Chỉ còn khoảng hơn 2 tuần nữa là tới Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Ngay từ lúc này, các công tác giám sát, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được triển khai để đảm bảo sức khỏe cho người dân.
Được biết, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội vừa yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tăng cường vệ sinh, khử khuẩn định kỳ. Bố trí bộ phận đo thân nhiệt, đặt dung dịch rửa tay sát khuẩn ở vị trí thuận tiện, hướng dẫn khách hàng ra, vào mua sắm đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn; từ chối phục vụ các khách hàng không đeo khẩu trang.
Theo Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn thực phẩm quận Thanh Xuân, Hà Nội, trên địa bàn có 2.989 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Toàn quận đã thành lập 13 đoàn kiểm tra liên ngành và giám sát an toàn thực phẩm trong dịp Tết và lễ hội Xuân 2022. Qua kiểm tra 102 cơ sở, đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 7 trường hợp kinh doanh thịt gia súc, gia cầm không có dấu kiểm soát giết mổ, tem vệ sinh thú y, sử dụng lao động tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm nhưng không có đồ bảo hộ lao động… với số tiền 11 triệu đồng, tiêu hủy lượng hàng hóa trị giá 19 triệu đồng.
Còn tại quận Bắc Từ Liêm hiện có 6.125 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, từ Tết Dương lịch đến nay, lực lượng chức năng đã kiểm tra 262 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ ăn uống, xử phạt 5 cơ sở vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm với số tiền 7,5 triệu đồng.
Trước đó, UBND TP. Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 5329/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội Xuân năm 2022. Theo đó, từ ngày 15/12/2021 đến hết ngày 15/3/2022, cơ quan chức năng Thành phố sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm dịp Tết và lễ hội Xuân 2022.
Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân luôn tăng mạnh kèm theo đó là nỗi lo về chất lượng an toàn vệ sinh. Do đó, để bảo vệ người tiêu dùng, các cơ quan chức năng đang đẩy mạnh công tác kiểm tra, siết chặt quản lý an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Hiện, các sở, ngành chức năng của thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tăng cường nắm bắt toàn diện các vấn đề và thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Cụ thể, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm thành phố đã có kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân 2022. Theo đó, các nội dung kế hoạch được thực hiện nhằm hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm. Các cấp, ngành, địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao…
Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hồ Chí Minh Trương Văn Ba cho hay, đơn vị đã lên kế hoạch kiểm tra nhóm mặt hàng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán, như: Quần áo, giày dép, lương thực, thực phẩm, bánh kẹo, nước giải khát, các sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống; đặc biệt chú ý đến các sản phẩm được sử dụng để làm quà tặng.
Trong khi đó, theo Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.Hồ Chí Minh, đơn vị tăng cường thanh tra, kiểm tra liên ngành tập trung vào các nhóm sản phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết và lễ hội có yếu tố nguy cơ cao, các làng nghề chế biến thực phẩm, các tỉnh có cửa khẩu, các thành phố lớn. Việc kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những mặt hàng được sử dụng nhiều như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Để bảo đảm công tác an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố từ nay đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 với nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nhiều, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tăng cường các biện pháp giám sát việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhằm ngăn ngừa thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không an toàn đến tay người tiêu dùng, tỉnh Ninh Bình đã thành lập 3 đoàn kiểm tra liên ngành và các đoàn kiểm tra chuyên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm; đồng thời, các huyện, thành phố và các xã, phường, thị trấn cũng thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, chuyên ngành để kiểm tra về an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Đối tượng kiểm tra chủ yếu là các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, dịch vụ ăn uống, tập trung ưu tiên vào những cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết và các lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt; Bia, rượu, cồn và đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh, mứt, kẹp, rau, củ, quả...
Các đoàn kiểm tra chú trọng kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm với số lượng lớn như cơ sở sản xuất lớn, các siêu thị, trung tâm thương mại. Trong quá trình kiểm tra sẽ kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định, kiến thức về bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức và ý thức của cộng đồng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về nêu gương đối với cơ sở thực phẩm làm tốt, đồng thời cảnh báo tới người tiêu dùng đối với cơ sở, sản xuất thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật.
Bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục trưởng Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình, Trưởng đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm số 1 cho biết, qua công tác kiểm tra tại một số cơ sở sản xuất, siêu thị, đoàn kiểm tra đánh giá hầu hết các cơ sở sản xuất kinh doanh đã tuân thủ khá tốt các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, có một số cơ sở vẫn còn một số các tồn tại ví dụ như điều kiện vệ sinh chưa được vệ sinh sạch sẽ thường xuyên, các cửa hàng kinh doanh bánh kẹo còn thiếu giá kệ, sắp xếp chưa gọn gàng...
Qua đó, đoàn kiểm tra đã đề nghị các cơ sở tăng cường công tác vệ sinh cơ sở, kịp thời khắc phục điều kiện vật chất như bổ sung giá kệ, sửa chữa tường ẩm mốc, cải tạo khơi thông hệ thống xử lý nước thải; thực hiện lưu mẫu thức ăn, kiểm thực 3 mẫu theo quy định. Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng đề nghị Đoàn kiểm tra liên ngành các huyện giám sát việc thực hiện khắc phục của các cơ sở trước ngày 17/1/2022.
Theo bà Nguyễn Thị Hường, năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc sản xuất, kinh doanh tiêu thụ sản phẩm của các cơ sở bị ảnh hưởng, tuy nhiên đoàn kiểm tra vẫn tiến hành kiểm tra và sẽ xử lý nghiêm khắc đối với các cơ sở có vi phạm và chấn chỉnh các tồn tại của cơ sở để các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm tuân thủ tốt các quy định về an toàn thực phẩm và đặc biệt kiểm tra kiểm soát các hàng hóa trên thị trường về nguồn gốc xuất xứ, hoá đơn chúng từ thể hiện các nguồn gốc cũng như các sản phẩm theo quy định để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tránh các hàng giả hàng nhái lưu thông trên thị trường.
Từ nay đến Tết và sau Tết, đoàn sẽ tiếp tục đi kiểm tra các đơn vị theo sự phân công của UBND tỉnh ở các huyện/thành phố, đặc biệt là kiểm tra tại các cơ sở dịch vụ ăn uống để phục vụ cho mùa lễ hội phòng, chống ngộ độc có thể xảy ra.
Bà Hường khuyến cáo, hiện nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19, người dân có tâm lý tích trữ thực phẩm dẫn đến nguy cơ thực phẩm mất an toàn khi không được bảo quản và sử dụng đúng cách, đồng thời gây lãng phí hoặc xu hướng mua thực phẩm trên mạng ngày càng tăng do tính tiện lợi của loại hình kinh doanh này mang lại. Khi mua thực phẩm trên mạng, người dân có nguy cơ mua phải các sản phẩm không rõ nguồn gốc hoặc sản phẩm được sản xuất tại các cơ sở không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn theo quy định.
Việc lựa chọn thực phẩm tiêu dùng trong dịp Tết, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Ninh Bình khuyến cáo người dân nên chọn mua thực phẩm ở những cửa hàng, nơi bán hàng uy tín, có địa chỉ kinh doanh rõ ràng; chú ý thông tin trên tem nhãn của sản phẩm, đặc biệt là ngày sản xuất, hạn sử dụng, hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản... Riêng đối với các mặt hàng bánh mứt nên chọn những sản phẩm có màu sắc tự nhiên, tránh mua những sản phẩm có màu sắc lòe loẹt. Người dân tuyệt đối không mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng phải lưu ý trong việc bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm tại hộ gia đình tốt nhất là ăn thực phẩm sau khi vừa nấu chín và nấu kỹ lại thực phẩm bảo quản trước khi ăn.