Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ sáu, ngày 22 tháng 11 năm 2024  
Thứ năm, ngày 26 tháng 3 năm 2020 | 15:5

Tin ATTP: Xử lý nghiêm các đối tượng kinh doanh TP không an toàn

Vừa qua, các lực lượng chức năng vừa phát hiện khoảng 50 tấn nội tạng động vật không nguồn gốc cùng các bao tải dứa, chất tẩy rửa, tẩm ướp... bên trong một trang trại trên địa bàn TP. Chí Linh,

Điều đáng lên án là khi lực lượng chức năng đến cơ sở này yêu cầu được kiểm tra, những người trong trang trại này đã đóng kín cửa và ngăn đoàn công tác. Lực lượng chức năng phải sử dụng biện pháp nghiệp vụ để xâm nhập vào bên trong trang trại.
 
noi-tang-15848749542801179211664.jpg
Khu vực nhà kho chứa 50 tấn nội tạng bị lực lượng chức năng kiểm tra
Theo thông tin từ các cơ quan chức năng, khoảng 17h30 ngày 20-3, chính quyền địa phương phát hiện việc vận chuyển lượng nội tạng động vật khá lớn về trang trại của một người dân, tại khu dân cư Giang Hạ, phường Tân Dân, TP Chí Linh. Toàn bộ số nội tạng này được cho vào bên trong một khu nhà kho có diện tích khoảng 60m2, ước tính tổng số nội tạng này lên tới 50 tấn.
 
Ngoài số nội tạng ra, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều can loại can, thùng màu xanh, bao tải dứa (nghi là chất tẩy rửa và chất tẩm ướp). Khu vực trong và ngoài trang trại tại thời điểm kiểm tra bốc lên mùi hôi thối, đầy ruồi nhặng.
 
Trên bao bì lô hàng toàn ghi chữ Trung Quốc hoặc được đóng kín trong các thùng xốp không nhãn mác. Những người được cho là đang quản lý trang trại không xuất trình được nguồn gốc và tính pháp lý của lô hàng.
 
Lãnh đạo TP Chí Linh cho biết đây là khu vực trang trại của ông Trần Lợi (46 tuổi, trú tại phường Tân Dân, TP Chí Linh) được giao để thực hiện việc sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Vừa qua, do ảnh hưởng dịch bệnh, hoạt động sản xuất kinh doanh ở đây phải dừng lại.
 
Sau khi lập biên bản, chiều ngày 21-3, ông Huy đã đến làm việc với cơ quan chức năng và cung cấp 11 giấy tờ liên quan của Công ty TNHH sản xuất thương mại và dịch vụ Trường Huy. Theo ông Huy, số nội tạng nói trên là mua chung cùng với ông Lợi để về làm thức ăn cho gia súc.
 
Mua lợn chết rồi quay bán cho khách
 
Chiều 23/3, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Hà Tĩnh phối hợp cùng đơn vị liên quan kiểm tra cơ sở chuyên quay lợn của ông Nguyễn Văn Vinh (ở xã Thạch Bình, TP Hà Tĩnh).
 
1a0.png
Lực lượng chức năng Hà Tĩnh thu giữ 3 con lợn chết tại cơ sở này

 

Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 3 con lợn trọng lượng 15 kg/con đã cạo sạch lông, da tím tái, không đảm bảo an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm.
 
Làm việc với công an, ông Vinh không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số lợn này. Chủ cơ sở khai lợn này đã chết từ trước, được thu mua với giá rẻ từ người đàn ông lạ mặt mang từ nơi khác đến.
 
Cảnh sát đã lập biên bản vi phạm và tịch thu 3 con lợn chết để tiêu hủy.
 
"Địa bàn này đang có dịch tả lợn châu Phi nên việc cơ sở dùng lợn chết quay rồi bán lại cho khách hàng là rất nguy hiểm” một cán bộ cảnh sát môi trường Hà Tĩnh cho biết.
 
TP. HCM ra văn bản khẩn về dịch vụ ăn, uống
 
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống trên địa bàn TP. HCM chỉ phục vụ cho tối đa 30 người trong cùng thời điểm
 
dong-cua-quan-an-1585132476446628036783.jpg
TP HCM yêu cầu các cơ sở kinh doanh tạm ngừng hoạt động
Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM vừa có văn bản khẩn đề nghị UBND 24 quận, huyện triển khai hướng dẫn cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống trên địa bàn thực hiện chỉ đạo của UBND TP. HCM về việc tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn. Văn bản do bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP. HCM, ký ngày 25-3.
 
Theo đó, các cơ sở dịch vụ ăn uống (cửa hàng, quầy hàng, quán ăn, nhà hàng, thức ăn đường phố, căng tin cơ quan, bệnh viện) phải thực hiện nghiêm việc hạn chế tụ tập đông người, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và các nguyên tắc phòng chống dịch. Cụ thể, các cơ sở trên chỉ được phục vụ cho tối đa 30 người ăn uống trong cùng thời điểm và khuyến khích các hình thức đặt hàng, bán hàng qua điện thoại, qua mạng, giao hàng tận nơi.
 
Riêng các cơ sở chế biến suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể của công nhân vẫn hoạt động bình thường nhưng phải có các biện pháp bảo đảm an toàn phòng dịch cho người ăn, giảm số lượng người sử dụng suất ăn trong cùng thời điểm
 
Bên cạnh đó, Sở Công Thương TP HCM đã xây dựng kế hoạch cung cấp thực phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn.
 
Có tổng cộng 3 tình huống được đặt ra để xác định nhu cầu thực phẩm thiết yếu hằng ngày.
 
Cụ thể, tình huống 1 giả định có 100 người bệnh, 10.000 người cách ly, TP HCM sẽ có 13.700 người cần được phục vụ với 41.100 suất ăn mỗi ngày.
 
Tình huống 2 giả định 300 người bệnh, 20.000 người cách ly sẽ có đến 28.600 người cần được phục vụ với 85.800 suất ăn mỗi ngày.
 
Tình huống 3 được xây dựng khi có 500 người bệnh, 40.000 người cách ly thì số lượng người cần phục vụ lên đến 56.000 người, cần đến 186.000 suất ăn mỗi ngày.
 
78c6c0eeaa3951670828-1585117225815754724224.jpg
Nhân viên Co.opXtra Linh Trung chuẩn bị thức ăn để giao cho khu cách ly ở Đại học Quốc gia TP. HCM
 
Tương ứng với mỗi tình huống, Sở Công Thương TP dự trù chi tiết lượng rau củ; thịt heo, gà; cá, trứng, gạo, nước uống cần dùng để trên cơ sở đó có phương án chuẩn bị nguồn cung bảo đảm đủ sử dụng khi cần.
 
Hiện tại, suất ăn miễn phí và nhu yếu phẩm cho người bị cách ly, lực lượng y – bác sĩ, điều dưỡng, người phục vụ tham gia chống dịch trên địa bàn TP HCM do Sở Công Thương phối hợp Sở Y tế cung cấp.
 
Kế hoạch cũng được xây dựng trên 3 tình huống. Thứ nhất, khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, có nguy cơ xuất hiện trường hợp nhiễm mới trên địa bàn TP. Thứ hai, dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, tiếp tục xuất hiện trường hợp nhiễm trên địa bàn TP. Thứ ba, dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
 
Trong cả 3 tình huống, Sở Công Thương luôn bám sát diễn biến thị trường, sẵn sàng phối hợp, điều phối các đơn vị, doanh nghiệp bình ổn thị trường, hệ thống phân phối đảm bảo cung ứng hàng hóa kịp thời, đầy đủ, liên tục.
 
 
Ngọc Thủy (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top