Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ ba, ngày 16 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 7 tháng 6 năm 2020 | 16:44

Tin ATTP: Hà Nội bắt giữ hơn 1 tấn nầm lợn "bẩn"

Xe ô tô chở hơn 1 tấn nầm lợn đông lạnh, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bị lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an quận Đống Đa và QLTT Hà Nội phát hiện, bắt giữ.

Sáng 2/6, tổ công tác của Đội Cảnh sát kinh tế Công an quận Đống Đa phối hợp với Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 4, Cục QLTT Hà Nội bất ngờ kiểm tra một xe ô tô đang dừng đỗ tại đầu ngõ 168 phố Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa.
 
Trên xe các lực lượng chức năng phát hiện phương tiện chở hàng chục thùng xốp được đóng gói, niêm phong, nhiều khả năng bên trong chứa hàng thực phẩm đông lạnh.
 
tp1.jpg
Phương tiện vận chuyển bị bắt giữ để kiểm tra

 

Tài xế điều khiển phương tiện là Nguyễn Văn Khải (SN 1987, trú tại xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, Hà Nội) trình bày, toàn bộ số hàng hóa trên xe là nầm lợn đông lạnh. Tài xế này không xuất trình được hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm của lô hàng.
 
tp2.jpg
Nầm lợn không có nguồn gốc xuất xứ được đóng trong các thùng xốp

 

Các lực lượng chức năng đã nhiều lần kiểm tra, bắt giữ rất nhiều vụ vận chuyển thịt gia súc, gia cầm, nội tạng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm mang đi tiêu thụ của các đối tượng. Đặc biệt trong giai đoạn này, giá thịt lợn tăng cao. Để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, đề nghị các lực lượng chức năng cần xử lý thật nghiêm các đối tượng vận chuyển thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ đi tiêu thụ.
 
Cách bảo quản và rã đông thịt lợn đông lạnh
 
Việt Nam đã chấp thuận cho 24 quốc gia được phép xuất khẩu thịt và sản phẩm thịt gia súc, gia cầm vào Việt Nam.
 
Theo số liệu của Cục Thú y, tính đến tháng 5/2020 đã có 129 doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu thịt lợn và sản phẩm thịt vào Việt Nam. Tổng lượng thịt lợn và sản phẩm thịt lợn nhập khẩu hơn 67.270 tấn, tăng 250% so với cùng kỳ năm 2019, sản phẩm chủ yếu từ các quốc gia Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và LB Nga.
 
Đặc tính của thịt lợn nhập khẩu và sản phẩm thịt đều phải cấp đông nên người chế biến cần phải có kỹ thuật và các thiết bị để rã đông sản phẩm đúng cách. Nếu quá trình rã đông thịt không đúng cách sẽ rất dễ nhiễm vi sinh, làm giảm chất lượng thịt. Do đó, người tiêu dùng khi nấu ăn tại nhà phải tìm hiểu kỹ về quy trình rã đông thịt.
 
Các cách rã đông thịt an toàn
 
Rã đông bằng đường và nước ấm: Dùng nước ấm khoảng 40oC và 2 thìa canh đường khuấy đều và ngâm miếng thịt lợn đông lạnh trong 7 - 10 phút.
 
Rã đông thịt từ từ trong ngăn mát tủ lạnh: Lấy thịt từ ngăn đá xuống ngăn mát tủ lạnh để qua đêm. Cách rã đông này khá tiện lợi, thịt có thể cất lại vào ngăn đá tủ lạnh một cách an toàn mà không sợ mất vệ sinh.
 
Rã đông thịt bằng lò vi sóng: Đây là cách rã đông khá nhanh và an toàn. Tuy nhiên, ngay sau khi thịt rã đông thì chế biến ngay để tránh việc vi khuẩn sinh sôi do tiếp xúc với nhiệt độ thường có thể làm cho bạn bị ngộ độc và tiêu chảy. Thịt rã đông bằng lò vi sóng cần phải được nấu chín trước khi để trong ngăn đá tủ lạnh trở lại, vì có thể thịt đã nhiễm vi sinh.
 
Rã đông thịt bằng nồi và nước lạnh: Có một cách rã đông thịt khá phổ biến và tiết kiệm nhiều thời gian đó chính là sử dụng 2 nồi nhôm có đáy phẳng và một ít nước lạnh. Đặt miếng thịt cần rã đông vào giữa hai đáy nồi kim loại, đổ nước lạnh vào nồi ngửa (hình trên). Khoảng 3 đến 7 phút là thịt đã rã đông rồi. Cách làm này hoàn toàn có thể rã đông mà không sợ thịt chín, mất chất dinh dưỡng vì phải ngâm lâu trong nước hay gặp nhiệt độ cao.
 
Dự kiến giảm mức thu phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm
 
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm. Theo đó, Bộ đề xuất giảm mức thu phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.
 
anh-2-1.jpg
Giảm thu phí trong công tác an toàn thực phẩm

 

Dự thảo nêu rõ: Trường hợp đề nghị cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các công việc trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm quy định tại Phần I; Điểm c Mục 1, Mục 2 Phần III; Phần IV Biểu phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm quy định tại Điều 1 Thông tư số 117/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 279/2016/TT-BTC (gọi là Thông tư số 117/2018/TT-BTC) nộp phí bằng 90% mức phí tương ứng quy định tại Điều 1 Thông tư số 117/2018/TT-BTC (mức giảm 10%).
 
Trường hợp đề nghị cơ quan quản lý nhà nước thực hiện các công việc trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm quy định tại Phần II; Điểm a, b, d Mục 1 Phần III; Phần V Biểu phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 279/2016/TT-BTC nộp phí bằng 90% mức phí tương ứng quy định tại Biểu phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 279/2016/TT-BTC (mức giảm 10%).
 
Mức thu trên được áp dụng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2020.
 
Kể từ ngày 01/01/2021 trở đi, nộp phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định tại Điều 1 Thông tư số 117/2018/TT-BTC và Biểu phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm ban hành kèm theo Thông tư số 279/2016/TT-BTC.
 
Dự thảo Thông tư quy định mức thu, nộp phí trong công tác an toàn vệ sinh thực phẩm này là thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
 
Xử lý 17 cơ sở vi phạm kinh doanh tại các điểm dừng, nghỉ trên tuyến quốc lộ 1A
 
Lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 17 cơ sở kinh doanh tại các điểm dừng, nghỉ trên quyến quốc lộ 1A đoạn chạy qua địa bàn huyện Chi Lăng do kinh doanh hàng quá hạn sử dụng; không niêm yết giá hàng hóa; kinh doanh thực phẩm nhập lậu…
 
cl-020620-kiemtra-diem-dung-nghi-1.pngLực lượng chức năng kiểm tra một cơ sở vi phạm kinh doanh. Ảnh: ĐVCC.
 
Dọc hai bên quốc lộ 1A, đoạn chạy qua địa bàn huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn có hơn 20 nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đây là những điểm tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), do đó, công tác kiểm tra, kiểm soát được Đội QLTT số 4 (Cục QLTT Lạng Sơn) chú trọng triển khai thực hiện.
 
Từ đầu tháng 5/2020, đội đã thành lập các tổ công tác, kiểm tra tất cả các cơ sở kinh doanh về điều kiện hoạt động, nguồn nguyên liệu, khâu chế biến và chất lượng sản phẩm bày bán phục vụ khách hàng tại các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Để tăng cường hiệu quả công tác, các tổ công tác Đội QLTT số 4 đã kiểm soát chặt chẽ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm, khâu chế biến và các điều kiện cần thiết đối với những người trực tiếp tham gia chế biến thực phẩm; lập biên bản, xử lý nghiêm theo quy định đối với những lỗi vi phạm và yêu cầu các cơ sở khắc phục các lỗi đã chỉ ra trước khi tiếp tục hoạt động kinh doanh.
 
Theo đánh giá của Đội QLTT số 4, sau khi kiểm tra, xử lý, nhắc nhở, các chủ cơ sở đã nhận thức được các hành vi vi phạm và cam kết khắc phục. Các nhà hàng cam kết kinh doanh thực phẩm đảm bảo chất lượng, thực hiện đầy đủ những quy định về kinh doanh, quy định về ATVSTP, khắc phục những thiếu sót đã được đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 4 nhắc nhở nhất là khâu nhập và chế biến thực phẩm phục vụ khách hàng.
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top