Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ tư, ngày 17 tháng 10 năm 2018 | 9:57

Thượng đỉnh châu Âu: Thỏa thuận Brexit liệu có thể đạt được?

Liên minh châu Âu (EU) và Anh có thể sẽ đạt được một thỏa thuận để Anh rời khỏi EU (Brexit), tại hội nghị thượng đỉnh khai mạc hôm nay (17/10).

Dự kiến, Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ có thể đạt được bản thỏa thuận Brexit trong cuộc họp thượng đỉnh EU khai mạc hôm nay (17/10) tại Brussels, Bỉ.

Để có thể chốt được thỏa thuận này, hai phía sẽ phải có một giải pháp về quy chế với Bắc Ireland, một lãnh thổ thuộc Anh nhưng lại có sự gắn liền về mặt địa lý và lịch sử với Cộng hòa Ireland, một thành viên EU. Đây được coi là điểm chốt của tiến trình đàm phán đầy trắc trở và kéo dài giữa hai bên, quyết định "cuộc ly hôn" có diễn ra êm thấm hay không và tương lai của mối quan hệ này ra sao.

 

thuong dinh chau au thoa thuan brexit lieu co the dat duoc hinh 1
Hội nghị Thượng đỉnh EU khai mạc tại Brussels với tâm điểm gần như tập trung toàn bộ cho vấn đề Brexit. (Ảnh minh họa: Reuters)

 

Do nhiều bất đồng mà tới nay, Anh và EU vẫn chưa thể chốt được thỏa thuận chia tay Brexit và từ đầu tuần này đã tạm ngưng các đàm phán. Hội nghị thượng đỉnh EU lần này được kỳ vọng tạo đột phá, đặc biệt trong vấn đề Bắc Ireland.

Theo truyền thống của các kỳ họp Thượng đỉnh EU, tối ngày 17/10, lãnh đạo 27 nước thành viên EU có buổi ăn tối cùng nhau rồi sau đó có thể thảo luận xuyên đêm về chủ đề quan trọng nhất, trước khi đưa ra bàn thảo và bỏ phiếu ở phiên họp chính thức.

Tuy nhiên, 1 ngày trước buổi ăn tối quan trọng của EU thì tại Anh, nữ Thủ tướng Anh, bà Therese May cũng mời các Bộ trưởng, cũng như các chính trị gia chủ chốt của đảng Bảo thủ cầm quyền tham dự một bữa ăn tối, được báo chí Anh mô tả là để chốt lại lần cuối quan điểm mà bà Therese May sẽ đưa ra trước các lãnh đạo EU tại Thượng đỉnh.

Thực ra thì đến thời điểm này, như đa số giới phân tích chính trị ở châu Âu nhận định, việc có đạt được thoả thuận Brexit hay không chủ yếu là nằm ở cuộc đấu tranh nội bộ trên chính trường Anh, tức là liệu bà Therese May có tập hợp được sự ủng hộ rộng rãi của chính giới Anh, của nội bộ đảng Bảo thủ Anh, để duy trì đến cùng chiến lược Brexit của Anh hay không.

Trong ngày 16/10, người phát ngôn của chính phủ Anh cũng tuyên bố là toàn thể chính phủ Anh thống nhất sẽ không bao giờ chấp nhận bất cứ một thoả thuận nào tạo ra nguy cơ chia cắt Vương quốc Anh, tức là không chấp nhận việc Bắc Ireland bị ngăn cách với phần còn lại của Vương quốc Anh bởi một sự kiểm soát hải quan lâu dài, bởi xem đó là cái bẫy "biến cái tạm thời thành cái vĩnh viễn".

Vì thế, điều được chờ đợi bây giờ là bà Therese May sẽ đến Brussels với 1 đề xuất mới, hay vẫn kiên quyết giữ nguyên quan điểm cũ. Giới quan sát dự đoán, bà May có thể đề xuất việc Bắc Ireland ở lại trong liên minh thuế quan châu Âu 1 thời gian ngắn tạm thời nhưng có sự kiểm soát từ phía Anh, để qua đó đạt được một thoả thuận sơ bộ về Brexit và tiếp theo là kéo dài thời gian để đàm phán kỹ hơn.

Cả hai phía Anh và Liên minh châu Âu đều muốn tạo ra một đột phá đáng kể trong kỳ họp Thượng đỉnh này để tạo đà cho các đàm phán tiếp theo, nhưng mấu chốt để tạo nên điều đó rõ ràng đang nằm bên phía chính phủ Anh.

Cả phía Anh và EU đều đang rất kiên quyết không muốn nhượng bộ vào thời điểm này. Hôm Chủ nhật vừa qua, sau cuộc gặp tại Brussels, hai trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU và Anh đã thông báo sẽ tạm ngưng mọi cuộc đàm phán Brexit cho đến khi Hội nghị Thượng đỉnh EU diễn ra. Đây là một tuyên bố bất ngờ vì trước đó hai bên đã từng thống nhất sẽ đàm phán liên tục không ngưng để cố gắng đạt thoả thuận trước Hội nghị Thượng đỉnh.

Thực tế, nguyên nhân dẫn đến tuyên bố bất ngờ này là vì sức ép trong nước đối với nữ Thủ tướng Anh Theresa May đã lên đến cực điểm mà theo báo chí Anh, nếu hai bên vẫn bất chấp tất cả để đàm phán thì chính phủ Anh có thể sẽ sụp đổ ngay trước thềm Thượng đỉnh EU. Điều này thể hiện qua việc hàng loạt Bộ trưởng trong chính phủ Anh đã bóng gió tuyên bố sẽ từ chức ngay đầu tuần này nếu bà Theresa May không tạm ngưng đàm phán. Cựu Bộ trưởng phụ trách Brexit của Anh là ông David Davis còn kêu gọi các chính trị gia theo quan điểm "Brexit cứng" phải đứng lên thể hiện trách nhiệm và ngăn chặn một thoả thuận có điều khoản chia cắt Bắc Ireland.

Tại Nghị viện Anh, hàng loạt các nghị sĩ chống châu Âu cũng kêu gọi bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ của bà Theresa May. Và cuối cùng, là đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland (DUP) đe doạ sẽ từ bỏ việc ủng hộ chính phủ của bà Theresa May. Tất cả những điều này đặt chính phủ của bà Theresa May trước nguy cơ nghiêm trọng bị lật đổ nên bà Theresa May buộc phải tạm ngưng đàm phán để tìm kiếm giải pháp mới, đồng thời thể hiện thái độ cứng rắn không nhượng bộ.

Về phía EU, 27 nước của khối này ngay từ đầu đã thể hiện một sự đoàn kết hiếm có trong vấn đề Brexit và chiến lược đàm phán của khối này, cho đến nay được xem là thành công hơn phía Anh. Vì lí do đó, không có lí do gì châu Âu phải thay đổi chiến lược, nhất là trong thời điểm này khi nhiều chính phủ cầm quyền tại các nước chủ chốt của EU là Đức, Pháp hay Italy đều đang suy yếu và cuộc bầu cử châu Âu vào tháng 5/2019 đang đến rất gần, với sự nổi lên đầy nguy cơ của các đảng cực hữu và dân tuý.

Chỉ còn 5 tháng nữa là đến thời điểm Brexit có hiệu lực. Nếu tại Thượng đỉnh lần này hai bên không đạt được đột phá về Brexit thì khả năng có đột phá vẫn còn bởi dù đang bế tắc và không bên nào chịu nhượng bộ nhưng vẫn có thể có 1 đề xuất nào đó có thể mở ra lối thoát.

Giới quan sát cũng truyền thông châu Âu thì cho rằng, khả năng đạt được thoả thuận Brexit ngay trong Thượng đỉnh này là tương đối ít nhưng phía Anh có thể đưa ra một bước tiến mới để nuôi hy vọng châu Âu chấp nhận tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh khác vào tháng 11, để khi đó sẽ thông qua thoả thuận Brexit sơ bộ cũng như Tuyên bố chính trị về tương lai mối quan hệ Anh-EU.

Tuy nhiên, đó là kịch bản ít tệ hại nhất, còn hiện tại thì hầu như toàn bộ mọi thành viên EU cũng như bản thân nước Anh đều đang chuẩn bị nghiêm túc cho kịch bản Brexit không có thoả thuận. Từ vài tháng qua thì Uỷ ban châu Âu cũng như từng nước EU đều đã lập các cơ quan chuyên biệt để nghiên cứu tất cả các tình huống cần phải xử lý nếu vào ngày 30/3/2019, khi Brexit chính thức có hiệu lực mà Anh và EU không có một thoả thuận pháp lý nào để điều chỉnh các mối quan hệ hai bên. Các lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất sẽ là giao thông, kiểm dịch thực phẩm, y tế… bởi khi đó giữa Anh và EU sẽ phải có các hàng rào hải quan và không có các tiêu chuẩn chung thống nhất để hàng hoá được thông thương. Nước Anh thậm chí đã tính đến kịch bản huy động cả quân đội để chống bạo loạn nếu vào ngày đó diễn ra tình trạng khan hiếm lương thực khiến dân chúng mất kiểm soát.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu, Donald Tusk vừa tuyên bố: Đây là thời điểm mà cả hai phía Anh và EU đều cần những nhà lãnh đạo lớn để ra các quyết định khó khăn nhằm tránh cho hai bên phải hứng chịu một cuộc chia tay có hậu quả khôn lường. 

Rất có thể trong 48 giờ đồng hồ tới, Anh và Liên minh châu Âu có thể đạt được một giải pháp lịch sử, mở đường cho tiến trình Brexit diễn ra thuận lợi. Nhưng nguy cơ thất bại vẫn còn có thể xảy ra./.

 

 

 

Ý kiến bạn đọc
Top