Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 26 tháng 4 năm 2024  
Thứ tư, ngày 1 tháng 3 năm 2017 | 9:37

Thầy thuốc của buôn làng

Trong bức thư gửi hội nghị cán bộ y tế, ngày 27-2-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khoẻ cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”.

Thấm nhuần những lời dạy của Bác, đội ngũ quân y của Đồn biên phòng Sêrêpôk đóng tại buôn Drang Phôk, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã không quản khó khăn, gian khổ, tận tụy phục vụ bà con các dân tộc anh em trong buôn, đúng với lời dạy của Bác: “Lương y phải như từ mẫu”.

Nằm sâu trong vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn, cách Đồn biên phòng Sêrêpôk hơn 30km, buôn Drang Phôk là buôn tiếp giáp với biên giới Campuchia. Dù đời sống của bà con và chiến sỹ biên phòng nơi đây còn nhiều khó khăn, thiếu thốn nhưng nghĩa tình quân dân thì luôn mặn nồng, ấm áp. Đặc biệt, từ khi có Trạm y tế quân dân y kết hợp của Đồn biên phòng Sêrêpôk được đặt trong buôn, tình quân dân càng trở nên khăng khít như “cá với nước”.

Cán bộ chiến sĩ Đồn biên phòng Sêrêpôk khám bệnh cho người dân ở buôn Drang Phôk

Buôn Drang Phôk là nơi cư trú của nhiều dân tộc anh em người Ê Đê, M’Nông, J’Rai, Nùng, Dao… Những năm trước đây, quan niệm “trời sinh, trời dưỡng” vẫn còn ăn sâu trong tâm thức của bà con. Chính vì vậy, mỗi lần trong buôn có người đau ốm, bà con nơi đây đều mời thầy cúng, dùng lá cây, rễ cây để chữa bệnh; việc sinh đẻ cũng được thực hiện tại nhà qua tay một bà mụ. Nhiều trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi bà con không tiếp cận với dịch vụ y tế mà tự chữa bệnh bằng phương thức lạc hậu.

Trước tình trạng đó, năm 2009, Đồn biên phòng Sêrêpôk thành lập Trạm y tế quân dân y kết hợp đóng ngay tại buôn Drang Phôk, đồng thời cử cán bộ y tế, cán bộ dân vận ở tại Trạm y tế, trực tiếp chữa bệnh và làm công tác tuyên truyền cho bà con trong buôn.

Thiếu tá Trần Thế Hiển, cán bộ phụ trách công tác dân vận tại Trạm y tế quân dân y kết hợp cho biết: Lúc trạm mới thành lập, bà con vẫn ngại đến khám chữa bệnh. Cán bộ dân vận và y tế phải đến từng hộ gia đình để tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ cách chữa bệnh theo kiểu truyền thống, đến Trạm y tế để được thăm khám, chữa bệnh đúng cách. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, đồng thời chứng minh cho bà con thấy được hiệu quả của việc chữa bệnh tại Trạm y tế, đến nay, đa số đồng bào dân tộc đã từ bỏ thầy cúng, bà mụ để đến cơ sở y tế trong lúc ốm đau và sinh đẻ. Hàng năm, Trạm y tế quân dân y kết hợp khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho gần 1 500 lượt bệnh nhân.

Y sĩ, Thượng úy Phạm Văn Trà, cán bộ y tế của Trạm chia sẻ: Trước đây có những trường hợp người dân đau ruột thừa, sốt rét… nhưng vẫn muốn tự chữa bệnh tại nhà. Tôi và cán bộ dân vận phải xuống tận nơi, kiên quyết vận động người nhà đưa bệnh nhân đến các cơ sở y tế tuyến trên để kịp thời cứu chữa. Đối với những người già yếu hay bệnh nặng không thể đi lại được, không kể ngày đêm, chỉ cần nhận được tin báo của người dân, cán bộ của Trạm quân dân y đều sẵn sàng đến tận nhà để thăm khám kịp thời, cứu chữa người bệnh.

Không chỉ làm tốt công tác khám chữa bệnh, cán bộ của Trạm y tế quân dân y kết hợp còn thường xuyên đến nhà bà con trong buôn thăm hỏi tình hình sức khỏe, tư vấn cách ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh, đặc biệt là cách phòng chống những căn bệnh thường gặp ở vùng rừng núi như sốt rét, sốt xuất huyết. Sau nhiều đợt tuyên tuyền, hiện nay, bà con đã chủ động phòng chống bệnh sốt rét và sốt xuất huyết. Nhờ vậy, trong năm 2016, toàn buôn chỉ có 1 ca mắc bệnh sốt rét và không có ca nào mắc phải sốt xuất huyết.

Bên cạnh việc khám chữa bệnh, các anh còn kết hợp tuyên truyền, tư vấn cách ăn uống, sinh hoạt hợp vệ sinh cho bà con đồng bào

Từ chỗ bà con dân tộc tự chữa bệnh tại nhà, đến nay, mỗi lúc đau ốm, họ đều tìm đến Trạm y tế quân dân y kết hợp của bộ đội biên phòng để được khám chữa bệnh. Thượng úy Trà tâm sự: Trạm y tế quân dân y tại buôn Drang Phôk làm việc không biết đến giờ giấc, không kể ngày nghỉ, ngày lễ, chỉ cần bà con trong buôn có bệnh, tìm đến bất cứ lúc nào, la chúng tôi sẽ tận tình chữa chạy. Mỗi lần chữa cho một người khỏi bệnh là anh em có thêm một niềm vui giữa chốn biên thùy. Không biết từ khi nào, những người dân nơi đây đã trở thành một phần trong đời sống hàng ngày của các anh, không chỉ là tình cảm quân dân, của thầy thuốc với bệnh nhân mà là ân tình của những con người trong một gia đình.

Gần dân, sát dân, tạo được sự tin yêu trong nhân dân, cán bộ của Trạm y tế quân dân y kết hợp trở thành những người con của buôn làng Drang Phôk. Trong các lễ hội, sự kiện quan trọng của buôn đều có sự hiện diện của cán bộ Trạm quân dân y và bà con nơi đây xem các anh như những người anh em. Ông Y’Sắp Bkrông, buôn Drang Phôk cho biết: “Người dân trong buôn đã quen thuộc với hình ảnh chiến sĩ Trạm y tế đi khắp các con đường trong buôn, đến từng nhà hộ đồng bào để hướng dẫn cách phòng chống bệnh tật và khám chữa bệnh cho người dân. Chỉ mong các anh công tác tốt, để mang lại cái sức khỏe cho bà con”.

Mang trong người nhiệt huyết của người lính, khoát lên mình chiếc áo người thầy thuốc, cán bộ của Trạm y tế quân dân y kết hợp đã vượt qua mọi khó khăn, khắc nghiệt của vùng biên, tận tụy phục vụ nhân dân, các anh xứng đáng với sự tin yêu, quý mến của bà con nơi đây, xứng đáng với danh hiệu người lính cụ Hồ. Giữa chốn núi rừng nơi biên giới, những người thầy thuốc mang quân hàm xanh của Đồn biên phòng Sêrêpôk đã mang hơi ấm đến với bà con dân tộc buôn Drang Phôk. Họ đã không còn là những người xa lạ, mà trở thành anh em trong một nhà./.

Quốc Hùng - Khánh Giang - Thành Nhân

KTNT
Ý kiến bạn đọc
Top