn trở thành Phó Tổng thống Zimbabwe vào năm 2014.

Mugabe đã mắc sai lầm khi sa thải vị Phó Tổng thống này của mình vào ngày 6/11 vừa qua (động thái được cho là để dọn đường cho vợ của Mugabe lên làm Phó Tổng thống). Ngay sau đó, Mnangagwa đã phải chạy khỏi đất nước (sang Nam Phi) để tránh bị bắt, đồng thời hùng hồn tuyên bố rằng mình sẽ quay trở lại để lãnh đạo Zimbabwe.

Thông cáo của Mnangagwa vào ngày 8/11 như sau: “Chúng ta hãy chôn vùi các khác biệt và xây dựng lại một quốc gia Zimbabwe mới và thịnh vượng – một đất nước khoan dung với các quan điểm khác biệt, một đất nước tôn trọng ý kiến của người khác, một đất nước không cách ly bản thân khỏi phần còn lại của thế giới chỉ vì một cá nhân ương bướng - người tin rằng mình có quyền cai trị đất nước đến khi chết”.

Trong nhiều tuần qua, Mnangagwa đã bị Mugabe và người vợ Grace phỉ báng công khai. Trong thời gian đó, Mnangagwa đã chuẩn bị chiến lược phản đòn của mình. Chỉ vài ngày sau khi Mnangagwa bị cách chức Phó Tổng thống (với cái cớ là âm mưu chống lại chính quyền), những người ủng hộ ông trong quân đội đã tiến hành quản thúc đối với Mugabe và vợ ông này.

Khi Mugabe từ chối từ chức, hàng ngàn người đã đổ xuống đường tham gia biểu tình vào ngày 18/11 ở thủ đô Harare. Đây không phải là một cuộc biểu tình tự phát. Có dấu hiệu nó được chuẩn bị từ trước. Hàng ngàn tấm áp phích được chuẩn bị một cách chuyên nghiệp, với nội dung ca ngợi Mnangagwa và quân đội, đã được in ấn sẵn từ trước đó.

Trong lúc đó, các đồng minh của Mnangagwa trong đảng Zanu-PF đã vận động hành lang loại bỏ Mugabe khỏi vị trí lãnh đạo đảng này. Tại hội nghị Ban chấp hành trung ương đảng Zanu-PF  hôm 19/11,  Mnangagwa được bầu làm lãnh đạo mới thay thế ông Mugabe, người đã nắm giữ chức vụ này từ năm 1977.

Nhà cải cách Zimbabwe?

Nhiệm vụ sắp tới của Mnangagwa sẽ là lãnh đạo chính phủ đoàn kết lâm thời với trọng tâm tái thiết các mối quan hệ với thế giới bên ngoài và ổn định nền kinh tế suy sụp tột độ của Zimbabwe. Ông có thể sẽ lãnh đạo chính quyền chuyển tiếp cho tới khi tổng tuyển cử được tổ chức trong thời gian tới.

Một câu hỏi đang nổi lên là liệu Mnangagwa có trở thành "thần dược" cho mọi vấn đề của Zimbabwe hiện nay hay không? Và liệu ông có mang lại sự quản trị tốt và sự quản lý kinh tế hiệu quả cho một đất nước Zimbabwe đang xập xệ?

Trong cuộc phỏng vấn với AP nhiều năm trước, Mnangagwa có phong thái ung dung, điềm tĩnh - điều rất phù hợp với tiếng tăm nói ít nhưng hành động vô cùng quyết đoán của ông. Những người bên trong đảng Zanu-PF cho hay, ông này cũng có sự lôi cuốn và bạn bè thuộc đủ giới.

Những năm gần đây, Mnangagwa gây dựng cho mình hình ảnh một nhà lãnh đạo kinh nghiệm và có năng lực đem lại cho Zimbabwe sự ổn định. Thông cáo của ông hôm 8/11 (đã nêu ở trên) cũng cho thấy ông có tư tưởng đổi mới

Nhưng nhiều chuyên gia hoài nghi lời hứa hẹn của ông về việc đưa Zimbabwe trở lại con đường dân chủ và thịnh vượng.

Nhà bình luận Zimbabwe Peter Godwin cho biết, ông không kỳ vọng nhiều lắm về thành công của Mnangagwa trên cương vị Tổng thống Zimbabwe. “Tôi hy vọng mình sẽ sai”.

Godwin đã theo Mnangagwa nhiều năm. Godwin cho biết, Mnangagwa không có mấy sự lôi cuốn mà Mugabe có, cũng không có tài ăn nói trước đám đông như Mugabe.

Một số chuyên gia khác cũng dè dặt về năng lực kinh tế của Mnangagwa, người chủ yếu giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực quân sự và an ninh./.

Theo AP và Express.co.uk/VOV

 

 

 
 
 
 
 
 
KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top