Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024  
Thứ năm, ngày 23 tháng 9 năm 2021 | 15:29

Thực phẩm “online” tiềm ẩn nhiều rủi ro mất an toàn

Trong lúc dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến khó lường như hiện nay, bán hàng online đang là một trong những phương pháp hiệu quả nhất. Tuy nhiên, sẽ có rất nhiều rủi ro về độ an toàn của thực phẩm cho người mua hàng.

Lên mạng thích ăn gì cũng có
 
Chỉ cần lên mạng tìm từ khóa gõ từ khóa “thực phẩm online” tôi nhận được 210.000.000 kết quả trong thời gian chỉ có 0,57 giây.
 
1.jpg
Lên mạng mua gì cũng có
Lướt một vòng “chợ ảo” là vô số những sản phẩm được chào bán, nào là hàng thủy hải sản tươi, ngon, bảo đảm chất lượng được đánh bắt và vận chuyển đến tận “công trình”; nào cơm hộp văn phòng ngon, bổ, rẻ; nào bánh, nào đồ uống... kèm theo hình ảnh vô cùng bắt mắt về những món đồ ăn, thực phẩm tươi sống, hấp dẫn người mua, làm cho thực khách không thể cưỡng nổi nhu cầu. Từ thức ăn bình dân cho đến đặc sản cao cấp từ các vùng miền, chỉ cần alo là có.
 
Chị Nguyễn Thu Hiền, nhà ở Khu đô thị Việt Hưng (Long Biên) làm kế toán cho một doanh nghiệp tư nhân cho biết, dịch bệnh nên không được đi ra ngoài để thỏa niềm mua sắm, nhưng thức ăn hàng ngày cho gia đình thì không thể không mua. Lựa chọn phương pháp đi chợ “online” để mua thức ăn cho gia đình, dùng trong thời gian một vài ngày là tối ưu nhất. Lên đó mua gì cũng có, cần gì cũng mua được, chỉ cần một cú điện thoại hay một cái nhấp chuột là bạn sẽ có ngay mặt hàng đáp ứng nhu cầu.
 
Không giống như chị Hiền, chị Nguyễn Như Hoa nhà ở Yên Viên (Gia Lâm) kinh doanh bách hóa tổng hợp, công việc rất bận rộn từ sáng cho đến tối mịt, ngoài ra còn phải chăm sóc con cái và cha mẹ già, do đó đi chợ “online” thường xuyên được chị lựa chọn. Nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bùng phát, việc ra ngoài rất hạn chế nên mua bán thực phẩm chỉ có gọi hàng để shipper mang đến tận nhà.
 
Chị Hoa cho biết: “ Cứ lên mạng tìm mua thứ gì cũng có, chỉ mất thời gian một chút thôi còn không thiếu, thích hải sản có hải sản, thích hoa quả nhập khẩu có hoa quả nhập khẩu ngay”.
 
Chị Hoàng Thị Phượng, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba cho biết: "Chúng tôi làm trong ngành Y tế, phải trực luân phiên để bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân; công việc bận rộn nên thường phải mua bán thực phẩm online. Với hình thức mua bán này thì rất khó kiểm định chất lượng sản phẩm. Do đó, tôi thường mua thực phẩm online của những người thân quen".
 
Chị Dung (29 tuổi, ngụ quận Tân Bình) khi đã quá vất vả với việc tìm kiếm thực phẩm, nguyên liệu mỗi ngày đã chuyển hẳn sang mua sắm trên Zalo.
 
"Trước nay tôi chỉ dùng Zalo để chat, mùa dịch biết thêm tính năng đi chợ hay quá. Tôi chỉ việc chọn gian hàng, chọn đặt mua, người bán quy mô nhỏ nên giao rất nhanh", chị Dung chia sẻ.
 
Chị Ngân (33 tuổi, quận 7) cũng thích thú không kém. "Chị toàn mua online, cái chị thích ở Zalo là mua dễ. Nguồn hàng thực phẩm tươi ngon mùa này khó kiếm, nhưng các tiểu thương nhỏ bán trên này đa phần lấy hàng từ quê, từ gia đình nên lúc nào cũng đủ hàng và tươi sạch", chị Ngân chia sẻ.
 
Để mua sắm, người dân chỉ cần mở ứng dụng Zalo, nhấn "Quan tâm" tài khoản "Đi chợ mùa COVID", hoặc truy cập: https://bit.ly/DiChoMuaCovid, nhập địa chỉ và chọn "Đặt hàng", danh sách các cửa hàng gần nhất sẽ được hiển thị.
 
Bình thường khi đi chợ dân sinh, mọi hoạt động mua bán đều được ngườ mua e dè hay lựa chọn một cách kỹ càng, thậm chí giá cả cũng phải được hai bên nâng lên hạ xuống, nhưng mua thực phẩm online thì người tiêu dùng lại tỏ ra khá dễ dãi khi lựa chọn, hầu hết họ lựa chọn thực phẩm được chụp và đưa lên mạng và theo cảm tính là chính. Vì thế rất nhiều người đã phải ôm “quả đắng” khi mua phải thực phẩm trên mạng ở những cửa hàng online không  có uy tín.
 
Chất lượng không đi kèm với lời quảng cáo
 
Nhấn chuột vào những trang bán hàng thực phẩm online, khách hàng sẽ nhận được vô số hình ảnh sản phẩm trông vô cùng bắt mắt, kèm theo giá của sản phẩm là những lời quảng cáo “có cánh”.
 
4.jpg
Hình ảnh rất ngon nhưng thực tế thì không phải như vậy (ảnh minh họa)

 

Hàng xịn được nhập khẩu từ các nước châu Âu, sản phẩm hải sản của nhà hàng được đánh bắt từ những vùng biển quan toàn, đây là sản phẩm truyền thống của chúng tôi được sản xuất từ 30 năm…
 
Nhưng thực tế những sản phẩm được rao bán trên mạng đều không có xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng, người bán chỉ để lại thông tin sản phẩm, số điện thoại đặt hàng và nhận giao hàng tận nơi.
 
Chị Nguyễn Thị Hiện cho biết, đã nhiều lần tôi đặt mua thực phẩm hoa quả ở trên mạng, xem giới thiệu là thế, nhưng đến khi nhận được hàng thì “vỡ mộng” vì chất lượng không như quảng cáo.
 
“Một lần tôi đặt mua một khay sầu riêng, nhìn ảnh và nghe lời quảng cáo của chủ cửa hàng, tôi rất tin tưởng. Nhưng khi khay sầu riêng này được shiper mang đến thì thật không tưởng tượng nổi giữa sản phẩm thật và hình ảnh đăng tải trên mạng, khác nhau một trời một vực”, chị Hiền nói.
 
Nói về vấn đề này, bà Trần Thị Phương Lan, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, khách hàng thường biết đến các địa chỉ bán thực phẩm online thông qua các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook, các trang rao vặt. Điều đáng nói, hầu hết các cơ sở này đều là kinh doanh không có giấy phép, các sản phẩm chế biến không có giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm. Chất lượng sản phẩm chỉ được chủ cửa hàng... cam đoan bằng miệng, khó kiểm chứng. Chính vì vậy, bên cạnh những tiện ích thì việc mua thực phẩm chế biến sẵn được bán online cũng tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm...
 
Hình thức mua bán trực tuyến trên trang web thương mại điện tử, mạng xã hội thu hút người tiêu dùng mọi lứa tuổi do sự đa dạng và tiện dụng. Tuy nhiên, phần lớn mặt hàng rao trên mạng xã hội không bảo đảm chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ, quảng cáo sai sự thật, không có địa chỉ kinh doanh cụ thể hoặc không có hóa đơn, chứng từ... Do đó, nhiều hành vi vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thông qua mua bán online khi được phản ánh đến Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không đủ cơ sở để xử lý.
 
Nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm hiện hữu
 
Mua hàng trực tiếp người tiêu dùng có thể tận mắt nhìn thấy việc chế biến, đóng gói và sản xuất của cơ sở, nhưng nếu mua hàng online thì không thể biết được việc này.
 
2.jpg
Hàng tươi sống để lẫn với sản phẩm chín dễ mất an toàn (ảnh báo Sơn La)

 

Tại một địa chỉ bán đồ ăn online tại tổ 8, phường Quyết Thắng ( TP. Sơn La) đã được báo chí phản ánh, cơ sở này chuyên bán trà sữa, trà tranh, chè, bánh bao, bánh mì... có giá trung bình từ 10-15 nghìn đồng/sản phẩm. Trong căn nhà cấp 4 sơ sài, không có bàn ghế, chai lọ nằm ngổn ngang không rõ nhãn mác, nguồn gốc... Khi hỏi đến giấy phép kinh doanh, chủ nhà cho biết: "Đang có dịch bệnh, nên chúng tôi chưa khai trương, nhưng đăng đồ ăn bán onlien, đã có nhiều người biết đến và mua hàng của chúng tôi".
 
Hay như ở một địa chỉ khác cũng ở thành phố Sơn La này, ở đây có nhiều thực phẩm là các loại xúc xích, sủi cảo... tủ đông lạnh đựng đầy ắp thực phẩm nhưng không rõ nhãn mác; thực phẩm sống, chín để ngổn ngang chung một tủ. Nhiều món ăn bày sẵn để khách hàng chọn lựa cũng không được che đậy, chính vì vậy mà những "vị khách không mời" như ruồi, nhặng, bụi bẩn cứ tự nhiên “thưởng thức”. Khi có đơn hàng các món ăn này mới được chủ nhà chế biến trong khu bếp lộn xộn, trên tường loang lổ vết dầu mỡ, trong nồi chiên đầy dầu ăn đã ngả màu đen, khét lẹt. Vậy mà người bán vẫn vô tư chế biến rồi đem giao cho khách.
 
Tại nhiều trang mạng, trên lời quảng cáo sản phẩm luôn khẳng định đảm bảo chất lượng vì được lấy từ các nhà cung cấp lớn hoặc các hợp tác xã rau sạch. Tuy nhiên, theo lời anh Nguyễn Văn L. – chủ một hàng rau tại chợ đầu mối Tứ Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội), nhiều đơn vị cung cấp thực phẩm sạch vẫn lấy rau của anh rồi đem về sơ chế, đóng gói, bán với giá gấp đôi, gấp ba lần giá nhập ban đầu.
 
Theo lời quảng cáo, loại trứng này là sản phẩm được kiểm soát chặt chẽ từ con giống, thức ăn, vệ sinh chuồng trại đến quá trình vận chuyển từ trại nuôi về nhà máy xử lý trước khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, đại diện một DN buôn trứng từ Thanh Hóa về Hà Nội lại tiết lộ: Mức độ sạch của trứng “sạch” hiện chỉ dừng lại ở việc xử lý trứng qua hệ thống máy móc để làm sạch vỏ ngoài của trứng, còn việc kiểm soát từ chất lượng đầu vào (con gà có được tiêm phòng đầy đủ không, chế độ dinh dưỡng có bảo đảm, có sử dụng thức ăn có chứa chất kích thích tăng trưởng không…) thì chưa ai làm được.
 
Người tiêu dùng phải tự bảo vệ mình
 
Mặc dù các cơ quan chức năng đã rất quyết liệt điều tra, theo dõ và xử lý những địa chỉ bán hàng thực phẩm online không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tuy nhiên, việc xử lý này chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, thậm chí, rất khó khăn để xác định vì đại chỉ kinh doanh ghi trên mạng và địa chỉ thật lại hoàn toàn khác biệt.
 
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh Sơn La, thông tin: Từ đầu năm, chúng tôi đã thành lập hơn 400 đoàn kiểm tra gần 2.000 cơ sở. Tuy nhiên, các số liệu chưa có các cơ sở kinh doanh trên mạng xã hội, vì không tìm được người mua, bán cụ thể, thậm chí có những thông tin không có thực hoặc các đối tượng không công nhận họ kinh doanh thực phẩm trên mạng; trong khi đó, chúng tôi cũng không đủ thẩm quyền, chức năng kiểm tra nhà riêng. Để giảm thiểu số ca mắc ngộ độc thực phẩm, Chi cục chỉ còn cách đẩy mạnh  tuyên truyền, đã tổ chức 1.389 cuộc với 11.342 lượt người tham gia, tập trung vào nội dung: Lựa chọn thực phẩm đóng gói an toàn, có nguồn gốc xuất xứ; hướng dẫn cách bảo quản và chế biến thực phẩm đúng cách;10 nguyên tắc vàng trong đảm bảo ATTP...
 
Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sơn La, việc xác định chính xác danh tính, địa chỉ của người sử dụng mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội hoạt động xuyên biên giới, do các nhà cung cấp nước ngoài phát triển, hiện tại chưa thực hiện được do không có sự phối hợp chặt chẽ từ phía nhà cung cấp. Từ thực tế đó, có thể thấy việc quản lý người dùng mạng xã hội nói chung và công tác ngăn chặn, xử lý đối với hành vi lừa đảo bán hàng qua mạng nói riêng gặp nhiều khó khăn.
 
Theo một lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, việc mua - bán thực phẩm online chủ yếu được thực hiện dựa trên niềm tin giữa người bán và người mua. Hơn nữa, trên thực tế, công tác quản lý, kiểm soát việc mua - bán online là rất khó khăn. Đôi khi, khách hàng mua phải thực phẩm kém chất lượng nhưng rất khó kiện. Do vậy, để bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, điều đầu tiên là người dân cần nâng cao nhận thức trong mua sắm online.
 
Theo bác sĩ Chu Thanh Hương (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), người tiêu dùng nên cân nhắc khi sử dụng những loại thức ăn được bán qua mạng không rõ nguồn gốc, nhất là đồ ăn ngay, ăn nhanh. Bởi những loại thực phẩm đó trong quá trình vận chuyển đến tay người dùng thường không bảo đảm, thậm chí không được bảo quản trong những thiết bị vận chuyển chuyên dụng theo quy định về vệ sinh ATTP, có thể nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp. Chính vì vậy, nếu thực khách dễ dàng tin vào lời quảng cáo “của nhà làm, đảm bảo bảo an toàn” mà vô tư sử dụng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Đây là vấn đề khó có thể ngay lập tức giải quyết được.
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top