Kinh tế nông thôn
Kinh tế nông thôn
Thứ năm, ngày 25 tháng 4 năm 2024  
Thứ sáu, ngày 11 tháng 12 năm 2020 | 15:22

Tin NN ĐBSH: Tập trung sản xuất và chuẩn bị nguồn thực phẩm cung ứng dịp Tết

Chỉ còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các địa phương đang dồn sức sản xuất và tăng cường kiểm soát đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn phục vụ thị trường Tết.

Hưng Yên: Xây dựng các vùng hoa, cây cảnh tập trung 

Với lợi thế đất đai màu mỡ, gần thị trường thủ đô Hà Nội, nông dân một số vùng có trình độ, kinh nghiệm thâm canh cao, đồng thời được sự quan tâm của các cấp, các ngành về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, những năm gần đây, diện tích trồng hoa, cây cảnh của tỉnh phát triển mạnh, từ đó hình thành nhiều vùng trồng tập trung quy mô lớn như vùng trồng hoa thuộc các xã: Xuân Quan, Phụng Công, quất cảnh xã Mễ Sở (Văn Giang)... mang lại giá trị, hiệu quả kinh tế cao.

 

kcresult_20201208162548-1.JPG
Mô hình trồng bưởi cảnh ở huyện Khoái Châu.

 

Tại địa phương, nhiều tập thể, cá nhân đã mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trồng hoa trong nhà lưới, nhà màng vừa hạn chế được tác động bất lợi của thời tiết, sâu bệnh, vừa bảo đảm năng suất, chất lượng; trồng cây cảnh trong chậu...  Theo những hộ trồng hoa trên địa bàn huyện, mức đầu tư cho hoa cúc từ 180 - 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt 200 triệu đồng/ha/năm trở lên. Đầu tư 1ha cây quất cảnh từ 200 - 250 triệu đồng, lợi nhuận đạt 250 - 300 triệu đồng/ha/năm...

Theo kết quả khảo sát năm 2019 của cơ quan chức năng, diện tích trồng hoa toàn tỉnh đạt 978,6ha, cây cảnh 877ha, trong đó diện tích trồng hoa tập trung có 661ha tại 30 vùng, diện tích cây cảnh tập trung khoảng 775 ha tại 26 vùng, còn lại được trồng phân tán tại các xã, phường, thị trấn với quy mô sản xuất nhỏ lẻ, một số mới được chuyển đổi từ diện tích các cây trồng kém hiệu quả hoặc sản xuất 1 vụ trong năm.

So với lúa và nhiều loại cây trồng khác, chi phí đầu tư trồng hoa lớn nhưng cho thu nhập cao, cụ thể, lợi nhuận từ sản xuất hoa hồng, hoa cúc đạt 200 - 220 triệu đồng/ha/năm, hoa đồng tiền đạt 180 - 190 triệu đồng/ha/năm, hoa ly trồng trong nhà lưới đạt 1,2 – 1,5 tỷ đồng/ha/năm, hoa giỏ treo đạt 20 - 30 nghìn đồng/giỏ hoa hải đường, hoa trà đạt 180 - 200 triệu đồng/ha, cây quất cảnh 250 - 300 triệu đồng/ha…

Đồng chí Nguyễn Văn Kiên, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: Trên cơ sở đánh giá thực trạng sản xuất hoa, cây cảnh trên địa bàn tỉnh và dự báo nhu cầu thị trường hoa, cây cảnh trong những năm tới, đặc biệt là thị trường Hà Nội, trung tâm đã thực hiện nhiều giải pháp như tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất hoa, xây dựng mô hình khảo nghiệm, trình diễn để giúp nông dân học tập, áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đang đảm nhiệm Đề án Phát triển vùng sản xuất cây ăn quả, hoa, cây cảnh hàng hóa tập trung giai đoạn 2020 – 2025. Mục tiêu của đề án nhằm phát triển cây ăn quả, hoa, cây cảnh của tỉnh theo hướng chuyên canh, gắn kết chặt chẽ sản xuất với công nghiệp bảo quản, chế biến và thị trường tiêu thụ, đạt năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm và tăng thu nhập cho các hộ sản xuất, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phấn đấu đến năm 2025, mở rộng thêm 500ha hoa, 130ha cây cảnh và một số vùng sản xuất hoa, cây cảnh tập trung tại các huyện: Văn Lâm, Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Kim Động... Giai đoạn 2021 – 2025, đề án sẽ đầu tư một phần kinh phí từ ngân sách để khuyến khích người dân mở rộng trồng mới và xây dựng mô hình.

Thanh Hóa: Chuẩn bị gia cầm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi gia cầm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang tích cực tái đàn, tăng đàn, chuẩn bị mọi điều kiện để cung cấp cho thị trường sản phẩm có chất lượng tốt, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Sau khi xuất bán lứa gà thứ 2 trong năm, gia đình anh Mai Văn Khanh, xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy) vệ sinh chuồng trại, phun tiêu độc, khử trùng để thả nuôi hơn 3.000 con gà phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán.

 

176d2175738t71031l0.jpg
Người chăn nuôi xã Cẩm Tâm (Cẩm Thủy) đang tích cực chăm sóc gia cầm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Anh Khanh cho biết: Với kinh nghiệm chăn nuôi nhiều năm, trong thời điểm thời tiết chuyển mùa, các loại dịch bệnh có điều kiện phát sinh trên đàn vật nuôi nên trước khi thả nuôi, gia đình tôi thường gia cố lại chuồng trại, che bạt xung quanh, thay vì mỗi ngày thả gà ra ngoài nắng như trước thì chuyển sang nuôi nhốt, để khi nhiệt độ xuống thấp không ảnh hưởng tới sức khỏe đàn gà. Gà giống trước khi thả nuôi được kiểm tra sức khỏe, tiêm vắc-xin để phòng tránh dịch bệnh.

Đồng thời, gia đình anh cũng đã đào hố sát trùng tại khu nuôi, rắc vôi bột để phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi cũng như bảo vệ môi trường chăn nuôi. Cũng theo anh Khanh, trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng đều tăng giá, nên giá gà cũng cao hơn khoảng 20% so với ngày thường.

Hiện nay, đàn gia cầm của xã Cẩm Tâm có số lượng hơn 36.800 con, 5 trang trại chăn nuôi, 10 hộ chăn nuôi gà theo chuỗi liên kết. Để việc tái đàn, tăng đàn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán đạt hiệu quả kinh tế cao, UBND xã đã tăng cường tuyên truyền đến người chăn nuôi nâng cao ý thức việc chăm sóc, bảo đảm chất lượng đàn gà thịt; chú trọng công tác phòng chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường chăn nuôi, áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học để đàn gia cầm sinh trưởng và phát triển tốt; đồng thời, phát triển quy mô nuôi để đáp ứng yêu cầu của thị trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Để cung ứng sản phẩm gà chất lượng cao cho thị trường Tết Nguyên đán, chị Lê Thị Phượng, xã Cầu Lộc (Hậu Lộc) đã bắt đầu tái đàn gà với quy mô hơn 2.000 con. Đưa chúng tôi đi thăm đàn gà thả vườn dưới tán cây ăn quả, chị Phượng chia sẻ: Vào dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thịt gà cao hơn ngày thường. Tuy nhiên, những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến phức tạp, sức đề kháng của vật nuôi giảm nên rất dễ phát sinh dịch bệnh. Vì thế, đàn gà giống được chị mua ở địa chỉ uy tín, tiêm phòng đầy đủ trước khi thả nuôi. Ngoài ra, thường xuyên phun tiêu độc, khử trùng khu vực chuồng nuôi và phát quang bụi rậm để phòng, chống dịch bệnh”.

Theo chị, người chăn nuôi nên ưu tiên bảo đảm khẩu phần dinh dưỡng phù hợp, ngoài thức ăn công nghiệp, cần linh hoạt tận dụng sản phẩm và phụ phẩm nông nghiệp sẵn có để giảm chi phí chăn nuôi, không sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, bảo đảm chất lượng sản phẩm khi xuất bán.

Theo đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y: Cuối năm là thời điểm hầu hết các hộ chăn nuôi tổ chức tái đàn, tăng đàn, nên công tác phòng chống dịch bệnh luôn được chú trọng. Đây cũng là thời điểm người chăn nuôi chịu nhiều rủi ro do những tác động bất lợi của thời tiết. Vì vậy, để việc tái đàn, tăng đàn được thuận lợi, cung cấp số lượng lớn thực phẩm phục vụ nhu cầu thị trường dịp Tết Nguyên đán, các địa phương trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Bên cạnh đó, hướng dẫn người chăn nuôi mua con giống ở những địa chỉ có uy tín được cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn sản xuất con giống. Khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân trong việc áp dụng các quy trình chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tạo ra các sản phẩm chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y nhằm bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Hà Nội: Bảo đảm nguồn thực phẩm an toàn

Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chạy theo lợi nhuận dẫn đến tình trạng mất an toàn thực phẩm từ nông sản là thực tế đã và đang diễn ra trên địa bàn thành phố Hà Nội, gây lo lắng cho người tiêu dùng. Do vậy, tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm là yêu cầu đặt ra nhằm góp phần bảo đảm nguồn cung nông sản an toàn cho thị trường Thủ đô dịp cuối năm, hạn chế tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh nông - lâm - thủy sản trên địa bàn.

 

doan-kiem-tra-lien-nganh.jpg
Đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội kiểm tra nguồn gốc mặt hàng thịt lợn tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm). Ảnh: Quỳnh Giang

 

Thời gian gần đây, các vụ nông sản, thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được phát hiện tiếp tục gây lo lắng cho người tiêu dùng. Vụ ngộ độc pate Minh Chay của Công ty TNHH hai thành viên Lối Sống Mới có trụ sở tại huyện Đông Anh cách đây vài tháng là một ví dụ. Mặc dù ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các sở, ngành thành phố tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng nông sản trên thị trường, song do sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp đa phần nhỏ lẻ nên khó kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm. 

Ông Nguyễn Giang Nam, tiểu thương tại chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) cho hay: "Chủ đại lý nói là nhập khoai tây ở các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh… về bán, nhưng khi lực lượng chức năng kiểm tra thì không chứng minh được nguồn gốc và không ghi chép đầy đủ hồ sơ sản phẩm. Chúng tôi bán lẻ, chỉ mong nhập được nông sản có nguồn gốc rõ ràng để kinh doanh ổn định".

Về nguyên nhân chính dẫn đến vi phạm còn nhiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, một bộ phận người sản xuất, kinh doanh nông sản chạy theo lợi nhuận nên đã có hành vi vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm. Qua kiểm tra thực tế, các lỗi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm…

Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 108 cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản, xử phạt 50 tổ chức, cá nhân với số tiền hơn 340 triệu đồng; buộc tiêu hủy 193 tấn ngô giống hết hạn sử dụng có giá trị hàng hóa lên đến hơn 17 tỷ đồng. Cùng với đó, Thanh tra Sở phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường (Công an thành phố) xử phạt 5 tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực giết mổ gia súc vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm với số tiền 36 triệu đồng...

Từ những vấn đề nêu trên, có thể thấy, nguy cơ mất an toàn thực phẩm vẫn còn tiềm ẩn, nhất là trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Tân Sửu.

Từ nay đến cuối năm, hoạt động vận chuyển, kinh doanh nông sản, thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp, đáng lo ngại nhất là mặt hàng thực phẩm tươi sống không rõ nguồn gốc. Do vậy việc tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện vi phạm nhằm bảo đảm nguồn cung thực phẩm an toàn trên thị trường có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Chánh Thanh tra Sở NN& PTNT Hà Nội Phạm Khắc Diến cho biết, nhằm kịp thời phát hiện vi phạm, thời gian tới, các đơn vị chức năng của ngành Nông nghiệp sẽ chuyển hướng hoạt động thanh tra chuyên ngành từ thanh tra theo kế hoạch sang thanh tra đột xuất. Trong đó chú trọng vào những mặt hàng nông sản, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày của người dân; đồng thời kiểm soát chặt chẽ nguồn đầu vào vật tư nông nghiệp để kịp thời phát hiện vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…

Về vấn đề này, Giám đốc Ban Quản lý chợ đầu mối Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) Đào Văn Đô thông tin, trung bình mỗi ngày, chợ tiêu thụ 380-400 tấn nông sản, thực phẩm. Nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, từ nay đến Tết Nguyên đán, Ban Quản lý chợ sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng, tăng cường kiểm tra nguồn gốc nông sản bán tại chợ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Để bảo đảm nguồn nông sản an toàn cho thị trường Thủ đô, theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, cùng với việc phối hợp với các sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố bạn cung ứng thực phẩm sạch cho Hà Nội, ngành Nông nghiệp Thủ đô sẽ tăng cường kiểm tra việc chấp hành quy định về an toàn thực phẩm tại các chợ đầu mối nông sản, cơ sở sản xuất kinh doanh nông - lâm - thủy sản. Trong đó, chú trọng kiểm tra những mặt hàng tươi sống phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Mặt khác, tăng cường kiểm tra, lấy mẫu truy xuất nguồn gốc xuất xứ, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi tiêu cực trong sản xuất, kinh doanh nông sản./.

Thanh Tâm (Tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc
Top