Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 4 tháng 4 năm 2016 | 3:43

Nước về ĐBSCL không phải do Trung Quốc xả đập

Nước bắt đầu đổ về ĐBSCL theo quy luật tự nhiên chứ không phải do Trung Quốc xả đập. Lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về Việt Nam được xem là ổn định hơn và sẽ có hiệu quả đẩy mặn từ 7/4 trở đi.

Hai ngày nay, người dân ở hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp bắt đầu thấy mực nước trên các kênh rạch đang thay đổi.

Tại An Giang, lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ về mỗi ngày tăng 0,2 – 0,4m trên các nhánh sông Tiền, sông Hậu, giúp cải thiện nhu cầu tưới tiêu và giảm độ mặn ở vùng giáp ranh tỉnh Kiên Giang.

Ông Lê Văn Phì, một người dân An Giang cho biết: “Hai ngày nay nước lên nhanh, chúng tôi đã tranh thủ bơm nước vào ruộng dữ trự, đề phòng trường hợp nước rút”.

hạn, ĐBSCL ngập mặn

hạn, ĐBSCL ngập mặn

Mực nước trên Sông Hậu đã tăng trong những ngày qua

Chưa vội mừng

Ông Lưu Văn Ninh, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn tỉnh An Giang cho biết, mực nước ở Tân Châu (An Giang) tăng do quy luật tự nhiên chứ không phải do nước về từ nguồn đập của Trung Quốc xả xuống. 

“Những ngày gần đây, do quy luật đỉnh triều tăng mạnh làm nước trên sông Hậu đẩy nước mặn ra biển, giảm độ mặn tại một số nơi. Lượng nước từ sông Mekong cũng đổ về hàng ngày theo quy luật. Nhưng mực nước đang bắt đầu giảm xuống trở lại do đỉnh triều giảm” - ông Ninh cho biết.

Theo Đài khí tượng Thủy văn An Giang, so với cùng kỳ với năm ngoái, năm nay lưu lượng nước giảm nhiều. Nếu nước ở thượng nguồn cứ đưa về như hiện nay thì lưu lượng nước có tăng, còn mực nước sẽ không tăng.

hạn, ĐBSCL ngập mặn

hạn, ĐBSCL ngập mặn

Người dân ở TP. Châu Đốc (Ang Giang) tranh thủ bơm nước vào đồng ruộng khi mực nước thủy triều lên

Tại Trà Vinh, nước trên các sông cũng tăng làm một số nơi độ mặn đã giảm, người dân đã chủ động lấy nước từ các cống để bơm vào nội đồng.

Ghi nhận tại nhiều nơi ở Kiên Giang vẫn đang thiếu nước ngọt trầm trọng, người dân đang tìm mọi cách để ngăn không cho mặn xâm nhập vào các đồng ruộng.

Viện Khoa học thủy lợi miền Nam tính toán, lượng nước từ thượng nguồn sông Mekong đổ về Việt Nam được xem là ổn định hơn và sẽ có hiệu quả đẩy mặn từ 7/4 trở đi.

PGS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) khẳng định, đến nay ĐBSCL vẫn chưa nhận được nước từ phía đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) xả về. Nếu trong thời gian tới, ĐBSCL có nhận được cũng rất ít. 

Cẩn trọng ồ ạt xuống giống

Ông Tuấn lưu ý người dân không nên mới chỉ nghe tin Trung Quốc xả nước mà ồ ạt xuống giống lúa hè thu.

“Người dân ở một số nơi khi nghe Trung Quốc xả nước đã ùn ùn trồng lúa hè thu. Điều này rất nguy hiểm, vì nước chưa về mà đã có 1.000 ha lúa đã xuống giống. 

Hơn nữa dự báo, từ nay đến tháng 6 vẫn xảy ra nắng hạn gay gắt, mà hiện nay ở tỉnh Vân Nam của Trung Quốc cũng đang trong tình hạn hán gay gắt, vì vậy có xả nước xuống cũng rất ít, chủ yếu để phục vụ cho thủy điện của họ”, ông Tuấn thông tin. 

hạn, ĐBSCL ngập mặn

hạn, ĐBSCL ngập mặn

Nhiều người dân ở Hậu Giang nghe tin TQ xả nước liền xuống, giống điều này rất nguy hiểm.

Theo các chuyên gia, hiện nay nước đang tăng thì các địa phương nên chỉ đạo tất cả hệ thống thủy lợi luôn trong tình trạng mở, thông báo cho người dân lịch lấy nước ngọt và tiết kiệm nước tránh mặn xâm nhập vào. Một số nơi có nguy cơ nhiễm mặn người dân tuyệt đối không được xuống giống.

Nước các sông lên chậm, vẫn thiếu hụt nghiêm trọng

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, hiện mực nước trên các sông Nam Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm.

Ngày 1/4, mực nước ở thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu tại khu vực Tân Châu và Châu Đốc đạt mức 1,65m, tăng khoảng 16 cm so với trước. Nhiều trạm đo khác cũng cho thấy mực nước tăng từ 15 - 20cm.

Dự báo từ 4-5/4, lưu lượng tại Tân Châu và Châu Đốc có khả năng đạt mức cao nhất với lưu lượng trung bình ngày tại Tân Châu khoảng 3200-3500m3/s, Châu Đốc khoảng 600-750m3/s.

Tuy nhiên lưu lượng lớn nhất tại trạm Tân Châu (sông Tiền) vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2014 và 2015; tại trạm Châu Đốc (sông Hậu) tương đương 2015, nhưng thấp hơn năm 2014.

Hiện lượng dòng chảy trên các sông vẫn phổ biến thiếu hụt từ 50-70% so với trung bình nhiều năm, riêng trên sông Cái Nha Trang tại Đồng thiếu hụt 96,8%.

Mực nước trên sông Cái Nha Trang tại Đồng Trăng và sông Đăkbla tại Kon Tum đã xuống mức thấp nhất lịch sử.

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top