Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 12 tháng 4 năm 2020 | 15:48

Nông dân Mỹ tiêu huỷ nông sản

Nhà hàng, khách sạn, trường học đóng cửa khiến nông dân Mỹ phải tiêu huỷ nhiều nông sản tươi, gần 14 triệu lít sữa và 750.000 quả trứng mỗi ngày.

"Thật đau xót", chủ một trang trại ở Florida thốt lên khi nhìn chiếc máy cày phá nát thửa đậu đang xanh tốt.

Ở Wisconsin và Ohio, người làm nông đang đổ hàng nghìn lít sữa tươi xuống hồ nước mặn và hố phân. Một nông dân ở Indaho đã phải đào hố để chôn gần 500.000 kg hành tím. Ở miền Nam Florida - vùng cung cấp phần lớn nông sản cho miền Đông nước Mỹ, những chiếc máy cày đang bới tung các cánh đồng đậu và bắp cải.

 

Máy cày phá nát thửa đậu đang xanh tốt tại một trang trại ở Florida. Ảnh: New York Times. 

Máy cày phá nát thửa đậu đang xanh tốt tại một trang trại ở Florida. Ảnh: New York Times. 

 

Sau những tuần lo ngại thiếu hụt hàng hoá ở các cửa hàng tạp hoá khiến không ít người tranh giành hộp mỳ Ý và cuộn giấy vệ sinh cuối cùng, nhiều trang trại lớn nhất nước Mỹ lại đứng trước tình cảnh lao đao do ảnh hưởng của dịch bệnh. Họ buộc phải tiêu huỷ nhiều nông sản tươi không có đầu ra.

Các nhà hàng, khách sạn và trường học đóng cửa khiến một nửa sản lượng nông sản của nông dân không có nguồn tiêu thụ. Mặc dù doanh số thực phẩm của các nhà bán lẻ tăng do người tiêu dùng chuyển sang tự nấu nướng ở nhà, nhưng mức tăng này không đủ bù đắp.

Việc cách ly cho thấy người Mỹ tiêu thụ ít rau xanh hơn khi nấu ở nhà so với ăn uống tại nhà hàng. Shay Myers- một người nông dân ở biên giới Oregon và Idaho nói không có giải pháp nào với số nông sản dư thừa. Sau khi các cửa hàng tại California và NewYork đóng cửa, trang trại ông bắt đầu phân phối hành vào các hàng tạp hoá, thậm chí đông đá trong tủ nhưng vẫn không hết. Ông buộc phải chôn hàng chục nghìn kg hành còn thừa.  

Thời điểm đầu dịch bệnh bùng phát, Brian Funk - người làm việc cho các công ty sữa cho biết, các nhà máy thu mua gấp đôi lượng sữa từ nông dân và bảo quản lượng sữa thừa ở các tủ đông lạnh. Tuy nhiên, tủ đông của các nhà máy cũng hết chỗ.

Vào đêm cuối tuần trước, Funk đã làm việc tới 11h đêm và cố gắng không bật khóc khi gọi cho những nông dân thông báo tình huống bất trắc này. "Chúng tôi sẽ dừng thu mua sữa từ ngày mai. Chúng tôi hết chỗ đựng rồi", ông nói với những nông dân.

Để tránh phải huỷ quá nhiều sữa thừa, các nhóm nông dân tìm đủ cách, thậm chí gửi sữa cho các chuỗi pizza để họ tăng lượng phô mai trên bánh. Tuy nhiên, các rào cản hậu cần khiến cho những sản phẩm từ sữa không được vận chuyển đúng cách tới các hãng bán lẻ.

Ở nhiều nhà máy chế biến sữa, máy móc được thiết kế để đóng gói phô mai vụn trong túi lớn cho nhà hàng hoặc đóng các gói sữa nhỏ cho trường học và điều đó không phù hợp với các hãng bán lẻ. Họ sẽ mất hàng triệu USD để đầu tư máy móc đóng gói các sản phẩm phô mai và chai sữa phù hợp để bán tại các cửa hàng tạp hoá.

Rào cản về hậu cần cũng khiến các nhà máy chế biến gia cầm rơi vào hoàn cảnh tương tự khi khó tiếp cận với các hãng bán lẻ. Mỗi tuần, nhà máy Sanderson Farms tiêu huỷ 750.000 quả trứng, tương đương 5,4% tổng sản lượng và gửi tới các nhà máy chế biến thức ăn cho vật nuôi.

Nhiều nông dân cho biết họ đã quyên góp một phần nông sản dư thừa tới các ngân hàng thực phẩm và chương trình Meals on Wheels. Tuy nhiên, các tổ chức từ thiện không có đủ tủ lạnh và tình nguyện viên để nhận hết số thực phẩm quyên góp.

Chi phí thu hoạch, xử lý và vận chuyển sữa tới các ngân hàng thực phẩm hoặc các khu vực khác sẽ khiến áp lực tài chính đè nặng lên nông dân vốn mất hơn nửa nguồn thu. Nông dân cho hay, việc xuất khẩu cũng không dễ dàng khi nhiều khách hàng quốc tế đang gặp khó khăn và biến động của đồng USD khiến việc xuất khẩu cũng không có lợi nhuận.

 

Cánh đồng hành ở Idaho đang chờ được chôn. Ảnh: New York Times. 

Cánh đồng hành ở Idaho sắp bị tiêu huỷ. Ảnh: New York Times. 

 

Paul Allen, đồng sở hữu của R.C Hatton, người đã phá huỷ hàng triệu kg đậu và bắp cải trên các trang trại ở miền nam Florida và Georgia, thốt lên "thật đau lòng".

Tình trạng tiêu huỷ nông sản tươi trên diện rộng diễn ra trong bối cảnh nhiều người Mỹ chịu sức ép tài chính và hàng triệu người bỗng dưng thất nghiệp - là một chuỗi sự kiện tồi tệ.

Sau khi Allen phải phá nát vụ rau này, họ vẫn phải gieo trồng mùa vụ mới và hy vọng nền kinh tế sẽ tái khởi động trước khi tới mùa thu hoạch khác. Nhưng nếu ngành công nghiệp thực phẩm vẫn tiếp tục ngưng hoạt động thì công sức và tiền bạc cho mùa vụ tới cũng "đổ sông đổ bể".

Hợp tác xã tiếp thị sữa ở Mỹ ước tính người nông dân phải tiêu huỷ gần 14 triệu lít sữa và 750.000 quả trứng mỗi ngày. Sự lãng phí đã trở nên cực kỳ căng thẳng trong ngành công nghiệp sữa khi đàn bò cần được vắt sữa vài lần một ngày mặc dù không có người mua. Nguồn tiêu thụ chính là các trường học và quán cà phê đóng cửa trong khi đàn bò đang mùa cho nhiều sữa nhất. Khoảng 5% nguồn cung sữa ở Mỹ được tiêu huỷ và khối lượng này dự kiến sẽ tăng lên gấp đôi nếu việc đóng cửa kéo dài thêm vài tháng nữa, theo Hiệp hội chế phẩm từ sữa.

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top