Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 14 tháng 7 năm 2022 | 16:28

Thị trường EU: Mảnh đất màu mỡ... hiệu quả khai thác chưa cao

Mặc dù là thị trường đòi hỏi nhiều tiêu chuẩn chất lượng cao nhưng EU được xem là mảnh đất màu mỡ để nông sản Việt có thể nâng vị thế quốc gia xuất khẩu trong thời gian tới.

Quan hệ thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và EU không ngừng cải thiện, đặc biệt từ sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực.

Nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại hàng nông sản

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho biết: Các mặt hàng trao đổi giữa Việt Nam và EU có tính bổ trợ, không cạnh tranh. EU là thị trường quan trọng của Việt Nam đối với các mặt hàng như cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ. Trong khi đó, Việt Nam nhập khẩu từ EU chủ yếu là vật tư, thiết bị nông nghiệp, các sản phẩm chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

 

z3564026608985_06b9224cca4f7c25d0b8c680dd0fa257.jpg
EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam.

  

Nhìn nhận dư địa giao thương trong lĩnh vực nông nghiệp giữa Việt Nam và EU còn nhiều, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phân tích: Hiện, EU là thị trường xuất khẩu nông sản lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch khoảng 5,5 tỷ USD/năm, chiếm 15% tổng trị giá xuất khẩu nông sản.

Tuy nhiên, trong năm 2021, tổng trị giá xuất khẩu nông sản Việt Nam vào EU lại chỉ chiếm 4% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của thị trường này. Tỷ trọng này cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam sang EU vẫn ở mức thấp so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam cũng như nhu cầu nhập khẩu của EU.

Các nông sản nhiệt đới rất phù hợp với thị trường ôn đới của EU. Việt Nam đã đưa rất nhiều sản phẩm có chất lượng vào thị trường EU như: gạo ST 25, dừa xiêm, thanh long, vải thiều... Ở chiều ngược lại, người dân Việt Nam cũng có nhu cầu lớn với các sản phẩm chất lượng cao từ EU như: thịt, hoa quả, đồ uống, sữa tươi…

“EVFTA đã trao cơ hội cho cả hai bên có thể đa dạng hóa thị trường, nâng cao thị hiếu của người tiêu dùng. Do đó, doanh nghiệp hai bên cần cùng nỗ lực đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác”, ông Phạm Tấn Công nói.

Cũng cho rằng hai bên còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy thương mại hàng nông sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị, thời gian tới, hai bên cần xem xét thúc đẩy thương mại đối với các mặt hàng như: gạo, rau quả, các sản phẩm chế biến, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý…

Theo đại diện các doanh nghiệp của EU, với 27 nước thành viên và dân số hơn 500 triệu người, EU có nhu cầu nhập khẩu hơn 160 tỷ USD mỗi năm từ khắp nơi trên thế giới, nông sản Việt hiện mới chiếm 4% thị phần ngành hàng nhập khẩu này của EU, vì thế, dư địa cho các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản của hai phía là rất lớn.

Ông Dirk Jacobs, Tổng Giám đốc Hiệp hội Thực phẩm, đồ uống châu Âu (EU), cho hay: “Người tiêu dùng châu Âu có nhu cầu lớn không chỉ các sản phẩm nông sản tươi mà còn là nông sản đã qua chế biến sẵn. Chúng tôi không đủ cung cấp cho chính mình nên chắc chắn là cần nhập khẩu. Chúng tôi cần thực phẩm chất lượng cao, an toàn”.

Để thị trường “vàng” cho vàng

Khó khăn lớn nhất khi xuất khẩu vào thị trường EU là những yêu cầu khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… là giãi bày của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay.

TS Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%. EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô”.

“Chìa khóa” để xuất khẩu nông sản sang thị trường Liên minh châu Âu (EU) tăng trưởng bền vững là doanh nghiệp phải chuẩn hóa sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn ngặt nghèo mà thị trường này đặt ra với từng nhóm hàng.

Hiện, trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và kinh doanh trái cây, đối tượng quy mô nhỏ, vừa chiếm 97%, do vậy, để giải quyết được việc thiếu vốn đầu tư quy mô lớn, theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch: “Cần thiết phải định hướng cho phát triển chế biến công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa”.

Còn Hiệp hội doanh nghiệp rau quả Việt Nam mong muốn, trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần hướng dẫn, giúp đỡ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng cơ bản để xuất khẩu sang thị trường EU. Sau đó mới đến chọn mặt hàng và chiến lược marketing phù hợp.

Ông Janusz Wojciechowski - Cao ủy Nông nghiệp EU cho hay, sắp tới, phía EU sẽ có kế hoạch về một số dự án hỗ trợ không hoàn lại cho Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể, EU vừa thông qua dự án hỗ trợ kỹ thuật phát triển cây ca cao ở Việt Nam với khoản kinh phí 1,5 triệu Euro. Cùng với đó, là dự án thúc đẩy canh tác nông nghiệp sinh thái thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Phía Bộ Công Thương cũng thông tin, trong thời gian tới, Thương vụ đại diện ở thị trường Bỉ sẽ tổ chức xúc tiến thương mại trên nền tảng công nghệ số đối với các mặt hàng nông sản.

“Dự kiến đề xuất hợp tác đưa Bỉ thành một điểm trung chuyển trong chuỗi thương mại điện tử của Việt Nam; Tổ chức tuần lễ ẩm thực Việt Nam tại Bỉ vào tháng 9; Tọa đàm cùng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trái cây của các địa phương để thúc đẩy xuất khẩu các loại trái cây sang EU”, đại diện Bộ Công Thương cho biết.

 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - EU đạt 57 tỷ USD, tăng 14,5% so với năm 2020, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 40,1 tỷ USD, tăng 14,2%; nhập khẩu 16,9 tỷ USD, tăng 15,3%. 

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thuỷ sản từ Việt Nam sang châu Âu tăng từ 4,3 tỷ USD (năm 2015) lên 4,5 tỷ USD (năm 2020), 5,2 tỷ USD (năm 2021) và 5 tháng đầu năm 2022 đạt 2,66 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, thuỷ sản lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường này tăng đến 45%.

Thanh Tâm
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top