Những hình ảnh chụp từ vệ tinh đã cho thấy một lò phản ứng hạt nhân mới của Triều Tiên có thể đang đi vào hoạt động, sau nhiều năm xây dựng.
Lò phản ứng hạt nhân mới của Triều Tiên
Đi cùng với những thông tin nóng hổi về việc nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới thăm Bắc Kinh, Trung Quốc, là những quan ngại nổi lên xung quanh thông tin Triều Tiên vận hành lò phản ứng hạt nhân mới của nước này.
Thông tin đăng tải trên tờ Thời báo New York (The New York Times) cho rằng: “Lò phản ứng hạt nhân mới có thể là một vấn đề trọng tâm trong cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nếu đó là mục tiêu mà Mỹ khăng khăng theo đuổi- phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo đảo Triều Tiên. Kể cả nếu ông Kim Jong-un đồng ý đóng băng các vụ thử hạt nhân và tên lửa, nhà lãnh đạo Triều Tiên vẫn có thể lưu lại nhiên liệu chế tạo bom để chuẩn bị cho một kho vũ khí lớn hơn khi các cuộc đàm phán kéo dài”.
Trước đó, những hình ảnh chụp từ vệ tinh đã cho thấy một lò phản ứng hạt nhân mới của Triều Tiên có thể đang đi vào hoạt động, sau nhiều năm xây dựng. Hình ảnh vệ tinh chụp hôm 25/2 cho thấy, những cuộn khói lớn bốc lên và theo các nhà phân tích đây là dấu hiệu của bước hoạt động thử nghiệm ban đầu tại lò phản ứng hạt nhân mới.
Các chuyên gia phân tích hình ảnh vệ tinh cho biết, Triều Tiên đã gia tăng hoạt động đáng kể quanh lò phản ứng hạt nhân này trong năm 2017, và Triều Tiên đang đưa lò phản ứng này vào hoạt động hoàn toàn.
Giới phân tích cho rằng, đây là lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ có thể sản xuất từ 25 đến 30 megawatts điện đủ cung cấp cho một thị trấn nhỏ. Triều Tiên cũng nói rằng, lò phản ứng hạt nhân này dùng để sản xuất điện, nhưng nó cũng có thể sản xuất khoảng 20kg plutonium cấp độ sản xuất vũ khí mỗi năm. Theo Thời báo New York, con số này cao gấp 4 lần số lượng mà các lò phản ứng hạt nhân lớn tại các nước khác có thể làm được.
Dựa vào các hình ảnh vệ tinh các nhà phân tích có thể chỉ ra một số bằng chứng khẳng định tuyên bố sản xuất điện của Triều Tiên là đúng. Trong đó, có những bức hình cho thấy các đường dây diện và một tháp chuyển giao tại khu vực nhà máy điện hạt nhân này.
“Có những thiết bị tại khu vực này khiến tôi và một số chuyên gia phân tích khác kết luận rằng lò phản ứng hạt nhân mới này của Triều Tiên có thể được sử dụng để sản xuất điện”, nhà phân tích Allison Puccioni thuộc nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Hợp tác và An ninh Quốc tế thuộc Đại học Stanford cho biết. Bà Allison Puccioni đồng thời cẩn trọng với nhận định rằng Triều Tiên sử dụng lò phản ứng hạt nhân này để sản xuất nhiên liệu sản xuất vũ khí hạt nhân.
Song, tất cả chỉ là những dự đoán của giới phân tích. Thực tế, Triều Tiên từ trước đến nay vẫn cấm các thanh sát viên quốc tế tiếp cận cụ thể các lò phản ứng hạt nhân của mình.
Ảm đảm triển vọng của cuộc gặp Trump-Kim
Thông tin về lò phản ứng hạt nhân mới của Triều Tiên là đám mây đen đe dọa phủ bóng lên cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong-un, dự kiến diễn ra vào tháng 5 tới.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (phải) dự kiến có cuộc gặp vào tháng 5. Ảnh: AP
Nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump thực sự gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên vào tháng 5, thì rất nhiều giới lãnh đạo và chuyên gia tại Mỹ vẫn không khỏi nghi ngờ vào kết quả có thể đạt được của cuộc gặp thượng đỉnh này. Thách thức với Tổng thống Trump tại cuộc gặp này sẽ phải lớn hơn nhiều so với sức ép lâu nay nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân của mình.
Ông chủ Nhà Trắng sẽ phải buộc Bình Nhưỡng từ bỏ cả các nhà máy, các lò phản ứng, các khối lượng hạt nhân đã được làm giàu mà có thể sử dụng để sản xuất nhiên liệu vũ khí hạt nhân và cả lò phản ứng hạt nhân mới kể trên.
Lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ này có thể là tiêu điểm chính trong cuộc đối thoại Trump-Kim.
Trong khi đó, các nhà đàm phán hạt nhân Iran, những người từng rất có kinh nghiệm trong đàm phán hạt nhân với Mỹ, đã không ngừng chỉ trích hành động của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhắc tới thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), được coi là thỏa thuận lịch sử giữa Iran và P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cùng với Đức). Thỏa thuận được đánh giá là tia sáng để giải quyết không những vấn đề hạt nhân Iran mà còn là cơ hội hòa bình cho khu vực, song với ông Trump đây là “một trong những thỏa thuận ngớ ngẩn nhất” mà ông từng chứng kiến và là thất bại của chính quyền tiền nhiệm Barak Obama.
Không ít ý kiến cho rằng thỏa thuận hạt nhân Iran là bài học nhãn tiền cho Triều Tiên. Bởi vì, sau bao nỗ lực để đạt được, Tổng thống Trump muốn rút khỏi thỏa thuận lịch sử này. Và tháng 5 cũng là hạn chót để ông Trump đưa ra quyết định.
Nhiều nhà phân tích không đặt kỳ vọng vào cuộc gặp Mỹ-Triều, đồng thời cảnh báo nếu đối thoại thất bại, thì lò phản ứng hạt nhân mới của Triều Tiên sẽ là cái cớ để Mỹ viện tới hành động quân sự.
Việc thay thế vị trí ngoại trưởng Mỹ bằng Giám đốc CIA Mike Pompeo và đưa ông John Bolton, người luôn cổ vũ ông Trump tiến hành các biện pháp quân sự để “giải quyết nhanh chóng” vấn đề hạt nhân Triều Tiên hay Iran, lên làm cố vấn an ninh, cho thấy ông Trump đang lập một đội ngũ “cứng rắn nhất” cho cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
John Bolton từng nói rằng: “Một sự thật không mấy dễ chịu là chỉ có hành động quân sự như cuộc tấn công Israel năm 1981, cuộc chiến nhằm vào lò phản ứng hạt nhân Osiral của Saddam Hussein tại Iraq, hay việc phá hủy lò phản ứng tại Syria... Đây mới là điều cần thiết”.
Trong vòng 1 tuần trước và sau khi được Tổng thống Trump lựa chọn làm cố vấn an ninh, ông John Bolton không đưa ra bất cứ bình luận nào hay trả lời các câu hỏi về những bằng chứng cho thấy Triều Tiên vận hành lò phản ứng hạt nhân mới. Ông John Bolton dự kiến nhậm chức vào ngày 9/4 và sẽ là một phần quan trọng trong đội ngũ của Tổng thống Trump để đối thoại với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Trên những triền núi đá ở xã Xuân Quang (Bảo Thắng - Lào Cai), có người đàn ông lặng lẽ theo nghề nuôi ong mật suốt bao năm. Đó là ông Cao Văn Chiến, Giám đốc Hợp tác xã Nậm Dù, người đã miệt mài xây dựng giấc mơ lớn từ những điều nhỏ bé, mang về cho vùng đất khô cằn này nghề nuôi ong đầy triển vọng.