Nhiều vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc đã bị lực lượng chức năng bắt giữ. Mùa hè đã đến, đây là thời điểm bùng phát các bệnh về tiêu hóa, phải tăng cường kiểm tra, xử lý các trường hợp buôn bán, kinh doanh sản phẩm không đảm bảo ATVSTP...
Quảng Ninh: Phát hiện một cơ sở chế biến lòng lợn không đảm bảo ATVSTP
Lực lượng chức năng đã phát hiện cơ sở một chế biến lòng lợn không đảm bảo ATVSTP, thu giữ 1.300kg lòng lợn, trong đó có 900kg đã được sấy khô, 400kg lòng lợn tươi và 80kg phụ gia thực phẩm.
Công an TP Móng Cái cho biết, đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý cơ sở sản xuất, chế biến lòng lợn không đảm bảo vệ sinh an toà n thực phẩm tại thôn 5, xã Quảng Nghĩa, Móng Cái, do bà Nguyễn Thị Xuân, sinh năm 1984, đăng ký hộ khẩu tại thôn 8, xã Quảng Chính, huyện Hải Hà, làm chủ.
Trước đó, vào hồi 14h ngày 13/5, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Công an TP Móng Cái kiểm tra, phát hiện cơ sở này đang hoạt động chế biến, sấy khô lòng lợn.
Qua kiểm tra, bà Xuân không xuất trình được hoá đơn chứng từ, hợp đồng mua bán chứng minh nguồn gốc hợp pháp lòng lợn và phụ gia thực phẩm phục vụ cho việc sản xuất.
Thu giữ hơn 1 tấn thực phẩm nhập lậu tại Cao Bằng
Theo thông tin từ Hải quan tỉnh Cao Bằng, đơn vị này vừa phát hiện và bắt giữ 1 đối tượng đang vận chuyển hơn 1 tấn thực phẩm là gà, vịt, xúc xích và hàng trăm chai bia từ Trung Quốc nhập lậu vào Việt Nam.
Khoảng 20 giờ 45 phút, ngày 17/5, tại xóm Đông Mòn, xã Chí Viễn (Trùng Khánh), Đội Kiểm soát Hải quan, Cục Hải quan tỉnh bắt giữ 1 đối tượng vận chuyển hơn 1 tấn gà, vịt, xúc xích, bia nhập lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam.
Tại thời điểm kiểm tra, tang vật thu giữ hơn 1 tấn gà, vịt đã qua giết mổ, xúc xích và 360 chai bia Trung Quốc.
Bước đầu, đối tượng vi phạm khai tên là Hoàng Văn Cầm (sinh năm 1979), trú tại xóm Nà Sơn, xã Chí Viễn (Trùng Khánh). Số hàng trên được mua từ Trung Quốc rồi vận chuyển bằng xe tải ra TP. Cao Bằng tiêu thụ.
Cục Hải quan tỉnh phối hợp với cơ quan chức năng lập biên bản, tịch thu số hàng và tiêu hủy theo quy định.
Lạng Sơn: Thu giữ 200kg nầm lợn bốc mùi hôi thối đang trên đường đi tiêu thụ
Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn vừa phát hiện xe ô tô mang BKS:12D-001.05 vận chuyển 200 kg nầm lợn không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp và giấy tờ kiểm dịch kèm theo.
Cụ thể, ngày 09/5/2018, qua công tác quản lý địa bàn, Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện và tiến hành kiểm tra xe ô tô biển kiểm soát 12D-001.05 do ông Nông Văn Viện (địa chỉ thôn Vỹ Thượng, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn) có nhiều dấu hiệu nghi vấn.
Tiến hành kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra phát hiện trên xe có vận chuyển 200 kg nầm lợn không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp và giấy tờ kiểm dịch kèm theo.
Quan sát bằng mắt thường số sản phẩm động vật này đã bị biến màu, để ra ngoài thì bị chảy nước đen và bốc mùi hôi thối.
Bước đầu, ông Nông Văn Viện đã khai nhận là chủ của toàn bộ số hàng hóa nói trên, hàng hóa được ông mua với người dân không biết tên, tuổi khu vực thôn Kéo Khám, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn) vận chuyển về các tỉnh phía sau tiêu thu.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản vi phạm hành chính, xử phạt ông Nông Văn Viện về hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu với số tiền là 8,0 triệu đồng, buộc tiêu toàn bộ số nầm lợn trị giá hơn 20 triệu đồng nêu trên theo quy định của pháp luật.
Quản lý an toàn thực phẩm tại TP. Hồ Chí Minh: Chuyển biến tích cực
Là địa phương đầu tiên thí điểm thành lập Ban quản lý An toàn thực phẩm (ATTP), sau hơn một năm hoạt động, mô hình này tại TP. Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả.
Thông tin tại Hội nghị Sơ kết một năm thí điểm thành lập Ban quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh cho thấy, sau một năm đi vào hoạt động thí điểm, Ban quản lý ATTP đã thanh tra, kiểm tra 366 cơ sở, xử lý vi phạm hành chính 79 cơ sở, với số tiền phạt hơn 1 tỷ đồng; phát hiện và ngăn chặn nhiều vụ việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, không bảo đảm an toàn; kiểm tra định kỳ và lấy mẫu giám sát chất lượng của các cơ sở thực phẩm, góp phần hạn chế ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, theo bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý ATTP TP. Hồ Chí Minh- mặc dù, có nhiều cơ quan tham gia quản lý nhưng thực tế, việc xử phạt các cơ sở vi phạm chưa đủ sức răn đe. Ví dụ, trong quy định xử phạt đối với việc sử dụng hóa chất độc hại, cơ quan chức năng chỉ được phép xử phạt đối với trường hợp sử dụng hóa chất ngoài danh mục cho phép. Trong khi, trên thực tế, rất nhiều hóa chất nguy hiểm được sử dụng sai mục đích, liều lượng, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng không thể phạt được.
Hiện nay thời tiết đã chuyển mùa, đây là thời điểm để các loại dịch bệnh liên quan đến đường tiêu hóa bùng phát. Việc các tổ chức và cá nhân vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn, thực phẩm thiu thối để nhằm mục đích lợi nhuận, nhưng gây nguy hại đến sức khỏe của cộng đồng. Đề nghị các lực lượng chức năng cần kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm những hành vi phạm về VSATTP để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe của người tiêu dùng.