Lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito vào chiều 30-4 được đánh giá là một sự kiện ngắn và khá đơn giản, theo Hãng tin Reuters.
Với việc thoái vị của Nhật hoàng Akihito, triều đại Heisei (Bình Thành) của ông đã kết thúc sau 30 năm. Hoàng thái tử Naruhito sẽ nối ngôi và nước Nhật bước vào triều đại mới có niên hiệu Reiwa (Lệnh Hòa).
Thái tử Naruhito (người sẽ kế vị "Ngai vàng Hoa Cúc" vào ngày 1-5) và Thái tử phi Masako dự lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito - Ảnh: REUTERS
Trong suốt thời gian trị vì, Nhật hoàng Akihito đã nỗ lực hàn gắn vết thương từ Thế chiến 2 và dành sự quan tâm hết mực cho những thường dân bị gạt sang bên lề của xã hội Nhật Bản.
Nhật hoàng Akihito là vị thiên hoàng đầu tiên nắm giữ “Ngai vàng Hoa Cúc” dưới hiến pháp hậu chiến của Nhật Bản, theo đó xem thiên hoàng là biểu tượng của nhân dân và không có thực quyền.
Kể từ khi thể hiện mong muốn thoái vị vì lý do sức khỏe, giờ đây Nhật hoàng Akihito mới có thể chính thức rời ngai vàng, trở thành thượng hoàng.
Trong những phát ngôn cuối cùng trên cương vị thiên hoàng, Nhật hoàng Akihito đã cảm ơn người dân Nhật Bản vì sự ủng hộ của họ và bày tỏ hi vọng về một tương lai hòa bình tại lễ thoái vị chiều 30-4.
“Hôm nay (30-4), tôi sẽ kết thúc vai trò thiên hoàng. Kể từ khi lên ngôi cách đây 30 năm, tôi đã thực hiện nhiều nhiệm vụ trong vai trò thiên hoàng với sự tin tưởng và tôn trọng dành cho người dân. Tôi thấy mình vô cùng may mắn khi có thể làm được như vậy” - vị Nhật hoàng 85 tuổi nói trong bài phát biểu được phát qua truyền hình quốc gia.
"Ghi nhớ mãi con đường mà Nhật hoàng đã đi qua, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để mang lại tương lai tươi sáng cho một đất nước Nhật Bản tràn đầy hòa bình và hi vọng", có mặt tại lễ thoái vị của Nhật hoàng Akihito, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu.
Lễ thoái vị từ 17h-17h10 ngày 30-4 giờ Nhật Bản (tức từ 15h-15h10 cùng ngày giờ VN):
Buổi lễ diễn ra tại "Hội trường Thông" nổi tiếng với sàn gỗ được đánh bóng và được xem là căn phòng quan trọng nhất trong hoàng cung. Khoảng 300 người dự lễ, được phát sóng trực tiếp trên truyền hình quốc gia.
Những vật tượng trưng cho hoàng vị như quốc ấn (quốc tỉ) và triện hoàng đế được đưa tới buổi lễ. Cùng với đó là một thanh kiếm và viên ngọc quý (2 trong số 3 báu vật thiêng của hoàng gia Nhật, báu vật thứ 3 là gương).
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe có bài phát biểu về lễ thoái vị của thiên hoàng, sau đó Nhật hoàng Akihito đưa ra phát ngôn cuối cùng với tư cách là người đứng đầu hoàng gia.
Hoàng hậu Michiko, thái tử Naruhito và thái tử phi Masako có mặt cùng với các quan chức Nhật Bản tại buổi lễ.
Ngày 30-4-2019, nhân dịp nhà vua Nhật Bản Akihito thoái vị, trở thành thượng hoàng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư tới thượng hoàng Nhật Bản Akihito.
Trong thư, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cảm ơn những tình cảm tốt đẹp của thượng hoàng Akihito đối với đất nước, con người Việt Nam, đồng thời đánh giá cao ý nghĩa lịch sử chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của nhà vua Nhật Bản năm 2017, khi thượng hoàng Akihito còn tại vị.