Tin ATTP: Các loại gia vị có khả năng kháng khuẩn cao
Trong những món ăn của Việt Nam, gia vị là một trong những thứ không thể thiếu để làm nên hương vị và đặc sắc riêng biệt của từng món ăn, trong những gia vị đó lại rất có hiệu quả trong việc phòng chống dịch bệnh liên quan đến cúm.
Các loại gia vị không chỉ giúp món ăn có hương vị ngon hơn, mà chúng thực sự có thể làm chậm sự tăng trưởng của vi khuẩn. Các nhà khoa học tại trường Đại học Cornell (Mỹ) đã quan sát và nhận thấy hạt tiêu và hành, tỏi giết chết 100% vi khuẩn khi chúng bắt đầu tiếp xúc với thức ăn, trong khi cỏ xạ hương, quế, thì là và các loại rau thơm giết chết 80% vi khuẩn.
Hành
Dù nấu chín hay để sống, hành là loại gia vị rất phổ biến giúp tăng hương vị cho nhiều món ăn. Từ lâu, hành vốn nổi tiếng về khả năng đề kháng trong mùa lạnh và cảm cúm. Cũng như tỏi, hành chứa các hợp chất lưu huỳnh được chứng minh là có khả năng chống nhiễm trùng, thậm chí có thể chiến đấu với vi khuẩn.
Không chỉ là một loại gia vị thơm ngon, hành lá còn mang lại rất nhiều Vitamin và khoáng chất nhất là Vitamin A, C giúp mắt, niêm mạc khỏe mạnh và tăng cường miễn dịch.
Về tác dụng kháng khuẩn, hành lá chứa chất allicine có tác dụng diệt khuẩn rất tốt đối với một số bệnh như thương hàn, lỵ, trực khuẩn, vi trùng tả, bệnh bạch hầu. Tuy nhiên chất này dễ bị mất tác dụng khi ở nhiệt độ cao. Bởi vây khi chế biến nên cho hành vào sau cùng để tránh làm mất chất allicine quý giá.
Ngoài ra, hành lá cũng thường được sử dụng để tiêu đờm và ngăn chặn tạo đờm trong cơ thể.
Tỏi
Tỏi, dù hơi "khó ngửi" một chút, nhưng lại rất đáng tôn kính nhờ khả năng chống vi khuẩn tự nhiên. Trong thực tế, tỏi thậm chí còn được gọi là "thuốc penicillin Nga" trong chiến tranh thế giới thứ 2, vì các bác sĩ đã dùng tỏi thay vì thuốc kháng sinh để điều trị cho các bệnh nhân.
Tỏi là loại gia vị đã quá quen thuộc với mỗi người Việt Nam từ xa xưa đã được sử dụng trong nhiều nền văn hóa như một loại kháng sinh tự nhiên và có thể kháng cả nấm và virus.
Hoạt chất đáng chú ý nhất có trong tỏi là chất allicin, tinh dầu tỏi giàu glucogen và aliien, fitonxit, nhờ vậy mà tỏi giúp tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giảm cám cúm, kháng lại vi khuẩn gây bệnh.
Tiêu
Được xem là “vua của gia vị”. Tiêu có vị cay, mùi thơm hắc dễ gây hắt hơi khi tiếp xúc. Nó có vai trò một chất chống oxy hóa rất mạnh, tác dụng kháng khuẩn và giúp tiêu hóa. Tiêu còn là bạn của những người thừa cân vì nó kích thích sự phân hủy của chất béo nhanh chóng.
Đinh hương
Có hương thơm vị cay vì chứa eugenol là một tinh dầu có tác dụng chống viêm nhẹ, chống vi khuẩn. Đinh hương được sử dụng để nêm nếm trong các món xúp, canh và món cà ri. Món phở không thể thơm ngon nếu không có sự tham gia của đinh hương cùng với đại hồi, tiểu hồi, quế, trần bì, thảo quả...
Quế
Có thể được sử dụng trong tất cả món ăn thức uống để làm tăng hương vị như món cà ri, các món cơm và món tráng miệng. Các loại tinh dầu thiết yếu được tìm thấy trong vỏ quế có tính chống đông máu và chống vi khuẩn. Tuy nhiên quế là vị thuốc “đại nhiệt” nên không được dùng nhiều và lâu dài có hại cho người bệnh gan, thận và phụ nữ có thai không nên dùng.
Gừng
Làm giảm buồn nôn ruột và dạ dày, và cũng được chứng minh có tác dụng chống viêm và các chứng cảm lạnh, cúm, ho, tăng cường hệ miễn dịch và chống oxy hóa mạnh mẽ.
Củ hành tây
Các hoạt chất sulfur có trong hành có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn rất mạnh. Hành tây làm giảm cholesterol trong máu, ổn định huyết áp, giúp ngăn ngừa thiếu máu cơ tim, hành tây còn tốt cho người bị viêm khớp và bệnh gout.
Gừng
Theo Nam dược thần hiệu: Gừng tươi tính ấm, vị cay, thông được khí, khởi được thần, mở được 9 khiếu, trừ tà khí, hồi phục chính khí. Gừng khô tính ấm, vị cay, chữa được chứng hư nhiệt, phong hàn, đau bụng, các chứng thất huyết…
Ngoài ra, gừng còn có 2 tác dụng tuyệt vời là kháng khuẩn và chống nấm. Gừng có thể chống lại nhiều loại vi khuẩn như E. coli và Salmonella, là những nguyên nhân phổ biến từ thực phẩm gây bệnh đường tiêu hóa, tiêu chảy, đau bụng. Bởi vậy mà gừng thường xuất hiện trong các bài thuốc chữa tiêu chảy do lạnh, tiêu chảy nhiễm khuẩn, lỵ ra máu, đau bụng toát mồ hôi và giải quyết nhiều vấn đề đường tiêu hóa.
Nghệ
Cũng như tỏi và gừng, nghệ là loại gia vị rất quen thuộc với người Việt và xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm chức năng nhờ những tác dụng tuyệt vời của mình.
Nghệ chứa rất nhiều chất chống oxy hóa, kháng virus, kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm, ngăn ngừa viêm loét… Đối với chị em, nghệ còn được sử dụng để làm đẹp, giảm thâm, trị mụn, giúp điều tiết giảm nhẹ mụn trứng cá nhờ tính chất kháng khuẩn, chống viêm và chống oxy hóa.
Rau diếp cá
Nổi tiếng với hương vị “không mấy dễ chịu” đối với nhiều người, rau diếp cá là một vị thuốc kháng sinh tự nhiên vô cùng hiệu quả.
Theo y học hiện đại, rau diếp cá có chứa decanoyl-acetaldehyd có tác dụng kháng khuẩn như ức chế tụ cầu vàng, phế cầu, liên cầu, e.coli, trực khuẩn bạch hầu gây các bệnh lý nhiễm khuẩn nguy hiểm…
Rau kinh giới
Rau kinh giới chứa hai chất có tác dụng kháng khuẩn mạnh là carvacrol và thymol, là những kháng sinh rất hiệu quả với diệt ký sinh trùng đường ruột như giun, sán gây chảy máu, ngộ độc, tắc ruột…
Rau kinh giới thường được dùng để chữa rối loạn dạ dày, giảm chứng khó tiêu, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn hoặc có thể dùng làm thuốc chữa viêm xoang. Ngoài ra rau kinh giới còn đem lại nhiều khoáng chất như kali, canxi, magie, sắt… giúp tăng cường dinh dưỡng, ngăn ngừa thiếu máu.
Trong mùa dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra phức tạp như hiện nay, những gia vị sẵn có không thể thiếu trong những bưa ăn hàng ngày sẽ giúp cho cơ thể vừa tăng cường sức khỏe, đồng thời cũng tăng cường sức đề kháng tốt hơn để phòng tránh dịch bệnh.