Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 12 tháng 6 năm 2022 | 16:10

Sốt xuất huyết có dấu hiệu bùng phát mạnh ở ĐBSCL

Sốt xuất huyết đang có dấu hiệu bùng phát mạnh ở nhiều tỉnh vùng ĐBSCL. Riêng ở An Giang ghi nhận hơn 3.900 ca tăng 365% so với cùng kỳ; Đồng Tháp 1.968 ca, tăng hơn 240% (1.391 ca) so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, có 69 ca nặng và 2 trường hợp tử vong.

Dịch có dấu hiệu vùng phát

Thời gian gần đây, nhiều tỉnh ở ĐBSCL ghi nhận số ca sốt xuất huyết tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm ngoái, do mưa sớm, nóng ẩm khiến muỗi vằn sinh sôi. Trong đó, Đồng Tháp là địa phương có số ca tăng đột biên. Đến nay, Đồng Tháp đã ghi nhận 1.968 ca mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 240% (1.391ca) so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, có 69 ca nặng và 2 trường hợp tử vong. Các địa phương có số ca sốt xuất huyết cao là huyện Hồng Ngự với 379 ca, thành phố Hồng Ngự 287 ca, thành phố Cao Lãnh 251 ca.

 

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thăm bệnh nhân sốt xuất huyết trong chuyến công tác ngày 10/6 (Ảnh: Nguyễn Khánh).

 

Sau khi thị sát hai điểm nóng dịch ở huyện Hồng Ngự và TP. Hồng Ngự vào ngày 10/6, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhận định, nguyên nhân dịch bùng phát mạnh do mùa mưa đến sớm cộng thời tiết nóng ẩm tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi. Bên cạnh đó, sau dịch Covid-19, việc dọn dẹp vệ sinh, phát quang diệt loăng quăng phòng ngừa sốt xuất huyết chưa được người dân quan tâm đúng mức. Một trong những khó khăn Đồng Tháp đang đối mặt là dung dịch phun diệt muỗi sắp hết, thuốc đặc trị ca nặng khan hiếm do các gói thầu mua sắm đang chậm.

Tại An Giang, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh này cho biết, đã dự báo được năm nay chu kỳ dịch tăng cao (4 năm một lần), nên áp dụng các biện pháp phòng dịch từ tháng 3. Đỉnh dịch sẽ trong tháng 6, có khả năng lên 1.000 ca mỗi tuần. Chúng tôi chuẩn bị sẵn sàng cơ sở y tế, thuốc, tập huấn phác đồ điều trị.

Tuy vậy, An Giang hiện là địa phương ghi nhận số ca sốt xuất huyết cao nhất miền Tây, hơn 3.900, tăng 365% so với cùng kỳ, số ca nặng chiếm 5-10%, không có ca tử vong. Số bệnh nhân trong tuần qua tăng từ 426 lên 526 ca. Theo ông Hiền, khả năng khu điều trị bệnh nhi sẽ quá tải, song vẫn nằm trong sự chuẩn bị, kiểm soát của ngành.

 

 Chị Trịnh Thị Vũ Hường, chăm sóc con gái bị sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng TP Cần Thơ.

 

Tại Sóc Trăng, từ đầu năm 2022 đến nay, Sở Y tế ghi nhận 325 ca, tăng 116%, trong đó 25 trường nặng, hai ca tử vong. Ông Trần Văn Dũng, Phó giám đốc Sở Y tế Sóc Trăng khuyến cáo, người dân cẩn trọng, không nhầm lẫn triệu chứng sốt xuất huyết với triệu chứng Covid-19, sớm đưa người bệnh đến cơ sở y tế xét nghiệm, xác định chính xác bệnh. Bệnh nhân sốt xuất huyết thường sốt cao liên tục, rất khác so với sốt do Covid-19 là sốt tới ngày thứ ba sẽ giảm.

Đến tuần đầu tháng 6 này, tỉnh Tiền Giang phát hiện hơn 650 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 2 trường hợp đã tử vong. Các địa bàn có nhiều ca bệnh sốt xuất huyết là huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Thị xã Cai Lậy và huyện Chợ Gạo. Đặc biệt, trong tuần 21 toàn tỉnh có hơn 90 ca mắc, tăng trên 90% so với tuần cùng kỳ năm 2021. 

 

  Cán bộ y tế tỉnh Tiền Giang khám bệnh cho trẻ em.

 

Số bệnh nhân điều trị nội trú ở Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ lên hàng trăm ca, viện phải kê thêm giường ngoài hành lang cho bệnh nhân nằm. Bác sĩ Ông Huy Thanh, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ cho biết, dịch sốt xuất huyết năm nay tăng cao hơn mọi năm, hơn 1.000 ca tính từ đầu năm. Riêng tháng 5, bệnh viện tiếp nhận điều trị nội và ngoại trú 388 ca, tăng gấp ba lần năm ngoái, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Bác sĩ Thanh dự báo số ca mắc mới còn tăng trong thời gian tới, tuy nhiên bệnh viện vẫn đủ khả năng tiếp nhận và điều trị. Sốt xuất huyết đang bùng phát ở nhiều quốc gia châu Á, nhất là các nước Đông Nam Á. Số ca năm nay tăng cao theo chu kỳ, 3-4 năm lại có một năm bùng phát mạnh.

 

Theo số liệu của Bộ Y tế, đến nay cả nước có hơn 43.600 ca mắc, 22 người tử vong vì sốt xuất huyết. Báo cáo của các địa phương cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc sốt xuất huyết tại nước ta đã tăng 53%, tử vong tăng 17 trường hợp, tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam.

Bộ Y tế cảnh báo, hiện nay đang là cao điểm mùa dịch  số mắc liên tục tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, dự báo số mắc thời gian tới tiếp tục gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch.

  

Khẩn trương phòng chống bệnh sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết đang tăng nhanh tại hầu hết các địa bàn ở tỉnh Tiền Giang. Trước thực trạng này, Trung tâm y tế các huyện, thị, thành thị trong tỉnh kết hợp chính quyền, đoàn thể triển khai chiến dịch diệt lăng quăng, diệt muỗi. Tất cả các hộ gia đình tại vùng có dịch và có nguy cơ phải được kiểm tra, giám sát các dụng cụ chứa nước, các vật dụng có thể làm nơi sinh sản của muỗi. Giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết tại địa phương, tổ chức phun hóa chất 100% các hộ gia đình thuộc khu vực ổ dịch, đảm bảo phun hóa chất đúng kỹ thuật.

Bác sĩ Nguyễn Hiếu Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm y tế Thị xã Cai Lậy cho biết, địa bàn có 1 ca bệnh sốt xuất huyết tử vong do nhập viện muộn; công tác dập dịch đang được tăng cường. Chúng tôi đã ra quân hai chiến dịch diệt muỗi, diệt lăng quăng. Chiến dịch đầu tổ chức ở những địa bàn có ổ dịch cũ, hiện dịch đang tăng thì thực hiện đồng loạt trên toàn địa bàn thị xã. Vừa qua, tỉnh lên kiểm tra cũng đạt yêu cầu. Tuy nhiên, bây giờ phải tuyên truyền, phải phát hiện sớm bệnh mới, không được chủ quan. Nếu sốt qua ngày thứ 3 là phải đi xét nghiệm máu, không chủ quan ở nhà.

 

 Cán bộ của CDC Hậu Giang truyền thông phòng, chống sốt xuất huyết cho người dân tại xã Đông Phước, huyện Châu Thành (Ảnh: VOV).

 

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế tỉnh Hậu Giang đã triển khai kế hoạch hưởng ứng ngày ASEAN phòng chống sốt xuất huyết lần thứ 12 đến tất cả các huyện, thị xã, thành phố, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia phòng chống sốt xuất huyết qua đó nâng cao ý thức về phòng chống dịch bệnh cho người dân.

Bác sĩ chuyên khoa II Đỗ Phát Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hậu Giang cho biết, tập trung chỉ đạo cho các huyện, thị xã, thành phố vận động, tuyên truyền người dân nâng cao nhận thức về phòng, chống sốt xuất huyết. Mọi người dân, mọi gia đình, doanh nghiệp tham gia phòng chống sốt xuất huyết, mỗi tuần dành 30 phút tổng vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng và dùng nhang xua muỗi, mặc áo dài tay, ngủ mùng ngay cả ban ngày để tránh muỗi đốt.

Ngày 10/6, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cùng lãnh đạo Sở Y tế đã trực tiếp đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết ở một số điểm có số ca mắc cao tại huyện Hồng Ngự và thành phố Hồng Ngự. Ông Bửu nhấn mạnh, hiện nay, thời tiết đan xen giữa mưa và nắng là điều kiện thuận lợi để bệnh sốt xuất huyết gia tăng; đồng thời, theo các chuyên gia thì năm nay còn là năm của chu kỳ bệnh nên nguy cơ dịch bệnh bùng phát mạnh thời gian tới là rất cao, nhất là vào mùa mưa.

 

 Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Đoàn Tấn Bửu kiểm tra các dụng cụ chứa nước tại nhà người dân ở thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự.

 

Do đó, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần vào cuộc quyết liệt hơn và phải huy động tất cả các lực lượng cùng tham gia vào công tác phòng, chống dịch bệnh; đẩy mạnh công tác truyền thông về sốt xuất huyết để từng hộ gia đình chủ động trong công tác phòng bệnh.

Với phương châm không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết, ông Bửu đề nghị, các địa phương thường xuyên ra quân thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, vệ sinh môi trường xung quanh nơi ở, nơi sản xuất, nhất là ở các cụm tuyến dân cư; lực lượng y tế tăng cường xuống địa bàn để hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết, diệt lăng quăng như: Thả cá vào các dụng cụ chứa nước, vệ sinh cảnh quan, dọn dẹp nhà cửa thông thoáng, lật úp các vật chứa nước không cần thiết…

Đồng thời, giám sát chặt chẽ, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và mới phát sinh; tổ chức phun hoá chất xử lý triệt để ngay khi phát hiện các ổ dịch, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Trong công tác điều trị sốt xuất huyết, Sở Y tế thành lập nhóm bác sĩ hỗ trợ kỹ thuật, hội chẩn, tư vấn kịp thời trong điều trị các trường hợp nặng; chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện về nhân lực và thiết bị để điều trị các ca chuyển nặng.

Hy vọng, với sự chủ động của người dân trong việc dọn vệ sinh nhà cửa, vườn tược, diệt lăng quăng, bọ gậy; cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền của các cơ quan chức năng, dịch sốt xuất huyết ở các tỉnh vùng ĐBSCL sớm được đẩy lùi.

 

 

Hoàng Văn (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top