Tôm nõn tăng giá kỷ lục do biển cạn kiệt; nguồn hải sản suy giảm trầm trọng, vậy, có nên cấm biển?
Nghệ An: Tôm nõn tăng giá kỷ lục do biển cạn kiệt
Nếu như cách đây vài tháng, giá tôm nõn dao động từ 600 - 700.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên gần gấp đôi, dao động từ 1,1 - 1,2 triệu đồng/kg.
Tôm nõn là một trong những đặc sản biển nổi tiếng của Nghệ An, được sản xuất nhiều tại các huyện Diễn Châu, Cửa Lò, Quỳnh Lưu. Đây là đặc sản có giá trị cao, được thị trường ưa chuộng, song, việc sản xuất tôm nõn đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Việc sản xuất tôm nõn gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt nguyên liệu. Ảnh: Q.A
Chị Đào Kim Oanh, hộ sản xuất tôm nõn tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu cho biết: Từ 3 tháng nay, việc sản xuất tôm nõn bị đình trệ do thiếu hụt nguyên liệu trầm trọng. Nếu như trước đây, mỗi chuyến biển về, tôi nhập 1,5 - 2 tấn tôm tươi để làm tôm nõn, thì nay chỉ còn 2 - 3 tạ.
Đó cũng là tâm trạng hiện tại của các hộ sản xuất tôm nõn trên địa bàn huyện Diễn Châu. Bà con cho biết, năm nay việc đánh bắt hải sản gặp nhiều khó khăn, lượng tôm tươi ngoài biển ngày càng sụt giảm. Trong tháng 9, 10 vừa qua, xuất hiện nhiều bão nên việc đi biển bị đình trệ, tôm "thiếu lại càng thiếu"
Chị Trần Thị Trúc, một hộ dân khác cho biết: Do lượng đánh bắt sụt giảm, nên không đủ hàng đáp ứng thị trường, hiện tôm tươi về bến đã tăng giá mạnh, tôm bộp từ 110.000 đồng lên 150.000 đồng/kg, tôm he 200.000 lên gần 300.000 đồng/kg. Nếu hộ sản xuất tôm nõn, cần lượng tôm tươi lớn thì chi phí đầu vào rất cao.
Do thiếu nguyên liệu, chi phí đầu vào cao nên, một số hộ không trụ nổi nên tạm ngừng sản xuất. Những cơ sở khác thì hoạt động cầm chừng, cắt giảm 50% lao động thường xuyên.
Trước những khó khăn đó, hiện giá tôm nõn thành phẩm đã tăng kỷ lục. Sản xuất tôm nõn bằng tôm bộp, từ 600.000/kg nay lên đến 1,1 - 1,2 triệu đồng/kg. Tôm he đã chạm ngưỡng trên 2 triệu đồng/kg. Song, loại tôm này rất hiếm được sản xuất tôm nõn vì giá thành cao.
Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng theo dự kiến của bà con vùng biển, thời gian tới khi thời tiết ổn định, tàu thuyền đồng loạt ra khơi trở lại, sản lượng đánh bắt hải sản, trong đó có tôm tươi sẽ tăng lên.
Bình Thuận: Hải sản suy giảm, có nên cấm đánh bắt ?
Mùa cá nam vừa kết thúc, cũng là lúc ngư dân liên tiếp đón các đợt áp thấp nhiệt đới. Một năm được đánh giá không thuận lợi, do thời tiết lẫn ngư trường và cả dịch Covid-19.
Những chuyến biển được mùa đang ngày càng hiếm hoi.
Do áp thấp nhiệt đới trên biển Đông diễn biến hết sức phức tạp, có thể mạnh lên thành bão, nên ngư dân Nguyễn Thanh Bình (phường Phú Hài - TP. Phan Thiết) cùng các thuyền viên đành nằm bờ vài ngày.
Hỏi thăm về vụ cá nam năm nay, anh Bình cho biết: “Có tàu trúng, tàu không, nhưng phải công nhận mỗi năm sản lượng đánh bắt ngày càng giảm.
Nếu những năm trước, từ đầu đến cuối vụ đều có cá để thu hoạch, thì những năm gần đây chỉ được 1 – 2 tháng. Đa số các chuyến biển còn lại huề hoặc lỗ tổn, đã thế còn bị dịch Covid – 19, giá cả không như ý muốn, khiến chúng tôi muốn bỏ nghề”.
Nhớ lại thời điểm đầu vụ cá nam, các tàu hành nghề pha xúc, vây cá cơm chưa có năm nào thất bát đến thế, tàu phải nằm bờ 4 - 5 tháng trời vì biển không có cá. Đến cuối vụ mới thở phào cũng được một ít gọi là “trúng mùa”, gỡ lại những tháng đầu năm.
Theo kinh nghiệm của ngư dân, ngoài vấn đề thời tiết, tình trạng tàu giã cào bay, đánh bắt bằng lưới nhỏ và nghề lưới mùng, dùng thuốc nổ hoạt động thường xuyên, đã làm cho nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt.
Vì vậy, các tàu đánh bắt xa bờ ngày càng ngại ra khơi, chỉ đánh tuyến lộng cho đỡ phí tổn. Nhiều ngư dân có hơn 10 năm bám biển cho biết, nếu lúc trước đi biển 8 tháng cả 8, thì nay chỉ khoảng 3 tháng là có cá, khiến nhiều người phải chuyển nghề.
Chị Nguyễn Thị Kim Tuyền - Giám đốc Công ty TNHH Mười Tuyền, chia sẻ: “Gần 20 năm thu mua hải sản ở Bình Thuận, tôi cảm nhận rõ nguồn lợi thủy hải sản đang bị khai thác quá mức.
Trước năm 2009 – 2010, sản lượng ở biển Bình Thuận rất dồi dào, công ty thu mua liên tục và mở rộng thị trường. Song, vài năm trở lại đây, do thiếu nguyên liệu, buộc phải thành lập chi nhánh thu mua tại nhiều tỉnh như: Khánh Hòa, Quảng Nam, Vũng Tàu… để đủ nguyên liệu cho khách”.
Từ năm 2013, Tỉnh đã cấm tất cả hoạt động khai thác các loài nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, các loại ốc trên biển Bình Thuận từ 1/4 - 31/7 hàng năm.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp cũng triển khai 2 dự án bảo vệ, tái tạo nguồn lợi điệp quạt, sò lông ở một số địa phương. Mặt khác, sự ra đời của Luật Thủy sản 2017, cũng phần nào hạn chế đánh bắt tận diệt, hủy hoại môi trường. Song, để nguồn lợi thủy sản dồi dào như trước, cần giải pháp cứng rắn hơn.
Chị Tuyền chia sẻ thêm: “Tôi từng tham quan ngư trường Thái Lan, ngư dân bị cấm đánh bắt trong vòng 3 tháng (tháng 6 - 9) để các loài sinh vật biển sinh trưởng, phục hồi và trưởng thành. Sau thời gian cấm, ngư dân đánh bắt trở lại sẽ thu được hải sản chất lượng, sản lượng cao hơn, thay vì tận diệt như trước đây.
Nếu Việt Nam cũng thực hiện như vậy, cần tính toán để ngư dân chuyển nghề trong 3 tháng cấm biển. Có như vậy, ngư trường Việt Nam nói chung, Bình Thuận nói riêng sẽ trở lại dồi dào, ngư dân từng bước ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.
Khánh Hoà: Đầu tư 15 tỷ đồng tái sinh san hô tại Nha Trang
Mời tài trợ 100.000 USD, đầu tư gần 15 tỷ đồng, Tập đoàn KDI Holdings đang nỗ lực phục hồi rạn san hô tại vịnh biển Nha Trang, góp phần bảo vệ môi trường.
Dự án phục hồi rạn san hô KDI tại Vịnh Nha Trang.
Nha Trang được ban tặng bờ vịnh tuyệt đẹp, hệ sinh thái quý hiếm, có bãi lặn rộng 36.000m2, quy tụ hơn 1.000 loại san hô rực rỡ. Rạn san hô ở đây không chỉ đa dạng về sinh học, mà còn cung cấp hệ sinh thái quan trọng để phát triển thủy sản, du lịch biển.
Tuy nhiên, do các nguyên nhân khách quan và gián tiếp, các rạn san hô đang bị suy thoái, khó phục hồi. Bởi vậy, từ năm 2015, chính quyền sở tại cùng giới khoa học đã nghiên cứu, tìm ra phương án tái tạo san hô để phục vụ du lịch sinh thái biển.
Cơ duyên đưa Tập đoàn KDI Holdings đến với Nha Trang là dự án đầu tư bất động sản du lịch phức hợp, trải nghiệm văn hóa Vega City Nha Trang.
Được biết, lãnh đạo KDI Holdings đặc biệt quan tâm tới việc bảo vệ hệ sinh thái biển bằng những hành động thiết thực.
Năm 2019, Công ty Cổ phần Vạn San Đảo, thuộc Tập đoàn KDI Holdings được thành lập, hợp tác với Viện Hải dương học Nha Trang, để phục hồi san hô ở Vịnh Nha Trang. Góp phần bảo vệ nguồn sinh vật biển tự nhiên ở Bãi Tiên, khóm Đường Đệ, phường Vĩnh Hòa, T.p Nha Trang.
KDI Holdings đã thành công trong việc, mời tài trợ cho dự án tái sinh san hô Vịnh Nha Trang với khoản tài chính 100.000 USD. Riêng Công ty Vạn San Đảo gần 15 tỷ đồng vào dự án.
Tổng Giám đốc Tập đoàn KDI Holdings Đỗ Tuấn Anh, chia sẻ, Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi rất lớn từ rừng núi đến biển xanh, đó là tài nguyên quý báu, con cháu nhiều đời được tận hưởng.
Những rạn san hô đẹp là một đặc ân của biển cả. Song, những nguy cơ khiến mối lo ngại về món quà trời phú đó, một ngày không còn nữa đang hiện hữu rõ ràng. Dưới góc độ nhà đầu tư, và sức lực của mình, KDI mong muốn góp phần vào nỗ lực bảo tồn môi trường chung.
Sau khi nghiên cứu, thăm dò, KDI đã lựa chọn tái tạo san hô tại Bãi Tiên - một trong những dải san hô đẹp nhất Vịnh Nha Trang, vùng biển hoang sơ, nhiều tiềm năng, nhưng hệ sinh thái san hô đang bị suy giảm.
Kế hoạch triển khai việc tái tạo được thực hiện tỉ mỉ từng chi tiết, nâng niu từng nhánh san hô bằng cả trái tim trân trọng với biển cả. Khu vực phục hồi giai đoạn đầu khoảng 2ha, trong đó vườn ươm nuôi san hô khoảng 5.000 m2.
Các cá thể san hô phát triển tốt từ vườn ươm, sẽ được di chuyển phục hồi trên nền đáy tự nhiên, có diện tích khoảng 15.000m2.
Ngoài phương án phục hồi rạn san hô, các chuyên gia cũng đã đưa ra giải pháp lắp đặt các rạn nhân tạo, tạo cảnh quan đa dạng trên nền đáy biển, thu hút thủy sinh vật tập trung với mật độ cao, nhằm tái tạo, phục hồi hệ sinh thái biển.
Đây là giải pháp đã được triển khai thành công tại Khánh Hòa, các tỉnh thành khác và trên thế giới.
Dự án còn xây dựng các giải pháp nâng cao nhận thức, thu hút sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên biển và tạo thêm công ăn việc làm cho người dân trong khu vực.
Các nhà điều hành Vạn San Đảo cam kết, vị trí khu vực thực hiện dự án không có dân cư sinh sống, trong quá trình lặn, thả giống, giá thể để nuôi cấy san hô, chỉ có các nhân viên của công ty với số lượng 5 người, không xây dựng công trình kiên cố nên ảnh hưởng về không khí, nước thải, khí thải không đáng kể.
Tiến sĩ Hoàng Xuân Bền - Phó Viện trưởng Viện Hải dương học Nha Trang chia sẻ: “Việc phục hồi san hô rất tốn kém, cần đòi hỏi thời gian dài, chứ không thể làm một sớm một chiều được, đặc biệt khi khu vực Bãi Tiên đã bị tàn phá, suy thoái nhiều”.
Vạn San Đảo cùng dự án phục hồi và tái sinh san hô nêu trên, chính là cách mà người đứng đầu Tập đoàn KDI Holdings - Chủ tịch Kiều Hữu Dũng truyền tải thông điệp: “Không né tránh mà luôn chủ động tìm giải pháp tốt nhất cho môi trường ở mỗi vùng đất đặt dấu chân Tập đoàn KDI Holdings”.
Ngành công nghiệp và kỹ thuật số đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), các dự án hạ tầng quy mô lớn và môi trường pháp lý thuận lợi. Sự chuyển đổi sang hướng sản xuất giá trị gia tăng cao, cùng với khả năng logistics và trung tâm dữ liệu mở rộng, đang nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nuôi dưỡng sắc đẹp không nhất thiết phải áp dụng những phương pháp cầu kỳ, tốn kém nhiều thời gian và chi phí. Bổ sung dưỡng chất từ sữa đậu nành tiện lợi là phương pháp làm đẹp được nhiều phụ nữ hiện đại lựa chọn, không chỉ giúp đơn giản hóa quá trình chăm sóc sắc đẹp mà còn xây dựng nền tảng sức khỏe vững chắc.
Trên trục đường dài 1,5km, rộng 150m, chạy theo kênh Vua Lê tại đại đô thị nghỉ dưỡng Sun Urban City, không lâu nữa, Sun Group sẽ “gọi dậy” những câu chuyện văn hóa tự hào của vùng đất Hà Nam để “làm đẹp” và gìn giữ những di sản vô giá bằng khát vọng của một thế hệ đương đại: đưa văn hóa dân tộc vào đời sống, để tôn vinh và bảo tồn…
Thông qua tọa đàm “Ô nhiễm không khí và giao thông: Cơ hội và thách thức cho Việt Nam và thế giới” trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2024, sẽ diễn ra ngày 5/12 tới, những phát hiện mới cùng những kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm tại các thành phố lớn được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ hứa hẹn sẽ giúp Việt Nam xây dựng chiến lược hiệu quả hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí đô thị.