Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 26 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 7 năm 2022 | 16:38

“Tên anh đã thành tên Đất nước”

Trong 2 cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, hàng triệu người con của dân tộc đã anh dũng hy sinh để bảo vệ nền tự do, độc lập và thu giang sơn về một mối.

Các anh ngã xuống cho Việt Nam hôm nay, sánh vai với các cường quốc năm châu, nhiều người đến nay vẫn chưa xác định được danh tính. Nhưng “Tên Anh đã thành tên Đất nước - Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”.

Những nỗi đau còn đó

Đã 47 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, nhiều gia đình có người thân hy sinh ngày đêm mong ngóng tìm được hài cốt của con em mình đưa về quê hương chôn cất và cũng có nhiều gia đình mong sao xác định được danh tính những hài cốt đã được cất bốc, quy tập về các nghĩa trang là thân nhân của mình, để được hương khói phụng thờ.

 

z3564026646019_bcd246f5f7a80a291d86e30535f273c7.jpg
Bà Trịnh Thị Thức  luôn đau đáu nỗi niềm vì chưa tìm thấy mộ cha  - Liệt sỹ Trịnh Quang Thiện.

 

Người viết bài này có một người chú tên là Trình Duyệt, phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam hy sinh tại mặt trận Quảng – Đà, nhưng đến nay gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt. Hiện tại, gia đình đã lập một mộ gió (mộ không hài cốt) tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Điện Bàn (Quảng Nam). Việc đi tìm hài cốt của chú được gia đình, dòng họ thực hiện trong nhiều năm qua, nhưng đến nay gần như vô vọng.

Hy sinh ngày 12/7/1946 nhưng phải 57 năm sau, vào một ngày mùa Thu năm 2003, gia đình bà Trịnh Thị Thức (hiện  ở quận Long Biên)  mới được UBND phường Hàng Bạc (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ truy tặng Bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sỹ Trịnh Quang Thiện, cha của bà. 

Bà Thức nghẹn ngào nói: “Cha  tôi đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc, mặc dù phải mất một thời rất dài, cha tôi mới được công nhận là liệt sỹ, gia đình chúng tôi tự hào bao nhiêu thì nỗi đau lại nhiều bấy nhiêu. Bởi vì đến nay gia đình vẫn không biết cha tôi nằm ở đâu trên mảnh đất Sài Gòn - Gia Định”.

Hay như gia đình ông Dương Hùng Hải, ở ngõ 205 phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) - em trai của liệt sỹ Dương Hùng Phong hơn 40 năm nay vẫn khắc khoải một mong muốn đưa hài cốt của anh trai mình trở về.

Cầm tấm bằng Tổ quốc ghi công “Liệt sỹ Dương Hùng Phong, Hạ sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên quán: xã Văn Bình, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Sơn Bình; đã hy sinh trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, ngày 19 tháng 3 năm 1968”, ông Dương Hùng Hải buồn buồn nói: “Ngoài tin báo tử thì gia đình không có một manh mối dù nhỏ nhất về việc anh Phong hy sinh ở đâu, trong hoàn cảnh nào và tại đơn vị nào. Chúng tôi cũng không có bất kỳ chứng cứ, thông tin nào phục vụ cho việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ.”

Theo thống kê của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, cả nước có gần 1,2 triệu liệt sỹ, trong đó gần 200.000 liệt sỹ chưa tìm thấy hài cốt; gần 300.000 hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính. Tương đương với gần 500.000 gia đình liệt sỹ đang còn mang nặng những nỗi đau khi chưa tìm thấy người thân.

Niềm mong mỏi của các gia đình liệt sỹ Trình Duyệt, liệt sỹ Trịnh Quang Thiện, liệt sỹ Dương Hùng Phong chỉ là 3 trong số hàng trăm nghìn gia đình liệt sỹ trên khắp đất nước Việt Nam chúng ta, đến nay vẫn chưa tìm thấy hài cốt, hoặc chưa xác định được danh tính. Đây thực sự là một nỗi đau lớn không chỉ của các gia đình liệt sỹ, mà còn là nỗi đau của cả dân tộc.

“Tìm kiếm các liệt sỹ” là nhiệm vụ hàng đầu

Suốt 75 năm qua, nhất là hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sỹ, người có công với cách mạng và tổ chức toàn dân tích cực tham gia phong trào đền ơn đáp nghĩa, toàn dân chăm sóc gia đình thương binh, liệt sỹ và người có công với cách mạng.

Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt các chiến sỹ hy sinh là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Đặc biệt, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1237/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

 

z3564026631753_9ac8b174c72af0515652e42f5cb29c41.jpg
Nhiều ngôi mộ “Chưa biết tên”  ở Nghĩa trang Liệt sỹ quốc gia Đường 9 tại Quảng Trị. Ảnh: Hồ Cầu.

 

Sáng 11/1/2022, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ (Ban Chỉ đạo quốc gia 515) tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ (Đề án 1237) và Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin (Đề án 150) giai đoạn 2013-2020; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin giai đoạn 2021-2025.

Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ (Ban chỉ đạo 515), từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sỹ (ở trong nước hơn 8.000, ở Lào trên 2.000, ở Campuchia hơn 6.000); tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sỹ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sỹ; phân tích, lưu trữ ADN được hơn 23.000 mẫu; xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin được hơn 4.000 trường hợp (bằng phương pháp thực chứng được gần 3.000 trường hợp, bằng phương pháp giám định ADN được hơn 1.000 trường hợp).

Lực lượng chức năng xác minh, kết luận bổ sung, đính chính thông tin được 1.260/1.736 ngôi mộ của nghĩa trang liệt sỹ tỉnh Đắk Lắk (đạt 72,58% số mộ có một phần thông tin; 55,9% tổng số mộ trong nghĩa trang).

Khẳng định nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin là vô cùng khó khăn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia 515 đề nghị các cấp, ngành, đơn vị cần bám sát tình hình thực tiễn những năm tới, với tất cả trách nhiệm và tình cảm tiếp tục tạo điều kiện tốt nhất cho công tác này.

Theo Phó Thủ tướng, cần tăng cường sử dụng các phương tiện công nghệ mới, kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, đặc biệt là phát huy các sáng kiến trong việc thu thập, tiếp nhận thông tin phục vụ công tác tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ.

“Tên anh đã thành tên đất nước”

Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của tỉnh Quảng Trị do Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Lê Quang Tùng dẫn đầu, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị quan tâm hỗ trợ trong việc điều chỉnh thông tin trên bia mộ liệt sĩ; chỉnh trang, tôn tạo, nâng cấp Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và nâng cấp Trung tâm Điều dưỡng người có công…

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội  Đào Ngọc Dung đề nghị tỉnh Quảng Trị hãy quyết liệt thực hiện việc đổi tên bia mộ: “Không liệt sĩ nào là vô danh. Các liệt sĩ đều có tên tuổi, quê quán, vì thế việc ghi tên bia mộ cần nghiêm túc thực hiện. Với những liệt sĩ chưa xác định được danh tính, cần thống nhất trên những tấm bia này là “Liệt sĩ chưa xác định được thông tin”.

Trước phát biểu chỉ đạo này của Bộ trưởng  Đào Ngọc Dung, có nhiều ý kiến đồng thuận, tuy nhiên, còn có nhiều ý kiến cho rằng không nên thay đổi, vì “liệt sỹ vô danh”, “liệt sỹ chưa xác định được thông tin” đều không thay đổi được bản chất của vấn đề.

Theo đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, việc đổi tên từ mộ “liệt sĩ vô danh” thành “mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin” không thay đổi được bản chất vấn đề. Tên con người là quan trọng nhất, còn “thông tin” là nội hàm bên trong nên “chưa biết tên, vô danh” tức là chưa biết nội hàm đó.

“Trong tên đã có danh tính của anh hùng liệt sĩ, tên bao giờ cũng gắn với danh tính của họ. Chưa biết tên có nghĩa là chưa biết thông tin. Chữ “thông tin” có gì khác với chữ “tên” đâu”, ông   Kim nói.

Ông Kim đề nghị dùng ngân sách khắc lại mộ liệt sĩ cho chỉnh trang, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ. “Thay đổi gì cho đáng giá, đừng đụng chạm tới các anh hùng liệt sĩ đã yên nghỉ lâu rồi, đừng viết vẽ lên đó nhiều quá. Nếu như phải làm thì bia cũ nên giữ nguyên, còn từ nay ta tìm được hài cốt liệt sĩ mới thì ghi theo hướng dẫn mới”, ông Kim nêu quan điểm.

Ông Nguyễn Văn Khánh, cháu ngoại của liệt sỹ Trịnh Quang Thiện, chia sẻ: “Liệt sỹ vô danh” đã ăn sâu vào tâm trí các thế hệ chúng ta, ngắn gọn thế thôi nhưng đứng trước những ngôi mộ của các liệt sỹ vô danh này tất cả chúng ta đều rưng rưng xúc động và tự đặt ra cho mình câu hỏi: Tại sao các anh vẫn là liệt sỹ vô danh? Phải làm gì để trả lại tên cho các anh?

Ông Khánh nói: “Với sự suy nghĩ của cá nhân tôi, không có liệt sỹ nào là vô danh cả. Tên của các anh đã thành tên của đất nước, để đến hôm nay Tổ quốc đã bay lên, sự hy sinh của các anh đã làm cho đất nước này mãi mãi là mùa xuân”.

Đúng! Tên của các anh đã thành tên đất nước, không có ai là “liệt sỹ vô danh” hay “liệt sỹ chưa xác định được thông tin”.

 

 

 

Ngọc Thủy
Ý kiến bạn đọc
Top