Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào nằm ở thị trấn Anh Sơn, huyện Anh Sơn (Nghệ An), là một trong những công trình biểu hiện cho tinh thần đoàn kết, hữu nghị truyền thống đặc biệt hai nước Việt - Lào anh em.
Hễ đến tháng 7, người dân cả nước đều hướng về ngày thương binh liệt sỹ, là ngày mà chúng ta tưởng nhớ và hồi tưởng những gì mà ông, cha, anh đã làm để bảo vệ bình yên cho non sông này. Về với nghĩa trang Việt Lào, ta mới thấu hết được cái “tình”, sự “hi sinh” của những anh hùng, liệt sỹ đã ngã xuống, không chỉ vì độc lập dân tộc, mà vì một nước bạn Lào “ruột thịt”.
Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào với diện tích 7ha, nằm ở trung tâm thị trấn Anh Sơn là một trong những công trình biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, tình hữu nghị và truyền thống đặc biệt của hai nước Việt - Lào. Nơi đây là chốn an nghỉ của hơn 11.000 anh linh cán bộ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam hy sinh trên chiến trường nước bạn.
Một nghĩa trang đặc biệt mang tên 2 quốc gia, nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào nơi yên nghỉ cho những người lính tình nguyện Việt Nam đã chiến đấu và hy sinh trên đất nước Lào, sự gắn bó keo sơn, sự gắn kết không rời. Đây là một trong những địa chỉ “Đỏ” về giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn cho những thế hệ sau này.
Năm 1976, nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào được xây dựng. Đến năm 1982, với tình cảm uống nước nhớ nguồn, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đưa toàn bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Lào về nước, quy tụ tại Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào. Tính từ khi xây dựng cho đến nay, nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt các liệt sĩ hi sinh trên chiến trường nước bạn Lào về đây an nghỉ.
Tình cảm keo sơn, gắn bó thủy chung, sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ cao cả của các liệt sỹ đã được Giáo sư Phan Ngọc thể hiện qua bài phú gồm 408 chữ khắc trên bia đá trong Nghĩa trang liệt sỹ Việt - Lào bằng 2 ngôn ngữ Việt - Lào. Trong đó có đoạn:
"Nhân dân Việt Nam
Hào kiệt giống nòi, hiên ngang đất tổ
Hòa bình, độc lập, lẽ sống muôn đời; dân chủ, tự do, ước mơ vạn thuở.
Gặp thời đen tối, hai nước Việt - Lào, ách nô lệ đọa đày; được Đảng sáng soi một cõi Đông Dương đường cứu nguy vạch rõ...
Máu hòa vào máu, cánh Đồng Chum, Xiêng Khoảng, Thà Khẹt, ta cùng bạn hy sinh; xương lẫn với xương, Át-tô-pơ, Khăm Muộn, Viên Chăn, bạn cùng ta quyết tử.
Tình đoàn kết ấy dòng Cửu Long bao la, nghĩa thủy chung này dải Trường Sơn vững chãi...”
Lần thứ 3 tôi đến nghĩa trang Việt - Lào, dưới cái nắng bỏng rát tháng 7, tôi vẫn thấy dịu trong lòng. Nơi đây bình yên đến lạ, có những hàng cây ngả bóng xuống những nấm mộ, che mát những nấm mộ đấy. Dọc hai bên đường, những bông hoa tím khoe sắc tỏa hương thơm ngát như tri ân các anh. Ngay giữa trung tâm đài tưởng niệm, những vòng hoa viếng xếp ngay ngắn, trang nghiêm. Và trên mỗi nấm mộ, những bông hoa được xếp ngay cùng với cờ của hai nước Việt - Lào.
Ông Nguyễn Văn Ngọc, Trưởng ban quản lý nghĩa trang Việt – Lào cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên năm nay phần tri ân diễn ra gọn, quy mô nhỏ, chỉ làm phần lễ, bỏ phần hội”.
Đến Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào, nhiều người đã không cầm được nước mắt, bởi còn có rất nhiều phần mộ không biết được tên tuổi, quê hương. Trong số những ngôi mộ ấy, có ngôi mộ có từ thời đầu xây dựng nghĩa trang cho đến những ngôi mộ vẫn còn tươi mới. Tuy không biết được các anh là ai, song các anh đã được an nghỉ trên đất mẹ thân thương trong vòng tay che chở của nhân dân.
Tại Nghĩa trang liệt sĩ Việt - Lào, ngoài các liệt sĩ có quê hương từ Nghệ An, còn có rất nhiều các liệt sĩ quê ở các vùng miền khác như Thanh Hóa, Hải Phòng, Nam Định, Hải Dương, Bắc Giang... Đặc điểm chung của các liệt sĩ là tuổi đời đều còn rất trẻ nhưng đã chiến đấu anh dũng ngoan cường, sẵn sàng hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho đất nước bạn, làm tròn nghĩa vụ quốc tế "giúp bạn cũng là để bảo vệ đất nước mình".
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng dư âm của nó vẫn còn trong mỗi làng quê, con phố khắp đất nước Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Máu đào của các chiến sỹ đã nhuốm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Và không chỉ chiến đấu cho đất nước mình, những chiến sỹ tình nguyện Việt Nam đã không tiếc tuổi thanh xuân của mình cho nhiệm vụ quốc tế cao cả, cho tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước láng giềng bè bạn...
Các anh nằm đây giữa lòng đất Mẹ. Dù trên tấm bia đá kia có ghi tên tuổi cụ thể hay chỉ là dòng chữ “Liệt sỹ chưa rõ họ tên” thì các anh cũng không bao giờ vô danh. Các anh mãi mãi là những người con anh hùng của một dân tộc anh hùng.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho “Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung Huế”; công bố hoàn thành Dự án bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích điện Thái Hòa” và động thổ công trình “Tu bổ, phục hồi di tích Điện Cần Chánh”.