Hôm nay tròn 5 năm nước Nhật hứng chịu thảm họa kép động đất, sóng thần kinh hoàng ngày 11/03/2011.
Không chỉ để lại nỗi đau lớn trong lòng mỗi người dân xứ sở hoa anh đào, thảm họa tồi tệ này cho đến nay vẫn còn kéo theo nhiều hệ lụy chưa giải quyết được, trong đó có cuộc khủng hoảng hạt nhân sau vụ nổ nhà máy điện Fukushima.
Dù nửa thập kỷ đã trôi qua kể từ khi xảy ra thảm họa kép động đất, sóng thần, người dân tỉnh Fukushima, vẫn đang phải chật vật khắc phục những vấn đề về môi trường, xã hội và kinh tế. Sau sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, nơi đây đã biến thành "vùng đất chết" với những cảnh hoang tàn, đổ nát, nhiều nhà cửa, lớp học bị bỏ không, cỏ mọc um tùm khắp lối.
Thảm họa động đất - sóng thần ngày 11/03/2011 đã cướp đi sinh mạng của gần 16.000 người, khiến hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn. Số liệu mới nhất do chính phủ Nhật Bản công bố còn cho thấy, hơn 3 nghìn 400 người sống sót sau thảm họa năm 2011 đã qua đời vì những vấn đề sức khỏe liên quan đến thảm họa này, mà phần lớn là ở tỉnh Fukushima (chiếm 58%).
5 năm sau thảm họa, vẫn có rất nhiều người dân Nhật Bản chưa thể trở về ngôi nhà của mình, mặc dù khát vọng quay trở lại quê hương vẫn đau đáu trong tâm trí họ. Nhiều người vẫn đang sống trong những ngôi nhà tạm, trong khi nhiều người khác lựa chọn chuyển tới những nơi ở mới, từ bỏ hy vọng trở lại quê nhà.
Khoảng 10.000 trẻ em cùng gia đình sơ tán khỏi Fukushima sau động đất vẫn chưa trở về do lo ngại các vấn đề về môi trường và kinh tế. Sau thảm họa động đất sóng thần kinh hoàng này, tỷ lệ sinh cũng có xu hướng giảm mạnh. Tại 12 thành phố thuộc các tỉnh Fukushima, Miyagi và Iwate dân số giảm hơn 10% sau thảm họa và một nửa số thành phố này chứng kiến mức giảm sinh tới hơn 20%.
Việc khắc phục hậu quả tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima sau thảm họa ước tính sẽ phải mất từ 30-40 năm để hoàn tất khối lượng công việc, tiêu tốn hàng chục tỷ đôla. TEPCO, đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Fukushima nhận định, công tác khắc phục hậu quả và tái thiết sẽ chưa thể được hoàn tất trước năm 2050.
Mặc dù vậy, mới đây, đại diện của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, ông Naohiro Masuda đánh giá cao những tiến bộ đạt được trong công tác khắc phục sự cố: "Gần đây, chúng ta cuối cùng đã có thể cảm thấy tình hình đã lắng xuống phần nào và có thể nhìn về tương lai phía trước. Tôi tự tin để nói rằng chúng ta đã có những tiến bộ lớn trong năm qua.”
Các nhà máy điện hạt nhân của Nhật Bản đã phải ngừng hoạt động để tiến hành các kiểm tra an toàn sau thảm họa động đất sóng thần. Hiện Nhật Bản đang mời các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới tới tham gia diễn đàn quốc tế đầu tiên của nước này về việc ngừng hoạt động tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi vào đầu tháng Tư tới tại tỉnh Fukushima.
Ông Satoru Toyomoto, quan chức phụ trách về phản ứng trước các sự cố hạt nhân thuộc Bộ Kinh tế thương mại và công nghiệp Nhật Bản nhấn mạnh: “Chúng tôi tổ chức diễn đàn này để đánh dấu lễ tưởng niệm 5 năm ngày xảy ra thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, và để thu thập kiến thức chuyên môn và tình báo từ khắp nơi trên thế giới, thúc đẩy sự hiểu biết về hiện trạng và tiến độ của công tác ngừng hoạt động nhà máy điện hạt nhân này. Đồng thời chúng tôi hy vọng điều này sẽ góp phần phát triển nguồn nhân lực, cũng như khuyến khích nghiên cứu và phát triển”./.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.