Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 3 tháng 4 năm 2020 | 17:1

Tìm lời giải cho câu hỏi thịt lợn tăng giá do đâu?

Nhiều câu hỏi đặt ra rằng phải chăng Bộ Công Thương vẫn còn lỏng lẻo trong việc kiểm soát chuỗi cung ứng thịt lợn trên thị trường dẫn đến tình trạng đầu cơ, thổi giá, nhất là ở các khâu trung gian.

thit.jpg
Giá thịt lợn trên thị trường vẫn ở mức cao. (Ảnh: IT)

 

Mặc dù theo quy định từ ngày 1/4 giá thịt lợn tại chuồng sẽ được giảm xuống mức 70.000 đồng/kg nhưng thực tế thị trường giá bán ra vẫn tăng.

Chính vì vậy, nhiều câu hỏi đặt ra rằng phải chăng Bộ Công Thương vẫn còn lỏng lẻo trong việc kiểm soát chuỗi cung ứng thịt lợn trên thị trường dẫn đến tình trạng đầu cơ, thổi giá, nhất là ở các khâu trung gian.

Nhận định về vấn đề này, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, theo Thông tư 09/2016 ngày 1/6/2016 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y, Nghị định 66/2016/NĐ-CP đầu tư kinh doanh về bảo vệ kiểm dịch thực vật… các trung tâm lò giết mổ thuộc diện quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Vì thế, việc đưa giá thịt lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg cũng cần quy định rõ giá thịt lợn tại lò mổ là bao nhiêu bởi nếu không khi đến tay người tiêu dùng vẫn ở giá cao.

Đại diện Bộ Công Thương cũng lý giải thêm rằng: Giá lợn hơi bán ra 70.000 đồng/kg nhưng phải cộng thêm tiền công vận chuyển từ 5.000-7.000 đồng và hao hụt lợn hơi về lò mổ khiến giá lại tiếp tục bị đẩy lên mà từ khâu thu gom và vận chuyển đến lò mổ đều không do Bộ Công Thương quản lý.

Phản ánh từ các doanh nghiệp cho thấy, rất khó để mua lợn hơi giá rẻ với số lượng lớn vì chỉ bán tượng trưng nhỏ giọt. Bởi, lợn xuất khỏi trang trại là có ngay các trung tâm thu mua lớn khiến giá lợn bị đẩy lên cao hơn rất nhiều dao động từ 75.000-90.000 đồng/kg rồi mới tới lò mổ và chợ dân sinh hoặc hệ thống siêu thị.

Do vậy, khâu lưu thông phân phối là khâu cuối cùng nên giá tăng rất ít chỉ từ 1.000-4.000 đồng/kg mà tăng chủ yếu từ trang trại tới lò mổ.

Bộ Công Thương cũng cho biết, mặc dù ngày 1/4 là ngày đầu tiên các doanh nghiệp thực hiện cam kết giảm giá lợn hơi nhưng giá thịt lợn thành phẩm luôn có độ trễ giảm giá hơn so với giá lợn hơi bởi các cơ sở giết mổ có thể vẫn còn tồn kho một số lượng lợn hơi.

Ngoài ra, do thực trạng chăn nuôi của Việt Nam còn tồn tại nhiều hộ chăn nuôi, lò giết mổ nhỏ lẻ nằm rải rác trên cả nước trong khi nguồn cung thịt lợn tại một số địa phương chưa hồi phục, còn thiếu.

Cùng với đó, một số thông tin chưa chính xác được lan truyền trên các mạng xã hội những ngày qua, nhận thức chưa đúng của một bộ phận người dân nên đã xuất hiện tình trạng mua tích trữ thực phẩm của người dân; trong đó có mặt hàng thịt lợn.

Vì vậy, giá thịt lợn thành phẩm vẫn có xu hướng ổn định hoặc tăng cục bộ tại một số nơi. Tuy nhiên, trong hệ thống các siêu thị, giá tất cả các sản phẩm thịt lợn vẫn ổn định, không tăng giá

Theo đại diện Bộ Công Thương, thời gian qua, giá lợn hơi và các sản phẩm thịt lợn duy trì ở mức cao căn bản là do nguồn cung giảm so với cùng kỳ các năm. Sản lượng thịt lợn quý I năm 2020 giảm 19,3% so với 2019 và giảm 17,3% so với cùng kỳ 2018.

Qua theo dõi giá cả thị trường thịt lợn những năm qua, tỷ lệ giá thịt lợn thành phẩm và giá lợn hơi thường dao động trong khoảng 1,7-1,9 lần do giá lợn hơi vẫn ở mức cao nên giá thịt lợn thành phẩm trên thị trường sẽ có mức cao tương đương. Biện pháp căn bản và lâu dài để ổn định thị trường thịt lợn là tăng nguồn cung, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng.

Vì vậy, việc tăng nguồn cung cần được thực hiện song song 2 nội dung gồm tái đàn theo hướng bền vững, chăn nuôi theo mô hình khép kín và an toàn sinh học. Cùng đó là nhập khẩu thịt lợn, đa dạng hóa nguồn cung thực phẩm.

Theo chức năng nhiệm vụ được giao, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã đang và sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết và cụ thể nhằm góp phần ổn định thị trường mặt hàng thịt lợn.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã theo dõi sát tình hình thị trường, cung cầu, giá cả mặt hàng thịt lợn để có biện pháp hoặc đề xuất giải pháp điều hành kịp thời.

Hơn nữa, tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc.

Ngoài ra, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương yêu cầu các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường có kế hoạch bảo đảm nguồn cung, tập trung nguồn lực thực hiện các chương trình bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn nhằm góp phần kiềm chế lạm phát, bảo đảm an ninh xã hội.

Đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo các Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ chủ động tìm kiếm thông tin và kết nối nguồn nhập khẩu thịt lợn với các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn trong nước.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong hoạt động nhập khẩu nhằm đa dạng hóa nguồn cung.

VASEP kiến nghị hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu cho vay dài hạn đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam vừa báo cáo lên Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường để kiến nghị Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ (có công suất tối thiểu là 5.000 pallet trở lên) do hệ thống kho lạnh đang quá tải không còn chỗ chứa cá tra, tôm trong mùa dịch Covid-19.

 

unnamed.jpg

Mới đây, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã ban hành công văn số 35/2020/CV-VASEP gửi Bộ trưởng NN&PTNT đề xuất miễn giảm thuế TNDN và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp đầu tư kho lạnh trữ hàng.

Theo đó, VASEP cho biết, hệ thống kho lạnh là một mắt xích cốt lõi đối với cả chuỗi sản xuất và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, cho cả bối cảnh vượt qua đại dịch trước mắt và cả tầm chiến lược cho ngành hàng trong tương lai.

Trong bối cảnh khó khăn ách tắc như đại dịch Covid19 hiện nay, thì kho lạnh trữ hàng càng cần thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, Việt Nam đang thiếu kho lạnh trầm trọng khiến các doanh nghiệp không thể thu mua được hơn nguồn nguyên liệu tôm cá mà bà con nông-ngư dân sản xuất ra, cũng như khó có thể tạo ra được nguồn hàng lớn chủ động khi thế giới có nhu cầu lớn trở lại. Bên cạnh đó, một hạn chế cho việc phát triển các kho lạnh trữ thủy sản là chi phí đầu tư khá lớn nên công suất kho lạnh tại Việt Nam đến nay vẫn còn chưa theo kịp được nhu cầu của ngành.

Do đó, Hiệp hội đề nghị Bộ trưởng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ với các kho lạnh có công suất tối thiểu là 5.000 pallet trở lên. Ngoài ra, hỗ trợ giảm 50% thuế TNDN cho 2 năm đầu khi các kho lạnh kể trên đi vào vận hành.

Xuất khẩu hạt điều khó đạt mục tiêu 4 tỷ USD do dịch Covid-19

Xuất khẩu điều nhân sẽ giảm mạnh về lượng và giá do ảnh hưởng của do dịch Covid-19 trên toàn cầu. theo đó, kế hoạch xuất khẩu 4 tỷ USD trong năm 2020 của ngành điều Việt Nam có thể phải điều chỉnh giảm.

tải-xuống.jpg
Chế biến hạt điều phục vụ xuất khẩu.

 

Hiệp hội điều Việt Nam (Vinacas) cho biết, mặc dù dịch Covid-19 đã bước đầu được khống chế ở Trung Quốc nhưng tình hình lại đang trở nên nghiêm trọng trên toàn thế giới. Vinacas đánh giá dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả ngành điều.

Điều thô từ Campuchia nhập về Việt Nam chậm lại do tăng cường kiểm dịch ở biên giới và đóng cửa ở một số cửa khẩu. Giá điều thô Campuchia ở khoảng 18.000 - 20.000 đồng/kg cho thu hồi 27-27,5% (tương đương 170-180 hạt/kg) tuy nhiên không dễ mua.

Ở trong nước, nhiều thông tin cho thấy vụ mùa năm nay năng suất cao, chất lượng tốt và việc thu mua vẫn dễ dàng hơn so điều Campuchia. Giá điều tươi hiện dao động khoảng 22.500 – 23.000 đồng/kg, cho tỷ lệ thu hồi 27,5 - 28% (180-185 hạt/kg).

Tại thị trường châu Phi, giá điều thô cũng đang giảm mạnh do việc chờ đợi nhu cầu thu mua từ Việt Nam và Ấn Độ. Thế nhưng, trong một thời gian dài, giá đặt mua không cao như mong đợi. Vinacas cho biết, một số nhà thương mại ở khu vực này đã phải chấp nhận bán cắt lỗ. Một số khác cũng đang bán khống và chờ thị trường tiếp tục giảm nữa rồi mới mua điều thô vào. Vì vậy, nếu không làm cách này thì khó lòng kiếm lợi nhuận trong tình cảnh ngành điều hiện nay.

Hiện nay, do nguồn cung khá dồi dào, nông dân lại cần tiền ngay khi giao hàng nên những công ty nào có nguồn tiền mặt mạnh, thanh toán nhanh sẽ chiếm ưu thế mua hàng cả ở trong nước và châu Phi.

Bên cạnh đó thị trường điều nhân cũng đang trong tình cảnh tuột dốc khi giá giảm giá mạnh nhưng rất ít người mua. Hiện một số nhà máy lớn đang chào giá cho mã điều nhân W320 chỉ từ 2,95 - 3.05 USD/lb; mã W240 từ 3,30 – 3,40 USD/lb. Với các nhà máy vừa và nhỏ, giá giao hàng từ tháng 4 đến tháng 10 còn thấp hơn. Mã W320 chỉ 2,75 – 2,80 USD/lb; mã W240: 3,10 – 3,15 USD/lb.

Trên thị trường thế giới, hiện nay, một số khách hàng thế giới đang yêu cầu các nhà máy giao hàng sớm nhất có thể. Nguyên nhân do lo ngại sắp tới, việc vận chuyển hàng hóa trên toàn cầu có thể khó khăn do việc phong tỏa, cách ly giữa các vùng và cước tàu tăng.

Ngoài ra, một số khách hàng khuyên các nhà máy nên bình tĩnh, không nên bán tháo vì khi chào giá giảm liên tiếp như vậy làm tâm lý người mua lo sợ rằng giá còn rớt nữa và lại muốn chờ thêm. Đồng thời, các nhà máy nên mua điều thô từ từ khi thấy giá phù hợp, đó cũng là cơ hội để tìm kiếm lợi nhuận cho năm nay.

Hiện nay các siêu thị, nhà chiên rang, nhà nhập khẩu cũng đang xem xét đánh giá việc ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến thị trường kinh tế và ngành hạt để họ có chiến lược mua bán tiếp theo. Mặc dù họ thấy giá nhân rất tốt nhưng họ cũng chỉ mua số lượng ít, sau đó chờ một vài ngày và trả thấp hơn để thăm dò thị trường xem giá rớt đến đâu.

Vinacas khuyến cáo các doanh nghiệp trong nước nên thận trọng lựa mua điều thô từ châu Phi do người dân hoặc thương nhân không phơi kịp điều thô. Quan trọng là các nhà máy nên mua bán chậm lại, cập nhật thông tin thị trường liên tục để đưa ra phương án mua bán hợp lý nhất trong tình hình khó khăn chung thế giới và tình thế cạnh trang gay gắt của ngành điều. Điều này cũng đồng nghĩa đến việc quan tâm đến chất lượng sản phẩm nhiều hơn.

Theo Vinacas, hạt điều là một loại thực phẩm dùng hàng ngày có giá trị dinh dưỡng cao nên dù sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19 và bị cạnh trang mạnh của các loại hạt khác thì nhu cầu vẫn sẽ không nhỏ. Các nhà máy không vì thế mà quá bi quan lo lắng; đồng thời cũng nên có kế hoạch sẵn cho năm 2021.

Giá cá tra nguyên liệu giảm sâu

Trung Quốc, thị trường tiêu thụ sản phẩm cá tra lớn nhất của Việt Nam bị sụt giảm bởi dịch bệnh Covid-19, đến nay vẫn chưa phục hồi hoàn toàn. Điều này khiến giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL giảm sâu, người nuôi chịu thua lỗ.

Ghi nhận tại một số địa phương nuôi cá tra ở ĐBSCL như Cần Thơ, Hậu Giang, Vĩnh Long… hiện, giá cá tra đang giảm mạnh. Tại Đồng Tháp, giá cá tra loại từ 700-800 g/con chỉ còn 18.000 - 19.000 đồng/kg.

 

ca.jpg

Theo ông Nguyễn Tấn Phong, Giám đốc HTX Nuôi thủy sản Đại Thắng (thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang), từ sau Tết nguyên đán đến nay, thương lái thu mua cá tra chỉ 17.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất từ 21.000 - 22.000 đồng/kg nên hầu hết người nuôi lỗ.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết trong quý I, địa phương có 480 ha nuôi cá tra, đã thu hoạch 100 ha, sản lượng 31.000 tấn nhưng giá bán chỉ 17.000 - 18.500 đồng/kg nên người nuôi hết sức khó khăn.

Theo ông Hè, chỉ một số hộ nuôi có lợi nhuận khá nhờ gia công cho doanh nghiệp hoặc có liên kết với doanh nghiệp. Tuy nhiên, những hộ nuôi có lời chỉ chiếm 1/4 tổng số hộ nuôi trên địa bàn, còn lại đều thua lỗ.

 

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
  • Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Năm 2025, Hà Nam sẽ có trục đại lộ lễ hội hoành tráng, tôn vinh văn hóa dân tộc do Sun Group đầu tư

    Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…

  • Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Nhà khoa học VinFuture: Giao thông xanh là giải pháp cho ô nhiễm không khí đô thị

    Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.

  • Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Người mua căn hộ đang thích được sở hữu những gì?

    Hiện tại, các chủ đầu tư gần như đang vượt qua chính mình khi phải cân bằng giữa các yếu tố đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp, sản phẩm phải chinh phục được đối tượng khách hàng là người trẻ.

Top