Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 27 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 24 tháng 6 năm 2021 | 13:33

Nhiều "điểm đen" về môi trường tại Quảng Ngãi

Quảng Ngãi luôn là tỉnh nằm trong top về phát triển kinh tế, tuy nhiên, vấn đề môi trường tại đây cũng đang đặt ra nhiều thách thức, chưa cân bằng giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các cảng cá

Từ nhiều năm nay, các cơ sở chế biến hải sản trong Cụm công nghiệp cảng cá Sa Huỳnh chuyên chế biến mực xà với sản lượng lớn. Hiện, đang là thời gian hoạt động cao điểm của các cơ sở này, nội tạng cá, mực, nước thải sau chế biến… đổ thẳng ra cảng cá.

Theo phản ảnh của người dân, tình trạng ô nhiễm môi trường tại cảng cá Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi kéo dài nhiều năm qua, gây bức xúc trong nhân dân.

Hệ thống hạ tầng, xử lý nước thải đầu tư thiếu đồng bộ; nước thải, rác thải tràn lan gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các cảng cá ở tỉnh Quảng Ngãi. Thực tế này kéo dài, gây khó khăn cho việc phát triển nghề cá bền vững của địa phương.

 

quang_ngai_4.jpg
Ngư dân sống chung với ô nhiễm từ nhiều năm nay

 

Dưới nắng nóng oi bức giữa trưa hè, ông Huỳnh Tĩnh, ở khu dân cư Thạnh Đức 2, phường Phổ Thạnh dầm mình, ngụp lặn trong làn nước đen ngòm ở vũng neo trú tàu thuyền Cảng cá Sa Huỳnh, thị xã Đức phổ để ra tín hiệu cho việc lai dắt tàu lên bờ sửa chữa. Từng dòng nước đen đặc quánh, tanh nồng, hôi thối từ miệng cống của cảng cá Sa Huỳnh xả thẳng ra gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Huỳnh Tĩnh cho biết, cảng cá Sa Huỳnh hiện như một hồ chứa nước thải, rác thải.

“Mấy doanh nghiệp thủy sản hoạt động xả nước thải ra cống. Năm nào cũng như năm nấy, đến mùa này không thấy nước biển nữa mà toàn nước mực, nước cá, rất dơ bẩn và hôi thối. Mỗi lần anh em lặn xuống kéo tàu lên về ngứa cả người”, ông Tĩnh nói.

Không chỉ nước thải, hàng tấn rác thải sinh hoạt và hàng chục xác tàu đắm cũng phơi la liệt, bủa vây cảng cá Sa Huỳnh. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây kéo dài nhiều năm qua, gây bức xúc trong nhân dân.

“Xác tàu đắm, rác thải xả do người dân xả xuống biển gây ô nhiễm nguồn nước, cá bây giờ cũng giảm bớt. Chủ yếu là rác thải do không có nơi xử lý nên người dân quăng ra đây, càng ngày càng nhiều, bốc mùi hôi thối”, ông Phan Thanh Dũng, tổ dân phố Thạch By 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi than phiền.

Bà Đặng Thị Ngọc Ánh, Trưởng Ban quản lý Cảng cá Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, hệ thống hạ tầng tại cảng được đầu tư từ năm 2008 hiện xuống cấp trầm trọng, thiếu đồng bộ, không đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ hàng trăm tàu cá của ngư dân.

“Tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường, bồi lấp vũng neo đậu. Vũng đã nhỏ nhưng bị bồi lấp nữa, tàu thuyền không có chỗ neo đậu. Đây là bến chuyên dụng để bán cá nhưng tàu thuyền cập thẳng vô bến, không có chỗ neo đậu phía ngoài. Chúng tôi mong muốn các cấp chính quyền quan tâm đầu tư nâng cấp cảng cá Sa Huỳnh lên cảng cá loại II theo đúng tiêu chuẩn của Luật thủy sản quy định để thuận lợi trong công tác quản lý cũng như phát triển nghề cá bền vững”, bà Ánh kiến nghị.

Theo tìm hiểu được biêt, Tỉnh Quảng Ngãi có 5 cảng cá, sức chứa tối đa khoảng 2.300 tàu, gồm: cảng Sa Huỳnh, cảng Mỹ Á (thị xã Đức Phổ), cảng Tịnh Kỳ (xã Tịnh Kỳ), cảng Tịnh Hòa ( xã Tịnh Hòa,TP Quảng Ngãi) và cảng Lý Sơn (huyện Lý Sơn). Các cảng này được xây dựng từ nhiều năm trước hoặc được đầu tư dang dở, chắp vá… 

Ông Trần Phước Hiền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương rà soát, đánh giá hiện trạng các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền để bố trí kinh phí sửa chữa, nâng cấp, hoàn thiện hạ tầng.

“Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang rà soát lại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, tích hợp, cập nhật đưa vào quy hoạch chung trên địa bàn tỉnh. Trong đó, định hướng cảng cá nào hợp pháp, cảng cá nào không hợp pháp… tạo điều kiện cho ngư dân giảm chi phí, nhất là việc xác định nguồn gốc khai thác. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát lại nguồn vốn trung hạn, trong đó đặc biệt, nguồn vốn Trung ương và vốn của tỉnh hỗ trợ đầu tư nâng cấp các cảng cá trên địa bàn tỉnh”, ông Hiền cho hay.

Ô nhiễm môi trường từ nuôi tôm dọc bờ biển

Nhằm tạo thuận lợi cho người dân nuôi ươm con giống trước khi thả xuống hồ chính, từ năm 2013 đến năm 2018, UBND xã Phổ An (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) đã cho 71 hộ mượn tạm diện tích hàng năm, với tổng diện tích 34.223 m. Tuy nhiên, trong quá trình làm hồ ươm một số hộ đã tự ý lấn chiếm đất để mở rộng hồ ươm, hộ ít thì lấn chiếm đất từ 7-8 mét, nhiều thì 10-15 mét.

Đáng nói là, từ khi UBND xã Phổ An cho các hộ trúng đấu giá nuôi tôm thì nhiều hộ đã tự ý xây dựng kho đựng vật tự nằm phía trong rừng phòng hộ. UBND xã Phổ An đã giải quyết và hiện nay vẫn phải tiếp tục xử lý tình trạng lấn chiếm rừng phòng hộ cho mục đích khác. Ngoài ra, trong quá trình đắp và gia cố bờ hồ, các hộ nuôi tôm còn lấy đất cát để bán vì mục đích kinh tế. Theo UBND xã Phổ An, địa phương đã cương quyết xử lý và không còn trường hợp tái diễn.  

Chưa dừng lại ở đó, do quá trình nuôi tôm thua lỗ, các hộ nuôi tôm đã bỏ hồ xử lý nước thải và tiếp tục nuôi theo kiểu truyền thống là hút và xả thải trực tiếp ra biển, lâu ngày đã gây ô nhiễm trong vùng đáng kể.

 

img_0708.jpg
Tỉnh Quảng Ngãi đang tính đến phương án hạn chế nghề nuôi tôm để bảo vệ môi trường

 

Ông Võ Minh Vương, phó Chủ tịch UBND Thị xã Đức Phổ, cho biết, thời gian đến, UBND thị xã sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND xã Phổ An mời tất cả các hộ nuôi tôm trên cát, quán triệt và cam kết không được lấn chiếm diện tích; không tự ý chặt phá rừng phòng hộ đối với một số hồ có vài cây dương xung quanh hồ; cam kết bảo vệ môi trường, có biện pháp xử lý nước thải trước khi xử lý xuống biển…

​Trên thực tế, nhiều năm qua nuôi trồng thủy sản phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi  nhưng hầu hết các vùng nuôi trên cát đều không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn. Hầu hết nước thải được người dân xả thẳng ra bãi cát ven biển và ra biển. Trong khi đó, theo tính toán sơ bộ của ngành nông nghiệp, bình quân mỗi hecta nuôi tôm trên cát thải ra hơn 5 tấn chất thải rắn như vỏ tôm khi tôm lột vỏ, cùng thức ăn dư thừa và hàng nghìn mét khối nước thải. Đây được xem là nguyên nhân khiến môi trường ven biển tỉnh Quảng Ngãi dần bị suy thoái.

Tại cuộc họp về định hướng phát triển thủy sản bền vững, giai đoạn 2021 - 2025, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền đã yêu cầu Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi kiểm tra, rà soát lại thực trạng nuôi tôm trên cát trên địa bàn tỉnh và hạn chế phát triển nghề nuôi trồng này trong tương lai để bảo vệ môi trường, vừa thúc đẩy phát triển thủy sản bền vững.

Xử lý môi trường nước bằng công nghệ tuần hoàn

Nhiều năm trở lại đây, các loại bệnh xuất hiện trên tôm đang khiến cho nhiều hộ nuôi chịu nhiều thiệt hại. Một trong số những nguyên nhân dẫn đến tôm bệnh, chết có thể kể đến là việc ô nhiễm nguồn nước, môi trường nuôi tôm. Do đó, những công nghệ tiên tiến được áp dụng để xử lý nước, đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho con tôm là vô cùng cần thiết.

Trên cơ sở đó, vào năm 2020, dự án nghiên cứu ứng dụng công nghệ quản lý ổn định môi trường nước trong ao nuôi tôm siêu thâm canh ở huyện Mộ Đức (tỉnh Quảng Ngãi) được triển khai đã cho thấy những kết quả tích cực bước đầu. Điều này đang kỳ vọng sẽ góp phần phát triển bền vững nghề nuôi tôm không chỉ ở Quảng Ngãi mà nhiều tỉnh thành khác trên cả nước.

Đề tài do Cty TNHH Khoa học nuôi trồng Thủy sản và Môi trường SAEN chủ trì. TS. Nguyễn Nhứt, Phó Trưởng phòng Sinh học Thực nghiệm, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 2 làm chủ nhiệm đề tài. Dự kiến, đề tài sẽ thực hiện trong vòng 2 năm, bắt đầu từ tháng 7/2020 trên 2 đối tượng là tôm thẻ chân trắng và tôm sú.

 

ttttt.jpg
Nước trong ao nuôi tôm được tuần hoàn sau khi xử lý và luôn giữ ổn định các chỉ số đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho tôm. Ảnh: L.K.

 

Mô hình được triển khai tại xã Đức Chánh (huyện Mộ Đức) trên quy mô 700m2. Tôm nuôi sẽ được chia làm 3 giai đoạn trong 3 bể nuôi khác nhau. Ở giai đoạn đầu tiên tại bể nuôi 100m2 được thả với mật độ 1.020 con/m2. Khi tôm bước qua tháng thứ 2 sẽ được chuyển qua 1 bể nuôi khác có diện tích 200m2. Đến giai đoạn cuối cùng sẽ được nuôi trong bể có diện tích 400m2.

Theo công nghệ này, toàn bộ diện tích nuôi đều sử dụng khung sắt lót bạt. Đặc biệt, trong quá trình nuôi hầu hoàn toàn không phải thay nước mà môi trường nuôi sẽ được xử lý liên tục qua 2 hệ thống xử lý chất thải rắn bằng màng lọc và chất thải hòa tan bằng vi sinh.

Nước trong ao nuôi luân chuyển liên tục, sau khi qua xử lý, nguồn nước nuôi tôm được trả về hồ đảm bảo các tiêu chí sạch, an toàn để cho tôm phát triển, hạn chế tối đa dịch bệnh và hoàn toàn không sử dụng các chất kháng sinh.

Theo TS. Nguyễn Nhứt, thông thường, 1 con tôm ăn và tích tụ trong cơ thể khoảng 30% còn lại sẽ thải ra các dạng chất rắn và các chất hòa tan không lắng lại gây ô nhiễm ở mức độ sẽ giết lại con tôm. Bên cạnh đó, con tôm sẽ thải liên tục trong vòng 24 giờ. Do đó, trong quá trình xử lý nguồn nước theo công nghệ này sẽ có 1 máy tách chất thải rắn riêng. Còn các chất thải không thể lọc được bằng vật lý sẽ dùng bể chứa vi sinh để lọc sinh học.

“Trong vật liệu lọc sinh học mà tôi nghiên cứu bằng vi sinh thì sẽ kích thích vi sinh phát triển để hấp thụ các chất hòa tan gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, các vi sinh lọc sinh học còn là nơi phát tán ra các enzim để chống lại các vi khuẩn gây mầm bệnh. Với các công nghệ khác thì khi thực hiện thay nước ao nuôi rất dễ mang virus, vi khuẩn, ký sinh trùng vào mà dù có xử lý như thế nào cũng không hết được.

Vì công nghệ này không thay nước nên sẽ ngăn chặn con đường lây lan từ nguồn bệnh đi theo dòng nước thay vào. Ngoài ra, khi nuôi theo mỗi giai đoạn 1 tháng thì mầm bệnh chưa kịp phát triển, chúng ta đã vệ sinh và thả tôm vào lại. Còn nuôi 1 bể trong thời gian dài thì mầm bệnh sẽ xuất hiện nhiều hơn”, ông Nhứt nói.

 

 

 

 

Thanh Xuân (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top