Chiều qua (theo giờ Việt Nam) đã xảy ra 2 vụ nổ lớn tại sân bay Zaventem và ga tàu điện ngầm Maelbeek nằm ngay ở thủ đô Brussels của Bỉ khiến hơn 100 người thương vong.
Sau khi vụ nổ xảy ra, sân bay này ngay lập tức đã phải đóng cửa và thủ đô Brussels gần như tê liệt. Vụ việc xảy ra chỉ vài ngày sau khi cảnh sát Bỉ hôm 18/3 đã bắt giữ tên Salah Abdeslam - nghi can chính trong loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 11/2015 làm 130 người thiệt mạng đang dấy lên mối lo ngại về nguy cơ khủng bố mới tại châu Âu.
Phóng viên VOV thường trú tại Pháp cho biết, cho đến thời điểm này, tức là gần 20 tiếng sau khi các vụ khủng bố diễn ra ở Brussels, con số thương vong được nhà chức trách Bỉ đưa ra như sau: có 31 người thiệt mạng và hơn 200 người bị thương, trong đó khoảng hơn chục người đang trong tình trạng nguy kịch. Đã có tổng cộng 3 vụ nổ, gồm 2 vụ nổ ở sân bay Zaventem và 1 vụ nổ trên tàu điện ngầm ở ga Maelbeek. Cảnh sát Bỉ cũng đã phát hiện và vô hiệu hóa một quả bom thứ 3 ở sân bay Zaventem, đồng thời cho nổ phá hủy 2 gói đồ tình nghi trên các con phố và cơ sở công cộng ở thủ đô Brussels.
Đây là vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Bỉ và được thực hiện với kịch bản giống hệt với vụ khủng bố ở Paris tháng 11, tức là đánh bom tự sát bằng đai thuốc nổ quấn trong người cùng lúc tại nhiều địa điểm công cộng. Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo – IS đã nhận gây ra những vụ khủng bố này. Hiện tại thì toàn bộ nước Bỉ đang được đặt ở mức cảnh báo an ninh cao nhất là mức 4. Hàng loạt công sở, phương tiện công cộng, trường học… ở thủ đô Brussels và trên đất Bỉ đã đóng cửa và sẽ chỉ mở lại một cách thận trọng trong ngày hôm nay.
Vào cuối giờ chiều qua, theo giờ Brussels thì cảnh sát Bỉ cũng đã phát đi các hình ảnh thu được từ camera an ninh về 3 nghi phạm được cho là đã gây ra vụ đánh bom ở sân bay Zaventem và kêu gọi các nhân chứng cung cấp thông tin. Cảnh sát Bỉ cũng đã tiến hành lục soát ở nhiều nơi và thu giữ được một gói thuốc nổ cùng một lá cờ của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS ở quận Schaerbeek ngoại ô Brussels. Có thể nói, cả Brussels và nước Bỉ đang trong tình trạng sốc nặng trước vụ khủng bố này.”
Ngay sau khi xảy ra các vụ đánh bom khủng bố, toàn bộ nước Bỉ đã được đặt trong mức cảnh báo an ninh cấp 4, là mức cao nhất. 225 binh lính đã được điều động thêm để bảo vệ các cơ sở ở Brussels. Quân đội, cảnh sát và lực lượng cứu hộ được huy động ở mức tối đa. Bệnh viện Saint-Pierre ở Brussels, nơi tiếp nhận và cứu chữa cho các nạn nhân cũng đã nhận được rất nhiều đề nghị hiến tặng máu từ người dân để chữa trị cho các nạn nhân. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng cho lập các trung tâm khủng hoảng, cung cấp số điện thoại khẩn cấp, đồng thời mở các chỗ lánh nạn cho người dân, đặc biệt tại sân bay Zaventem.
Thị trưởng Brussels, Yvan Mayeur vừa lên tiếng yêu cầu chính quyền liên bang thực hiện biện pháp “lock down” trong vài ngày tới, tức là đóng cửa các trung tâm thương mại, các cơ sở hành chính và các phương tiện giao thông công cộng.
Các biện pháp này đã được Brussels thực hiện hồi cuối tháng 11/2015, tức là sau vụ khủng bố ở Paris do lo ngại rằng những kẻ khủng bố sẽ thực hiện kịch bản tương tự tại Brussels.
Có một vấn đề đang khiến dư luận Bỉ đặt câu hỏi lớn và gây tranh cãi, đó là tại sao sau vụ bắt giữ Salah Abdeslam cách đây vài ngày, chính quyền Bỉ, đặc biệt là tại thủ đô Brussels, không nâng mức báo động an ninh lên cấp 4 bởi nhiều nhà phân tích đã nhận định rằng sau khi Salah Abdeslam bị bắt, rất có thể các phần tử khủng bố sẽ thực hiện các vụ tấn công để trả thù. Tuy nhiên, Cơ quan phối hợp phân tích các mối đe dọa (OCAM) của Bỉ đã cho rằng tình hình không đến mức nghiêm trọng như thế nên đã không đưa ra cảnh báo cấp độ 4.
Tại Bỉ không có cơ chế thiết lập tình trạng khẩn cấp như tại Pháp. Tại Bỉ, OCAM là cơ quan độc lập với chính phủ và là nơi đưa ra các đánh giá, phân tích để từ đó yêu cầu chính quyền áp dụng các cấp độ an ninh phù hợp. Chính vì thế, việc OCAM không đưa ra cảnh báo cấp độ 4 sau vụ bắt giữ Salah Abdeslam đang tạo ra những tranh cãi gay gắt trong dư luận Bỉ khi nhiều người dân cho rằng cơ quan này đã quá xem nhẹ các mối đe dọa khủng bố, bất chấp việc Bỉ từ lâu đã bị xem là hang ổ của các nhóm khủng bố cực đoan có liên hệ với IS. Bây giờ, khi thảm kịch đã diễn ra thì ai cũng có thể thấy là rõ ràng đã có những lỗ hổng an ninh lớn tại Bỉ, từ việc để Salah Abdeslam lẩn trốn ngay tại địa bàn đến 4 tháng trời cho đến việc để xảy ra vụ đánh bom khủng bố ngày hôm qua.”
Nguy cơ châu Âu bị tấn công ở tất cả mọi nơi không phải là mới. Năm ngoái Paris đã là nạn nhân của 2 vụ tấn công đẫm máu, giờ đến lượt Brussels. Nhưng vài năm trước, các thành phố lớn như London hay Madrid… đều đã từng là đối tượng bị khủng bố nhắm tới. Tuy nhiên, việc IS đứng đằng sau các vụ đánh bom gần đây ở Paris và Brussels là bằng chứng cho thấy, các nước Liên minh châu Âu đang thất bại trong chính sách an ninh và hơn lúc nào hết, người dân châu Âu đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hiểm họa khủng bố.
Không phải các nước như Pháp, Bỉ… không đề phòng hay xem nhẹ mối đe dọa này mà là vì họ đang bất lực trong việc ngăn chặn chúng. Các phần tử khủng bố mang danh IS này không tấn công Pháp hay Bỉ từ bên ngoài mà là từ bên trong, bởi chúng chính là những người mang quốc tịch Pháp, Bỉ. Chúng sinh ra, lớn lên ở ngay tại Paris hay Brussels, nhưng sau này đi vào con đường cực đoan để rồi trở thành khủng bố.
Các cơ quan an ninh không thể kiểm soát hết được các phần tử này bởi bình thường thì chúng là các công dân bình thường như bất kỳ ai trong xã hội. Ngoài ra, các đặc thù về tổ chức chính quyền, về văn hó… của các nước Tây Âu cũng khiến các nước này dễ bị tổn thương hơn trước khủng bố. Vì có không gian Schengen, những tên khủng bố được tự do đi khắp châu Âu mà không bị kiểm soát và nhờ có mạng lưới rộng khắp tại địa bàn, chúng có thể ra tay bất ngờ mà khó có thể ngăn chặn. Cách thức tấn công này thực sự vô cùng nguy hiểm mà rõ ràng các nước châu Âu chưa thể tìm ra cách đối phó hữu hiệu./.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.