Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ tư, ngày 17 tháng 4 năm 2024  
Thứ ba, ngày 6 tháng 10 năm 2020 | 15:17

Quản lý mã số vùng trồng: Cần xiết chặt!

Thời gian qua, một số doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc đã gian lận tem truy xuất nguồn gốc và mã số vùng trồng.

Hành vi này bị phía Trung Quốc phát hiện và dừng nhập khẩu toàn bộ số trái cây này, gây thiệt hại và ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, thương hiệu trái cây Việt nam. 

 

t22.jpg
Truy xuất nguồn gốc trái cây bằng điện thoại thông minh.
 

Sản xuất nhỏ, manh mún là nguồn cơn của gian lận

Trung Quốc và một số nước khác trên thế giới nhập khẩu trái cây của Việt Nam yêu cầu phải có truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số vùng trồng. Đây là một trong những yêu cầu của thị trường nhằm đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Điều này là một trong những xu hướng tất yếu của thị trường trái cây.

Hiện nay, vùng trồng xoài ở Đồng Tháp và vùng trồng thanh long ở Bình Thuận đang có hiện tượng gian lận tem truy xuất nguồn gốc và mã vùng trồng nhiều nhất. Việc gian lận tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ và mã vùng trồng chủ yếu là do thương lái chứ không phải do người trồng thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Mách (xã Mỹ Xương, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, vườn xoài nhà ông đã đăng ký mã vùng trồng, khách mua có thể quét  QR Code là biết được xoài mình mua được trồng ở vườn nhà ai. Khi thu hoạch, việc đóng gói đều do thương lái thực hiện, nên việc xoài của ông bị trà trộn với các loại xoài trồng ở vùng khác hay không thì ông không thể nào biết được.

Theo ông Mách, nguyên nhân là do thương lái mua xoài không chỉ ở vườn nhà ông, mà họ mua của nhiều người, ở nhiều nơi, do vậy, xoài của gia đình khác không có tem đăng ký nguồn gốc xuất xứ, trà trộn vào với xoài của ông được đóng bao xuất đi nước ngoài.

Mới đây, tại Đồng Tháp, có 2 mã số vùng trồng là VN-TDOR-0017 và VN-DTOR-0018 thuộc HTX xoài Mỹ Xương XK sang thị trường Trung Quốc bị Hải quan Trung Quốc “tuýt còi” vì mạo danh mã số vùng trồng. Thời điểm sự việc bị phát hiện, HTX xoài Mỹ Xương đã thu hoạch xong, không còn xoài để XK. Do vậy, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Tháp nhận định, đang có dấu hiệu giả mạo nguồn gốc xuất xứ hàng hóa với phạm vi hoạt động rộng và liên quan đến nhiều ngành.

Vườn thanh long của gia đình anh Ngô Đình Bắc (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận)  trồng được trên 20 năm, trái thanh long đã xuất sang Trung Quốc, tuy nhiên, đến bây giờ, anh chưa biết truy xuất nguồn gốc xuất xứ trái cây nghĩa là thế nào.

Anh Bắc cho biết, khi thương lái về đây mua trái thanh long của tôi để xuất sang Trung Quốc, họ không yêu cầu tôi cung cấp tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tôi cũng không biết đến mã vạch và mã số vùng trồng là như thế nào.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Bình Thuận đã phát hiện một số doanh nghiệp xuất trái cây sang Trung Quốc đã “mượn” mã vùng trồng của nhau để làm thủ tục XK trái cây cho nhanh chóng. Trong quá trình đóng gói sản phẩm, các đơn vị này ghi tên sản phẩm của địa phương mình, nhưng mã vùng trồng lại là của địa phương khác.

 

t23.jpg
Vườn xoài nhà ông Mách đã được cấp mã truy xuất nguồn gốc.

 

Việc “mượn” mã vùng và truy xuất nguồn gốc của nhau tuy “lợi một chút” nhưng lại “hại nghìn lần” và làm ảnh hưởng không nhỏ đến XK các loại trái cây đi các nước. Không những làm thiệt hại cho ngành trái cây Việt Nam mà còn thiệt hại cho cả người nông dân, khi trái cây không thể XK. Tình trạng “được mùa nhưng mất giá” là điều khó tránh khỏi.

Lý giải việc này, nhiều chuyên gia cho rằng, do sản xuất của ta nhỏ lẻ, manh mún nên đã dẫn đến việc này.

Kiểm soát chặt chẽ tem truy xuất nguồn gốc

Chủ tịch HĐQT HTX cây ăn quả đặc sản Quyết Thắng (TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên) Trần Văn Mý cho biết, HTX được cấp 3 mã số vùng trồng XK đi Mỹ, EU, Úc. Cùng với việc được cấp mã vùng trồng, HTX Quyết Thắng được Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) và Chi cục BVTV tỉnh Hưng Yên cấp cho tem truy xuất nguồn gốc OTAS.

“HTX đang quản lý tem này, khi xuất hàng đi đâu, vào ngày nào, chúng tôi mới kích hoạt tem ngày đó, đi kèm kiểm soát số lượng. Nếu kiểm soát tốt tem này thì các đối tượng muốn trà trộn cũng không được. Tem được cấp cho HTX là tem trắng (dán tem XK truy nguồn gốc điện tử lên bao bì), xuất hàng đi ngày nào thì HTX sẽ gọi điện thoại lên Cổng thông tin điện tử của Chi cục BVTV tỉnh để kích hoạt”, ông Mý nói.

Còn ông Nguyễn Văn Thế, Chủ tịch HĐQT HTX nhãn Miền Thiết (Hàm Tử, Khoái Châu, Hưng Yên), cho biết, HTX đã được cấp 3 mã vùng trồng với tổng diện tích 31,5ha được XK sang Mỹ, Nhật Bản, EU.

“HTX đã có mã QR Code do Cục BVTV cấp, khi thu hái đến đâu, ở vùng nào thì chúng tôi sẽ kích hoạt mã ở vùng đó. Chúng tôi khẳng định an toàn lên đến 99,9%, người khác không thể nhái được mã vùng trồng. Nói đơn giản thế này, khi HTX thu hái sản phẩm thì mới kích hoạt tem truy xuất nguồn gốc. Các vùng khác muốn trà trộn, nhái vùng sản xuất là tương đối khó”, ông Thế chia sẻ.

Việc kiểm soát chặt chẽ tem truy xuất nguồn gốc và mã vùng cho trái cây là hết sức quan trọng và cần thiết, điều này bảo đảm cho trái cây khi truy xuất được thể hiện đầy đủ các thông tin như tọa độ vùng trồng, diện tích, số hộ tham gia, tiêu chuẩn…, thể hiện tính minh bạch rất cao. Bên cạnh đó, hệ thống tem này được kích hoạt vào thời điểm doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân thu hoạch và có thời hạn, làm giảm khả năng gian lận thương mại.

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông (Cục BVTV), thừa nhận, cách quản lý mã số vùng trồng trên là với các thị trường khó tính. Còn với Trung Quốc, mã số vùng trồng đối với các sản phẩm XK còn nhiều bất cập, nhất là bài học từ vụ mã số vùng trồng xoài Cao Lãnh bị “xài chùa”. Đây là tình huống phát sinh mới trong quá trình quản lý mã số vùng trồng.

Cục BVTV đã tính đến các giải pháp về công nghệ thông tin để thực hiện việc quản lý. “Chúng tôi  đã có những đối tác về công nghệ thông tin để thực hiện một số giải pháp ở một số địa phương. Tuy nhiên, chương trình này cần có thời gian đánh giá trước khi nhân rộng ra diện rộng”, ông Hiếu nói.

Bà Nguyễn Thị Thành Thực, Chủ tịch Công ty XNK Bagico, nói: “Chúng ta đừng nghĩ thị trường Trung Quốc dễ dãi, hàng vẫn xuất ầm ầm, ngày nào cũng vài trăm container mà “cẩu thả” trong quản lý mã số vùng trồng, bởi như vậy là mình cực kỳ chủ quan, nếu một ngày họ siết chặt thì chính hàng hóa, doanh nghiệp của chúng ta phải trả giá”.

Đây là lời cảnh báo từ một thương gia thành công trong lĩnh vực XK trái cây của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc. Thiết nghĩ, lời cảnh báo này không thừa. Muốn làm được thì cần phải xử lý thật nghiêm đối với những doanh nghiệp “mượn” mã vùng và mã truy xuất nguồn gốc trái cây XK, có như vậy việc XK trái cây của chúng ta không chỉ đi Trung Quốc mà các thị trường khác trên thế giới mới giữ được thương hiệu.

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
  • Vì sao phân khu Quý Tộc vừa ra mắt đã khiến các gia đình trẻ đứng ngồi không yên?

    Vì sao phân khu Quý Tộc vừa ra mắt đã khiến các gia đình trẻ đứng ngồi không yên?

    Sức nóng của Thành phố Đảo Hoàng Gia Vinhomes Royal Island đang gia tăng từng ngày cùng với tiến độ thi công thần tốc và các phân khu liên tiếp ra mắt. Nổi bật trong số đó, phân khu Quý Tộc khiến các gia đình trẻ mong sớm chuyển khẩu về đây để được trải nghiệm chất sống thượng lưu và môi trường phát triển toàn diện cho con trẻ.

  • BAC A BANK ưu đãi lãi suất vay - trao doanh nghiệp "đặc quyền vượt trội" để bứt phá kinh doanh

    BAC A BANK ưu đãi lãi suất vay - trao doanh nghiệp

    Với tâm thế đồng hành cùng các doanh nghiệp củng cố lợi thế cạnh tranh, tối ưu hiệu quả kinh doanh để hướng tới các mục tiêu tăng trưởng toàn diện, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) triển khai Chương trình ưu đãi lãi suất cho vay trung dài hạn “Tài chính vững vàng - Sẵn sàng bứt phá” với tổng hạn mức lên tới 3.000 tỷ đồng.

  • GenAI “made in Vietnam" giúp doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện

    GenAI “made in Vietnam

    Ra mắt từ cuối năm 2023, ViGPT - “ChatGPT phiên bản Việt" do VinBigdata (Tập đoàn Vingroup) phát triển đã nhanh chóng trở thành một trong 4 mô hình có năng lực tiếng Việt tốt nhất. Đồng thời, bắt tay với hàng loạt các đơn vị hàng đầu trong nhiều lĩnh vực, VinBigdata tiếp tục triển khai tích hợp AI tạo sinh (GenAI) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số toàn diện của doanh nghiệp.

Top