Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Chủ nhật, ngày 24 tháng 11 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 3 tháng 9 năm 2017 | 7:34

Phạt tới 200 triệu đối với vi phạm vệ sinh ATTP

Bộ Công Thương đề xuất phạt tới 200 triệu đối với vi phạm vệ sinh ATTP; thịt và trứng gia cầm tại TP. Hồ Chí Minh được truy xuất nguồn gốc là những tin về vệ sinh an toàn thực phẩm trong tuần.

Phạt tới 200 triệu đồng đối với vi phạm về an toàn thực phẩm

Đây là đề xuất của Bộ Công Thương tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm.

Theo dự thảo, vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm quy định tại Nghị định này bao gồm: Vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn đối với sản phẩm thực phẩm; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; vi phạm quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với thực phẩm nhập khẩu, thực phẩm xuất khẩu; vi phạm quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ, phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý đối với thực phẩm không an toàn.

Mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100.000.000 đồng đối với cá nhân và 200.000.000 đồng đối với tổ chức trừ một số trường hợp quy định.

Phạt từ 70-100 triệu đồng nếu dùng động vật chết

Dùng động vật chết chế biến thực phẩm sẽ bị phạt từ 70 - 100 triệu . (Ảnh minh họa)

Dự thảo nêu rõ, phạt tiền từ 70.000.000 - 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng làm thực phẩm để sản xuất, chế biến thực phẩm; sử dụng động vật mắc bệnh truyền nhiễm, động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, buộc phải tiêu hủy theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để sản xuất, chế biến thực phẩm..

Phạt tiền bằng 100% đến 120% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi sử dụng nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu làm phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng hoặc không có thời hạn sử dụng đối với nguyên liệu thực phẩm, nguyên liệu làm phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm thuộc diện bắt buộc phải ghi thời hạn sử dụng để sản xuất, chế biến thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm nhưng số tiền phạt không vượt quá 100.000.000 đồng.

Phạt tiền bằng 120% đến 150% tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với hành vi sử dụng sản phẩm động vật trên cạn đã qua kiểm tra vệ sinh thú y nhưng không đạt yêu cầu để sản xuất, chế biến thực phẩm nhưng số tiền phạt không vượt quá 100.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 30.000.000 - 50.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Bên cạnh đó còn áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm; buộc tiêu hủy tang vật vi phạm…

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

Thịt và trứng gia cầm tại TP.HCM được truy xuất nguồn gốc

 Phó giám đốc Sở Công thương TP. HCM Nguyễn Ngọc Hòa cho biết, từ ngày 1/9, trứng gia cầm có truy xuất nguồn gốc sẽ được cung cấp rộng rãi trên thị trường TP.HCM và được bán với giá hàng bình ổn.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM Nguyễn Ngọc Hòa, nhiều cơ sở chăn nuôi, giết mổ, đóng gói thịt và trứng gia cầm cung cấp cho TP.HCM hiện đã sẵn sàng tham gia Đề án truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm trên địa bàn.

Có 355 trang trại gà lấy thịt; 28 trang trại chăn nuôi gà giống; 65 trang trại gà lấy trứng (sản lượng 78.322.980 quả/tháng); 13 cơ sở giết mổ đóng gói thịt gia cầm (sản lượng 179.000 con gia cầm/ngày) và 7cơ sở xử lý đóng gói trứng gia cầm (sản lượng 2.260.000 quả/ngày) đã đăng ký tham gia Đề án truy xuất nguồn gốc thịt và trứng gia cầm.

Trừng gà được truy xuất nguồn gốc (Ảnh minh họa)

Một số đơn vị lớn như CP Việt Nam, CJ, JapFa, San Hà, 3F Việt, Long Bình, Sagri, Bình Minh, Vĩnh Thành Đạt, Adeco, Ba Huân, HTX Chăn nuôi gà Đất Việt, Tiến Hiệp, Tân Mỹ Châu, Mạnh Thắng, Phạm Tôn…đã đăng ký tham gia Đề án và cam kết đủ lượng hàng để cung cấp cho thị trường.

Sở Công thương TP.HCM cho biết, thị trường TP.HCM tiêu thụ bình quân từ 1,9 đến 2 triệu quả trứng gia cầm mỗi ngày. Thành phố hiện có hơn 1.749 điểm bán thịt và trứng gia cầm đã đăng ký tham gia Đề án truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm này.

Trong ngày 1/9, Đoàn công tác của Sở Công thương TP.HCM đã đi khảo sát tại Siêu thị Coop mart Đinh Tiên Hoàng, quận 1 và Siêu thị Aeon Bình Tân để đánh giá tình hình tiêu thụ trứng gia cầm tại các đơn vị này. Quá trình khảo sát cho thấy, trứng tại các siêu thị này được cung cấp bởi hai cơ sở đều có truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

Kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh trung thu tại TP. HCM

Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP. HCM cho biết sẽ tổ chức đợt cao điểm thanh, kiểm tra vấn đề an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có liên quan bắt đầu từ 1/9 - 30/9.

Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm TP. HCM vừa có văn bản giao Ban quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM thành lập các đoàn thanh kiểm tra đảm bảo an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.

Các đoàn thanh tra của thành phố sẽ tập trung thanh, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm liên quan đến các mặt hàng trên với số lượng lớn như: cơ sở sản xuất lớn, chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại lớn, cơ sở nhập khẩu thực phẩm, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống nhằm mục đích ngăn chặn phòng ngừa cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, hàng nhái, thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ và sử dụng nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo an toàn.

Các cơ sở sản xuất bánh được kiểm tra tại TP Hồ Chí Minh . (Ảnh minh họa)

Trong đợt thanh, kiểm tra lần này, các đoàn sẽ trực tiếp đến các cơ sở kiểm tra các nội dung: đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm, việc chấp hành quy định quảng cáo, kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm, ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc, điều kiện sản xuất, chế biến, kinh doanh. Kiểm tra việc sử dụng phụ gia, phẩm màu, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến, nguồn gốc nguyên liệu…

Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TP. HCM, các đoàn thanh tra, kiểm tra khi phát hiện vi phạm sẽ thực hiện xử lý theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường.

Ngọc Thủy (Tổng hợp)

 

 

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top