Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 7 tháng 1 năm 2021 | 10:54

Tin ATTP: Sẽ công khai thông tin cơ sở vi phạm ATTP dịp Tết 2021

Đây là nội dung có trong Kế hoạch 1993/KH-BCCĐTƯATTP của Ban Chỉ đạo liên ngành TƯ về ATTP, việc triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Tân Sửu và mùa Lễ hội Xuân 2021.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo tăng cường giám sát, thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, sơ chế, giết mổ, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản cũng như các sản phẩm tiêu dùng nhiều trong dịp này. Đó là các cơ sở sản xuất thịt, giò chả, thủy sản, rau, quả...
 
20200827174203-16099114754171580715331-406-51-1694-2112-crop-16099115559301645219987.jpg
Bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng
 
Theo đó, kịp thời phát hiện, xử lý, áp dụng đầy đủ các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và công bố công khai thông tin về các cơ sở vi phạm.
 
Chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giám sát các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản tuân thủ đầy đủ các quy định đảm bảo vệ sinh, ATTP.
 
Hướng dẫn người dân nhận biết sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng ATTP..., đẩy mạnh công tác giới thiệu, quảng bá, địa chỉ bán sản phẩm chất lượng, an toàn để người tiêu dùng biết, lựa chọn.
 
Hà Nội: Kiểm soát thực phẩm ngay từ ''đầu vào''
 
Trong dịp Tết Nguyên đán (tăng 20-30% so với các tháng khác) nên việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng rau, thịt... bán ra thị trường, cũng như việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ nông sản vẫn là một thách thức.
 
thucpham2.jpgĐoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra nguồn gốc nông sản tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Hương Giang
 
Nhận định về nguy cơ mất an toàn thực phẩm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường thông tin, từ ngày 15/12/2020 đến nay, các đơn vị của Sở đã lấy 42 mẫu để giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm ở các vùng sản xuất, phát hiện 2 mẫu thịt nhiễm chỉ tiêu Salmonella (loại vi trùng có thể gây chứng bệnh ở đường tiêu hóa của người và động vật) vượt ngưỡng cho phép. Mặt khác, qua kiểm tra thực tế tại các chợ đầu mối như: Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm), chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai)... cho thấy nhiều tiểu thương chưa tuân thủ việc ghi chép sổ sách nhật ký, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa…
 
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết: Thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản, thực phẩm từ vật tư đầu vào (vật tư nông nghiệp) đến sơ chế, chế biến, tiêu thụ trên thị trường. Trong đó, tập trung vào những mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân như rau, thịt, cá... Cùng với đó là tăng cường giám sát nguồn gốc xuất xứ các mặt hàng nông sản, thực phẩm từ các tỉnh, thành phố đưa về Hà Nội tiêu thụ.
 
TP. HCM: Siết an toàn thực phẩm dịp cận tết
 
Theo Ban Quản lý ATTP TP.HCM, thời điểm từ nay đến sát tết, công tác kiểm soát ATTP được tăng cường và siết chặt hơn nữa.
 
 
e4a_hdlb.jpgĐoàn kiểm tra liên ngành ATTP kiểm tra xuất xứ hàng hóa cung ứng tết tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, quận Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
 
Theo bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý ATTP TP.HCM, từ nay đến cuối tháng 3-2021, ban thành lập các đoàn kiểm tra chuyên ngành, liên ngành tuyến thành phố, tập trung kiểm tra những doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm, các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống. Đặc biệt, kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp tết như: thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh mứt, kẹo, rau, củ quả, phụ gia thực phẩm, thực phẩm đông lạnh nhập khẩu… và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
 
Bên cạnh đó, các quận huyện trên địa bàn TP.HCM cũng thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tuyến quận - huyện, tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, cơ sở dịch vụ ăn uống có quy mô là hộ kinh doanh. Phối hợp với các đoàn kiểm tra của thành phố tiến hành kiểm tra, xử lý việc chấp hành các quy định đảm bảo ATTP tại cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn
 
Ngoài ra, để phòng chống dịch Covid-19, Ban quản lý ATTP TP.HCM khuyến cáo các nhà ăn tập thể tổ chức ăn theo ca, không ăn đông người; các nhà hàng không phục vụ khách quá đông; những người phục vụ nấu ăn nếu bị ho, sốt phải nghỉ và đi xét nghiệm
 
Thu giữ hơn 4 tấn bánh quy hết hạn thay “date” sắp tuồn ra thị trường
 
Hơn 4 tấn bánh quy có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ, sản xuất từ năm 2018 và hết hạn tháng 2 năm 2020 đã được một chủ cơ sở bánh kẹo tại Hoài Đức, Hà Nội “biến hóa” bằng cách dập date mới cho loại bánh này.
 
banh-quy-het-han-8852.jpg
Các lực lượng chức năng thu giữ sản phẩm bánh quá "date"
Vụ việc vừa được Đội cảnh sát kinh tế, ma túy công an huyện Hoài Đức – Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 24, Cục Quản lý thị trường Hà Nội phát hiện, thu giữ
 
Kiểm đếm thực tế tại cơ sở này, lực lượng chức năng ghi nhận hơn 3 tấn bánh quy yến mạch hiệu “Torku” có nguồn gốc xuất xứ trên bao bì từ Thổ Nhĩ Kỳ đã hết hạn sử dụng từ tháng 2-2020 đang được công nhân “gia hạn sử dụng” bằng máy dập date có sẵn tại doanh nghiệp.
 
Ngoài ra, tại đây còn có nhiều loại máy móc khác như máy in, máy đóng gói bao bì, sản phẩm cùng hàng loạt các loại túi, vỏ hộp để đựng, đóng gói sản phẩm.
 
Đây là Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Quang có trụ sở chính tại Đội 4, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội do ông Lê Văn Hướng là đại diện theo pháp luật.
 
Đây không phải là vụ việc đầu tiên được các lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ, những vụ việc này đã xảy ra nhiều và đặc biệt vào những thời điểm giáp Tết, nhu cầu tiêu thụ tăng cao, những đối tượng này đã bất chấp sự an toàn đến sưc khỏe của người dân để thực hiện những hành vi vừa vô đạo đức vừa vi phạm pháp luật. Do vậy, cần phải xử lý thật nghiêm minh, nếu có đủ yếu tố cấu thành cần phải truy tố về hành vi này.
 
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top