Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ hai, ngày 17 tháng 8 năm 2020 | 8:55

Pháp hy vọng cạnh tranh với Hà Lan nhờ phong trào "Hoa nở chậm"

Thay vì phải dùng hóa chất để giúp cây lớn nhanh, những người trồng hoa theo phong trào “Hoa nở chậm” tại Pháp ưu tiên việc bảo vệ môi trường.

phap.jpg
(Nguồn: lirelactu.fr)

 

Mỗi ngày, ngành công nghiệp hoa khổng lồ của Hà Lan bán hàng tấn hoa cho người tiêu dùng Pháp, cho thấy sự thống trị của Hà Lan trên thị trường hoa toàn cầu.

Tuy nhiên, đại dịch COVID-19 bùng phát khiến người tiêu dùng quan tâm hơn tới các sản phẩm nội địa.

Bởi vậy, những người trồng hoa tại Pháp đang hy vọng có thể phá vỡ “ngôi vương” của Hà Lan trong lĩnh vực này bằng cách bán các sản phẩm hoa trồng trong nhà, ít bị ảnh hưởng bởi khí hậu và được coi là một phần của phong trào "Hoa nở chậm" (slow flowers), vốn được khởi xướng từ năm 2014 tại Mỹ nhằm khuyến khích và hỗ trợ người trồng hoa.

Phong trào "Hoa nở chậm"

Phong trào “Hoa nở chậm” được xem là cách để các nước quảng bá các trang trại hoa và giống hoa địa phương.

Thay vì phải dùng hóa chất để giúp cây lớn nhanh, những người trồng hoa theo phong trào “Hoa nở chậm” tại Pháp ưu tiên việc bảo vệ môi trường. 

Phong trào này đang phát triển mạnh mẽ bởi nó hỗ trợ các nền kinh tế địa phương và người nông dân trồng hoa trong quá trình chuyển khỏi hoạt động thương mại công nghiệp hóa.

Các số liệu có thể biến động, nhưng Giám đốc điều hành tại chi nhánh Pháp của Fleura Metz, nhà cung cấp hoa lớn và lâu đời từ Hà Lan, đã ước tính rằng 70% sản lượng hoa của thế giới hiện vẫn phải đi qua thị trường Hà Lan, thậm chí đối với cả những sản phẩm không trồng tại đây.

Michel Van Schie, phát ngôn viên của Royal Flora Holland, một tên tuổi lớn khác trong ngành công nghiệp hoa tại Hà Lan, cho hay công ty này bán ra thị trường 30.000 giống hoa khác nhau.

Tình yêu đối với hoa của người Hà Lan đã bắt nguồn từ nhiều thế kỷ trước và thậm chí điều đó dẫn đến sự sụp đổ của thị trường chứng khoán lần đầu tiên vào thế kỷ 17 khi việc đầu cơ hoa tulip khiến giá mặt hàng này tăng vọt, rồi đột ngột giảm ngay sau đó.

Sự thống trị của Hà Lan trên thị trường hoa toàn cầu càng được đẩy mạnh vào những năm 1950 với việc hình thành các hợp tác xã lớn giúp đẩy mạnh hoạt động kinh doanh hoa trên thị trường. Bên cạnh đó, Chính phủ Hà Lan còn đang trợ giá năng lượng cho các nhà trồng hoa trong nhà kính.

Một phần thành công của Hà Lan phụ thuộc vào việc di dời hoạt động sản xuất tới Nam Bán cầu, nơi người trồng hoa có thể tiếp cận ánh nắng Mặt Trời quanh năm và lao động giá rẻ.

Ví dụ, ở Kenya, những bông hoa trồng tại đây sẽ được chuyển trở lại Hà Lan trước khi phân phối đến các thị trường trên toàn thế giới.

Ngành công nghiệp hoa của Hà Lan đã phát triển một hệ thống hậu cần cực kỳ hiệu quả với những chiếc xe tải vượt qua châu Âu, khiến các đối thủ từ nước khác khó cạnh tranh được với các nhà sản xuất hoa Hà Lan.

Nỗ lực thích ứng

Benjamin Perot, một trong những người đồng sáng lập của Monsieur Marguerite - một nhà trồng hoa thân thiện với môi trường, cho biết có những bông hoa được sản xuất tại Pháp rồi lại được chuyển tới Amsterdam (Hà Lan) và lại được đưa trở về Pháp.

Đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gia tăng trong lĩnh vực này, nhiều người trồng hoa Pháp đã buộc phải dừng kinh doanh hoặc phải tự thích ứng với mô hình kinh doanh mới.

Hiệp hội thương mại hoa Pháp Val'Hor ước tính 85% lượng hoa tiêu thụ tại Pháp hiện đang được nhập khẩu. Năm 1972, ở Pháp có 30.000 trang trại trồng hoa, nhưng hiện nước này chỉ còn khoảng 3.500 trang trại hoa.

Người trồng hoa của Pháp và các nước châu Âu khác đang hy vọng đảo ngược xu hướng này và giảm lượng khí thải carbon của ngành trồng hoa, nhờ nhu cầu tiêu dùng mạnh mẽ hơn đối với các sản phẩm địa phương kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Thách thức lớn là đảm bảo sản phẩm 100% nội địa hóa. Trong nỗ lực thay đổi tình hình, các chương trình đang được thiết lập ở Pháp, cũng như ở Bỉ, Italy và Anh để kết nối những người trồng hoa với những người bán hoa độc lập.

Sylvie Robert, Giám đốc hiệp hội Excellence Vegetale, nơi đang phát triển thương hiệu "Hoa của nước Pháp," cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu hoa nội địa tăng cao hơn bao giờ hết.

Bất chấp những trở ngại, những người làm vườn tại Pháp vẫn đang chứng kiến sự cải thiện đối với nhu cầu hoa trồng trong nước.

Theo họ, thật tuyệt khi có thể đến tận vườn để xem cách nó hoạt động, để nhìn thấy những cánh đồng hoa. Đó là mục đích của nông nghiệp vi mô, để trở nên gần gũi hơn với những người tiêu thụ sản phẩm.

Ý kiến bạn đọc
Top