Đu đủ, dâu tây, dứa và các loại rau tại Australia đang tới mùa nhưng đành bỏ đi không ít vì khó tìm đủ người thu hoạch giữa mùa dịch.
Australia đã phòng chống Covid-19 bằng một trong những chế độ kiểm soát biên giới nghiêm ngặt nhất thế giới. Nhưng thành công đó đang gây rắc rối cho nông dân của họ, vì không tuyển đủ lao động để thu hoạch và trồng trọt.
Skybury Farms, thuộc miền bắc Australua, từ lâu đã thu hút đông đảo khách du lịch nước ngoài đến làm việc thời vụ. Năm nay, khi đu đủ tới mùa, chủ trang trại Paul Fagg không thể tuyển đủ người. Sản lượng thu hoạch vì thế giảm một phần ba. Cũng do thiếu nhân công, trang trại đốn bỏ những cây đu đủ già thay vì giữ lại.
"Đối với nhiều loại cây trồng, đây là một năm bội thu. Nhưng nông dân thấy nó thối rữa trên cây, rụng xuống đất hoặc bị cày xới vào đất", Richard Shannon, người quản lý chính sách và vận động tại Growcom, Queensland cho biết.
Hay như Gavin Scurr, CEO của Piñata Farms, gần đây đã thuê một người quản lý trang trại mới cho hoạt động trồng mâm xôi ở Tasmania, sau khi tình trạng thiếu lao động góp phần khiến người quản lý trước đó phải nhập viện vì căng thẳng tột độ.
Tình trạng thiếu lao động đồng nghĩa với việc Piñata Farms không thể thu hoạch 4 triệu tấn dâu tây, khiến công ty bị mất doanh thu khoảng 5,5 triệu USD. Ngoài ra, 300 tấn dứa cũng không thể hái được.
"Chúng tôi sẽ trồng dâu tây vào mùa đông tới, nhưng giờ không có đủ lao động để xây dựng cơ sở hạ tầng trồng dâu tây, chứ đừng nói đến việc trồng chúng", ông Scurr, 52 tuổi, thuộc gia đình làm nông ba đời nói và cho biết có thể phải chờ năm sau hoặc lâu hơn để có đủ lao động.
Bill Bulmer, Chủ tịch của Ausveg, đại diện cho những người trồng rau và khoai tây, cho biết lĩnh vực này đang thiếu khoảng 30.000 lao động. Tại trang trại của riêng ông, sản xuất xà lách búp Mỹ, rau bina và các loại rau lá xanh khác ở East Gippsland, đông nam Australia, thiệt hại đã vượt 600.000 USD vì thiếu lao động.
Một phần tư trong số 65 người khai báo mất mùa ở Growcom kể từ tháng 12 cho biết, tình trạng thiếu lao động đã ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của họ, bao gồm tăng giờ làm việc, mức độ căng thẳng cao, mất tự tin và trầm cảm. Nông dân nói có nguy cơ bị ngân hàng xiết nợ hoặc đang cân nhắc bán nông trại.
Khách du lịch bụi, những người thường chiếm đến 80% lực lượng nhân công thu hoạch nông sản tươi đã vắng bóng kể từ khi đại dịch nổ ra mà không có người thay thế. Trong khi đó, các lao động thời vụ từ các đảo Thái Bình Dương cũng không đến được, dù nhiều quốc gia được coi là không có Covid-19.
Và sự thiếu hụt lao động đang làm tổn hại nền kinh tế. Nông dân báo cáo lợi nhuận giảm và một số lo sợ bị tịch thu tài sản. Nhiều người trồng ít cây hơn, có thể dẫn đến tăng giá lương thực. Liên minh sản xuất hàng tươi Australia dự đoán tình trạng thiếu lao động có thể làm tăng giá rau quả lên 60% và làm giảm giá trị của ngành làm vườn gần 5 tỷ USD. Các loại cây trồng thâm dụng lao động, chẳng hạn như quả mọng, có nhiều rủi ro nhất.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp vẫn chưa ấn định ngày mở lại biên giới, khiến những người trồng trọt thất vọng vì khó lập kế hoạch cho vụ mùa sau. Quyết định trồng trọt của Australia có thể ảnh hưởng đến người tiêu dùng trên khắp châu Á, vì đây là một trong những nước xuất khẩu trái cây, lúa mì và bông lớn nhất thế giới.
Với dân số 25,7 triệu người trên một lãnh thổ rộng bằng Mỹ, Australia từ lâu đã thiếu lực lượng lao động nông nghiệp. Theo một chính sách thị thực được đưa ra cách đây khoảng 15 năm, khách du lịch bụi có thể gia hạn thời gian lưu trú từ một năm lên hai năm nếu họ đồng ý hoàn thành công việc ít nhất 88 ngày tại nước này.
Khoảng 40.000 khách du lịch bụi thường làm việc tại các trang trại, với 1/3 số đó có thị thực Working Holiday Maker. Điều này rất phổ biến với du khách đến từ Anh, Pháp, Italy và một số quốc gia châu Á.
Tuy nhiên, đại dịch đã thu hẹp lực lượng lao động này xuống còn khoảng 16.000 người và đang tiếp tục giảm khi họ bay về nước. Ngoài ra, chỉ có 2.400 lao động thời vụ từ các quốc đảo Thái Bình Dương đã đến, trong số hơn 22.000 lao động được xét duyệt trước để xin thị thực vào năm ngoái.
"Đây không phải là một vấn đề mới. Chúng tôi đã biết hồi tháng 4 năm ngoái rằng sẽ thiếu lao động", Bộ trưởng Nông nghiệp David Littleproud nói. Theo ông, hệ thống cách ly chính là điểm nghẽn vì các cơ sở này đang dành cho công dân trở về từ nước ngoài.
Một số bang đã thử nghiệm cách ly lao động trong các trang trại. Vào tháng 10, 151 lao động bay thuê bao từ Tonga đến để hái nho. Họ được cách ly trong trang trại 14 ngày và xét nghiệm Covid-19 thường xuyên. Mark Furner, người đứng đầu ngành nông nghiệp của Queensland, cho biết thử nghiệm đã được mở rộng và nhiều chuyến bay hơn đã được lên kế hoạch.
Các sáng kiến khác bao gồm gia hạn thêm thị thực cho khách du lịch bụi nếu họ làm việc trong các trang trại. Các chính phủ đã phát tiền mặt cho người dân để chuyển đến các vùng nông thôn, trong khi những sinh viên làm việc trong mùa hè tại các trang trại được nhận trợ cấp. Tuy nhiên, số tiền không nhiều trong lúc nền kinh tế đang phục hồi khiến những chương trình đó kém hấp dẫn.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.