Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ hai, ngày 6 tháng 12 năm 2021 | 15:24

Siết vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch dịp cuối năm

Để bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cung ứng cho người tiêu dùng, nhất là dịp cao điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, các địa phương đang tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra nông sản, cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng.

 

t1.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội kiểm tra một cơ sở kinh doanh nông sản trên địa bàn huyện Đông Anh. 

 

Hà Nội: Tăng cường kiểm tra cơ sở chế biến, kinh doanh nông sản

Mới đây, qua kiểm tra thực tế tại các đơn vị kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn thành phố cho thấy, hầu hết đều đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm. Theo ông Thái Anh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Tâm Đạt (quận Cầu Giấy), để cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng, Công ty phát triển chuỗi cửa hàng tại các quận: Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm. Theo đó, sản phẩm nông sản bày bán đều được kiểm nghiệm chặt chẽ, được nhập từ các cơ sở sản xuất uy tín với đầy đủ giấy tờ chứng nhận thực phẩm an toàn.

Theo bà Trần Thị Huyền Trang, Phó Trưởng phòng phụ trách Bộ phận thanh tra chuyên ngành (Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội), từ nay đến cuối năm, Chi cục tăng cường hoạt động kiểm soát thực phẩm tại các chợ đầu mối, các chuỗi siêu thị, cửa hàng tiện ích, bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn đến người tiêu dùng. Với thị trường tiêu thụ lớn, Hà Nội đã phối hợp với 21 tỉnh, thành phố xây dựng được 786 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn cho Hà Nội; riêng thành phố cũng đã xây dựng được 141 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, sản phẩm được cấp mã truy xuất nguồn gốc, kiểm soát an toàn của thành phố.

Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản vẫn phát hiện vi phạm. Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng huyện Đông Anh đã tiến hành xử lý, tiêu hủy lượng lớn hàng hóa không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, ước tính trị giá hơn 2 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là thiếu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không đeo khẩu trang trong quá trình chế biến, thực phẩm có côn trùng động vật gây hại, hàng hóa chế biến thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, sử dụng nước để sản xuất không rõ ràng…

Còn theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, từ đầu năm đến nay, đã xử lý 105 trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm, tiêu hủy hơn 7.000kg hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, 212kg thực phẩm tươi sống bị nấm mốc, biến đổi màu sắc…

Để kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Thị Tám, từ nay đến Tết Nguyên đán, nhu cầu về thực phẩm sẽ tăng mạnh, trong khi diễn biến tình hình dịch Covid-19 vẫn hết sức phức tạp, khó lường, huyện đã chỉ đạo các ngành tiếp tục tổ chức đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm của huyện, xã, thị trấn; khi tổ chức kiểm tra cơ sở đều yêu cầu giải trình hồ sơ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, tiến hành xác minh nguồn gốc, xuất xứ thực phẩm, sản phẩm; duy trì chuỗi cửa hàng tiện ích cung cấp sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ Trung tâm thương mại Đông Anh; khuyến khích xây dựng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ, đồng thời truy xuất nguồn gốc xuất xứ thực phẩm bằng phần mềm quét mã QR.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, thời gian tới, ngành Nông nghiệp Thủ đô tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm, tập trung vào cơ sở sản xuất, kinh doanh rau, thịt, thủy sản trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, các sở, ngành của thành phố tăng cường kiểm soát chặt chẽ mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố về Hà Nội tiêu thụ nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.

Vĩnh Phúc: An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là vấn đề nóng

Ngoài việc cung ứng đủ các loại hàng hóa phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán 2022, vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được các cấp chính quyền, cơ quan chức năng hết sức quan tâm. Nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra được triển khai đã phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về ATVSTP.

Trần Văn Chung, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, không chỉ vào những tháng cuối năm, dịp Tết Nguyên đán, hay trong bối cảnh đặc biệt nào, mà ngay trong cuộc sống thường nhật, vấn đề ATVSTP luôn là vấn đề nóng, bởi nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của mỗi con người, mỗi gia đình.

 

t2.jpg
Nhân viên chế biến thực phẩm tại bếp ăn của Công ty TNHH Young Poong Electronics Vina, KCN Bình Xuyên II, thị trấn Bá Hiến, huyện Bình Xuyên trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động. 

 

Trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, cùng với tập trung thực hiện mục tiêu kép, công tác đảm bảo ATVSTP luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh, của Cục ATTP, Sở Y tế; sự ủng hộ, phối hợp của các Sở, ban, ngành và quần chúng nhân dân.

Việc triển khai và thực hiện các biện pháp bảo đảm ATVSTP ngày càng chặt chẽ, hiệu quả. Nhiều năm nay, số vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn tỉnh giảm đáng kể (năm 2019, 2020 không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra), tình trạng mất VSATTP được khống chế và kiểm soát hiệu quả.

Nắm bắt nguy cơ mất ATVSTP thường tập trung vào dịp Tết Nguyên đán và nhất là trong bối cảnh dịch bệnh (khi giá cả có thời điểm không ổn định và người dân một số nơi phải thực hiện cách ly xã hội), ngay từ đầu năm, Chi cục ATVSTP đã chủ động, tích cực tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP ban hành các văn bản chỉ đạo, triển khai công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các biện pháp bảo đảm ATTP trong phòng, chống dịch COVID-19 tại gia đình, các chợ, siêu thị, cơ sở chế biến suất ăn phục vụ khu cách ly tập trung, cơ sở điều trị Covid-19, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể... trên các phương tiện thông tin đại chúng và qua hệ thống y tế thôn, tổ phòng, chống Covid cộng đồng... Qua đó, nâng cao nhận thức của chủ cơ sở, người chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, vấn đề đảm bảo ATTP còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm của người dân thường tăng cao. Lượng hàng được tiêu thụ nhiều nhất là bánh, kẹo, rượu, bia, nước giải khát, thực phẩm tươi sống...

Lợi dụng điều đó, một số người vẫn đưa ra thị trường những sản phẩm hàng hóa kém chất lượng, gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng.

Nguy cơ mất ATVSTP luôn tiềm ẩn khi có tới hơn 90% số cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm nhỏ lẻ, sản xuất thủ công; thực phẩm lậu, thực phẩm giả, thực phẩm không an toàn vẫn còn.

Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội diễn biến phức tạp, khó quản lý… Nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, đặc biệt ở các bếp ăn tập thể của các KCN, trường học vẫn cao.

Trong 10 tháng năm 2021, ngành Y tế và UBND các cấp đã thanh, kiểm tra được 3.300 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố; trong đó, 2.851 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm 86,4%); 449 cơ sở chưa đạt yêu cầu, trong đó 19 cơ sở bị phạt tiền với tổng số tiền 159 triệu đồng.

Các cơ sở thường mắc một số lỗi như không có đủ dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; thực hiện không đúng quy định của pháp luật về lưu mẫu thực phẩm; quảng cáo sản phẩm không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; sử dụng người trực tiếp chế biến thức ăn không đội mũ, không đeo khẩu trang; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ;...

Công tác giáo dục, truyền thông ATTP luôn được các cấp, ngành, tổ chức xã hội và đông đảo nhân dân quan tâm, hưởng ứng. Sự phối hợp hành động giữa các ban, ngành liên quan chặt chẽ, hiệu quả.

Đối tượng truyền thông tập trung chủ yếu vào nhóm đối tượng người quản lý, lãnh đạo; người tiêu dùng thực phẩm; các cơ sở SXKD, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Chi cục ATVSTP cấp 102 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; 312 giấy phép tiếp nhận công bố sản phẩm cho các sản phẩm dinh dưỡng, tiếp nhận 62 hồ sơ tự công bố sản phẩm đối với nước uống đóng bình, thực phẩm bổ sung…

Hoạt động cấp giấy chứng nhận, đăng ký bản công bố/ tự công bố sản phẩm cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm (được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

Nhận thức, ý thức thực hành của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm đã không ngừng được nâng cao. Các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đã bảo đảm tốt các điều kiện ATTP, chấp hành đầy đủ quy định của pháp luật về ATTP.

Nam Định: Tăng cường kiểm dịch trên đàn vật nuôi dịp cuối năm

Hiện nay, dịch bệnh trên động vật vẫn diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là các tỉnh giáp ranh Nam Định như: Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam... có nguy cơ lây lan, phát sinh cao trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, việc tái đàn phục vụ nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 của người dân ở các địa phương tăng mạnh. Vì vậy, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN và PTNT), các địa phương đã đẩy mạnh kiểm soát, phòng, chống, kiểm dịch bệnh động vật, sản phẩm động vật góp phần bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.

 

t3.jpg
Lực lượng thú y tỉnh kiểm tra đàn lợn được vận chuyển vào địa bàn tỉnh.

 

Kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật là biện pháp quan trọng ngăn ngừa các loại dịch bệnh phát sinh và lây lan, bảo vệ chăn nuôi, đồng thời bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng.

Theo Cục Thú y (Bộ NN và PTNT), hiện cả nước vẫn còn một số dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm chưa qua 21 ngày: bệnh lở mồm, long móng trên đàn gia súc; bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP); bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò; bệnh cúm gia cầm A/H5N6, cúm A/H5N8. Trong đó, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 2.275 xã, phường, thị trấn trên cả nước với tổng số lợn phải tiêu hủy là trên 230 nghìn con, cao gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, tại tỉnh ta, bệnh DTLCP có dấu hiệu tái bùng phát, đã xuất hiện một số ổ dịch nhỏ lẻ, rải rác tại các huyện: Vụ Bản, Trực Ninh, Xuân Trường, Nam Trực, Nghĩa Hưng và thành phố Nam Định. Ngoài ra, qua kết quả giám sát dịch của lực lượng chức năng, hiện vẫn còn lưu hành vi-rút cúm trên đàn gia cầm của một số địa phương, nguy cơ dịch cúm gia cầm tái phát thời gian tới là rất cao. Trong khi đó, tổng đàn vật nuôi của tỉnh ta lớn với hơn 758 nghìn con lợn, 36.105 con trâu, bò, trên 8,9 triệu con gia cầm, thủy cầm… Mật độ nuôi đông, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ trong dân vẫn còn nhiều, đồng thời thời tiết diễn biến phức tạp, khó lường. Vì vậy, các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi nói chung, DTLCP nói riêng trên đàn lợn đang có nguy cơ lây lan trên diện rộng, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ chăn nuôi và cung cầu thực phẩm, nhất là trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp...

Để tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đồng thời kiểm soát việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới người chăn nuôi, chủ động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng dịch, có chế độ dinh dưỡng và biện pháp chống rét hợp lý cho đàn vật nuôi; tổ chức cho các cơ sở giết mổ, sơ chế, thu gom, buôn bán động vật và sản phẩm động vật ký cam kết không vi phạm các quy định về phòng dịch, không giết mổ, tiêu thụ động vật ốm, chết, không rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện tiêm phòng vắc-xin đối với một số bệnh trên động vật.

Đồng chí Ninh Văn Hiểu, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Chúng tôi phối hợp với các lực lượng chức năng của tỉnh, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố kiểm tra chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào địa bàn tỉnh; việc chấp hành các quy định về kiểm dịch, vệ sinh thú y đối với phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; nơi thu gom, tập kết, buôn bán động vật, giết mổ sản phẩm động vật và cơ sở sản xuất, kinh doanh, buôn bán con giống. Các lực lượng chức năng đã kiểm tra hàng trăm phương tiện vận chuyển, động vật và sản phẩm động vật. Trong quá trình kiểm tra đã hướng dẫn các chủ hàng thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch cho động vật và phòng lây nhiễm một số bệnh từ động vật sang người, đồng thời xử lý các trường hợp vi phạm quy định về vận chuyển động vật. 

Từ nay đến Tết Nguyên đán 2022, nhu cầu tái đàn nuôi mới và sử dụng các sản phẩm động vật tăng cao dẫn đến việc vận chuyển, lưu thông, giết mổ động vật gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ trà trộn vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không an toàn dịch bệnh. Để làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm an toàn thực phẩm, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật và sản phẩm động vật lưu thông từ tỉnh ngoài vào địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, yêu cầu ký cam kết với các cơ sở giết mổ, sơ chế, thu gom, buôn bán động vật và sản phẩm động vật; đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật, sản phẩm động vật chưa qua kiểm dịch tại địa bàn tỉnh theo quy định./.

Thanh Tâm (t/h)
Ý kiến bạn đọc
Top