Nhà ông Thư ở thôn Đô Lương, xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn, Hà Nội có 5 trại gà và vịt. Do số lượng chuồng nhiều nên phương thức chăn nuôi của ông là luân phiên, cứ xuất chuồng hết đàn này, ông lại khử trùng rồi vào đàn mới. Ông Thư cho biết, để chuẩn bị nguồn cung cho Tết, ông đã vào đàn gà mới từ tháng 9, vịt từ tháng 11. "Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, gia đình bố trí khoảng 2.000 con vịt, 1.500 con gà. Tháng 11, gia đình đã vào đàn để cung cấp cho thị trường Tết và sau Tết", ông Thư chia sẻ.
Hiện nay, các trang trại, hộ chăn nuôi lợn và bò cũng chuẩn bị sẵn sàng để đưa nguồn cung ra thị trường dịp cuối năm. Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long (huyện Thanh Oai, Hà Nội) luôn duy trì 5.000 con lợn thịt. Đại diện Hợp tác xã cho biết , năm nay số lượng lợn xuất bán ra thị trường sẽ cao hơn năm 2021.
"Năm nay, chúng tôi chuẩn bị lượng lợn cho dịp Tết tăng gấp đôi so với mọi năm. Mọi năm từ 800 - 1.000 con lợn, nhưng năm nay chúng tôi sẽ đưa ra thị trường 2.000 con cho Tết Nguyên đán sắp tới", ông Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long, huyện Thanh Oai, Hà Nội, cho biết.
"Giá ngoài thị trường thế giới đang rất là cao, tuy nhiên để giảm bớt gánh nặng cho nền kinh tế và hỗ trợ người dân trong thời điểm khó khăn này, chúng tôi cam kết giá sẽ không tăng tại thời điểm Tết", bà Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Tài chính Công ty CP Đông Thành, nhận định.
Theo Cục Chăn nuôi, riêng tháng Tết, nhu cầu thịt gà cần khoảng 110.000 tấn, thịt lợn cần khoảng 270.000 tấn, còn thịt bò là 30.000 tấn. Hiện tổng đàn gia cầm của cả nước đạt trên 510 triệu con, tăng khoảng 4,5% so với cùng kỳ năm trước. Tổng đàn lợn cả nước đạt khoảng 28 triệu con; đàn trâu, bò giữ ổn định ở mức trên 8,6 triệu con. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng nhấn mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi sẽ là yếu tố quan trọng nhằm ổn định nguồn cung các sản phẩm chăn nuôi cuối năm./.