Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ bảy, ngày 20 tháng 4 năm 2024  
Chủ nhật, ngày 1 tháng 3 năm 2020 | 17:56

Tin ATTP: Thực phẩm chức năng không phải là thuốc để điều trị Covid-19

Rất nhiều thông tin được đăng tải trên mạng xã hội về thực phẩm chức năng có khả năng chữa được dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên, những thông tin naỳ đều là những thông tin giả mạo để lừa đảo người tiêu dùng.

Người dân cần là người tiêu dùng thông minh để tìm hiểu cặn kẽ, tránh mọi loại thực phẩm bảo vệ sức khỏe được quảng cáo thổi phồng trên mạng xã hội, đồng thời chủ động sử dụng thực phẩm an toàn để tăng sức đề kháng cho cơ thể.
 
Thực phẩm chức năng không phải là thuốc điều trị bệnh
 
Hiện, trên các mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, người dân dễ dàng bắt gặp những lời tư vấn, cùng với đó là hàng trăm loại thực phẩm chức năng, thuốc bổ, sản phẩm chống vi rút được ví như những "thần dược" chống lại Covid-19. Đó là: Vitamin C-Premium Vita C Jeju (Hàn Quốc) có giá 280.000 đồng/hộp 278 viên; vitamin C Nature'S Way 500mg (Australia) giá 440.000 đồng/lọ; thuốc Tamiflu (Nga) giá 890.00 đồng/hộp 10 viên; nước tỏi đen Hàn Quốc giá 500.000 đồng/hộp 30 gói; nước súc miệng "tận diệt vi khuẩn" giá 185.000 đồng/chai... dành cho người lớn. Các sản phẩm chăm sóc sức khỏe trẻ em cũng nhiều vô kể như thuốc tăng đề kháng, sữa tắm "chống cảm cúm, phòng ốm vặt", sữa tắm "ngừa cảm lạnh" của Nga...
 
banthuoc1.jpg
Thực phẩm chức năng có khă năng chữa  được Covid-19 được rao bán trên mạng

 

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát hiện và đưa ra lời cảnh báo đối với nhiều trang web quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung lừa dối hoặc gây hiểu lầm là có tác dụng chữa bệnh.
 
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, thực phẩm chức năng dùng để hỗ trợ sức đề kháng cho cơ thể, làm giảm nguy cơ mắc bệnh. Các loại thực phẩm chức năng thường thấy là thực phẩm bổ sung, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, nhưng dù là loại nào thì cũng không phải là thuốc điều trị bệnh.
 
Bác sỹ Lại Thanh Hà, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Thanh Nhàn khẳng định, vi rút SARS-CoV-2 gây ra dịch Covid-19 là một chủng mới - hiện vẫn đang được các nhà khoa học trên thế giới nghiên cứu, chưa có vắc xin và thuốc điều trị. Do vậy, người dân cần lưu ý, không nên sử dụng các loại thực phẩm chức năng trôi nổi được quảng cáo rùm beng trên mạng xã hội là có khả năng điều trị bệnh do vi rút SARS-CoV-2 gây ra.
 
Thận trọng đối với những lời đồn thổi
 
Tài khoản Facebook Pham Ha Ngoc Phuong không ngần ngại khẳng định sự thần kỳ của sản phẩm xịt kháng khuẩn Vitatree của Australia: "Một trong những biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả là xịt họng bằng keo ong Vitatree hằng ngày để tăng cường đề kháng. Bằng chứng là ca nhiễm Covid-19 thứ 2 đã được chữa khỏi tại Việt Nam và bất ngờ khi bác sĩ nói "cách điều trị đơn giản là cho súc họng"... Hoặc tài khoản Thúy Hằng thì đăng công khai thuốc Anaferon - tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa các bệnh viêm đường hô hấp, cảm cúm, phòng, chống dịch Covid-19...
 
banthuoc2.jpg
Người tiêu dùng tìm mua thuốc cần cẩn trọng
 
Trong khi đó, tại "chợ" thuốc Hapulico, số 85 Vũ Trọng Phụng (quận Thanh Xuân) và các cửa hàng thuốc tại phố Ngọc Khánh (quận Ba Đình), nhu cầu tìm mua thực phẩm chức năng, thuốc phòng bệnh của người dân cũng tăng mạnh. Chị Nguyễn Thu Hằng, nhân viên bán hàng ở "chợ" thuốc Hapulico cho biết, các loại thuốc ngừa nhiễm khuẩn tái phát đường hô hấp như: Broncho-Vaxom, vitamin C, vitamin tổng hợp... đều bán rất chạy.
 
Tuy nhiên, các thực phẩm chức năng, thuốc được rao bán với thông tin thường rất sơ sài, xuất xứ không rõ ràng và chưa được kiểm chứng.
 
Ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục An toàn thực phẩm) khẳng định, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo có dấu hiệu vi phạm trên các trang web hay tài khoản Facebook. Khi phát hiện sai phạm, nếu xác định được chủ thể, Cục tiến hành xử lý vi phạm hành chính tại Điểm b, Khoản 4, Điều 70 của Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, với mức phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với cá nhân và gấp 2 lần đối với tổ chức.
 
GS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, để phòng và chống Covid-19, người dân phải bảo đảm chế độ ăn uống với các loại thực phẩm sạch, an toàn và đầy đủ dưỡng chất cũng như giữ gìn vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày. Cụ thể, để tăng cường hệ miễn dịch, người dân nên cung cấp đủ chất đạm (protein) cho cơ thể như các loại cá, thịt gà, bò, trứng, sữa, đậu, đỗ...; cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết; ăn nhiều nhóm thực phẩm chứa flavonoid như rau súp lơ xanh, cải xanh, táo, trà xanh...; tăng cường sử dụng một số thực phẩm, gia vị như nấm, tảo biển, tỏi, hành, nghệ, sả; bổ sung vi chất dinh dưỡng.
 
Theo PGS.TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, để có một cơ thể khỏe mạnh thì nên có chế độ ăn đa dạng, bổ sung thêm các nhóm thực phẩm giúp hỗ trợ hiệu quả hệ miễn dịch. Chế độ dinh dưỡng đúng trước hết là chế độ ăn hợp lý, đáp ứng được nhu cầu theo độ tuổi, giới, mức độ lao động, và lưu ý với những người có nhu cầu cao hơn mức bình thường như phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, trẻ em (hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh), người già (sức đề kháng yếu).
 
 
thucpham.jpg
Bổ xung dinh dưỡng là điều kiện để ngăn ngừa dịch bệnh
 
Ngoài việc bổ sung dinh dưỡng từ bữa ăn, mỗi người nên duy trì chế độ vận động, tập thể dục thường xuyên tại nơi có môi trường thông thoáng. Cùng với đó, cần hiểu rằng giấc ngủ giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với việc duy trì sức khỏe. Việc mất ngủ, ngủ không đủ giấc làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến sức đề kháng kém đi. Chính vì vậy, trong thời gian có dịch Covid-19, mọi người không nên hoang mang đến nỗi mất ăn mất ngủ, dẫn đến mệt mỏi, khiến chúng ta dễ trở thành nạn nhân của vi rút SARS-CoV-2.
 
 
Ngọc Thủy (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top