Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 30 tháng 8 năm 2020 | 16:1

Báo động ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi

Bình Phước là tỉnh có nhiều lợi thế về phát triển chăn nuôi trang trại, nhất là nuôi lợn. Tuy nhiên, tại các huyện biên giới Lộc Ninh, Bù Đốp có hàng trăm trại nuôi lợn quy mô lớn đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Các cơ quan chức năng thiếu giám sát, kiểm soát 

Trong những năm gần đây, số trại lợn trên địa bàn tỉnh Bình Phước phát triển nhanh chóng. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN và MT) tỉnh Bình Phước, hiện có khoảng 300 trại chăn nuôi lợn đang hoạt động, trong đó có 112 trại quy mô lớn (huyện Lộc Ninh 53 trại, huyện Bù Đốp 11 trại). Tuy nhiên, nhiều trại nuôi lợn chưa xây dựng hoàn chỉnh hoặc xây dựng chưa đúng quy định bảo vệ môi trường như nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt;  dẫn đến gây ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước.

Bên cạnh trại nuôi lợn của ông Bùi Quang Phiên ở ấp Thanh Sơn, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp là một hồ nước đen kịt rộng hàng nghìn mét vuông, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Nước từ hồ này bằng nhiều cách thoát ra môi trường gây ảnh hưởng đến khu dân cư nơi đây. Nhiều hộ dân vì không chịu được tình trạng ô nhiễm nguồn nước và không khí nên phải chuyển nhà đi nơi khác sinh sống. Một hộ dân sống gần đó cho biết, trại nuôi lợn này tồn tại gần 10 năm nay. Trước kia, quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, những năm gần đây, chủ trang trại mở rộng quy mô nên mức độ ô nhiễm ngày càng trầm trọng, nhất là ô nhiễm đất và nguồn nước ngầm.

 

8_2-1598471014803.jpg
Hồ chứa nước thải tại trại nuôi lợn của ông Bùi Quang Phiên (thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp, Bình Phước) gây ô nhiễm môi trường.

 

Không riêng tại thị trấn Thanh Bình, các xã Thiện Hưng, Hưng Phước, Phước Thiện (Bù Đốp), nhiều trang trại chăn nuôi lợn cũng đang ngày đêm làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH Chăn nuôi N.L đứng chân tại ấp Bù Tam, xã Hưng Phước có quy mô 12.000 con cũng đang làm đảo lộn cuộc sống của 20 hộ dân sinh sống ở khu vực lân cận. “Từ tám đến chín giờ sáng, 15 giờ đến 17 giờ chiều và sau 22 giờ đêm là không khí tại nơi này trở nên ngột ngạt, khó thở bởi mùi phân lợn. Ngoài ô nhiễm nguồn không khí còn có nhiều ruồi nhặng, mỗi khi ăn cơm chúng tôi phải giăng mùng, tối đi ngủ có khi phải đeo khẩu trang vì không chịu nổi mùi hôi thối”, chị Điểu Thị Sao sống gần trại nuôi lợn cho biết.

Ông Vũ Văn Hiếu, Trưởng Phòng TN và MT huyện Bù Đốp cho biết, việc hình thành nhiều trang trại nuôi lợn, quy mô chăn nuôi từ vài trăm đến cả nghìn con, góp phần phát triển kinh tế nhưng đã để lại hệ lụy ô nhiễm môi trường do nước thải, chất thải của gia súc. 

Tại huyện Lộc Ninh, các trại chăn nuôi lợn được bố trí xa khu dân cư nhưng tình trạng gây ô nhiễm vẫn khá nghiêm trọng. Hằng ngày, các trại chăn nuôi lợn xả thải ra môi trường một lượng nước lớn có mầu đen kịt và bốc mùi hôi thối. Điều đáng nói là nguồn nước xả thải này theo nhiều đường khác nhau đổ xuống thượng nguồn sông Sài Gòn, nơi cung cấp nguồn nước cho các nhà máy nước sạch ở hạ lưu.

Anh Điểu Chánh ở ấp Măng Cái, xã Lộc Thiện có ruộng lúa gần trại lợn Công ty TNHH Chăn nuôi Lộc Thiện cho biết: “Gia đình tôi chi hơn 60 triệu đồng để mua 1 ha ruộng làm lúa tại ấp Vườn Bưởi. Từ khi trại nuôi lợn ở đây đi vào hoạt động và xả thải nước ô nhiễm ra đồng, năng suất lúa hằng năm giảm khoảng 50%, một số hộ thì mất trắng. Chúng tôi phản ánh đến chủ trại nuôi lợn thì được họ bồi thường vài triệu đồng. Cứ tình trạng xả thải như hiện nay thì cánh đồng lúa rộng hàng chục héc-ta này bị bức tử thôi”.

Còn tại trại nuôi lợn Lộc Ninh 3 (ấp 9, xã Lộc Hưng, huyện Lộc Ninh), nước thải chưa được xử lý triệt để đã xả thải ra một cánh đồng lúa ở gần đó. Do người dân phản ánh nên chủ trại bồi thường thiệt hại cho họ và đầu tư một hệ thống máng dẫn nước thải đổ thẳng ra suối Cần Lê (một nhánh của sông Sài Gòn). Tuy nhiên, nước từ trong trại nuôi lợn có mầu đen kịt vẫn chảy tràn ra cánh đồng lúa gây ô nhiễm môi trường. Ông Trần Vân Hạnh sống gần trại nuôi lợn bức xúc: “Khi đi vào xây dựng, chủ trại có cam kết không gây ô nhiễm môi trường nhưng thực tế lại khác. Ngoài xả thải nước ô nhiễm ra môi trường, chúng tôi phải sống trong bầu không khí ngột ngạt vì mùi phân lợn, ruồi nhặng…”.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, Sở TN và MT tỉnh đã tổ chức kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với 48 trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Lộc Ninh và Bù Đốp. Đoàn kiểm tra phát hiện 35 đơn vị chưa có giấy xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; 26 đơn vị xử lý nước thải chưa đạt quy chuẩn. Giám đốc Sở TN và MT tỉnh Bình Phước Lê Hoàng Lâm cho biết: Sở đang tiến hành xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; đồng thời yêu cầu các đơn vị được kiểm tra phải nhanh chóng khắc phục các nội dung còn tồn tại, như: Xây dựng công trình xử lý nước thải theo đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; thực hiện các biện pháp xử lý mùi hôi, sử dụng chế phẩm sinh học để hạn chế mùi hôi phát sinh tại các khu vực quạt hút; hoàn thiện hệ thống thu gom, xử lý nước thải, khu vực lưu chứa phân nhằm tránh gây ảnh hưởng đến môi trường chung quanh. Đối với 26 đơn vị xử lý nước thải chưa đạt quy chuẩn, thời gian tới, Sở TN và MT sẽ tổ chức hậu kiểm, nếu phát hiện vẫn còn vi phạm thì sẽ tham mưu UBND tỉnh đình chỉ hoạt động. Khi nào cải tạo hệ thống và bảo đảm xử lý nước thải đạt quy chuẩn mới được phép hoạt động trở lại theo quy định. 

Việc phát triển chăn nuôi, nhất là nuôi lợn đang từng bước đem lại hiệu quả kinh tế cho các địa phương của Bình Phước. Tuy nhiên, do chủ các trại nuôi lợn không thực hiện đúng cam kết nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, nhất là công trình xử lý nước thải; đơn vị quản lý buông lỏng giám sát quá trình xây dựng, vận hành các trại nuôi lợn đã để lại nhiều hệ lụy cho môi trường. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước tỉnh Bình Phước cần thường xuyên đôn đốc, yêu cầu các trang trại chăn nuôi lợn phải xây dựng các công trình bảo vệ môi trường theo đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Yêu cầu các trại chăn nuôi lợn trong quá trình hoạt động phải thu gom toàn bộ chất thải phát sinh và xử lý bảo đảm đạt quy chuẩn mới được phép thải ra môi trường. Đặc biệt phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các trang trại chăn nuôi lợn đang hoạt động trên địa bàn tỉnh để kịp thời xử lý và ngăn chặn tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Khu sản xuất, chế biến nấm gây ô nhiễm môi trường

Theo phản ánh của người dân xóm Tiền Phong, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ, bắt đầu khoảng từ  năm 2015, ngay giữa khu dân cư một cơ sở sản xuất nấm ăn của Công ty CP Sinh học An Hà mọc lên gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, mặc dù người dân đã nhiều lần phản ánh lên cả công ty và chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Cách điểm xây dựng cơ sở này khoảng chừng 350 mét, nhà bà Nguyễn Thị Thành ở xóm Tiền Phong hàng ngày phải hứng chịu mùi hối thối từ hoạt động của Công ty An Hà, khiến cuộc sống của gia đình bị đảo lộn. “Mùi nấm ảnh hưởng cả xóm này luôn, nhất là khi đốt bốc mùi nặc, nếu không mang khẩu trang thì không chịu được. Người dân cũng phản ánh lên cấp trên nhưng chưa được giải quyết”- bà Thành phân trần.

Không chỉ riêng gia đình bà Thành, mà hơn 200 hộ dân của xóm Tiền Phong, xã Kỳ Sơn cũng hết sức bức xúc về hoạt động của cơ sở này đã làm cho môi trường và không khí ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống và sức khỏe của người dân.

 

bnnam.jpg
Khu sản xuất, chế biến nấm gây ô nhiễm môi trường

 

Qua tìm hiểu của phóng viên, năm 2015, UBND tỉnh Nghệ An đã có quyết định cho Công ty CP Sinh học An Hà thuê hơn 6.000m2  đất, thời hạn sử dụng đến năm 2065 để xây dựng khu sản xuất giống, nuôi trồng và chế biến nấm ăn, nấm dược liệu theo quy mô công nghiệp. Thế nhưng, thực tế tại đây hoạt động của công ty này chủ yếu làm theo thủ công, hệ thống xử lý chất thải và công tác quan trắc tác động môi trường trong quá trình hoạt động cũng chưa được thực hiện.

Điều đáng nói, khi đề cập tình trạng ô nhiễm tại cơ sở đối với cuộc sống người dân và môi trường xung quanh, đại diện doanh nghiệp này lại không hề biết về vấn đề ô nhiễm trường mà người dân phản ánh trong nhiều năm qua và cũng cho biết là không có bất cứ cơ quan chức năng nào kiểm tra hướng dẫn xử lý.

“Những phản ánh của người dân về công ty chúng tôi không được biết. Hiện tại nếu thực sự trong quá trình vận hành có việc ô nhiễm môi trường chúng tôi sẽ tiếp thu, khắc phục”, ông Lương Duy Dũng - Giám đốc Công ty CP Sinh học An Hà cho biết.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ cho hay: Thời gian vừa qua cử tri và người dân có nhiều phản ánh về môi trường khi Công ty An Hà sản xuất nấm có mùi hôi thối. Xã đã tiếp thu ý kiến gửi cơ quan chức năng nhưng kết quả xử lý còn chậm, ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

“Vấn đề gây ô nhiễm môi trường của Công ty An Hà đã được báo cáo tại kỳ họp thứ 7, Hội đồng nhân dân huyện khóa XVIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021 và đã đề nghị UBND huyện Tân Kỳ, Sở Tài nguyên & Môi trường về kiểm tra xác định rõ mức độ ô nhiễm để trả lời cho công dân. Thế nhưng đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức tiến hành kiểm tra, xử lý” - ông Thọ cho biết thêm.

Đem vấn đề trên trao đổi lãnh đạo UBND huyện Tân Kỳ, ông Nguyễn Văn Hoa - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đây là cơ sở đang được huyện xây dựng theo mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), lâu nay vẫn được đánh giá hoạt động tốt. Công ty này  có người đang làm việc tại Phòng Dân tộc huyện (trước đó là Phòng NN&PTNT huyện) Tân Kỳ. Thông tin về cơ sở nấm của Công ty An Hà gây ô nhiễm huyện cũng mới nắm bắt được và đang giao cho các phòng chuyên môn kiểm tra để có báo cáo cụ thể.

Xưởng sản xuất dầu DO gây ô nhiễm môi trường

Thời gian qua, nhân dân địa phương bức xúc trước tình trạng xưởng tái chế lốp ô-tô để sản xuất dầu DO ở xóm Làng Giai, xã La Hiên, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên) gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Mặc dù chính quyền địa phương đã đình chỉ hoạt động, nhưng xưởng này vẫn lén lút vận hành.

Xưởng tái chế lốp ô-tô để sản xuất dầu DO này, có nhà xưởng, mặt bằng sản xuất rộng hàng nghìn m2 ở trong khe núi xóm Làng Giai, xã La Hiên. Tại đây, lốp ô-tô hư hỏng được thu gom chất thành đống lớn, rồi đưa vào lò nung với nhiệt độ khoảng 300 độ C, lốp ô-tô sẽ chảy ra để chưng cất dầu DO bán ra thị trường.

Xưởng tái chế lốp ô-tô này do Công ty TNHH Công nghiệp Hải Bình (Công ty Hải Bình) mua lại từ một doanh nghiệp khác, hoạt động từ năm 2018. Trước khi Công ty Hải Bình mua lại, mỗi khi hoạt động xưởng này lại xả khói, bụi gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tỏa ra chung quanh ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

 

fsdfsd.jpg
Lốp ô-tô được đưa vào lò nung chảy để sản xuất dầu DO, xả khói và bụi gây ô nhiễm môi trường.

 

Người dân địa phương bức xúc, mỗi khi xưởng hoạt động, xả ra khói mùi cao-su khét lẹt rất khó chịu, một số người già đã bị bệnh về phổi, ho. Không những khói, doanh nghiệp còn gây bụi trong quá trình vận chuyển tro cao-su sau tái chế. Nhân dân địa phương nhiều lần phản đối, thậm chí tập trung ngoài cổng yêu cầu xưởng dừng hoạt động.

Chủ tịch UBND xã La Hiên Tầm Văn Cử cho biết: “Mỗi khi xưởng sản xuất dầu DO hoạt động là ảnh hưởng đến môi trường, làm nhân dân bức xúc, UBND huyện Võ Nhai đã tạm đình chỉ hoạt động”.

Đại diện Công ty Hải Bình lý giải: “Khi mua lại xưởng chưng cất dầu DO này, Công ty Hải Bình đã đầu tư, nâng cấp một số hạng mục để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tháng 11-2019, UBND huyện Võ Nhai đồng ý để Công ty Hải Bình vận hành thử xưởng sản xuất dầu DO”.

Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, xưởng này gây ô nhiễm môi trường, làm người dân địa phương bức xúc, gửi đơn thư đi nhiều nơi, tụ tập phản đối xưởng hoạt động và cuối năm 2019, UBND huyện Võ Nhai đã tạm thời đình chỉ hoạt động xưởng này cho đến khi sửa chữa, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.

Mặc dù chưa được phép hoạt động trở lại, nhưng tối 25-8 vừa qua, Công ty Hải Bình đã vận hành trở lại xưởng sản xuất dầu DO này. UBND xã La Hiện đã thành lập tổ công tác kiểm tra, lập biên bản, yêu cầu dừng hoạt động. Tối 26-8, nhân dân địa phương tụ tập tại cổng xưởng sản xuất, đề nghị Công ty Hải Bình phải dừng hoạt động đối với xưởng sản xuất gây ô nhiễm môi trường này.

Chính quyền huyện Võ Nhai cần có giải pháp kiên quyết để giải quyết dứt điểm tình trạng xả khí độc hại tại xưởng sản xuất dầu DO này, để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân.

PV (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hào hứng xem đua vỏ lãi ở cửa biển Sông Đốc

    Hàng ngàn người đổ về thị trấn Sông Đốc (Trần Văn Thời - Cà Mau) để xem cuộc đua vỏ lãi kỳ thú. Thị trấn ven biển này cũng là nơi 70 năm trước diễn ra sự kiện tập kết ra Bắc lịch sử.

  • Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Dòng chảy tri thức - Hành trình tri thức không thể thiếu vắng hình bóng “Người lái đò”

    Hòa cùng không khí cả nước, chào mừng 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/1982 - 20/11/2024, tri ân sự đóng góp, hy sinh của thầy, cô giáo - những “Người lái đò” thầm lặng, đưa nhiều thế hệ học trò đến với bến bờ tri thức.

  • Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Thắp sáng ước mơ cho các em học sinh Làng Nủ

    Trong tiết trời se lạnh đầu đông, nhưng ở trong Trường TH&THCS số 1 Phúc Khánh (Bảo Yên - Lào Cai), không khí ấm áp và rộn ràng đang tràn ngập nơi đây. Những ngày tháng gian khó sau bão số 3 đã ở lại phía sau, nhường chỗ cho niềm vui và nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Bằng sự tận tụy, ân cần của thầy cô, nhà trường đã trở thành mái nhà thứ hai, nơi tràn đầy tình yêu thương và hy vọng.

Top