Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Thứ năm, ngày 16 tháng 4 năm 2020 | 7:48

Phú Yên: Thương lái chậm thu mua, người nuôi tôm hùm như ngồi trên lửa

Hiện nay, dù đến kỳ xuất bán tôm hùm nhưng tại các vùng nuôi ở TX Sông Cầu (Phú Yên), thương lái thu mua tôm rất chậm, khiến người nuôi như ngồi trên đống lửa.

Nguyên nhân được chỉ ra là do việc xuất khẩu tôm hùm sang thị trường Trung Quốc bị ngưng trệ bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Ông Phạm Minh Hải, ở phường Xuân Yên (TX Sông Cầu), thả nuôi hơn 1.000 con tôm hùm bông. Hơn 1 tháng nay, dù đã đánh tiếng nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa thương lái nào đến mua tôm.
 
“Mọi năm, chúng tôi chỉ việc nuôi tôm, chuyện thu mua đã có thương lái. Họ canh mình nuôi đến gần kỳ xuất bán là chủ động gọi điện thoại đặt hàng trước, dặn dò đừng bán cho ai khác. Còn năm nay, không thấy ai gọi, tôi phải chủ động liên hệ với bạn hàng mời đến mua nhưng chưa ai nhận lời. Họ nói là tìm nơi tiêu thụ nhưng rất khó khăn”, ông Hải sốt ruột cho biết.
1-img_3459.jpg
Người nuôi tôm hùm ở Phú Yên đến thời điểm thu hoạch gặp không ít khó khăn.

Tại thôn Vịnh Hòa, xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu), gia đình ông Nguyễn Thành Hưng cũng như đang ngồi trên đống lửa. Bởi từ khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV-2 khởi phát ở Trung Quốc, thương lái đã giảm hẳn việc thu mua tôm hùm xuất khẩu, khiến giá tôm rớt thê thảm. Theo ông Hưng, trước Tết Nguyên đán 2020, giá tôm hùm tương đối cao (tôm hùm bông loại 1 khoảng 1,6-1,7 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh khoảng 700.000-800.000 đồng/kg) nhưng nhiều người nuôi chỉ xuất bán cầm chừng chờ sau Tết giá tôm có khả năng tăng nữa sẽ xuất bán. Tuy nhiên, hiện nay, giá tôm hùm bông chỉ còn khoảng 1-1,2 triệu đồng/kg, tôm hùm xanh khoảng 480.000-500.000 đồng/kg nhưng đa số người nuôi không bán được tôm vì không có thương lái mua với số lượng nhiều.

“Nếu xuất bán với giá này, người nuôi tôm hùm lỗ nặng. Thế nhưng, điều đáng nói là muốn bán cũng không có mấy người mua bởi xuất khẩu không được; còn bán trong nước thì số lượng hạn chế vì người tiêu dùng chỉ mua lẻ mỗi lần vài ký, không đáng là bao. Hiện nay, gia đình tôi còn 10.000 con tôm thịt đã đến kỳ xuất bán nhưng không bán được; trong khi mỗi ngày cần đến tiền triệu để mua thức ăn cho tôm. Tiền nhà, rồi tiền vay ngân hàng đã trút hết xuống nước, nếu dịch bệnh cứ kéo dài thì không biết khi nào mới lấy lại được”, ông Hưng bộc bạch.

11untitled.jpg

Khó khăn vì không xuất được tôm sang Trung Quốc nên thương lái chỉ đưa đi tiêu thụ các tỉnh, thành trên cả nước

Theo ông Trần Văn Mạnh, thương lái chuyên thu mua tôm hùm xuất khẩu, lâu nay tôm hùm chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc; giá cả tùy loại, phụ thuộc vào thị trường. Thời điểm này, tôm nuôi đến kỳ chuẩn bị xuất bán, nhưng thị trường Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu tôm hùm do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên người nuôi tôm hùm ở đâu cũng than khó.

Hiện trên địa bàn TX Sông Cầu có khoảng 70.000 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm, trong đó gần 10.000 lồng nuôi có tôm đến thời kỳ xuất bán nhưng không có thương lái thu mua. Do đó, người nuôi tôm hùm vẫn phải tiếp tục chăm sóc tôm nhưng để kéo dài, nhiều người đã bớt khẩu phần ăn của tôm lại còn khoảng 40-60% so với trước nhằm giảm chi phí.
img_3425.JPG
Vùng nuôi tôm hùm ở TX.Sông Cầu chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 gây ra

“Đối với lượng tôm đã đến kỳ thu hoạch nhưng chưa xuất bán được, trước mắt người nuôi cần tập trung các biện pháp để nuôi lưu giữ, tiếp tục chăm sóc tốt; đồng thời theo dõi sát tình hình thị trường để xuất bán vào thời điểm thích hợp. Để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nuôi trồng cho nông dân, địa phương kiến nghị tỉnh có chỉ đạo và định hướng cụ thể; các doanh nghiệp thu mua cần xúc tiến việc tìm kiếm thêm một số thị trường khác và mở rộng thị trường nội địa”, ông Nguyễn Thái Hải Anh, Phó Trưởng Kinh tế TX Sông Cầu cho biết.

Theo các chuyên gia thủy sản, để phát triển tôm hùm bền vững, trong quá trình nuôi, người nuôi cần lưu ý thả nuôi đúng quy hoạch, có đăng ký, kê khai đầy đủ với cơ quan quản lý và áp dụng quy trình nuôi an toàn sinh học để có thể truy xuất được nguồn gốc rõ ràng. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần hướng dẫn người nuôi thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã để hình thành chuỗi liên kết với doanh nghiệp từ cung cấp đầu vào cho đến đầu ra tiêu thụ. Đồng thời có chính sách khuyến khích  doanh nghiệp thu gom xuất tôm hùm chính ngạch, để có sự ràng buộc về hợp đồng kinh tế. Chứ lâu này tôm hùm chủ yếu đi tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc nên tư thương tự buôn bán với nhau, thiếu bền vững.
 
 
 
 
Tuấn Kiệt
Ý kiến bạn đọc
Top