Là nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới nhưng trên sân nhà nông sản Việt Nam có nguy cơ bị bao vây bởi nông sản chất lượng cao đế từ các nước Bắc Mỹ và Newzeland sau TPP.
Nếu vấn đề mở cửa thị trường nông sản trong TPP đối với Brunei, Singapore, Malaysia hay Chile, Peru không đặt ra vấn đề gì nghiêm trọng đối với nông nghiệp Việt Nam, thì hai nước Bắc Mỹ như Canada và Mỹ lại rất đáng lo ngại. Bởi đây là những quốc gia có điều kiện canh tác nông sản chất lượng cao cùng với việc xây dựng chuỗi giá trị hoàn thiện.
Đến nay họ đang gấp rút để xây dựng chiến lược đưa sản phẩm xuyên biên giới, rầm rộ nhất vẫn là tràn vào các thị trường thành viên của TPP.
Nông sản từ Bắc Mỹ sẵn sàng vào Việt Nam sau TPP Ảnh minh họa
Trong chuyến khảo sát thị trường thực phẩm và nông sản tại Việt Nam gần đây, đại diện một doanh nghiệp nông nghiệp của Canada cho biết họ đang có sự chuẩn bị tốt để bắt đầu thâm nhập vào thị trường Việt Nam bằng những sản phẩm chất lượng cao. Câu chuyện thuế quan không còn quá quan trọng, hơn hết vẫn là chiến lược sản phẩm và nắm được tâm lý khách hàng. Đây là điều kiện tiên quyết để thâm nhập và cạnh tranh trong thị trường Việt Nam.
Ông Cesar Urias, Giám đốc phụ trách Tiếp cận thị trường của Chính phủ Canada, cho biết: “Trước đây, nhiều doanh nghiệp nước ngoài vẫn hay lo ngại về thủ tục hải quan, chính sách hành chính là rào cản lớn để đưa hàng vào Việt Nam. Tuy nhiên đến nay chúng tôi chỉ tuân thủ theo nguyên tắc của TPP và hành động. Như vậy tôi sẽ tư vấn cho các doanh nghiệp, hiệp hội nông sản tại Canada biết những chiến lược cụ thể để thâm nhập thị trường Việt Nam. Trước mắt là xây dựng chiến lược cho sản phẩm thế mạnh nhất của Canada là thịt heo.”
Canada là nước xuất khẩu thịt heo đứng thứ 3 thế giới với kim ngạch trung bình khoảng 2,8 tỉ USD hàng năm. Việt Nam sẽ là thị trường chiến lược lớn về nông sản của Canada sau khi TPP có hiệu lực. Hiện nay Canada xuất khẩu nông sản sang Việt Nam trị giá 353,6 triệu USD và chiếm 54% kim ngạch xuất khẩu của quốc gia này sang Việt Nam. Con số này chắc chắn sẽ gia tăng hơn nhiều trong thời gian tới.
Một vấn đề lớn tại Việt Nam chính là kỹ thuật làm nông nghiệp chất lượng cao còn tương đối hạn chế, trong khi đó chỉ số tin tưởng của người tiêu dùng đang sụt giảm đối với các sản phẩm thực phẩm. Đây sẽ là ngách giúp cho các nền nông nghiệp chất lượng cao khai thác triệt để.
Mới đây, Phái đoàn thương mại cấp cao của Hiệp hội Thương mại Nông nghiệp miền Tây nước Mỹ (WUSATA), gồm có đại diện từ Bộ Nông nghiệp của 13 tiểu bang cùng các doanh nghiệp đã có chuyến khảo sát thị trường Việt Nam nhằm mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp miền Tây Hoa Kỳ xuất khẩu các sản phẩm nông-lương đến Việt Nam.
Ông Andy Anderson, Giám đốc điều hành WUSATA, cho biết: "Việt Nam là quốc gia thành viên của TPP và là một thị trường đang tăng trưởng nhanh chóng đối với các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao của Mỹ. Trước sự háo hức mở rộng thị trường xuất khẩu sang Việt Nam của các DN nông-lương miền Tây Hoa Kỳ cùng với sự hỗ trợ của Hiệp định TPP, Hội đồng quản trị WUSATA quyết định đến tìm hiểu thị trường Việt Nam để thực hiện sứ mệnh này".
Theo WUSATA, trao đổi thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa 2 nước Việt Nam và Hoa Kỳ tăng trưởng nhanh qua các năm. Riêng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm nông-lương của Mỹ sang Việt Nam tăng từ 1,5 tỉ USD trong năm 2010 lên 2,6 tỉ USD vào năm 2015. Tuy nhiên trong thời gian tới nông sản Hoa Kỳ sẽ tạo mức tăng trưởng đột biết tại đây.
Ông Jim Barbee, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp bang Nevada đồng thời là Chủ tịch WUSATA, nhận định Việt Nam có nhu cầu rất lớn về các sản phẩm nông-lương chất lượng cao của Hoa Kỳ và đây là thời điểm thuận lợi cho các DN miền Tây nước Mỹ - đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ mở rộng thị trường xuất khẩu sang Việt Nam. Đặc biệt cac sản phẩm nông nghiệp của Mỹ luôn đạt mức độ an toàn cao nên việc chinh phục người tiêu dùng Việt Nam không quá khó.
TPP không chỉ đơn thuần là giảm khó khăn về thuế quan mà đổi lại phải đảm bảo vấn đề kỹ thuật và môi trường. Đối với môi trường khi sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu cần có những chuyến khảo sát cụ thể để có thể có những biện pháp thích hợp. Đây luôn là lợi thế của các nước có nền khoa học kỹ thuật ứng dụng tốt vào nông nghiệp. Tuy nhiên những rào cản kỹ thuật này lại đang hạn chế xuất khẩu của Việt Nam nếu không nhanh chóng hoàn thiện quy chuẩn này.
Theo môt lãnh đạo doanh nghiệp thực phẩm trong nước, trong thế giới phẳng và biên giới mềm hiện nay, các quốc gia có nền kinh tế thấp như Việt Nam đều tận dụng lợi thế hội nhập để nâng cao kỹ năng quản lý và khả năng cạnh tranh. Tuy bị các quốc gia lớn gây sức ép nhiều mặt nhưng không có điều kiện nào tốt hơn là hội nhập, chứ không thể đứng riêng lẻ bên lề một mình.
“Tất nhiên, sẽ có những ngành có lợi thế mạnh và có những ngành có lợi thế yếu, chúng ta bắt buột phải chấp nhận “lép vế” một mặt nào đó để khai thác những ngành có lợi thế. Điều bắt buộc là chúng ta phải hiểu đúng tiềm năng, thực lực của chính mình để cân đối cả thị trường xuất khẩu và nhập khẩu” - Vị này cho biết.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.