Chiều ngày 17-3, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức buổi họp báo về trường hợp của bệnh nhân Lê Thị Hà Vi (SN 2000, trú tại xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin, Đắk Lắk - hiện là học sinh lớp 10, Trường THPT Y Jút). Do sự yếu kém trong chuyên môn, tắc trách của các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin nên Hà Vi phải cưa một chân để giữ lại mạng sống.
>> Bộ Y tế chỉ đạo làm rõ vụ bác sĩ tắc trách khiến nữ sinh lớp 10 phải bị cưa chân
Tham gia buổi họp báo có rất nhiều cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương đóng chân trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và đại diện gia đình cháu Lê Thị Hà Vi.
Ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế cùng ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin chủ trì buổi họp báo.
Mở đầu buổi họp báo, ông Doãn Hữu Long đã thay mặt Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin bày tỏ lời xin lỗi chân thành tới bệnh nhân Lê Thị Hà Vi và gia đình. Đây là sai sót chuyên môn không mong muốn.
Ông Long thông tin, Sở Y tế đang chuẩn bị họp Hội đồng chuyên môn với sự tư vấn của các chuyên gia đầu ngành đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh về trường hợp của bệnh nhân Vi. Sau đó, Sở Y tế sẽ căn cứ vào kết quả cuộc họp Hội đồng chuyên môn và kết quả thanh tra về quá trình tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị của bệnh nhân Vi tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin để đưa ra hình thức xử lý thích đáng; đảm bảo không bao che, dung túng, đúng người, đúng việc; đồng thời công khai kết quả xử lý đối với các tập thể và cá nhân cho gia đình, các cơ quan truyền thông và cơ quan chức năng.
Sau khi được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin bó bột, sau đó chân của Vi bắt đầu nổi bóng nước, tím ngắt vùng đùi, phần dưới không còn cảm giác đau.
Trước đó, Sở Y tế Đắk Lắk cũng đã ra quyết định đình chỉ công tác 15 ngày đối với 4 cán bộ y tế gồm có một Phó Giám đốc kiêm trưởng khoa Ngoại, một bác sĩ, cùng hai điều dưỡng công tác tại khoa Ngoại của Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin
Giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long cũng cam kết, bệnh nhân Lê Thị Hà Vi sẽ được miễn toàn bộ viện phí trong suốt quá trình điều trị; được hỗ trợ toàn bộ kinh phí để làm chân giả và phục hồi chức năng. Nếu Hà Vi có nguyện vọng thì ngành Y tế sẽ tạo điều kiện để cháu theo học tại một cơ sở đào tạo chuyên môn y khoa phù hợp với khả năng và giúp Hà Vi có việc làm trong lĩnh vực y tế.
Trước đó, như Báo Kinh tế nông thôn đưa tin, trưa 6-3, em Lê Thị Hà Vi trên đường đi học về thì bị tai nạn giao thông té xuống đường. Sau khi người gây tai nạn bỏ chạy, người dân đã đưa Vi vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin.
Sau khi nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán Vi bị gãy mâm chày (ở gối) bên phải rồi bó bột. Đến tối cùng ngày, Vi kêu gào đau đớn và bị tê chân, ngày càng sưng lên, tím ngắt vùng đùi, phần dưới không còn cảm giác đau. Do vậy gia đình đã đề nghị bác sĩ tháo bột ra và cho chuyển viện nhưng các bác sĩ bảo cứ yên tâm, bó như thế mới giữ được xương, mặc cho Vi van xin. Đến đêm, Vi kêu khóc cả đêm vì cảm thấy bỏng rát ở chân phải. Qua sáng 8-3, năm ngón chân của Vi bắt đầu nổi bóng nước. Gia đình tiếp tục kêu lên. Lúc này, bác sĩ mới đồng ý tháo bột ra. Thấy chân Vi xuất hiện nhiều bỏng nước, sưng vù, gia đình tiếp tục đề nghị được chuyển viện nhưng các bác sĩ bảo bệnh nhẹ có gì mà phải chuyển. Suốt những ngày sau đó, bệnh viện hầu như không có động thái xem xét kỹ lưỡng vết thương và mãi đến ngày 11-3 mới cho chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh đã chọn cách cắt đi gần hết chân phải để cứu mạng sống của Vi.
Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sĩ đánh giá tình trạng chân của bệnh nhân Vi đã bị hoại tử quá nặng nên quyết định tiếp tục chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy TP. Hồ Chí Minh ngay trong ngày trong tình trạng chân phải của Vi nổi đầy bóng nước, được nẹp vải, mất cảm giác, không thể vận động. Kết quả xét nghiệm cũng cho thấy Vi bị tắc hoàn toàn động mạch chân phải. Cuối cùng, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh đã chọn cách cắt đi gần hết chân phải để cứu mạng sống của Vi.
Anh Thi - Huỳnh Thái