Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ hai, ngày 13 tháng 4 năm 2020 | 11:1

Tin Ngư nghiệp: Giá hải sản giảm mạnh, xuất khẩu gặp khó

Do Dịch Covid-19, nên giá nhiều loại hải sản đang giảm mạnh, tình hình xuất khẩu cũng gặp khó.

Theo Sở Nông nghiệp &PTNT Bình Định, giá tôm hùm, tôm thẻ chân trắng, cá ngừ đại dương, mực đang giảm mạnh.

 

bđ-9.jpg

Ngư dân Hoài Nhơn chuyển cá ngừ từ tàu lên bờ

 

Theo đó, giá tôm thẻ chân trắng chỉ còn 75.000 đồng/kg loại 100 con/kg, giảm 35.000 đồng/kg, so thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19; giá tôm hùm bông thương phẩm loại I (1con/kg) giá 1,2-1,4 triệu đồng/kg, giảm từ 7-10%.

Tương tự, cá ngừ đại dương hiện cũng chỉ còn 88.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; mực xà còn 8.000 đồng/kg, giảm 14.000 đồng/kg.

Khánh Hoà: Xuất khẩu thủy sản gặp khó  

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp (DN) đã tạm ngưng hoặc thu mua số lượng ít. Khiến giá cá sụt giảm, nhiều chủ tàu thua lỗ, đang tính chuyện cho tàu nằm bờ.

 

k-h-3-xk.jpg

Nhiều tàu cá neo lại cảng Hòn Rớ, chưa vươn khơi do sợ thua lỗ

 

Hiện, tại cảng Hòn Rớ (TP. Nha Trang), một số chủ tàu quyết định cho tàu nằm bờ. Thậm chí trên đường đến cảng Hòn Rớ, chúng tôi bắt gặp không ít chủ tàu rao bán “cần câu cơm” của gia đình.

Ông Lê Văn Tân (Hòn Rớ, Nha Trang) cho hay: “Chuyến biển tháng 3, ngư dân hầu hết hòa đến lỗ vốn. Như tàu câu cá ngừ đại dương của tôi chỉ câu được 12 con, sản lượng giảm 40% so chuyến biển trước.

Chuyến biển tháng 2, tại cảng Hòn Rớ đạt 110.000 đồng/kg, chuyến này chỉ còn 90.000 đồng/kg. Tính ra, đi hơn 20 ngày chỉ thu được hơn 50 triệu đồng, lỗ mấy chục triệu đồng”.

Nhiều tàu câu cá ngừ vây vàng, mắt to cập cảng Hòn Rớ, thời gian qua cũng có sản lượng thấp, chỉ đạt 60 - 70% so chuyến biển trước.

Trong khi đó, các tàu lưới cản đường dài, khai thác cá ngừ sọc dưa, khả quan hơn, sản lượng và giá bán tương đương chuyến biển trước. Tại cảng Hòn Rớ có hơn 100 tàu cập cảng trung bình đạt 5 - 10 tấn cá/tàu.

Lượng cá ngừ sọc dưa cập cảng, chủ yếu được bán tại chợ, nên giá cá tuy giảm 4 - 5.000 đồng/kg so tháng trước, nhưng một số chủ tàu vẫn có lãi nhờ giá xăng dầu (chiếm 50% tổn phí chuyến biển) giảm mạnh.

Một số nậu vựa thu mua cá tại Hòn Rớ cho biết, nguyên nhân giá cá ngừ đại dương giảm, là do xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 

Riêng cá ngừ sọc dưa, nhờ tàu rút ngắn thời gian hoạt động, chỉ còn 10 - 12 ngày/chuyến biển, chất lượng cá đảm bảo, nên chủ yếu được tiêu thụ nội địa, giá cá nhờ đó không giảm, vẫn duy trì mức khá cao.

Song, các chủ nậu cho rằng, dịch bệnh vẫn rất phức tạp, các DN chế biến, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục gặp khó, nên khả năng giá cá sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng ban Quản lý cảng cá Hòn Rớ cho biết,  cảng có khoảng 30 DN, nậu vựa thuê mặt bằng để thu mua cá, từ các tàu cập cảng Hòn Rớ. Do xuất khẩu gặp khó, nên trong tháng 3 đã có 3 nậu vựa trả mặt bằng; 2 DN chuyên thu mua cá ngừ vây vàng mắt to, tạm ngừng, một số khác thu mua cầm chừng.

Đây là lý do giá cá ngừ đại dương xuống thấp. Song, so với một số tỉnh thì giá cá ngừ đại dương, cá ngừ sọc dưa tại Khánh Hòa vẫn cao hơn 4.000 - 5.000 đồng/kg.

Theo ông Võ Khắc Én - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, toàn tỉnh có 44 DN chế biến, xuất khẩu thủy sản được Bộ Nông nghiệp cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành.

Song, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xuất khẩu của các DN gặp rất nhiều khó khăn. 3 tháng đầu năm, toàn tỉnh chỉ có 173 lô hàng, với 611 tấn hải sản các loại, được cấp chứng nhận thủy sản khai thác, để xuất khẩu. Chỉ thu được khoảng 114,3 triệu USD, giảm 14,21% so cùng kỳ năm trước.

Sản lượng khai thác không cao, cộng với giá thấp, khiến nhiều tàu cá không đạt hiệu quả. Ngư dân lo ngại nếu tiếp tục vươn khơi, sẽ thua lỗ, do đó, một số chủ tàu đang tính chuyện cho tàu nằm bờ.

Lãnh đạo Ban Quản lý cảng Hòn Rớ cho hay, hiện đã có một số tàu cá nằm bờ. Ban Quản lý đang rà soát, nắm bắt cụ thể số lượng tàu nằm bờ, hoạt động của các nậu vựa trong cảng, để báo cáo cấp trên, có hướng sản xuất phù hợp tình hình hiện nay.

Quảng Nam: Nâng cao hiệu quả khai thác hải sản

Xã Bình Minh hiện có 119 tàu thuyền, tổng công suất 54.800CV, trong đó có 97 phương tiện có công suất từ  90CV trở lên. Đội tàu tham gia đánh bắt hải sản xa bờ của xã là 55 chiếc.

 

qn-191.jpg

 Xã Bình Minh đề xuất huy động nguồn lực, đầu tư cảng cá Tân An. Ảnh: VIỆT QUANG

 

Tổng sản lượng hải sản ngư dân sản xuất được từ đầu năm đến nay gần 300 tấn, giá trị ước đạt hơn 11,65 tỷ đồng. Mặc dù, thời tiết không thuận lợi nhưng ngư dân vẫn cần cù bám biển, giá hải sản ổn định, thu nhập khá cao.

“Nghề lưới chụp đang ăn nên làm ra, chuyến biển chừng 10 ngày, với 10 bạn biển, thu được hàng chục tấn mực. Chủ tàu thu gần 100 triệu đồng/chuyến, mỗi bạn biển được chia hơn 10 triệu đồng/chuyến, sau khi trừ chi phí” - ngư dân Trần Công Hùng (thôn Tân An, xã Bình Minh) - chủ tàu cá QNa-94779, công suất 750CV cho biết.

Ông Phan Phước Đồng - Chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho biết, để nâng cao hiệu quả đánh bắt, địa phương khuyến khích ngư dân sản xuất theo mô hình tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản.

Các tổ, đội này liên kết chặt chẽ với đội tàu cá hậu cần nghề cá, nhằm tăng thời gian bám biển, giảm chi phí các chuyến biển.

Theo đó, tàu hậu cần thu mua hải sản, trở về bờ bán rồi mua nhiên liệu, nhu yếu phẩm ở bờ, đem ra biển bán lại cho ngư dân phục vụ sản xuất.

Qua tổ, đội đoàn kết khai thác hải sản, ngư dân còn hỗ trợ nhau khi gặp sự cố trên biển, cứu hộ cứu nạn, lai dắt tàu gặp nạn về bờ, hạn chế thiệt hại người, phương tiện.

“Để chuyên nghiệp hóa nghề cá, chúng tôi tuyên truyền ngư dân đầu tư, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, để quản lý tốt nghề cá. Khi sản xuất, ngư dân cần tuân thủ quy định của pháp luật, góp phần cùng cả nước gỡ “thẻ vàng” thủy sản, bị Ủy ban châu Âu phạt từ năm 2017” - ông Phan Phước Đồng nói.

Để nâng cao hiệu quả khai thác, xã Bình Minh tiếp tục hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu đội tàu, theo hướng tăng năng lực tàu cá khai thác xa bờ, với các nghề sản xuất khá như lưới vây, nghề câu, lưới chụp...

“Chúng tôi kiến nghị huyện, tỉnh huy động nguồn lực, để xây dựng cảng cá Tân An - trung tâm hậu cần nghề cá của xã, để giúp ngư dân sản xuất thuận tiện hơn, bán hải sản tốt hơn.

Chúng tôi kêu gọi, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư, nâng cấp, phát triển các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá, đẩy mạnh đa dạng hóa hải sản sau chế biến, để tăng giá trị kinh tế ” - ông Phan Phước Đồng cho biết.

Khánh Hoà: Những quy định ngư dân cần ghi nhớ

Khánh Hòa là địa phương có nghề khai thác, đánh bắt thủy sản mạnh ở miền Trung. Qua rà soát, toàn tỉnh có khoảng 4.079 tàu, trong đó tàu có chiều dài từ 15m trở lên: 814 tàu; sản lượng khai thác hàng năm trên 96.000 tấn; lao động trực tiếp khoảng 33.000 người.

 

kh-66.jpg

Ngư dân cần ghi nhớ quy định  trước lúc ra khơi

 

Ngoài ra, còn có 44 doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu đến 64 thị trường trên thế giới. Vì thế,  thực hiện nghiêm việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU).

Khắc phục thẻ vàng IUU của châu Âu (EC), và các văn bản của Tỉnh về chống khai thác IUU, sẽ giúp nghề cá phát triển bền vững.

Để khắc phục “thẻ vàng”, chống khai thác IUU, hàng loạt giải pháp cải thiện nghề cá, đã được các ngành, địa phương tích cực triển khai.

Trong đó, có việc lập danh sách, tăng cường theo dõi, quản lý chặt số tàu hoạt động vùng biển xa, xuất nhập bến tại các địa phương; phối hợp chia sẻ thông tin kịp thời. Nâng cao nhận thức cho ngư dân; kiểm soát hoạt động tàu cá; đảm bảo truy xuất nguồn gốc, ATVS thực phẩm thủy sản...

Nhờ đó, việc chống khai thác IUU, khắc phục “thẻ vàng” đạt kết quả tích cực. Nghề cá dần được vận hành theo đúng quy định của Luật Thủy sản, khuyến cáo của EC.

Đặc biệt, việc vi phạm vùng biển nước ngoài, đã chấm dứt từ cuối năm 2018; việc kiểm soát, truy xuất, xác nhận nguồn gốc thủy sản thực hiện nghiêm túc; quản lý hoạt động tàu cá cũng hiệu quả hơn…

Theo ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản, để chống khai thác IUU, khắc phục “thẻ vàng” hiệu quả, vẫn là ngư dân khai thác trên biển.

Vì vậy, mỗi chủ tàu, ngư dân cần ghi nhớ các quy định tối thiểu khi ra khơi. Phải có Giấy phép khai thác thủy sản; treo cờ Việt Nam khi hoạt động.

Tuyệt đối không sử dụng nghề, ngư cụ khai thác bị cấm; không vi phạm khai thác bất hợp pháp; tham gia cứu hộ, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển.

Chủ tàu cá 12m trở lên, phải ghi nhật ký khai thác, và nộp theo quy định; tàu 15m trở lên, phải lắp thiết bị giám sát hành trình; và phải hoạt động liên tục 24/24 giờ sau khi rời cảng.

Thiết bị giám sát hành trình phải kết nối với Hệ thống Giám sát tàu cá Trung ương và 28 tỉnh ven biển; tự động truyền qua hệ thống vệ tinh tối thiểu 2 giờ/lần (đối với tàu 24m trở lên) và 3 giờ/lần đối với tàu 15 - 24m.

Dữ liệu giám sát tàu cá, được sử dụng làm căn cứ xử phạt, xử lý tranh chấp trên biển, nên thiết bị phải lưu trữ được số lượng vị trí tối thiểu theo chuyến biển, để hỗ trợ giải quyết.

Trước khi cập cảng, tàu cá phải thông báo ít nhất 1 giờ. Đối với tàu khai thác ngoài vùng biển Việt Nam, phải có mã số của Tổ chức Hàng hải quốc tế, và có văn bản chấp thuận, hoặc giấy phép của Tổng cục Thủy sản.

 

 

An Như (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top