Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 27 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 3 tháng 3 năm 2022 | 9:14

Nhiều sản phẩm bảo vệ sức khỏe được cảnh báo do có chất cấm

Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế thường xuyên cảnh báo một số thực phẩm bảo vệ sức khỏe, được các đơn vị kinh doanh nhập khẩu vào Việt Nam, nguyên nhân là những sản phẩm này đều có chứa chất cấm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng.

Cảnh báo chất cấm có trong sản phẩm
 
Mới đây, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế đã phát thông tin cảnh báo một số sản phẩm có nguy cơ nhiễm Cronobacter sakazakii and Salmonella Newport đã được nhập khẩu về Việt Nam, từ Mạng lưới các cơ quan an toàn thực phẩm quốc tế (INFOSAN) về sự cố an toàn thực phẩm liên quan đến việc một số trẻ nhỏ bị nhiễm Cronobacter sakazakii and Salmonella Newport liên quan đến sử dụng sản phầm dinh dưỡng công thức sản xuất tại nhà máy của Abbott Nutrition’s Sturgis, MI, Mỹ. Cho đến nay, người tiêu dùng tại Mỹ đã thông báo về bốn trường hợp xảy ra ở trẻ nhỏ, trong đó một trường hợp đã tử vong (không được xác nhận là do nhiễm Cronobacter). Do đó, nhà sản xuất ở Mỹ đã bắt đầu việc thu hồi tự nguyện các sản phẩm liên quan được sản xuất tại nhà máy liên quan.
 
image001-8601194.png
Thông tin trên sản phẩm bị thông báo thu hồi
 
Sản phẩm dinh dưỡng công thức dạng bột cho trẻ nhỏ có nhãn hiệu là Similac, Alimentum, and EleCare của Công ty Abbott.
 
image003-7631710.jpg
Thông tin trên mã sản phẩm để người tiêu dùng biết đây là sản phẩm bị thu hồi do có chất cấm

 

Thông tin sản phẩm bị thông báo thu hồi là: Hai số đầu tiên của mã số từ 22 tới 37 và Mã số trên bao bì chứa ký hiệu K8, SH, hoặc Z2, và Hạn sử dụng từ 01/4/2022 trở về sau.
 
Trước thông tin như vậy, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không sử dụng các sản phẩm có tên và số lô bị cảnh báo nêu trên và đề nghị thông báo ngay với cơ quan chức năng tại địa phương khi phát hiện sản phẩm cảnh báo trên thị trường.
 
Trước đó Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế cũng đã phát đi thông tin cảnh báo khi phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống giảm cân SEVEN DAYS có chứa chất cấm sibutramine từ Viện Pasteur Nha Trang và Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên uống giảm cân SEVEN DAYS có chứa chất cấm Sibutramine. Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, trong thời gian các cơ quan chức năng đang xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm cảnh báo và đề nghị người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm có các thông tin và hình ảnh dưới đây, trường hợp phát hiện sản phẩm này lưu hành trên thị trường đề nghị thông báo cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
1-3135066.png
Sản phẩm bảo vệ sức khỏe SEVEN DAYS có chứa chất cấm sibutramine

 

Hay như sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimming TIGI MAX 28 có chứa chất cấm Sibutramine  từ Viện Pasteur Nha Trang về kết quả kiểm nghiệm mẫu giám sát phát hiện sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Slimming TIGI MAX 28.
 
Ngoài ra, còn rất nhiều những sản phẩm bảo vệ sức khỏe khác nữa được Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế thường xuyên cung cấp thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng và đề nghị các cơ quan quản lý kiểm tra và xử lý theo các quy định của pháp luật.
 
Chế tài xử phạt đối với các hành vi kinh doanh thực phẩm có chất cấm
 
Xử phạt vi phạm hành chính
 
Việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng chất cấm trong việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm được quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP. Theo đó, việc xử phạt sẽ căn cứ vào hành vi vi phạm tương ứng được quy định tại các điều khoản. Mức phạt tiền có thể lên tới 500 - 700 triệu đồng (khoản 5 Điều 6 Nghị định 115/2018/NĐ-CP).
 
Bên cạnh đó, một số hành vi sẽ có các hình phạt bổ sung như:
 
Đình chỉ một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm;
 
Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm trong một khoảng thời gian nhất định tuỳ theo mức độ vi phạm.
 
Xử phạt hình sự
 
Điều 317 Bộ Luật Hình sự 2015 quy định: “1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
 
Sử dụng chất cấm trong sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản thực phẩm hoặc bán, cung cấp thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm có sử dụng chất cấm.
 
Sử dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối tạo ra dư lượng vượt ngưỡng cho phép trong sản phẩm;..."
 
Theo đó, nếu hành vi sử dụng chất cấm có các dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 317 Bộ Luật Hình sự 2015 thì cá nhân, tổ chức có liên quan sẽ bị khởi tố hình sự.
 
Như vậy, việc kiểm tra danh mục chất cấm trước khi sản xuất, kinh doanh thực phẩm là vô cùng quan trọng đối với mỗi doanh nghiệp. Do các quốc gia có quy chuẩn khác nhau về danh mục chất cấm, do đó sản phẩm xuất khẩu trước khi sản xuất cần kiểm tra danh mục chất cấm tại nước có ý định xuất khẩu để tránh rủi ro.
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top