Sáng 3-3, tại TP. Hồ Chí Minh, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) tổ chức hội thảo, tập huấn đáp ứng nhanh phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika cho các cơ sở y tế khu vực phía Nam nhằm sẵn sàng ứng phó khi vi rút Zika xâm nhập vào Việt Nam.
Qua hệ thống báo cáo giám sát đến ngày 2-2-2016, nước ta chưa ghi nhận trường hợp nào mắc bệnh do vi rút Zika. Nhưng vi rút Zika đang đe dọa toàn cầu bởi những di chứng của nó gây ra. Nhằm phát hiện sớm các trường hợp nhiễm vi rút Zika, xử lý kịp thời không để lây lan, hạn chế đến mức thấp nhất biến chứng do bệnh gây ra, Bộ Y tế đã đưa ra nhiều phương án dự phòng để chủ động một cách tốt nhất khi dịch bệnh xảy ra.
Biện pháp phòng bệnh
Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân cần hạn chế đi tới các vùng đang có dịch khi không cần thiết, đặc biệt đối với phụ nữ mang thai, những người mắc bệnh suy giảm hệ thống miễn dịch. Nếu bắt buộc phải đi, cần tìm hiểu các thông tin về tình hình dịch bệnh nơi đến để áp dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm phù hợp cho bản thân.
PGS. TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng phát biểu.
Những người đi về từ vùng dịch tự theo dõi tình trạng sức khỏe trong vòng 12 ngày, khi có biểu hiện nghi ngờ bệnh cần thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Đến nay, bệnh do vi rút Zika chưa có biện pháp phòng ngừa đặc hiệu. Vì thế việc tuyên truyền cho người dân chủ động trong việc phòng chống bệnh, tăng cường sức khỏe bằng việc nghỉ ngơi, ăn uống và sinh hoạt hợp lý. Vận động người dân áp dụng các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi, thường xuyên ngủ màn và sử dụng các biện pháp khác phòng, chống muỗi đốt.
Chuẩn đoán và điều trị
Đối với các trường hợp nhiễm vi rút Zika, 60% đến 80% người nhiễm bệnh thường không có triệu chứng lâm sàng cụ thể. Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như sốt từ 37,50C tới 380C, ban dát sẩn trên da, đau đầu, viêm kết mạc hoặc có thể có biến chứng về thần kinh.
Cần chỉ định theo dõi siêu âm thai đối với phụ nữ có thai và nghi nhiễm vi rút Zika để phát hiện biến chứng não bé ở thai nhi. Ngoài ra, việc ưu tiên chuẩn đoán để xác định nhiễm vi rút Zika từ bệnh phẩm huyết thanh hoặc bệnh phẩm khác.
Muỗi Aedes một trong những tác nhân truyền bệnh vi rút Zika
Đối với các trường hợp nghi mắc bệnh, việc điều trị triệu chứng là chính bao gồm việc nghỉ ngơi, hạ sốt bằng Paracetamol, không sử dụng aspirin và các thuốc giảm đau NSAID (ibuprofen, meloxicam, piroxicam...). Vệ sinh mắt bằng dung dịch nước muối sinh lý NaCL 0.9%, bồi phụ nước và điện giải hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây.
Đối với phụ nữ mang thai, cần hội chẩn với chuyên khoa sản để theo dõi những bất thường về thai nhi. Siêu âm thai 2 tuần 1 lần để phát hiện sớm tình trạng đầu nhỏ hoặc vôi hóa não ở thai nhi.
Lại Hùng